Những góc nhìn Văn hoá

Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam sau nửa thế kỷ - nhìn lại

Mục tiêu hiện thực xã hội chủ nghĩa vốn đã được xác định từ Hải Triều, là người đã nêu ra khái niệm “tả thực xã hội” và “tả thực xã hội chủ nghĩa”(1) trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm và phái nghệ thuật vị nghệ thuật vào giữa những năm 30 thế kỷ XX.

Rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa chính thức vào các văn kiện của Đảng, trước tiên là Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943: “Nền văn hoá mà cuộc cách mạng văn hoá Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hoá xã hội chủ nghĩa”...; rồi vào Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam của Trường Chinh năm 1948: “Về sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”. Từ đây, nó thường xuyên chiếm vị trí quan trọng trong phần viết về văn hoá văn nghệ của các Báo cáo hoặc Nghị quyết của Đảng, và Đại hội của các giới văn học nghệ thuật.
Một thời điểm quan trọng cho sự khẳng định đó là Bài nói chuyện của đồng chí Trường Chinh trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ Tư, năm 1968 - trong đó, có sự tổng kết về Đường lối văn nghệ của Đảng, gồm 10 mục; và một mục then chốt trong đó - mục 7 - là yêu cầu: “Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa để sáng tác và phê bình”(2). “Nắm vững” - có nghĩa là phải quán triệt các nguyên tắc: miêu tả cái mới của đời sống là chủ yếu; con người mới phải là nhân vật chính, nhân vật trung tâm; chủ đề tư tưởng phải sáng rõ; hình tượng nghệ thuật không thể lấp lửng, nếu có dạng “biểu tượng hai mặt” (équivoque) thì khó tránh khỏi có dụng ý xấu, và dứt khoát giới phê bình, lãnh đạo phải tìm kiếm và vạch cho ra; sự phát triển của hiện thực là phải đi lên, có quanh co khúc mắc mấy thì rồi âm điệu chung phải là lạc quan, và thắng lợi là cơ bản... ở chỗ nào giới lý luận hoặc sách giáo khoa có tham vọng đi sâu hơn một chút vào học thuật thì Chủ nghĩa Hiện thực phê phán phải có vị trí cao, thậm chí là độc tôn so với các trào lưu khác - do nó được xem là tiền thân, là sự chuẩn bị trực tiếp cho Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩạ Không kể Chủ nghĩa Tự nhiên (được hiểu có phần đơn giản, chỉ thấy mặt tiêu cực), và các trào lưu Tiền phong chủ nghĩa - được hiểu là Chủ nghĩa Hiện đại, ngay cả Chủ nghĩa Lãng mạn cũng phải ở vị trí thấp so với Chủ nghĩa Hiện thực; và Hiện thực xã hội chủ nghĩa dứt khoát phải là một bước phát triển cao hơn của Hiện thực phê phán, một bước chuyển về chất trong tiến trình lịch sử văn học nhân loạị
Từ các chỉ dẫn và định hướng như trên, quá trình xây dựng nền văn học mới từ sau 1945 cho đến thập niên cuối thế kỷ XX, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của lý luận - phê bình (được xem như là một “phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ”), và dư luận của bạn đọc nói chung đã dành sự hồ hởi và nhiệt tình đón đợi, ca ngợi những sáng tác thật sự có thành công, có sức hấp dẫn trên phương hướng phát hiện cái mới, và khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến vĩ đạị
