Những góc nhìn Văn hoá

Trần Đức Thảo và cuốn TÌM CỘI NGUỒN CỦA NGÔN NGỮ VÀ Ý THỨC

 Nếu hỏi một bạn đọc Trần Đức Thảo là ai, hẳn anh ta lập tức nói là một trong những nhà triết học của Việt Nam và (với đôi chút ngần ngừ) của cả thế giới nữa. Nếu hỏi tiếp ông ta đã viết những gì, và nhất là viết như thế nào, anh ta sẽ rất lúng túng, nhưng lại có thể kể ra được một loạt giai- huyền thoại xung quanh tác phẩm của ông. Có tình trạng đó là vì, một phần đa số tác phẩm của Trần Đức Thảo viết bằng tiếng Pháp, phần khác độc giả ta thường vẫn tự bằng lòng với những hiểu biết đại khái của mình. Trình độ học thuật hiện nay không còn cho phép bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, làm việc với những hiểu biết truyền khẩu mà còn phải đọc tư liệu gốc. Hơn nữa, trong việc kiểm kê di sản để tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc hôm nay, nhất là di sản triết học, tôi nghĩ không thể bỏ qua những trang viết của Trần Đức Thảo được. Một di sản muốn có tác dụng phải phục sinh nó vào đời sống đương đại. Bởi vậy, tôi cho rằng việc dịch cuốn Recherches sur l’origine du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức), tác phẩm quan trọng nhất của ông, là một việc làm rất có ý nghĩa.

 Trần Đức Thảo sinh ngày 26-09-1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình viên chức nhỏ. Năm 1935, sau khi đỗ tú tài vào loại xuất sắc, ông theo học trường Luật tại Hà Nội. Năm 1936, ông sang Pháp học để chuẩn bị thi vào Ecole Normale Supérieure de la Rue d’Ulm (Trường Đại học sư phạm phố d’Ulm). Đây là một trong những trường nổi tiếng của Pháp, chỉ tuyển dụng những người xuất sắc nhất của đất nước. Có thể nói, đó là một thứ “siêu đại học”. Bởi vậy nhiều học giả, nhà nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp trường này, đã có học vị tiến sĩ, nhưng khi viết sách vẫn không quên chua thêm vào là “cựu sinh viên” của trường Đại học Sư phạm. Năm 1939, Trần Đức Thảo thi vào trường đỗ cao, và đến năm 1943 tốt nghiệp thủ khoa, nhận được học vị thạc sĩ với luận án La méthode phénoménologique chez Husserl (Phương pháp hiện tượng luận ở Husserl) Bấy giờ một số tờ báo ở Pháp và ở Đông Dương coi đây là một sự kiện đặc biệt, biểu hiện của một tài năng thiên phú. Sau đó, Trần Đức Thảo đăng kí làm luận án tiến sĩ về hiện tượng luận Husserl.

 Nhưng chiến tranh thế giới II tràn vào Pháp và cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam. Trần Đức Thảo tích cực tham gia vào những hoạt động yêu nước ở Pháp và hướng lòng về Việt Nam. Bấy giờ, hiện tượng luận, trong việc xử lý mối quan hệ giữa hiện tượng và bản thể, đã chia thành hai nhánh. Một chú trọng hơn đến hiện tượng, cái nghiệm sinh, coi hiện tượng là có trước và tạo ra bản chất. Hai coi bản chất là cái có trước, và hiện tượng chỉ là sự hiện thực hoá nó. Nhánh trước dẫn đến chủ nghĩa hiện sinh. Nhánh sau dẫn đến chủ nghĩa Marx. Nhiều trí thức Pháp với tinh thần cá nhân đi theo con đường thứ nhất. Trần Đức Thảo, với tư cách là người Việt Nam, không thể tách cá nhân mình ra khỏi vận mệnh dân tộc, đã chọn con đường thứ hai: chuyển từ hiện tượng luận sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Thế là xảy ra cuộc tranh luận nổi tiếng giữa nhà triết học Việt Nam với nhà văn, triết gia hiện sinh Pháp J.P.Sartre. Và tháng 8 năm 1961, Trần Đức Thảo cho in cuốn Phénoménologie et matérialisme dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng) ở nhà in Minh Tân tại Paris. Sau đó ông trở về tổ quốc theo đường dây Paris - London - Praha - Moscou - Bắc Kinh - Tân Trào, bỏ lại sau lưng cuộc sống sung sướng ở Paris và một tương lai học thuật rạng rỡ.

