Người xứ Nghệ

Đoàn Tử Quang: 82 tuổi vẫn nghe lời mẹ đi thi và đỗ cử nhân

Trường thi Hương Nghệ An được xây dựng từ đời Lê Thái Tông (1434-1442) nằm ở phía nam núi Lam Thành, thuộc xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên. Đến triều Nguyễn sau khi vua Gia Long cho chuyển lị sở của Nghệ An về Vinh (1804), thì Trường Thi Nghệ An cũng được chuyển về Vinh, dựng ở làng Yên Dũng Thượng, nay thuộc phường Trường Thi, thành phố Vinh.

Kể từ khi khoa thi Đinh Mão-Gia Long 6 (1807) cho đến khoa thi Mậu Ngọ-Khải Định 3 (1918- khoa thi cuối cùng), trường thi Hương Nghệ An tổ chức được 42 khoa, lấy đậu 882 cử nhân và hàng nghìn Tú tài.

Người xứ Nghệ nổi tiếng với truyền thống hiếu học, có nhiều trò học giỏi, đậu cao, "Ông Đồ Nghệ" là tiếng gọi vinh danh mà nhân dân cả nước đặt cho các thầy dạy chữ Nho của xứ Nghệ. Nhiều sự kiện học trò xứ Nghệ đi thi đã thể hiện được cốt cách "Đồ Nghệ" rất đặc biệt.

Khoa thi Canh Tý-Thành Thái 12 (1900), có ông Đoàn Tử Quang đã 82 tuổi mà vẫn đi thi và đậu cử nhân là một sự kiện hi hữu trong làng khoa bảng Việt Nam. Sự việc này đã được Chánh Chủ khảo Khiếu NăngTĩnh và Phó Chủ khảo Mai Khắc Đôn phải ghi chép lại thành chuyện dưới đầu đề "Mẩu chuyện hay được ghi lại ở Trường Thi" ở trong sách "Khoa Canh Tý".

Trong số thí sinh ở trường Nghệ An, có Đoàn Tử Quang, xưa nay chưa biết có ai như thế. Tên báo danh ghi: Người xã Phụng Công, huyên Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Tú tài hai khoa, sinh năm Kỷ Mão, 82 tuổi. Quyển thi bốn tường: Ưu hai, trung bình một, thứ một. Đỗ.

Thực ra, cụ Đoàn Tử Quang không định đi thi, vì tuổi quá cao, nhưng do khoa ấy làng Phụng Công (nay thuộc xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) không có thí sinh nào dự thi. Các vị chức sắc của làng không muốn làng mình lép vế với các làng bên cạnh, nên cố động viên cụ Đoàn Tử Quang đi thi. Năm ấy cụ mới mất vợ (do ốm đau nặng), nên 3 con trai của cụ đều học rất giỏi nhưng không được dự thi, vì phải theo luật "đoạn tang" (đang có tang cha, mẹ không được đi thi). Biết cụ không chịu đi thi, các cụ chức sắc phải đến động viên mẹ của Đoàn Tử Quang để mẹ khuyên nhủ con phải đi thi. Nghe lời mẹ, cụ phải lều chõng đến trường thi và khoa thi ấy cụ nổi lên như một "Ông Tiên giáng thế" với bộ râu tóc trắng toát và với phong thái ung dung, đĩnh đạc, làm bài thi rất xuất sắc. Chuyện ghi:

- Ông lão vào tôi rời khỏi ghế, cầm tay ông lão cùng đi mà rằng "Đẹp làm sao! thọ làm sao!". Chí khí cao mà kiên định vậy! "xin hỏi mắt cụ có bị mờ không"? Ông lão trả lời "có bị mờ". Tôi lại hỏi "Chân gối cụ có bị mỏi không?". Ông lão đáp: "còn có thể đi bộ, chạy, lễ, bái, đưa, đón được".