Thế nhưng bây giờ, sau quãng lùi nhiều chục năm và từ kết quả của công cuộc Đổi mới mà nhìn lại, điều rõ ràng là, bên những thành tựu, trong mô tả hiện thực chiến đấu, và một hiện thực đang đi vào công cuộc xây dựng mới, cũng đã có một sự thật khác còn mờ nhạt trong văn học, một sự thật, phải cho đến Đại hội VI của Đảng - Đại hội đã nêu phương châm “Lấy Dân làm gốc”, và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, vào cuối năm 1986 - chúng ta mới dám có dũng cảm nói lên: đó là sự thật về những thiếu sót và thất bại, về những mất mát và nỗi đau, về những gì gây lo âu và cảnh giác, về cả những tai hoạ không phải chỉ do kẻ thù dân tộc và giai cấp gây rạ.. Một sự thật tuy không phải là chính, là chủ yếu, nhưng cũng là quan trọng, là lớn, cùng đi kèm, cùng song song tồn tại để làm nên bộ mặt cuộc sống như chính nó, nhưng do nhiều nguyên nhân, không ít người viết đã đành lòng hoặc nén lòng quay lưng và bỏ quạ Một sự thật lâu lâu lại thấy lấp ló hé ra trên một vệt sáng tác, và nhanh chóng bị vùi vào quên lãng; trong số đó, cho đến bây giờ nhìn lại, không phải không có những tác phẩm thật sự có giá trị tiên đoán mà không ít người viết đã phải trả giá đắt cho sự dũng cảm của mình.
Kể cũng là muộn, nhưng còn hơn không, sự giác ngộ này ở một nền văn học, qua tất cả các kỳ Đại hội hoặc các dịp tổng kết, luôn luôn được khẳng định là liên tục có những bước phát triển để tiến tới một nền văn học lớn; và khuyết điểm hoặc nhược điểm gần như không thay đổi là chưa theo kịp cuộc sống, chưa vươn kịp tầm cao của dân tộc và thời đạị.. Tầm cao trong chiến đấu và chiến thắng của dân tộc đó là sự thật hiển nhiên, dẫu cái giá của chiến thắng thì cho đến bây giờ vẫn chưa phải là đã nói được đến độ cần thiết, càng không thể nói là tận cùng. Nhưng tầm cao trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, qua bao thử nghiệm, tìm kiếm thì quả chưa tìm được sự chứng minh thật hùng hồn trong thực tiễn; có điều sự thật đó không dễ được chấp nhận, và càng khó trong việc phát hiện và nói lên, nhất là nói lên bằng nghệ thuật. Và đó chính là kết quả, là hệ quả của hơn nửa thế kỷ chúng ta vận dụng, quán triệt phương hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác, lý luận, phê bình.
*
*    *
Trở lại lịch sử hình thành khái niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa gắn với thời đại cách mạng vô sản ở Việt Nam đã có độ dài lịch sử hơn nửa thế kỷ - tính đến công cuộc Đổi mới, ta thấy sự tất yếu có tính quy luật của nó, ở thời kỳ đầu hình thành. Đó là thời kỳ giai cấp vô sản còn đang trong một cuộc chiến quyết liệt để giành và giữ chính quyền; và tương lai là cái chưa thuộc tầm tay hoặc chỉ mới được hình dung sơ bộ; dẫu thế nào mặc lòng, tương lai đó dứt khoát phải khác với cái cũ, phải là sự phủ định cái cũ. Tất cả những gì đang còn là mong muốn hoặc mới chỉ là định hướng ấy đều nằm trong phạm trù cái mới, cái cách mạng, cái đang vươn tới; chính yêu cầu mới này Gorki đã nói đến hùng hồn trong bài diễn văn tại Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ nhất - năm 1934; Đại hội đã thông qua Điều lệ với định nghĩa kinh điển về hiện thực xã hội chủ nghĩa; và dễ hiểu vì sao nó đã đến với các giới công chúng ở nước ta trong một ánh hào quang rực rỡ.
