Những góc nhìn Văn hoá

Một sự thật về câu chuyện Cá gỗ và ông đồ Nghệ

Lâu nay, cứ mỗi khi nói đến "cá gỗ" là người ta liên tưởng ngay đến ông đồ xứ Nghệ, chuyên đi khắp tứ xứ (tứ chiếng Đông Nam Đoài Bắc, chủ yếu là ra Bắc) hành nghề gõ đầu trẻ. Gia sản ông đem theo trên đường hành nghề dạy học nổi bật và đáng giá chỉ có con cá gỗ.

Bản kể của tác giả Ninh Viết Giao (1) cho biết: "Một thầy đồ Nghệ lên đường ra Bắc tìm nơi dạy học. Lên đường thầy mang theo con cá gỗ. Thầy đã mất công nhiều ngày đêm để tạc con cá gỗ y như cá thật. Thầy chỉ giắt trong lưng quần quan tiền để đi đường uống nước. Đến buổi ăn, thầy vào quán bên đàng để ngồi nhờ xin bà hàng chút nước mắm để ăn cơm nắm. Thầy tìm chỗ khuất, ngồi ăn. Cá gỗ được chạm vẽ tinh vi, lại phết qua lớp sơn mỏng, bỏ vào bát nước mắm, ai trông thấy, óng ánh như cá rán mỡ: đẹp mắt và ngon miệng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi, thầy lấy con cá chùi sạch cẩn thận, gói giấy lại, bỏ vào túi, rồi xin chút nước tráng miệng. Đến giờ ăn khác, thầy lại vào hàng, nói với nhà hàng để lại cho bát gạo và thổi hộ niêu cơm. Cơm chín, cá gỗ lại được bày ra và thầy lại xin chút nước mắm. Cứ thế, cho đến nơi dạy học. Cuối năm, khi về nhà, “cá gỗ” vẫn nguyên cá, và quan tiền dắt theo vẫn “nguyên quan” vì có ai nỡ lấy tiền thầy, khi thầy xin chút nước tráng miệng".

 

1. Cùng tên truyện là Cá gỗ như trên, song, các bản kể:

Tiếng cười dân gian Việt Nam, Trương Chính, Phong Châu, H, Nxb KHXH, 1979. in lần thứ hai - 1986, in lần thứ ba - 1993.

Truyện cười dân gian Việt Nam, Minh Tâm, Nguyễn Xuân Kính, Tăng Kim Ngân, H, Nxb Văn học, 1985, tập 1. Tái bản lần thứ 3, 2000.

Truyện tiếu lâm Việt Nam,/ Vũ Ngọc Khánh, H, Nxb VHTT, 1995.

Kho tàng truyện trạng Việt Nam, Thạch Phương, Nguyễn Chí Bền, Mai Hương, H, Nxb KHXH, 1995, tập 1.

Tiếu lâm Việt Nam chọn lọc, Kinh Bắc (tuyển chọn), Nxb Văn học, 1998, tập 1.

Truyện tiếu lâm chọn lọc - Thổ công bị lột da, Hoàng Oanh, Nxb Thanh Hóa, 2000.

Truyện cười Việt Nam chọn lọc, Trần Mạnh Thường (tuyển chọn), Nxb Hải Phòng, 2001, tập 2, tập 3.

Truyện cười chọn lọc - Kẻ ngốc nghếch, Quế Chi, H, Nxb Thanh Niên, 2001.

Và bản kể Tiếu lâm Việt Nam, Tam Tam (Sưu tầm, tuyển chọn),Nxb Đồng Nai, 1999, ghi tên truyện là Cho khát nước chết luôn, lại cho nội dung khác: "Một anh nhà giàu hà tiện vắt cổ chày ra nước, bữa cơm không dám mua thức ăn. Anh ta treo một con cá gỗ lơ lửng giữa nhà, dặn các con khi ăn cơm thì nhìn lên cá gỗ, chép miệng một cái rồi hãy và, thế cũng coi như được ăn cơm với cá rồi. Đứa con út mới lên bốn tuổi háu ăn, nhìn lên con cá gỗ, chép miệng luôn mấy cái rồi mới và cơm. Thằng anh lên sáu trông thấy liền mách bố:

- Thằng này nó chép miệng mấy cái liền mới và cơm đấy bố ạ!