 Ở chiến khu Việt Bắc, Trần Đức Thảo trở thành khách mời của Bộ giáo dục, đi điều tra nhiều cơ sở trường học và chuẩn bị xây dựng nền giáo dục mới. Ông là Ủy viên ban Văn Sử Địa, tiền thân của Trung Tâm Khoa Học Xã hội và Nhân văn Quốc gia hiện nay. Sau hoà bình, ông là Phó giám đốc trường Đại học Sư phạm Văn khoa, rồi chủ nhiệm khoa Sử, giáo sư Lịch sử triết học, của đại học Tổng hợp Hà nội. Từ năm 1958, sau vụ “Nhân văn giai phẩm”, ông chuyên nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin và trở thành chuyên viên của NXB Sự thật, nay là NXB Chính trị Quốc gia.

 Tuy ở Việt nam trong hoàn cảnh thông tin thiếu, Trần Đức Thảo vẫn tiếp tục đọc sách báo, trao đổi học thuật với các học giả Pháp. Đặc biệt, ông vẫn tiếp tục nghiền ngẫm cái điều mà ông đã tự đặt ra cho mình được viết trong Lời mở đầu của cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng năm 1951: tìm trong chủ nghĩa Marx “cách xử lý khả thủ duy nhất những vấn đề do hiện tượng luận đặt ra”. Những tìm kiếm của ông được đăng dần trên tạp chí La Pensée (Tư tưởng) từ năm 1966 đến 1970, và năm 1973 được Editions Sociales (Xuất bản xã hội) in dưới tiêu đề Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Sau khi sách ra đời đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu, và được in ở Mỹ năm 1981.

 Sau đại hội VI, Trần Đức Thảo cho ra đời cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” (NXB TP Hồ Chí Minh, 1988). Năm 1992, Trần Đức Thảo được sang Pháp chữa bệnh và lấy thêm tư liệu để viết công trình La logicque du présent vivant (Logic của cái hiện tại sống động). Nhưng tiếc thay, cuốn sách chưa hoàn thành thì ông ngã bệnh và qua đời ở Paris ngày 19-04-1993. Di hài Trần Đức Thảo được đưa về Hànội và chôn ở nghĩa trang Văn Điển. Có thể nói, cái chết của Trần Đức Thảo đã thức dậy ở độc giả Việt Nam ham muốn tìm hiểu tác phẩm của ông. Việc xuất bản các bài giảng của ông dưới tiêu đề Lịch sử tư tưởng trước Mác (NXB Khoa học xã hội, 1995) là một bằng chứng. Việc có người dầy công nghiền ngẫm và dịch cuốn Tìm hiểu cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức là một bằng chứng khác.

 Con người sở dĩ thành người chính là ở chỗ nó có ý thức. Ví dụ nổi tiếng của Marx về sự khác nhau giữa một con ong khéo léo nhất với một kiến trúc sư tồi nhất đã nói lên điều đó. Nhưng ý thức bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ; đó là niềm băn khoăn lớn của nhân loại và cũng là câu hỏi mà Trần Đức Thảo muốn trả lời bằng cuốn Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Có hai con đường để nghiên cứu hồi cố sự phất sinh của ý thức:

 1- Nghiên cứu qua cử chỉ và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

2- Qua những tư liệu về người tiền sử. Hai phương pháp này bổ trợ cho nhau rất tốt, và cũng tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà lấy một trong hai cái làm chủ đạo. Có thể làm được như vậy là vì sự phát sinh tộc loại luôn luôn lặp lại trong sự phát sinh cá thể. Chính định đề này là sợi chỉ vừa xuyên suốt vừa bện kết ba nghiên cứu như riêng Trần Đức Thảo thành một cuốn sách hoàn chỉnh.

