Người xứ Nghệ

Nhà văn Sơn Tùng - Người ba nhất, một tấm lòng, một trí tuệ, một nghị lực phi thường

 

Nhà văn Sơn Tùng là người viết nhiều tác phẩm nhất, được bạn đọc yêu thích nhất về đề tài Hồ Chí Minh: 13 cuốn. Nếu tính cả sách viết về những danh nhân văn hoá cách mạng, về Hồ Chí Minh…và về đề tài chiến tranh cách mạng.: 21 cuốn. Điều đáng ngạc nhiên và làm cho nhiều người trong nước, nước ngoài mến mộ là sách được tái bản rất nhiều lần và vẫn còn đang tiếp diễn.

Búp sen xanh được xuất bản năm 1982, đến nay đã tái bản và nối bản đến ba chục lần: Lần đầu là tám vạn cuốn, lần hai là mười vạn, rồi sau thường năm ngàn, ba ngàn, hai ngàn…Gần đây, Búp sen xanh được đưa vào Tủ sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng, được dịch sang tiếng Anh và song ngữ Anh - Việt.

Búp sen xanh đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu như nghệ sĩ Long Vân đạo diễn phim truyện Hẹn gặp lại Sài Gòn; Hoạ sĩ Lê Lam đã chuyển Búp sen xanh thành truyện mang tên Từ làng Sen; Nhạc sĩ Thuận Yến đã từ Búp sen xanh viết nên ca khúc nổi tiếng Miền Trung nhớ Bác; Nhiều nhà văn, nhà thơ khác đã chuyển Búp sen xanh thành truyện, thơ…(Xem bài Búp sen xanh, ngày càng xanh của Thiên Sơn đăng báp Tiền Phong chủ nhật số 20, từ 12/5 đến 18/5/2008).

Bông sen vàng, Hội Văn nghệ Đà Nẵng xuất bản lần đầu năm 1990, đến này nhiều Nhà xuất bản đã tái bản tới 12 lần. Tác phẩm Mẹ về, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 1990; Nhà xuất bản Thanh niên in tiếp lấy tên Bác về, năm 2006; Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản tiếp nhan đề in lần đầu tiên Mẹ về, năm 2008; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất vản với tên Cuộc gặp gỡ định mệnh và nhiều cuốn khác cũng được tái bản ba, bốn lần.

Vì sao Sơn Tùng viết về Hồ Chí Minh 13 cuốn, vẫn không nhàm, mà lại có sức cuốn hút người đọc đến thế? Sách càng đọc càng hấp dẫn…nhiều người đã cầm sách đọc một mạch hết cả cuốn dày, cả đêm không ngủ, muốn đọc lại nhiều lần.

Vì sao ư? Vì họ bị lôi cuốn bới nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Nội dung sách là kho tư liệu rất sống động về thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ kính yêu. Qua tác phẩm, người đọc rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm và triết lý cuộc sống. Về nghệ thuật thì tiểu sử Hồ Chí Minh được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết, lời văn giản dị, dễ hiểu, nhiều tầng ngữ nghĩa…ngấm sâu vào lòng người, có sức chinh phục, cảm hoá rất lớn. “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thuỷ tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời” (Sơn Tùng). Nhiều bạn đọc đủ mọi lứa tuổi đã xem Búp sen xanh như cuốn sách gồi đầu giường.

Sơn Tùng được nhiều Cơ quan, Trường học, Viện nghiên cứu, Trung tâm Khoa học, Câu lạc bộ ở Thủ đô và các tỉnh, thành mời nói chuyện về Bác Hồ nhiều nhất: 530 cuộc.

Cuộc nói chuyện ngắn nhất là ba tiếng đồng hồ, dài nhất là năm buổi liền. Số người nghe mỗi buổi ít nhất khoảng hai trăm người, đông nhất là trên nghìn người. Đặc biệt khi nghe SơnTùng nói, không có ai bỏ ra về mà số người đến nghe mỗi lúc một đông hơn, có những đoạn nhiều người cảm động khóc. Vì sao vậy? Vì Sơn Tùng đã dồn hết tâm trí của mình vào câu chuyện, nói chuyện không bao giờ phải dùng đến giấy tờ. Dường như mọi câu chuyện về Bác Hồ đã được sắp xếp sẵn, Sơn Tùng nhập vai vào nhân vật với một tấm lòng nhiệt huyết say sưa, yêu kính Bác. Có những ngày hè nóng nực, Sơn Tùng nói chuyện liền hai buổi (8 tiếng đồng hồ), máu rỉ ra ở tai, ở đầu, ướt cả áo sơ mi trắng. Có lần Câu lạc Bộ Thăng Long mời Sơn Tùng nói chuyện về Bác, khi Sơn Tùng vừa rời bục diễn giả, nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên cảm động chạy đến ôm chặt lấy Sơn Tùng, khóc nghẹn ngào. Sau buổi nói chuyện, do quá sức, về tới nhà, vết thương cũ bị tái phát, suốt một tuần liền, Sơn Tùng chỉ húp được nước cháo và thiền.