Anh ta mắng:

- Cứ để cho nó ăn mặn cho khát nước chết".                                                                     

2. Văn bản sớm nhất chúng tôi thấy ghi chép chuyện này là bản kể với tên gọi  Cá rô cây của tác giả Trương Vĩnh Ký (2). Nội dung truyện cho hay:

"Nghệ An là tỉnh rộng lớn đàng đất, lại đông dân sự hơn các tỉnh và cả nước An Nam. Người xứ ấy hay co ro còm ròm cần kiệm quá. Người ta thường hay nói người Nghệ đi ra Bắc hay giắt lưng một con cá rô bằng cây khéo lắm. Hễ tới quán thì chỉ xin mua ít trự cơm ăn mà thôi. Quán hỏi có mua đồ ăn, thịt đông, chả giò, nước mắm chi không? thì nói không, xin một chút xíu nước mắm dằm cá mà thôi. Bỏ cá cây vô đĩa lật qua lật lại, húp cho mặn miệng mà trơn cơm ba miếng. Làm lận làm vậy cho khỏi tốn tiền đồ ăn. Ăn rồi giắt cá vào lưng phủi đít ra đi".

Nội dung bản kể này còn xuất hiện trong các cuốn:

Chuyện cười cổ nhân, Vương Hồng Sển, S, Việt Hương xb, 1971.

Kho tàng truyện cười Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh,H, Nxb VHTT, 1995, tập 1.

Truyện cười Việt Nam chọn lọc, Trần Mạnh Thường (tuyển chọn), Nxb Hải Phòng, 2001, tập 1.

