Người xứ Nghệ

Cảm nghĩ về Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến và/ ở thời đổi mới của văn học Việt Nam

Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, tôi nhớ, có 2 người Nghệ làm "náo loạn" đời sống văn chương Hà Nội nói riêng và đời sống văn chương cả nước nói chung. Đó là Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến, một người Nghệ An và một người Hà Tĩnh, một nhà văn và một nhà lý luận phê bình.

Xã hội Việt Nam bấy giờ vẫn còn mơ giữa ban ngày sau chiến thắng 1975. Nhưng những khó khăn hậu chiến đã xuất hiện, nhất là về mặt kinh tế, xã hội. Thời bình và xây dựng đất nước tuân theo những quy luật khác với thời chiến và đấu tranh cách mạng, nên việc sử dụng lại những kinh nghiệm cũ, đặc biệt là chế độ bao cấp, là một cản trở, là nguyên nhân của bao chuyện tiêu cực. Thực tế là như vậy. Nó tác động đến đời sống thường nhật của mỗi người, gây ra những bức xúc, băn khoăn, day dứt… nhưng vẫn nằm trong "trạng thái mù mờ tình cảm", chưa chuyển thành sự nhận thức lý tính như "suy xét lại", "đặt thành vấn đề". Trong hoàn cảnh này thì "trí tuệ của trái tim" thường sáng suốt hơn "trí tuệ của trí tuệ", hay nói khác, nhà văn thường sáng suốt hơn nhà lý luận phê bình. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu trở thành một nhà văn tiên phong đổi mới, đổi mới ngay ở thời kỳ tiền - éổi mới.
Nguyễn Minh Châu vẫn là một nhà văn thuộc lớp chống Mỹ điển hình. Những tác phẩm của anh phản ánh một cách lãng mạn cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại c?a M? ở miền Bắc, đời sống của bộ đội, thanh niên xung phong ở đường mòn Hồ Chí Minh… Có thể nói, đây cũng là cái nhìn, là tâm thế chung của nhân dân miền Bắc bấy giờ, nhất là ở thanh niên học sinh, sinh viên, những người luôn có một khoảng cách tri thức với cuộc sống thực tế. Bởi thế, cùng với những Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Ngọn đèn đứng gác (Chính Hữu)…, thì Người cửa sông, Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu có một sức hút to lớn v?i d?c gi?. Ông không cũn chỉ là một nhà văn của "Văn nghệ quân đội", mà là một nhà văn nói chung, nhà văn không có tính ngữ đi kèm. Có thể nói, đó là một vinh quang rất lớn.
Cho đến giờ, do không nghiên cứu riêng về Nguyễn Minh Châu, tôi vẫn chưa giải thích được tại sao ông lại có đủ can đảm để giã từ một vinh quang lớn như vậy của lối viết đã ổn định, được thừa nhận rộng rãi để tìm tòi một lối viết mới đầy chông gai, bấp bênh, nguy hiểm. Những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Minh Châu như Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành … gây nhiều băn khoăn, thắc mắc, hoài nghi… Truyện mà lại không có cốt truyện? Nhân vật thì nhờ nhờ nước hến khó phân định chính diện hay phản diện, tích cực hay tiêu cực? Chủ đề tư tưởng rất khó nắm bắt; truyện viết ra là có ý gì, cho ai đọc? Vân vân và vân vân. Đề trả lời cho loại câu hỏi trên, về sau, tôi nhớ, báo Văn nghệ đã tổ chức một cuộc toạ đàm riêng về "Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu". Kết quả cụ thể hình như không khả quan lắm, nhưng sự bế tắc của nó vô hình trung đặt ra một vấn đề lý luận: Cách viết mới hình thành như đòi hỏi một cách đọc mới. Và, để đọc mới được, phải có những thay đổi nào đó trong hệ giá trị thẩm mỹ.
Sau Đổi mới và Mở cửa, với sự xuất hiện của một lớp nhà văn mới, chưa kịp dự phần vào quá khứ vinh quang như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và sau chút nữa là Bảo Ninh…, thì việc "đọc Nguyễn Minh Châu" không còn là vấn đề nữa. Bởi lẽ, lúc này, tuy không phải trên toàn tuyến, nhưng cỏch vi ?t hi?n d?i  phần nào được xác lập và được thừa nhận. Nhưng điều đáng nói là Nguyễn Minh Châu không lui vào quá khứ, không trở thành một bước đệm, mà vẫn nhịp bước cùng thế hệ đàn em trên con đường đổi mới và có những thành tựu nghệ thuật mới, mà Phiên chợ Giát là một tiêu biểu.