Nhưng toàn bộ sự phát triển của văn học trên định hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa mà ta muốn là ưu việt ấy, kể cả trong nước và trên thế giới, rồi ra như ta đã thấy, sẽ không thể là một cái gì cô lập, biệt lập, mà vẫn phải gắn với toàn bộ di sản văn hoá của nhân loạị Có lúc nó muốn là khác với tất cả những gì đã qua, đã có, và yêu cầu tìm ra những đặc trưng khác biệt này là hợp lý; nhưng rồi dần dần, nó vẫn phải là sự tiếp tục, nếu không nói là trở về cùng dòng chảy với các thời đại đã quạ Nó muốn khác với văn học trong nhiều thế kỷ của chủ nghĩa tư bản, của văn minh tư sản; nhưng bản thân chủ nghĩa tư bản và văn minh tư sản đã từng là, và vẫn là một giai đoạn phát triển cao của xã hội loài người, đã từng sản sinh những thời đại văn học lớn với những nền, những trào lưu, những nhà văn vĩ đạị Chính Ăng-ghen đã khẳng định điều này trong Phép biện chứng của tự nhiên: “Những người đã đặt cơ sở cho nền thống trị hiện đại của giai cấp tư sản có thể được coi bất cứ là những người như thế nào, nhưng quyết không phải là những người có tính hạn chế tư sản...”. Và, rộng hơn: “Các cuộc cách mạng 1648 và 1789 không phải là cuộc cách mạng Anh hay cuộc cách mạng Pháp, đó là những cuộc cách mạng trong phạm vi châu Âu (...) Trong hai cuộc cách mạng đó, giai cấp tư sản đã giành được thắng lợi, thế nhưng thắng lợi của giai cấp tư sản hồi đó có nghĩa là thắng lợi của chế độ xã hội mới; thắng lợi của chế độ sở hữu tư sản đối với chế độ sở hữu phong kiến; thắng lợi của cạnh tranh đối với phường hội; thắng lợi của chế độ phân chia tài sản đối với chế độ kế thừa của người con trưởng; thắng lợi của hiện tượng ruộng đất phụ thuộc vào người sở hữu đối với hiện tượng người sở hữu phụ thuộc vào ruộng đất; thắng lợi của giáo dục đối với mê tín; thắng lợi của gia đình đối với thị tộc; thắng lợi của hoạt động công nghiệp đối với phong thái lười biếng của người hiệp sĩ; thắng lợi của pháp quyền tư sản đối với đặc quyền Trung cổ”(3).
Như vậy nếu xét trên tổng thể lịch sử và hành trình chung của nhân loại thì văn học xã hội chủ nghĩa hoặc văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa quả có những điểm mới, khác, mang giá trị cách tân ở thời kỳ đầu theo quy luật chung của sự phát triển nghệ thuật - nhưng không thể là sự đi chệch ra ngoài, hoặc tự đặt mình ở vị trí cao hơn, ưu việt hơn những thành tựu chung của văn minh nhân loạị Mặt khác, cũng chính do xuất phát từ bản chất và đặc trưng của nghệ thuật mà ta hiểu sự kế tục nàỵ Nếu khoa học là sự phủ định, để cái sau phải hơn cái trước, thì nghệ thuật là sự sáng tạo, không lặp lại để cái sau phải khác cái trước. Mọi đỉnh cao của nghệ thuật ở bất cứ thời nào vẫn cứ sừng sững là đỉnh cao, là ở trình độ cổ điển, không bao giờ lặp lại và che khuất lẫn nhaụ Độ lùi và cái nhìn toàn cảnh sẽ cho ta một đánh giá bao quát và chân xác hơn trong việc so sánh và nhìn nhận lại các giá trị. Văn học viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa muốn là một giai đoạn phát triển cao hơn trong yêu cầu nhận thức hiện thực và phát hiện ra các xu thế của hiện thực. Nhưng suốt cả một thời gian dài, chúng ta đã quá chủ quan và đánh rơi mất phép biện chứng của lịch sử. Sự thật, đã không có được sự toàn vẹn và tin cậy trong một bộ phận sáng tác chính thống của nền văn học mang danh là hiện thực xã hội chủ nghĩạ Và trong cách hiểu về xu thế phát triển của hiện thực rồi sẽ không chỉ có một chiều đi lên, với các kết thúc sáng sủạ Sự lạc quan không thể và không chỉ được hiểu theo một nghĩa, khi, trong thực tế, bất chấp vào lúc nào, và bất chấp thế giới thuộc “phe” nào, cũng đã diễn ra bao đổ vỡ, thất bại, bi kịch và những điều đau lòng.