3. Với tên truyện Con đừng thèm nói (bản kể Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, Phạm Trường Tam, H, Nxb Thanh Niên) và tên truyện Hà tiện (các bản kể: Chuyện tiếu lâm, Phụng Hoàng Sang, S, Nhà in Xưa nay, 1930, in lần thứ 5; Chuyện cười cổ nhân, Vương Hồng Sển, S, Việt Hương xb, 1971; Đặt lờ trên cây, Nguyễn Hữu ái (sưu tầm),Văn nghệ Châu Đốc xuất bản, 1992; Truyện tiếu lâm Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh, H, Nxb VHTT, 1995) có nội dung khác như sau:
"Người hà tiện kia có hai đứa con trai nhỏ. Và nói chuyện với con rằng: “Đời xưa Tào Tháo đi đánh giặc tháng nắng, binh kéo ngang qua núi, nhằm đồng khô cỏ cháy không có khe suối chi, quan quân khát nước gần chết, Tào Tháo lập trí, chỉ cụm xanh xanh đàng trước mà nói rằng: Cha chả là me! đi tới cho mau hái me ăn giải khát. Quân gia nghe nói me, đều thèm chua chảy nước miếng, đở khát đặng một hồi. Nay nhà mình nghèo cũng nên bắt chước tích xưa: mỗi bữa ăn cơm đem con mắm mòi treo bên vách, và một miếng cơm, ngó nó một cái mà nuốt, là thấy cũng như ăn.
Hai đứa con nghe lời, tới buổi ngồi lại ăn cơm, thằng con trai 7 tuổi nó thèm con mắm mòi lắm, thấy đó mà khó ăn, nên nó ngó hai ba lần mới nuốt một miếng. Thằng em nó thấy vậy kêu cha mà mét rằng: “Coi kìa, anh hai ảnh ăn có một miếng, mà ảnh ngó tới hai lần!”. Thằng chã nói: “Đừng thèm nói con! để mặn chết cha nó cho bỏ ghét!”.
4. Bản kể với tên truyện Để cho nó uống nước (Truyện tiếu lâm Việt Nam chọn lọc, Thi Long, Nxb Đà Nẵng, 2001) lại có nội dung là:
"Có một anh nọ tính tình rất hà tiện, chẳng bao giờ chịu mua thức ăn cho con, bữa nào cũng cho nó ăn cơm với muối sống chứ không được muối rang nữa. Ông bảo rằng thức ăn chỉ là phụ, nó chỉ dùng để đưa cơm qua khỏi cổ thôi, chứ cơm mới quan trọng, không có cơm thì chết còn không có đồ ăn cũng chẳng sao. Thấy ăn muối mua cũng tốn tiền ông nghĩ ra một cách tự mình đẽo hình một con cá mòi, cứ mỗi bữa ăn treo lên trước mắt cứ nhìn vào đó mà và cơm. Ông bảo:
- Và một miếng cơm thì chỉ được nhìn một lần thôi, đứa nào nhìn hai lần thức ăn mặn. Thế là từ đó, mỗi lần ăn cơm cả nhà chỉ việc nhìn vào con cá gỗ rồi đưa cơm khỏi tốn tiền mua muối. Một hôm trong một bữa ăn, thằng út chỉ và có một miếng cơm mà lại liếc nhìn con cá mấy lần, thằng anh bắt được mách bố:
- Bố trông kìa thằng út ăn mặn, nhìn ba lần luôn.
Ông bố bảo: “Nó ăn mặn, cho nó uống nước thình ruột”
Với 20 bản kể khác nhau như đã trình bày, chúng tôi thấy rằng, nhân vật ông đồ Nghệ chỉ xuất hiện duy nhất tại bản kể của tác giả Ninh Viết Giao.
Có 4 bản kể khác xuất hiện ở mục 2 chỉ ra nguồn gốc của nhân vật người Nghệ ra Bắc nhưng không có chi tiết nào nói người Nghệ đó làm nghề dạy học - tức là không phải ông đồ.
15 bản kể còn lại bắt đầu giới thiệu nhân vật là:
 - Một anh nhà giàu hà tiện vắt cổ chày ra nước....
- Người hà tiện kia...
 - Có một anh nọ tính tình rất hà tiện...
Trên cơ sở khảo sát văn bản truyện cười dân gian Việt Nam, chúng tôi thấy rằng nhân vật đáng cười trong loại truyện nêu trên thuộc nhân vật keo kiệt bủn xỉn, hà tặm hà tiện, tiết kiệm quá đáng dẫn đến tình huống gây cười ở dạng châm biếm thói keo kiệt. Mô típ người keo kiệt ở trong truyện là nhân vật keo kiệt qua sinh hoạt ăn uống, gắn với sự sống mỗi ngày của bản thân và của thế hệ do chính ông ta dứt ruột đẻ ra.
Thông thường, theo tư duy phổ quát của xã hội, nước mắt chảy xuôi, cha mẹ nào cũng thương yêu và chăm sóc các con, nuôi nấng các con cho nên người. Cha mẹ nhường cơm sẻ áo, ăn dè, nhịn đói nhịn khát để dành miếng ngon cho các con. Nhưng, với loại người keo kiệt như nhân vật anh chàng nọ, dù ngay cả trong tư cách người cha, thói bủn xỉn tiết kiệm vẫn luôn bộc lộ một cách có chủ ý mà vẫn hồn nhiên, tự nhiên, tất yếu.
Trong nội dung văn bản, chúng tôi không thấy nhân vật đáng cười này sùng bái đồng tiền, dù rằng anh ta vẫn có tiền (giắt lưng quần quan tiền). Có điều, để tiết kiệm triệt để việc chi tiêu, anh ta chỉ dùng tiền để mua cơm - chứ không mua thức ăn. Thậm chí khi đã ăn hết nắm cơm mang theo thì anh chàng kia mới mua gạo, rồi "nhờ" nhà hàng nấu hộ cơm.
Cùng mô típ kẻ keo kiệt trong truyện cười dân gian Việt Nam, chúng tôi còn thấy thói keo xỉn được thể hiện qua các hành động khác như:
- Tiếc tiền để cứu mạng sống của chính mình. Khi bị ngã xuống sông còn mặc cả ít nhiều dẫn đến thiệt mạng (truyện Ba quan đắt quá, thà chết còn hơn).
- Đến khi chết vẫn muốn kiếm lợi qua cái chết của mình, bất chấp thuần phong mỹ tục (truyện Con nói hợp ý ta)
 - Tiếc của, không mời cơm đãi khách đến chơi nhà.
- Dặn con khi đi săn cọp thì chỉ bắn vào chân để da cọp khỏi bị rách (truyện Tiếc tấm da cọp), mà không cần tính đến hậu quả con mình có thể bị cọp vồ chết.