 Nghiên cứu thứ nhất có tiêu đề Hành động chỉ dẫn như là hình thức gốc của ý thức khảo về dấu hiệu đầu tiên nhờ đó mà con người vượt qua con khỉ. Đó là việc người nguyên thuỷ đi săn thì bao giờ cũng nhằm vào con yếu nhất trong bầy thú và chỉ cho người khác. Đầu tiên chỉ người khác rồi mới chỉ đến con thú, cử chỉ vòng cung. Cứ như thế, đoàn người ra dấu cho nhau. Nhưng người chạy sau cùng thì không còn người khác nữa nên chỉ vào mình và chỉ vào con vật. Dần dần, từ chỉ vòng cung đến chỉ thẳng đến con vật kèm theo tiếng nói… Như vậy, ý thức đầu tiên là ý thức về đối tượng và bản thân, và sự phân tích của Trần Đức Thảo soi sáng cho câu của Marx: “Ý thức là một sản phẩm xã hội nhất thời”. Cuối cùng, ông đi đến kết luận: Ngôn ngữ là ý thức thực (Marx) bởi vậy thời điểm gốc của ý thức là ngôn ngữ cử chỉ và lời nói mà chủ thể hướng vào chính nó sau khi đã hướng vào người khác.

 Ngôn ngữ hỗn hợp là nghiên cứu thứ hai của cuốn sách, tìm hiểu sự sinh thành của ý thức qua những biểu thị ngôn ngữ gắn với sự phát triển của công cụ người. Con khỉ chỉ biết dùng cơ quan tự nhiên của nó để sử dụng một dụng cụ, còn con người thì dần dà biết dùng dụng cụ để chế tác ra công cụ, như việc dùng một hòn đá để ghè một hòn đá khác thành rìu. Muốn đẽo được thành rìu thì ít nhất trong óc nó phải có hình ảnh của một đối tượng vắng mặt và một ngôn ngữ biểu thị cái đối tượng vắng mặt đó. Dựa theo những dữ kiện mà các giai đoạn sản xuất tiền sử cung cấp, cũng như ở tâm lý học trẻ em, Trần Đức Thảo đã phân tích rất tỉ mỉ sự hình thành ý thức ở homo faber (người chế tác).

 Nghiên cứu thứ ba về Những nguồn gốc của khủng hoảng Ơđíp. Xuất phát từ sơ đồ của Freud, nhưng Trần Đức Thảo không cho rằng Ơđíp là một nguyên bản có nguồn gốc từ quan hệ của trẻ em với cha mẹ và cần thiết cho sự phát triển cái tôi của nó, mà là một dư sinh của những giai đoạn nhất định trong sự phát sinh loài. Thực ra, trong Vật tổ và cấm kị, Freud cũng đã cho ơđíp có một nguồn gốc lịch sử, nhưng Trần Đức Thảo phê phán ông là không đúng khi đồng nhất xã hội người với bầy động vật. Nhà triết học giải thích mặt cảm Ơđíp bằng bi kịch sinh học của người đàn bà. Thời đá cũ sơ kì sản phụ tử vong rất nhiều vì xương chậu chưa kịp phát triển thích hợp khi con người đứng thẳng. Do nạn khan hiếm phụ nữ nên lớp thanh niên phải nhịn sinh lý đối với những người phụ nữ cùng lớp tuổi của mình cho đến năm ba mươi tuổi để lấy lớp con cái họ mới mười bốn mười lăm tuổi. Bởi vậy ham muốn tình dục của một cậu con trai không phải với chính mẹ đẻ của mình, mà với mẹ vợ mà giờ đều gọi tên chung là “mẹ”. Như vậy, ham muốn này chỉ là loạn luân từ góc độ ngữ nghĩa học. Cũng từ luận điểm cơ bản này, tác giả giải thích mặc cảm Ơđíp ở bé gái và những mặc cảm khác như mặc cảm thiến hoạn… tất cả đều bằng lao động xã hội.

