Người xứ Nghệ

Điềm Phùng Thị và khoảng cách không/ thời gian

Văn hoá Nghệ An nhờ tôi tìm vài bức ảnh về Điềm Phùng Thị (ĐPT). Vậy là, một kẻ gần như i tờ rít về nghệ thuật là tôi bỗng có cơ duyên tiếp xúc, cố để hiểu và chợt ngộ ra từ di sản mênh mông của nghĩa và ngữ của nữ nghệ sĩ họ Phùng rằng, cái khoảng trời xanh thăm thẳm mà Khổng Gia Cát Tiên sinh xưa kia đã từng thốt lên là “Hận này biết bao giờ nguôi”, té ra là định mệnh của tất cả những tài năng với mâu thuẫn chất chồng cùng nỗi day dứt không cùng

Thắp nén hương để tưởng niệm bà Phùng Thị Cúc - ĐPT, 1920-2002 ở chính căn phòng nơi bà đã sống những năm cuối đời; tôi ngắm mãi gương mặt của một “cô gái” trong cái bồng bềnh sương khói của mái tóc bạc tuổi tám mươi mà không thể nào tin nổi! Tại sao người đàn bà của thôn Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phải trải qua biết bao dâu bể của cuộc đời mà vẫn giữ được nét tươi trẻ và sáng trong đến thế? Chợt nhớ đến câu nói của Michelangelo (1475-1564) khi ông tạc cụm tượng cẩm thạch đề tài Piéta (Tình mẫu tử), Hồng y Giáo chủ Villier de la Groslaye hỏi ông rằng tại sao Đức mẹ Maria lại trẻ thế? Michellangelo trả lời: “ Một người phụ nữ càng trong trắng bao nhiêu càng trẻ lâu bấy nhiêu” (Plus une fermuce et pure, plus elle parâit jeune). Có thể là hơi quá lời khi tôi đặt ĐPT bên cạnh Michelangelo, nhưng quả thật, bà là một trong những nhà điêu khắc độc đáo nhất của nghệ thuật thế giới đương đại, đúng như Christian Pattyn, một viên chức cao cấp của Bộ Văn hóa Pháp và là một nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, đã nhận xét: “Sự nghiệp của bà (ĐPT) làm nản lòng đầu óc phân tích và thách thức cách phân loại, sắp xếp của các nhà phê bình nghệ thuật. Hãy biết nhìn ngắm, biết tán thưởng và hãy tự đặt mình vào sự xâm chiếm bởi một thông điệp trong sáng và mạnh mẽ, như một lời mời gọi về một cõi bên kia mà có lẽ luôn tồn tại bên trong mỗi chúng ta”. Không phải ngẫu nhiên mà đã có đến 40 tác phẩm tượng đài của bà được dựng khắp các thành phố của nước Pháp. Năm 1991, tên bà được lưu danh trong tự điển Larousse và năm 1992, bà được bầu làm Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học - Văn học - Nghệ thuật châu Âu!

Nghệ thuật ĐPT được tạo nên bởi đủ thứ chất liệu như đá, gỗ, vải, đồng, sắt thép, nhôm, mảnh vỡ của máy bay B52… Trong đó, đặc biệt là phát hiện của ĐPT về 7 chữ cái - mà bà còn gọi là 7 ký hiệu (signal), hay 7 tạo vật - cấu trúc nên phần hồn rất riêng là Phong cách ĐPT. Có thể bà đã muốn ám chỉ đến con số 7 linh thiêng, cơ bản của nền văn minh nhân loại? Từ cách đây nhiều ngàn năm, cư dân vùng Địa Trung Hải đã nói đến 7 tầng trời, 7 tầng địa ngục cũng như 7 nhánh của con sông Nil. Dần dà, con số 7 của “ba chìm, bảy nổi”, “ba hồn, bảy vía”, cứ theo con người lang thang trong vô vàn các khám phá khác nhau. Thượng Đế tạo ra Éva từ chiếc xương sườn thứ 7, bên trái của Adams; nơi rất gần trái tim để được yêu thương và thật gần với cánh tay, để được che chở. Cái xương sườn thứ 7 phải chăng là ánh phản của tư duy nghệ thuật từ 7 sắc cầu vồng? Rồi, tuần lễ 7 ngày, 7 nốt nhạc, 7 trạng thái tình cảm của con người (ái, ố, hỉ, nộ, lạc, ai, dục - thất tình), Đức Phật sinh ra bước 7 bước, mỗi bước nở một đóa sen và cất tiếng nói. Người cũng tu hành theo đúng bội số của 7 (49 ngày)(!) Ở phương Tây, số 7 là số của Julius Caesare (100-44 tr.CN) sau khi ông quyết định lấy tên
ông để đặt cho tháng thứ 7 của đất trời – July. Ở phương Đông, tháng 7 (ÂL) gắn với hai huyền thoại được phụng thờ. Một, là của Ngưu Lang - Chức Nữ để tạo nên huyền thoại tuyệt vời về “tết” mưa Ngâu (7.7 ÂL). Một nữa được gán cho Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) về chuyện “xá tội treo ngược” (Yulabhama) cho mẹ ở hỏa ngục bằng tết Vu Lan - Rằm tháng 7…
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, các tác phẩm điêu khắc của ĐPT nổi bật bởi quan niệm hiện thực trong sáng tạo. đặc biệt, những tác phẩm về phụ nữ của ĐPT bao giờ cũng là những khối tròn nở nang, đầy nhục cảm như Người đàn bà ngồi xổm, Cô gái Nhật Bản, Cô gái Triều Tiên… Giai đoạn sau, những tác phẩm điêu khắc theo lối sắp đặt (installation) của ĐPT hầu hết đều được thể hiện bằng cấu trúc lõi từ 7 chữ cái. Tiêu biểu là Ngày chết chóc (Jour des morts – 1964); Hoa sen (Le Lotus – 1974); Những chiến sĩ giải phóng (Les soldats de la Libération - 1975) với 7… cái đinh sắt(!) 7 vật mẫu trong bàn tay tài hoa của ĐPT đã trở thành 7 nốt nhạc lung linh, huyền ảo, đa chiều để tạo nên bản giao hưởng hạnh phúc của loài người; bài Thánh ca của dâng hiến; khúc bi ca của tiễn biệt, cái chết; và, cả những lời ru sầu thảm, day dứt của những người mẹ…
 Điêu khắc ĐPT là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn và cảm động giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau: Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật thư pháp. Những vật mẫu trong điêu khắc ĐPT mời gọi chúng ta tiếp tục cùng tác giả tiếp tục cái dòng chảy không ngừng của sáng tạo bằng sự sắp xếp theo quan niệm cảm nhận nghệ thuật của mỗi người. Phải chăng chính vì thế mà ĐPT đã được mọi tầng lớp công chúng đón nhận bằng cả trái tim và trở nên đại chúng đến múc phi không gian và vượt qua mọi thời gian?
 
 
                                                           
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445446

Hôm nay

2183

Hôm qua

2296

Tuần này

21055

Tháng này

211705

Tháng qua

120141

Tất cả

114445446