Thế nhưng, trong cả một thời gian dài chúng ta đã dồn hết lòng tin vào một mục tiêu huy hoàng mà sự phấn đấu nắm bắt nó dường như lại mỗi lúc một xa, nếu không nói là nó vẫn còn đang trong trạng thái của những định hướng và mơ ước; hoặc đã quá say sưa chủ quan trước một thực tế, có thành tựu, nhưng cũng không ít sai lầm, thất bạị
Nhấn mạnh “sự phát triển cách mạng của hiện thực”, dẫu Đảng luôn luôn nhắc nhở phải tôn trọng quyền suy nghĩ tự chủ và sáng tạo của nhà văn, và dẫu lý luận có triển khai cho phong phú và uyển chuyển thế nào đi nữa, thì trong thực tế, sự chỉ đạo của các cấp cùng với hoạt động của giới lý luận phê bình và dư luận xã hội thường vẫn chỉ quen chấp nhận sự phản ánh cuộc sống theo hướng lạc quan; và đã diễn ra sự phê phán lắm lúc khá nặng nề một số tác phẩm nói đến các mặt bi kịch và bế tắc của đời sống.
Nêu yêu cầu phản ánh hiện thực một cách chân thật, ta còn ít khuyến khích các tác phẩm hướng về các mặt xấu, tiêu cực, gây lo âu và kêu gọi con người cảnh giác.
Chọn nhân vật chính là con người mới, văn học đã thờ ơ, bỏ qua, không mấy chú ý biết bao con người khác, thậm chí ngại sợ ngay cả khái niệm “bình thường” - chẳng hạn: “con người bình thường, cuộc sống bình thường”; và trong con người mới ta không chấp nhận nhân vật có sai lầm, có bi kịch, hoặc có phức tạp về đời tự..
Hiểu về tính Đảng và hiện thực xã hội chủ nghĩa theo sự quy hẹp như trên, ta đã tiến hành xử lý một số vụ-việc, mà không phải chờ đến bây giờ mới thấy rõ sự bất công và oan uổng...
Kêu gọi một nền văn học lớn, với sự vận dụng lý luận về hiện thực xã hội chủ nghĩa như là một cẩm nang; nhưng với lý luận đó, ta đã tạo một nền văn học, tuy có những thành tựu nhất định, trong đó có mặt, thành tựu là lớn; nhưng hiếm có những đỉnh cao, và lại không ít sự tầm thường, trung bình hoặc giản đơn, sơ lược.
Và như vậy, nếu khái niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhiều chục năm trước đây đã có một sức quyến rũ, kêu gọi đối với không ít người viết, ở nhiều nơi, thì bây giờ đang đứng trước yêu cầu nhận thức lại, đánh giá lạị Bởi nó không thể tách ra khỏi một phạm trù rộng lớn và bao trùm là bản thân chủ nghĩa xã hội, ngót 20 năm trước đây, đó là cả một phe, gồm nhiều nước do Liên Xô đứng đầu, và từ thập niên cuối thế kỷ XX phe đó đã tan rã. Ta không thay đổi mục tiêu (hoặc định hướng) xã hội chủ nghĩa được hiểu như là một xã hội đưa lại nhiều công bằng, dân chủ và hạnh phúc cho con người hơn, thì như vậy, ta cũng sẽ không thay đổi mục tiêu nhân đạo của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩạ Nếu bản chất của nghệ thuật chân chính là hướng về sự thật, là không giả dối, xuyên tạc (cả bôi đen và tô hồng), thì hiện thực xã hội chủ nghĩa càng phải tiếp tục yêu cầu chân thật đó, nếu không muốn nói là càng phải chân thật hơn, trên lý tưởng xã hội chủ nghĩạ Nếu hiện thực xã hội chủ nghĩa được quan niệm như thế thì bất cứ lúc nào ta cũng cần đến nó. Có điều, trong một thời gian dài, do một quan niệm chật chội, cứng nhắc về nó, ta đã biến nó thành một giáo điều; ta muốn văn học là hiện thực, càng hiện thực hơn, thì nó lại càng xa hiện thực, và vi phạm ngay cả quy luật của bản thân nghệ thuật; ta muốn nó là chân thật, là thuyết phục và hấp dẫn thì nó lại trở nên sơ lược và giả tạọ Cố nhiên, trên nhu cầu tinh thần được mở rộng của người đọc, và trên ý thức cá nhân về sự sáng tạo của người viết được khẳng định, vẫn có và có nhiều những ngoại lệ - đó là sức cưỡng lại của những tài năng, những nghệ sĩ chân chính không chịu khuất phục trước các sức ép hữu hình hoặc vô hình đến từ các nguyên lý, các quyền uy, các ràng buộc bên trong hoặc bên ngoài, ngay cả của các thói quen của sự tầm thường, dễ dãị