Ông lão mang ống quyển vào, xét số, hạ lều, xong ngồi ngay ngắn ở giữa chiếu của mình. Trời về chiều khi đã vài ba chục thí sinh nộp bài thì ông lão vai mang ống quyển, tay kéo xe lều chõng lọc cọc, cùng các thí sinh kẻ trước người sau ra về...

Vào phúc hạch, viên đề tuyển đưa danh sách thông báo ra ngoài. Tên ông lão có trong số đó. Đến khi đưa quyển vào phúc duyệt, không hề bài nào có chữ đậm nhạt không đúng kiểu hoặc bị nghiêng đổ. Sau khi khớp phách nên biết quyển bài của ông lão về tài năng, ưu; thơ phú, ưu; Văn sách, thứ; phúc hạch, trung bình.

Như vậy là ông cụ 82 tuổi làm bài thi không hề thua kém các sĩ tử trẻ tuổi, mà còn vượt xa rất nhiều nho sinh khác. Trường thi lúc đó có tới hơn 4000 người dự thi, nhưng chỉ lấy đậu có 30 cử nhân.

Bài thi phú cụ Đoàn đạt hạng ưu là bài làm có tính tổng kết triết lý cao và rất sâu sắc, diệu lý. Bài thi với đề ra là "Bồi hoá lễ thuần" (thất ngôn đắc thần tự)- nghĩa là rượu chưa lọc đã hoá thành rượu lễ thuần (thơ thất ngôn được chữ thần), trong bài có hai câu kết cụ làm như sau:

                        "Tự tận miêu hưng đồng diệu lý,

                        Minh chân tuý tỉnh thái bình nhân"

Nghĩa là:

                        Bông tàn mầm nảy cùng diệu lý,

                      Nhắc người say tỉnh thuở bình an.

Đề bài phú: "Vi cự thất cầu đại mộc" (Dĩ công sư đắc đại mộc tắc hỉ vi vận) - nghĩa là: "Làm nhà lớn tìm gỗ to" (Lấy những chữ "Thợ tài được gỗ lớn vui mừng" làm vần).

Cụ Đoàn Tử Quang đã khéo vận dụng việc muốn dựng nhà lớn, thì phải chọn gỗ to, kén thợ mộc giỏi, phải dụng công suy nghĩ rất nhiều, cũng giống như việc đại sự dựng xây nước nhà. Muốn cho quốc gia, triều đình vững mạnh thì phải sử dụng nhiều hiền tài, lựa chọn được người giỏi làm trụ cột, lám chỗ dựa vững chắc cho quốc gia. Như vậy thì xã tắc mới bền vững hưng thịnh, phát triển. Xin trích phần bài phú do cụ Đoàn làm, phần dịch như sau:

Muốn làm nhà, xây cung thất rộng muôn vạn gian, cao vài trăm trượng thì lương, đống phải đủ dùng.

Vật liệu để dựng lên nhà to không phải là những vật tầm thường

Gỗ tre to lớn ắt phải sẵn sàng:

Thợ khéo thợ tài mới cho làm việc;

Lý của việc dựng nhà như lý của việc cầu tài của quốc gia;

...Dùng người hiền nào khác dùng cây, mới có thể thành công mau chóng; Từ trồng cây tới việc trồng người, thực thấy phải chăm nom có phép.

Dùng phép này bảo toàn đất nước, thực ích cho vua;

Lấy phép ấy bảo vệ nhân dân, nhà kia giữ trọn;

Xã tắc đời đời thịnh trị, xuân đến mọi nhà;

Quốc gia mãi mãi vững bền, đất trời hanh thái;

Như vậy sẽ được đại thần tâm phúc, chắc cao hơn hẳn cây to...

