Văn hóa và đời sống

55 năm xây dựng, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa theo Di chúc của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân Nhà máy 1-5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp, ngày 19-12-1963. Ảnh tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, mong muốn xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Theo Người, xã hội đó có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Mỗi vấn đề có một vị trí, vai trò nhất định, gắn bó mật thiết với nhau, quan hệ biện chứng, thúc đẩy đất nước phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế gắn với văn hóa

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đó là lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử cách đây 55 năm. Di chúc còn bàn tới kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh với nội dung gắn phát triển kinh tế với văn hóa. Người dặn khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế, sửa đổi chế độ giáo dục. Cùng với Di chúc, việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân còn được thể hiện trong toàn bộ di sản Hồ Chí Minh.

Di chúc được viết bởi một con người mà cả cuộc đời vì nước vì dân. Bác chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Tư tưởng của Bác về đời sống nhân dân bao gồm cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Đời sống vật chất là dân sinh gồm cái ăn, mặc, ở, đi lại. Đời sống tinh thần là dân quyền, dân chủ, dân trí, đạo đức, nhân nghĩa. Muốn có đời sống vật chất phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống hành vi vô văn hóa như tham ô, lãng phí, quan liêu; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tài. Đời sống vật chất rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Bởi vì “có thực mới vực được đạo”, “dân dĩ thực vi thiên/tiên”; “thực túc thì binh cường”.

Theo Hồ Chí Minh, đời sống của Nhân dân về vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao chí có thể đạt được khi chúng ta từng bước hoàn thành mục đích của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, ai không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[1].

Chủ nghĩa xã hội Việt Nam thể hiện rõ đặc trưng bản chất về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Về kinh tế, xã hội xã hội chủ nghĩa là một chế độ có nền kinh tế phát triển cao dựa trên cơ sở năng suất lao động xã hội, gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Về văn hóa, chủ nghĩa xã hội là một xã hội không có chế độ người bóc lột người; một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức, thể hiện quan hệ xã hội lành mạnh, công bằng, bình đẳng, dân chủ, văn minh; con người phát triển toàn diện.

Theo Hồ Chí Minh, trong chủ nghĩa xã hội, văn hóa không chỉ là từng mặt, khía cạnh cụ thể, mà phải tạo dựng cả một nền văn hóa dân tộc với các nội dung xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của Nhân dân trong xã hội; Xây dựng chính trị: dân quyền; Xây dựng kinh tế. Nền văn hóa như vậy thể hiện mối quan hệ, sự gắn kết giữa xây dựng kinh tế và đời sống tinh thần.

Kinh tế là cơ sở hạ tầng phải kiến thiết trước để cho văn hóa có điều kiện phát triển

Trong sự gắn kết giữa xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh kinh tế là yếu tố quyết định tính chất và diện mạo của văn hóa, kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa. Theo Người: “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới đủ điều kiện phát triển được”[2]. Khẳng định kinh tế chính là cơ sở, điều kiện cho sự hình thành và phát triển văn hóa, Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước. Nhưng phát triển để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân ta”.

Từ cách nhìn nhận biện chứng về kinh tế và văn hóa, Người khẳng định: “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[3]. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và giải quyết những vấn đề xã hội; nếu chỉ coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất thì chẳng những môi trường văn hóa - xã hội bị hủy hoại mà mục tiêu kinh tế cũng không đạt được.

Văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Văn hóa bàn ở đây hàm chứa nhiều mặt, đặc biệt con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, tức là con người sáng tạo ra văn hóa đồng thời thụ hưởng các giá trị văn hóa. Văn hóa là ứng xử, thể hiện cái đẹp, cái giá trị trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên.

Một con người có văn hóa, một xã hội có văn hóa, một tổ chức có văn hóa, một chủ trường, đường lối mang hàm lượng văn hóa cao sẽ tác động lớn, tích cực tới sự phát triển đất nước nói chung, phát triển kinh tế nói riêng. Ngược lại, con người không có văn hóa, đạo đức trở thành cản lực, kìm hãm sự phát triển.

Không phải ngẫu nhiên ngay khi chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, Hồ Chí Minh lại tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946). Trên diễn đàn hội nghị, Người nhấn mạnh: “Phải làm thế nào để văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm sao cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Văn hóa phải làm cho mỗi người dân từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu được nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mình nên hưởng…Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”[4].

 Với tư duy về vai trò to lớn của văn hóa, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới xây dựng đời sống mới ngay trong kháng chiến, vì đánh giặc rất cần sự hướng đạo và thực hành văn hóa bởi những chuẩn mực Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Quân đội đánh giặc đi liền với Nhân dân siêng làm tức là Cần; binh sĩ và Nhân dân đều phải tằn tiện tức là Kiệm. Đánh giặc cũng như sản xuất không được tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, tức là Liêm. Tất cả mọi người phải vì nước quên nhà, hăng hái kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, làm cho Tổ quốc thống nhất, độc lập, thế là Chính. Nếu không thực hành văn hóa Cần, Kiệm, Liêm, Chính như vậy thì làm sao sản xuất phát triển, kháng chiến thành công?