Rõ ràng nếu hôm qua định hướng sự thật này được quán triệt mà không bị cản trở hoặc trù dập thì văn học hẳn sẽ có bộ mặt khác hơn. Nếu sự phát triển cách mạng của hiện thực được quan niệm một cách rộng mở và biện chứng như là những dự báo và cảnh báo; và nếu những sáng tác như vậy được chấp nhận, để góp vào việc điều chỉnh và cải tạo hiện thực thì biết đâu cuộc sống đã có thể khác đị Cố nhiên đây chỉ là giả định, bởi cuộc sống đã diễn ra như nó đã diễn ra, mà con người - sản phẩm của lịch sử, nhìn vào quá khứ không phải để uốn nắn lịch sử - đã là lịch sử thì sao mà còn uốn nắn được nữa - mà để tìm trong quá khứ những cội rễ của thực trạng hôm naỵ Nói cách khác, việc rút các bài học từ lịch sử, là nhằm mong cho tương lai đỡ bớt vấp váp, sai lầm.
Cần phải bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện lý luận văn học của ta sao cho nó là phương tiện hướng văn học đi vào sự thật, và đáp ứng tích cực cho sự nghiệp xây dựng con người, cải tạo xã hộị Cần một nền văn học áp sát vào sự thật, và cao hơn sự thật, một nền văn học là tiếng nói của sự thật, không chỉ là tiếng nói ca ngợi, biểu dương mà còn là cảnh báo, là dự báo; và không phải chỉ có dự báo những điều tốt lành mà cần thiết còn là gây lo âu (thế giới này còn biết bao lo âu, hiểm hoạ!). Nền văn học đó hình thành và phát triển trong thế kỷ XX, và lý luận của nó, lý luận về nó cũng đã xuất hiện từ đầu thế kỷ. Bao đầu óc lớn đã được huy động vào việc chọn tên, và bảo vệ cho cái tên đó. Nó đúng cho sự khái quát một giai đoạn nhất định. Nó cần thiết cho buổi đầu hình thành. Nó muốn có vai trò định hướng cho các giai đoạn saụ Nhưng thực tiễn lớn hơn, cứng đầu hơn, đã vượt ra ngoài các kích thước, khuôn khổ được quy gọn trong một định nghĩa, và khó khăn đã nảy ra cho những ai khi vận dụng lại nhất thiết tuân theo định nghĩạ Lý luận đó, không chối cãi, là đúng, là cần thiết, là có sức cổ vũ, động viên cho một giai đoạn, nhưng không thể là chân lý cho muôn đờị Là một hiện tượng thuộc lĩnh vực của hình thái ý thức nó không thể tách rời với sự phát triển của thực tiễn – là đời sống chính trị- kinh tế- xã hội; hiện tượng đó lại gắn với lĩnh vực sáng tạo tinh thần vốn phải xác định lẽ tồn tại ở những tìm tòi hướng tới những khu vực mới, lạ, không lắp lạị.. Thành ra mọi mong muốn mô hình hoá, quy chuẩn hoá, điển chế hóa, nhanh chóng trở nên khô cứng và biến thành vật cản trở.
*
*    *
Từ nhiều năm nay, ít ra là từ thập niên cuối thế kỷ trước, vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn thấy nhà lý luận nào nhắc tới, cũng không thấy được ghi vào Báo cáo hoặc Nghị quyết nào của Đảng và của các Hội nghề nghiệp. Có thể đó là lý do để, đúng vào năm 1999, Giáo sư Phương Lựu viết công trình Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt nam (1936-1985)(4). Cái mốc lịch sử 1999, với công trình có ý nghĩa tổng kết này của chuyên gia lý luận văn học Phương Lựu rất đáng lưu ý, khi đất nước chuyển sang thế kỷ mới, và chuẩn bị bước vào thời