 Tóm lại, cả ba nghiên cứu đều khẳng định nguồn gốc của ý thức do ngôn ngữ và lao động xã hội, khước từ một bản chất người phi lịch sử, khước từ một Ơđíp kiểu Freud. Người ta thấy, qua tác phẩm này, Trần Đức Thảo lại làm một bước chuyển nữa: từ chủ nghĩa duy vật biện chứng đến chủ nghĩa duy vật lịch sử.

 Như vậy, hành trình triết học của Trần Đức Thảo đi từ hiện tượng luận của Husserl đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, rồi lại từ chủ nghĩa duy vật biện chứng đến chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đấy cũng là con đường của một số trí thức lớn của Pháp, nhưng về sau họ đều “xét lại” tín điều của mình như E. Morin, R. Aron… Duy Trần Đức Thảo vẫn trung thành với nó đến hơi thở cuối cùng. Ông là một nhà triết học trung kiên của chủ nghĩa Mac-Lenine. Sau khi cuốn Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức của ông ra đời, vì có sử dụng sơ đồ của Freud, nên ông rất ngại bị hiểu lầm là thuộc phái những người chủ trương kết hợp Marx với Freud, một xu hướng triết học - tâm phân học lớn ở Tây phương với những tên tuổi như E. Fromm (La Peur de la liberté, 1941, L’Art d’aimer, 1954), H. Marcuse (Eros et civilisation, 1995, l’Homme unidimentionel, 1964)… Ông đã viết báo cáo để khẳng định lại vấn đề này. Cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” được viết ra để phản bác lại L. Althusser, nhà triết học Pháp muốn kết hợp Marx với cấu trúc luận. Trần Đức Thảo muốn bảo vệ sự thuần nhất của triết học Mác-Lenine.

 Tuy không phải là một triết gia (người sáng lập những triết thuyết, mà chỉ là một nhà triết học (người nghiên cứu, giảng dạy triết học) nhưng Trần Đức Thảo là một người suốt đời bận tâm triết học. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn về vật chất hoặc tinh thần, không làm ông thôi suy tư về nó. Điều đáng quý hơn nữa là ông luôn có ý thức không để mình lạc hậu so với trình độ tri thức chung của thế giới. Vì thế, người ta thấy ông lúc nào cũng đọc, đọc rất nhiều từ dân tộc học, nhân học tiền sử, đến tâm lý học trẻ em, tâm phân học… Nhưng có ý thức là một chuyện, còn kịp thế giới lại là một chuyện khác, bởi phụ thuộc vào phẩm cách cá nhân một phần, phần khác vào môi trường thông tin. Bởi vậy, ngày nay đọc sách của Trần Đức Thảo, bạn đọc có thể thấy đây đó một số tư tưởng đã cũ, một số những kết luận đã bị tư liệu mới vượt qua, hoặc những lập luận tuy nhất quán nhưng còn đơn tuyến cứng nhắc… Đó cũng là điều dễ hiểu, hẳn vì không ai có thể toàn bích, không ai chống lại được thời gian. Nhưng đóng góp lâu dài của Trần Đức Thảo cho học thuật Việt Nam là một tư duy triết học thuần khiết. Điều này trước hết thể hiện ở một năng lực tư biện cao (điều hiếm ở Việt Nam) sau đó là khả năng biết đặt và giải quyết những vấn đề cơ bản của khoa học, phương pháp nghiên cứu liên ngành… Hình như tất cả những ưu điểm trên đều hội tụ trong Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức.

                                                          

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528579

Hôm nay

2235

Hôm qua

2291

Tuần này

2852

Tháng này

215275

Tháng qua

0

Tất cả

114528579