Như Nguyễn Minh Châu bên sáng tác, Hoàng Ngọc Hiến bên lý luận phê bình cũng là người có những đổi mới ngay từ trong thời kỳ tiền - Đổi mới. Bài viết Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, 4/6/1979) của Hoàng Ngọc Hiến là một sự nhận diện lại đầu tiên và, do đó, bước đầu của một giai đoạn văn học. Theo ông, sở dĩ văn học ta chưa hay, chưa chân thực là bởi vì nó chỉ phản ánh cái hiện thực phải - là, chứ không phải cái hiện thực ­đang - là và ông gọi đó là chủ nghĩa hiện thực phải đạo. Có điều, tuy xuất phát từ thực tế văn học, nhưng, là một người máu lý luận, Hoàng Ngọc Hiến dùng các phạm trù mỹ học phổ quát như cái cao cả  (/cái phải - là), cái đẹp (/cái đang-là) để phô diễn điều này, chứ không dùng các phạm trù của lý luận văn học hiện đại. Bởi thế, khi những người phản đối ôngcũng dùng thứ lý luận ngoài văn học (như lý luận về bản chất/hiện tượng, ý kiến lãnh đạo, trích yếu nghị quyết…) thì cuộc tranh luận đứng im tại chỗ. Tuy vậy, định danh "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" có sức nổ lớn, như tiếng sấm giữa trời quang, không chỉ vì sự khái quát độc đáo của nó, làm cho người ta dễ nhớ, dễ thuộc, mà chủ yếu vì đằng sau cái vỏ đó là một kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ rất sâu sắc của nhiều người. Trong và sau éổi mới, anh Hiến vẫn là một trong những cây bút hàng đầu của lý luận phê bình. Anh tiếp thu "cho chữ" thiên hạ như văn học "dương tính/âm tính", văn học "bước qua lời nguyền". Anh đã có những bài viết xuất sắc về Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh…
Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến, ngoài mối liên hệ xứ sở ra, hẳn phải có một mối liên hệ tinh thần của những người cách tân đổi mới. Hai anh như một cặp bài trùng, âm dương tương hỗ. Tuy nhiên, dường như có lúc anh Hiến cũng còn chưa hẳn đã hiểu anh Châu. Tôi nhớ, trong một buổi nói chuyện về Nguyễn Minh Châu ở Thư viện Hà Nội, anh Hiến có khen truyện Phiên chợ Giát như là minh chứng thiên tài cho khái quát (dĩ nhiên là cũng thiên tài) như Marx về người nông dân, vừa là người tư hữu vừa là người lao d?ng. Bản chất hai mặt này thấy rất rõ ở Lão Khúng và đó chính là nguồn gốc bi kịch của lão. Nếu Nguyễn Minh Châu, người đã viết Ai điếu cho văn học minh hoạ, có đó, hẳn sẽ phản đối việc người ta gán cho anh làm văn học minh hoạ, dù là minh hoạ một cách thiên tài cho một công thức thiên tài. Sự nhạy cảm của xã hội này của Hoàng Ngọc Hiến là sự sắc sảo của anh và cũng là giới hạn của anh.
Phong trào đổi mới trong sáng tác và lý luận phê bình sau 1986 lôi cuốn được rất nhiều người tham gia. Nhiều gương mặt xuất sắc xuất hiện trong giai đoạn này như Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, Lê Ngọc Trà, Phương Lựu, Trần Đình Sử… Nhưng ở bài viết về người Nghệ này tôi muốn nhắc đến các anh Phong Lê, Phạm Xuân Nguyên, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh… Có thể nói các nhà lý luận phê bình đó tạo ra  một màu sắc riêng biệt, độc đáo của lý luận phê bình thời đại mới. Ngoài sự sôi nổi do cá tính của một vùng đất, của một truyền thống cách mạng, còn là những tài năng cá nhân, những tâ huyết với văn hoá dân tộc.  
....................................................................................................................................
Phụ lục:
HÃY ĐỌC LỜI AI ĐIẾU
CHO MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HỌA

NGUYỄN MINH CHÂU

Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn theo cái ngòi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh.

Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên nhũng cơn ngán giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình.

Có lúc - nói ra thật lẩm cẩm - tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây!

Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này – buồn thay – các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!

Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.

Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh "lột xác"). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.

Tuy vậy, cứ mỗi lần hết chiến tranh chuyển sang hòa bình hoặc cứ lâu lâu sau một số năm, đường hướng minh họa và tình hình mất dân chủ trong văn nghệ lại làm dấy lên những vụ này vụ khác. Những người "lính gác" lại có dịp "khép lại" và không rời mắt khỏi từng người, đặc biệt là những người có tài hay có tật và không ngừng thuyết phục với tất cả cũng như với từng người rằng cái hành lang kia là tất cả thế giới của văn nghệ cách mạng. Không khí để thở, bầu trời để ngắm, đất dưới chân để đi lại chỉ có thế và đấy là tất cả thế giới minh họa, ở trong đó nhà văn tha hồ vùng vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng. Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh họa. Tôi nghĩ rằng đường lối chính sách của Đảng, kể cả những cái sáng suốt đúng đắn cũng như cái sai lầm đang được điều chỉnh trong từng thời kỳ bao giờ cũng có thể soi rọi, giúp nhà văn nhìn thấy những vấn đề thực tế rất sâu xa của đất nước, gợi ý cho nhà văn những suy nghĩ, chiêm nghiệm quý báu. Nhà văn như một người trinh sát cuộc đời, vậy thì việc tìm hiểu sự hình thành những đường lối chính sách chính là sự tìm hiểu việc đời từ trong quá trình.

Ý nghĩa tác dụng của đường lối, chính sách đối với văn nghệ là như vậy. Tôi nghĩ rằng khi nhà nghệ sĩ đứng trước một sự vật, nảy ra ý tưởng minh họa khi tìm thấy ở nó tràn ngập cảm xúc về cái chân lý và cái đẹp.

Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình. Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi còi, bị phê phán trên báo, được tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: "Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa", nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày?

Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: "Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!", nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. Có người lại biến cái sợ cái hèn thành một thứ vật trang sức và thách thức, vật biểu hiện của sức sống dai dẳng. Giữa chồng sách trước mặt tôi lúc này là hai tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ Xuân Diệu. Một nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn? Sao mà khổ vậy? Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội.

Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ!

Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút!

Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên!

Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.

Và tác phẩm lớn là gì?

40 triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tất cả tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại.

Và gần một tỷ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q.

Cả Don Quichotte lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này.

Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.

Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời.

Nói thế có bốc đồng chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng! Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!?

Tôi nghĩ rằng trước hay sau, ai cũng trở thành bảo thủ, lạc hậu, cũ kỹ cả. Bảo thủ về già là một quy luật. Trong khoa học, đến một bộ óc mới mẻ như Einstein về già còn bảo thủ cơ mà! Cái mới nào mà chả cũ đi, – trên dòng thác biến đổi qua thời gian? Cái chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ. Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới.

Vừa qua chúng ta có in lại tuyển tập của các nhà văn đàn anh. Giở những bản tổng kết những đời văn như còn đẫm mồ hôi ấy, điều khôn ngoan cuối cùng rút ra là không chừa một ai, tất cả chúng ta phải biết lễ phép trước quy luật đào thải. Những cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo chí không đề cao lên nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về cát sỏi. Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại.

Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng.

Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521170

Hôm nay

2247

Hôm qua

2291

Tuần này

22211

Tháng này

219109

Tháng qua

121009

Tất cả

114521170