Khi cụ Đoàn mới vào thi các quan chức trách đều có vẻ coi thường cụ, vì cho rằng cụ đã đi thi nhiều lần, nhưng đều trắng tay, chỉ có hai lần đậu Tú tài. Nay cụ đã 82 tuổi già và yếu, trình độ và khả năng ắt có phần lạc hậu so với lớp trẻ nên họ xì xào:

..."Cái ông Tú tài này phỏng chừng rắn là bao, đã trải qua nhiều cuộc phấn đấu trắng tay, nay lại còn lều chõng đến trường, không còn sợ húc đầu vào đá mẻ mất sừng sao?... Tên của ông ta nên đặt ở danh sách "Giáp nhất", để chúng ta cùng ông ấy dễ gặp nhau có nên chăng? Mọi người đều nói "nên". Thế là đang từ bảng thứ hai, tên ông lão được rời sang cuối bảng thứ nhất..."

Lúc đầu trường thi Nghệ An dự định lấy đỗ 22 người. Gặp tiết Đại Khánh nhà vua, triều đình gia ân lấy tăng số đỗ lên 8 người nữa, tổng số thành 30 người. Đoàn Tử Quang tên xếp ở số 29. Chuyện ghi về ngày xướng danh như sau:

"Ngày xướng danh, người xem đông như hội. Gọi đến tên, ông lão "dạ" và đi vào, đầu tóc bạc phơ, dung nhan rất đẹp, phiêu nhiên như vị thần tiên giáng thế. Các quan khách, quan tỉnh cầm tay khen ngợi hồi lâu. Khi được cấp mũ áo ra trình diện, bái ân (lạy ơn vua), bái tứ (lạy tạ được nhận lộc vua), bái yến (lạy tạ khi được ngồi vào bàn tiệc), không hề thấy ông lão tỏ ra xiêu vẹo, bạc nhược. Yến lão sắp xong ông lão lấy một ít trong số những thức ăn có thể lấy được, cho vào trong tay áo thụng. Người bên cạnh cười cho rằng ông lão chắc có nhiều cháu chắt, muốn lấy về chia cho chúng cùng vui. ông lão chỉ tủm tỉm cười mà không nói".

Sắp về vinh qui, ông lão vào lạy tạ quan trường. Quan trường nâng dậy không giám nhận lạy của ông mà rằng: "Đẹp làm sao, thọ làm sao! Xin hỏi cụ có người con nào cùng thi không?". Ông lão đáp: "Thưa có, có ba đứa con cũng đã đi thi ở nhị trường đều đạt trung bình. Vì mùa xuân vừa qua mẹ chúng mất nên không thi tiếp nữa. lão còn mẹ, lão thi cho mẹ yên lòng". Quan trường lại hỏi thăm tuổi thọ bà mẹ. Ông lão trả lời với giọng xúc động: "Chỉ hai năm nữa là vừa chẵn 100". Khi mẹ tôi 17, trời đoạt mệnh cha tôi. Mẹ tôi thủ tiết thờ chồng, nuôi con, đinh ninh con trẻ mồ côi sẽ đỗ... cho đến khi tôi thành niên, vua Tự Đức xuống chiếu ban khen những người đàn bà trinh tiết. Mẹ tôi được thưởng 15 lạng bạc. mẹ tôi bảo tôi: "Từ ngày mẹ về làm dâu ở gia đình này, mẹ chưa từng thấy cha con bỏ đọc sách một ngày nào, có chí mà chưa có toại. Con cần phải học làm gương cho con cháu nối đời noi theo"...

.......................................................................................................................

Tài liệu tham khảo:

- Khoa bảng Nghệ An 1075-1919- Nxb Nghệ An, 2005

- Bài thi của cụ Đoàn Tử Quang (tư liệu Viện Hán Nôm Việt Nam)

- Thực tế nghiên cứu tại nhà thờ, quê hương dòng họ Đoàn, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

- Tạp chí Văn hoá Nam Định, số 2-1999 về Chánh Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521174

Hôm nay

2251

Hôm qua

2291

Tuần này

22215

Tháng này

219113

Tháng qua

121009

Tất cả

114521174