kỳ hội nhập, bởi cái yêu cầu tác giả nêu ra cho những ai quan tâm, hoặc còn tiếp tục theo đuổi mục tiêu này - đó là phải “đổi mới, phát triển trên tất cả thành tố từ nội dung đến thi pháp”(5). Một yêu cầu như vậy là khá triệt để trên hai phương diện cơ bản của hiện thực xã hội chủ nghĩa, với tư cách là một nền, một trào lưu, hoặc một khuynh hướng sáng tác; nhưng xem ra người nêu lên ý tưởng này vẫn còn chưa thật hết lưu luyến với khái niệm hiện thực xã hội chủ nghĩạ Phần tôi, tôi muốn nghĩ rằng: nếu đã triệt để đến thế thì sao không tìm đến một tên gọi khác, và như vậy phải chăng là một ứng xử thích hợp, khi thực tiễn đã chuyển sang một giai đoạn (hoặc một thời đại) mới, với những tình thế mới, những mục tiêu mới; trong đó mọi khuynh hướng, trào lưu, trường phái, chủ nghĩa khi đã thực hiện xong nhiệm vụ lịch sử của nó, sẽ chuyển đổi hình thái và phương thức tồn tại tựa như thế kỷ Cổ điển chuyển sang thời đại ánh sáng, chủ nghĩa Tự nhiên thay chủ nghĩa Hiện thực, chủ nghĩa Lãng mạn chuyển sang Siêu thực và Tượng trưng, Hậu hiện đại thay cho Hiện đạị.. Bởi mọi phát triển làm nên giòng chảy xuyên suốt của lịch sử đều là một sự phủ định biện chứng, để có một gương mặt khác; và đó là điều Ăngghen cũng đã từng tổng kết trong các khái quát triết học của mình: “Mỗi lần có một phát minh mang ý nghĩa thời đại, ngay cả trong lịch sử khoa học tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật lại không tránh khỏi thay đổi hình thức của nó”(6).
Những chuyển động như đã lược kể như trên trong văn học phương Tây, suốt hơn bốn thế kỷ qua, là có nguyên cớ nội sinh bên trong bản thân sự phát triển của các trường phái, trào lưu nghệ thuật, trên cơ sở những chuyển động của đời sống kinh tế, chính trị trong thời đại hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Còn hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỷ XX, đúng như tên gọi của nó, là sản phẩm trực tiếp của cách mạng vô sản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, để trở thành tiếng nói đại diện và chính thống của một hệ thống chính trị - thay vì là sự tiếp tục trong nguồn mạch lịch sử chính bản thân sự phát triển tự nhiên của ý thức nghệ thuật.
Trong kỷ nguyên Cách mạng Thông tin và công cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba này, chẳng phải chỉ riêng Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, với tuổi thọ hơn nửa thế kỷ của nó, hoặc Chủ nghĩa Hiện đại - sản phẩm của thời đại Hậu công nghiệp, mà ngay chính cả bản thân văn học trong dạng thái và cách hiểu quen thuộc hàng nghìn năm nay của nó cũng phải thay đổi, có nghĩa là, rồi sẽ có một gương mặt khác./.
 
                                                                       
_____________
(1) Hải Triều: Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương - Những khuynh hướng trong tiểu thuyết; Tao đàn, số 2; 16-3-1939; Maxim Gorki; Hồn trẻ, Tập mới, số 5; 4-7-1936.
(2) Về văn hóa và nghệ thuật; tập II; Nxb. Văn học; H.; 1986; tr.171.
(3) C. Mác - F. Ăngghen Tuyển tập; tập 4; Nxb. Sự thật; H.; 1971; tr.70.
(4) Nxb. Giáo dục; H; 1999.
(5) Sách trên; tr.145.
(6) Mác - Ăngghen Tuyển tập; tập II; Nxb. Chính trị Quốc gia; H.; 1995; tr.409.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528646

Hôm nay

227

Hôm qua

2275

Tuần này

2919

Tháng này

215342

Tháng qua

0

Tất cả

114528646