Sơn Tùng là người được nhiều nhất số học giả, ký giả, nhà nghiên cứu nước ngoài (Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Hàn Quốc v.v…) đến tận nhà tìm hiểu về Hồ Chí Minh: 88 người (sách còn lưu giữ). Có người đến phỏng vấn nhà văn Sơn Tùng từ ba đến năm buổi liền như: Lady Borton, Davis Thomas (Mỹ), Ku Su Joeng, Bang Huyn Suk (Hàn Quốc), Yutaka Aramaki (Nhật Bản), Kathlên Callo (Anh), Barry Wan (Úc)… Họ lại muốn được ngồi bệt dưới nền nhà để ăn bữa cơm dân dã như canh cua, ốc, chả lá lốt hoặc đậu phụ sốt cà chua… với Sơn Tùng và gia đình.

Vì sao vậy? Vì Sơn Tùng là kho tư liệu rất tin cậy về Hồ Chí Minh. Chỉ Sơn Tùng mới nói lên được những nét bình dị mà rất vĩ đại trong đời sống của Người. Đối với họ, nếu ai đó viết từ một đến ba cuốn sách có giá trị về một nhân vật lịch sử đã rất khó thành công, đằng này Sơn Tùng viết 13 cuốn sách viết về Hồ Chí Minh. Thật đáng khâm phục! Họ cũng muốn biết mặt của tác giả thế nào? Dẫu cho việc phải ngồi xếp tròn chân trên sàn nhà đối với người phương Tây là rất khó.

Tại sao Sơn Tùng đạt được thành tựu của “Người ba nhất” to lớn như vậy?

Ở Sơn Tùng hội tụ được cả ba chữ Tâm – Tài - Đức. Sơn Tùng có một tấm lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào, đặc biệt kính yêu Bác Hồ một cách sâu sắc. Dường như Sơn Tùng nhận được sứ mệnh lịch sử cách mạng là viết về Bác Hồ một cách trung thực.

Sơn Tùng có một trí tuệ rất sáng tạo, hiểu biết sâu về lịch sử, văn học, triết học, xã hội học…Sơn Tùng có một trí nhớ rất khác thường về Bác Hồ và các nhân vật lịch sử, văn thân yêu nước như Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Hoa Thám…. về các ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, về các quan chính đạo như Cao Xuân Dục, Đào Tấn, Phan Võ, Nguyễn Khắc Niêm, v.v…

Mặc dù là thương binh nặng nhất loại ¼, nhưng Sơn Tùng đã cố khắc phục thương tật, đi tìm gặp cho được những người thân quen của Bác Hồ ở khắp mọi miền trong nước để thu thập thêm những tư liệu sống động về Bác Hồ. Sơn Tùng có một nghị lực phi thường chống lại bệnh tật: Khi thời tiết thay đổi, huyết áp lên cao, máu ở vết thương lại chảy ra, Sơn Tùng nghiến chặt răng chịu đau, không hề rên la, chỉ bấu chặt hai tay vào mép bàn viết và thiền. Sơn Tùng có một nghị lực rất lơn trong việc giữ nếp sống, làm việc, thể dục hàng ngày: Ăn uống thanh đạm ngày ba bữa, đi ngủ sớm, thức dậy lúc 2 giờ sáng để thiền (một tiếng), sau đó tập Thái cực quyền, tắm. Rồi làm việc từ 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng, tiếp khách từ 8 giờ sáng đến 16 giờ, trưa ngả lưng một chút, mà Sơn Tùng vẫn viết được sách cùng nhiều bài báo có giá trị. Tuy gặp không ít khó khăn trong đời sống và sự nghiệp, song lúc nào Sơn Tùng cũng giữ được vẻ an nhiên, tự tại…

Ý thức về sứ mệnh lịch sử cách mạng của mình là nghiên cứu về Bác Hồ, viết sách về Bác Hồ, nói chuyện về Bác Hồ, Sơn Tùng đã sống, chiến đấu, lao động và tự rèn luyện bản thân hàng ngày như vậy đó!

 

Tháng 8 năm 2009 – Mùa thu Hà Nội

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521167

Hôm nay

2244

Hôm qua

2291

Tuần này

22208

Tháng này

219106

Tháng qua

121009

Tất cả

114521167