Những khía cạnh văn hóa nêu trên liên quan tới con người, chủ thể của văn hóa. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Xuất phát từ vai trò động lực to lớn của văn hóa, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm “trồng người”, xây dựng, phát triển con người hoàn toàn gồm đức, trí, thể, mỹ vì lợi ích trăm năm, tức là vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Người viết: “Trình độ văn hóa của Nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[5].

Vai trò của văn hóa tác động trở lại kinh tế, chính trị trong tư tưởng Hồ Chí minh thể hiện một mặt của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một nước hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến và gần trăm năm dưới chế độ thực dân chuyên chế. Trong hoàn cảnh đó, cách mạng tư tưởng - văn hóa phải đi trước một bước để dọn đường cho cách mạng công nghiệp. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Nhân đạo (L’Humanité) về nhân tố nào sẽ biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm Nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho Nhân dân chúng tôi tiến bộ… Chính vì vậy, chúng tôi đã đào tạo nhanh chóng các cán bộ cho tất cả các ngành hoạt động; … để công nghiệp hóa đất nước”[6].

Tầm nhìn và cách nhìn của Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa là hết sức độc đáo. Với Người, kinh tế chậm phát triển, thậm chí nghèo, đời sống thiếu thốn về vật chất không đáng sợ bằng sự tha hóa về văn hóa, suy thoái về đạo đức. Người chỉ rõ: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Lòng dân là giá trị văn hóa đỉnh cao. Có được lòng dân sẽ có tất cả.

Phát triển kinh tế gắn với văn hóa đối với cách mạng Việt Nam 55 năm qua

Chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời "Ký ức Hội An" tại phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Nguồn: vnexpress.net

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế gắn với văn hóa vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại, Trong 55 năm, đặc biệt gần 40 năm đổi mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và văn hóa soi sáng chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng, đem lại nhiều giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác lập một hệ thống chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó đáng chú ý là chính sách “kinh tế trong văn hóa” nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa và chính sách “văn hóa trong kinh tế” nhằm bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”[7].

Hội nghị Trung ương 10 khóa IX đã khẳng định mục tiêu chủ yếu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước”[8].

Đại hội lần thứ X nêu rõ: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt với các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội”[9].

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn vẹn, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”[10]. Theo đó, Đảng ta khẳng định: “Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”[11].

Đại hội lần thứ XII nêu phương hướng: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”[12] và “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”.

Đại hội XIII khẳng định: “Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực… Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”[13]. Tuy nhiên, “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”[14]. Từ đó Đảng đã nhấn mạnh: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế[15].

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[16].

Chủ trương, đường lối của Đảng qua các kỳ Đại hội chứng tỏ sự quan tâm của Đảng về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa, coi con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trở về với đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Gần 40 năm đổi mới đất nước, kinh tế nước ta phát triển với tốc độ nhanh, đời sống của 100 triệu dân đã được cải thiện một cách căn bản. Tuy nhiên, so với các quốc gia phát triển, mức sống của người dân hiện nay vẫn còn thấp và chưa đồng đều. Vì thế, để nâng cao hơn nữa mức sống của Nhân dân đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tích cực phấn đấu nhiều hơn trong một thời gian dài. Đến nay, chúng ta đang từng bước xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng để nâng cao hơn nữa năng lực của nền kinh tế trong bối cảnh đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam cần phải hoàn thiện từng bước và hoàn thiện một cách hợp lý. Hơn nữa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại kinh tế tri thức đòi hỏi phải có một động lực tinh thần mạnh mẽ. Động lực ấy, trước hết phải tìm thấy ở văn hóa. Nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của văn hóa đối với công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Trong giai đoạn mới, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn định hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới phát triển văn hóa và con người; mỗi chính sách văn hóa, xây dựng con người đều phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Bất cứ một sự sai sót hay thiên lệch về kinh tế hay văn hóa, con người trong hoạch định và thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như đối với từng lĩnh vực cụ thể, thậm chí phải trả giá đắt cho sự phát triển. Bởi vì các mục tiêu này có mối quan hệ biện chứng, có sự tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Những tư tưởng lớn, những lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự gắn kết, hài hòa giữa xây dựng, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa vừa là những định hướng mang tính chỉ đạo lâu dài, đồng thời vừa là yêu cầu, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay. /.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 14 - Tháng 9/2024)

*. Học viện Chính trị - Bộ QP

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.438.

[2] Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr. 320.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.246.

[4] Báo Cứu quốc, ngày 25-11-1946.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 458-459.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 190-191.

[7] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 55.

[8] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 88.

[9] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 131.

[10] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 75.

[11] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 124.

[12] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tr. 127, 128.

[13] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2021, t. I, tr.64.

[14] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.84.

[15] ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd t. II, tr.134.

[16] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt NamNxb CTQGST, Hà Nội, 2022, tr. 27.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520933

Hôm nay

210

Hôm qua

2291

Tuần này

21974

Tháng này

218872

Tháng qua

121009

Tất cả

114520933