- Lấy làm sung sướng hoan hỉ vì chân bị chảy máu, may quá không đi giày, không thì giày đã bị sứt rồi (truyện May không đi giày).
- Không muốn bày biện đủ lễ vật trong đám cúng nên thày cúng đến nhà cầu cúng không linh nghiệm (truyện Thỉnh sao được)
 - .v.v...
 Như thế là thói keo kiệt được truyện cười dân gian phản ánh qua nhiều lăng kính, qua nhiều cảnh huống gây cười, gắn với nhân vật keo kiệt chứ không chỉ qua tình huống là ông đồ Nghệ đi dạy học.
ở đây, câu chuyện Cá gỗ, chỉ xuất hiện ở văn bản do tác giả Ninh Viết Giao sưu tầm, biên soạn, không thể đại diện cho toàn bộ các ông đồ Nghệ, tức là mở rộng ra toàn thể dân Nghệ An, Hà Tĩnh được. Chúng ta đều biết, tác giả Ninh Viết Giao quê gốc Thanh Hóa, ông là chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian xứ Nghệ (Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, quê gốc Nghệ nhưng ngược lại, là chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian xứ Thanh) khẳng định: "Từ lâu, bà con ta gác trên vai ông đồ ở cái đất mà theo các nhà viết phong thổ ký, thiên nhiên có bề bạc bẽo và da diết với con người, câu chuyện "cá gỗ"... Tiếng "cá gỗ" bắt nguồn từ câu chuyện cụ thể đó - chuyện bịa - nhưng nó đã trở thành một truyện cười để châm biếm những con người keo kiệt và bủn xỉn" (Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb Từ điển bách khoa, H, 2002).
Các văn bản còn lại không đại diện cho ông đồ Nghệ mà chỉ chung chung những kẻ keo kiệt mà thôi.
Trên cơ sở văn bản đã nêu, chúng tôi muốn nêu rõ mệnh đề: Cá gỗ là câu chuyện tiêu biểu cho mô típ truyện về kẻ keo kiệt bủn xỉn, tiết kiệm trong ăn uống, chứ không chỉ đơn thuần, và chỉ là câu chuyện gắn/gán cho ông đồ xứ Nghệ.
Đương nhiên, chúng ta cũng nên xét quy luật truyền lan văn hóa dân gian, có thể ban đầu chỉ là câu chuyện đơn lẻ, song, qua quá trình phát tán, lây lan văn hóa, người Nghệ đã tự nhận bóng dáng mình trong câu chuyện vui cười đó quả có phần đậm đà hơn các vùng miền khác thì dân gian cũng đành chấp nhận cười vui. Thế thôi!!!
Nhân đây cũng trình bày cho thêm phần khách quan rằng, cái vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt ở xứ Nghệ, đến nay vẫn còn món cá gỗ là đặc sản địa phương. Dĩ nhiên, cá gỗ đó không xuất hiện trong toàn bộ vùng địa - văn hóa - sinh thái xứ Nghệ mà chỉ có ở vùng biển cửa Hội, Nghi Hải. Cá gỗ được người địa phương gọi là món Cá luộc (3), tức là cá tươi đánh từ biển lên, luộc bằng nước biển (làm chín cá bằng nước) rồi phơi khô dưới nắng cho tới lúc cả con cá (hoặc miếng cá) khô đanh, cứng, săn chắc lại như miếng cá bằng gỗ - tức là cá rô cây (cá đẽo bằng/từ cây - như cách nói của Trương Vĩnh Ký từ thế kỷ XIX). Sản phẩm này có thể cất trữ dùng lâu dài, nhất là trong thời kỳ giá rét, biển động, thất bát mùa cá.v.v... Người dân bảo quản bằng cách dùng những chiếc vại to, dưới đáy vại lót lớp lá thầu đâu (tiếng phổ thông gọi là lá xoan, lá sầu đông), sau đó cho cá được bọc lót lên, trên miệng nắp vại cũng được người Nghệ trải lớp lá thầu đâu lần nữa để tránh ẩm mốc.
Điều kỳ lạ là những con cá luộc đó, quả thực, như cá gỗ - vì sự rắn chắc, săn bền của các cơ thịt cá đã trải qua mặn, nóng, nắng hun đúc và thời gian "chờ đợi" cơ hội được đem ra tiêu dùng. Muốn ăn được món này, người ta dùng tay xé từng sợi thịt cá mà nhai với cơm (không cần chấm nước mắm!!!) hoặc chặt khúc đầu, mẩu đuôi, nấu lên thành thức canh ngọt, ngon tuyệt. Ưu điểm nổi trội của món này là tính dôi - không tốn nhiều cá (thức ăn) mà vẫn đảm bảo lượng đạm trong cơ cấu bữa ăn đủ sức khỏe cho những người lao động biển xứ Nghệ.
Khi mùa buôn bán thuận dịp, những con/miếng cá gỗ lúc này đã biến thể thành món cá khô, cá phơi khô, theo chân các nhà buôn, thuyền buôn ngược xuôi vào Nam, ra Bắc, lên Rừng.v.v... đi vào cơ cấu bữa ăn người dân khiến cho câu chuyện con cá gỗ - vốn có thực trong đời sống một địa phương nhỏ trong xứ Nghệ - dường như đã được bịa hóa, tếu hóa, nâng cấp, dân gian hóa, có nhiều cơ hội lây lan, truyền bá khắp nơi.
                                                                                                           ----------
1. Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1994, tập 3.
2. Chúng tôi sử dụng bản kể Chuyện khôi hài, bản in nhà hàng C.Guilliand, et Martinon, S, 1883. Bản in lần đầu tiên năm 1866 với tên gọi Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích.
3. Vùng biển Nghi Hải (Cửa Hội - Nghệ An) quãng đầu thế kỷ XX có gia đình ông Cháu Điểm khá nổi tiếng trong vùng với gần hai chục nôốc (thuyền đánh cá) tung hoành ra khơi vào lộng. Tư liệu này chúng tôi được hậu duệ 3 đời của ông Cháu Điểm cung cấp - Xin chân thành cám ơn!
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528615

Hôm nay

2271

Hôm qua

2291

Tuần này

2888

Tháng này

215311

Tháng qua

0

Tất cả

114528615