Góc nhìn văn hóa

80 năm tự hào một đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ

Ngày 22/12 tròn 80 năm trước, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi khai sinh ra quân đội ta, hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngoài ra khi có biến thì “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân ủy Trung ương, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của một đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.

 

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh: TL

1. Từ truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1).

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhiều quốc gia dân tộc, có lẽ chẳng có dân tộc nào như Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều kẻ thù ngoại bang đến như vậy, kể cả số lượng và tần suất, cả về quy mô và độ ác liệt. Sự khắc nghiệt của lịch sử như là một điều không ai muốn và lịch sử cũng không cho dân tộc ta có một sự lựa chọn một con đường, một phương cách nào khác để giải phóng dân tộc.

Từ thuở Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán ở thế kỷ I - cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử người dân đất Việt đứng lên vì nền độc lập mà những người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, một sự khích lệ tinh thần dân tộc Việt theo cách riêng của người Việt. Hai Bà Trưng đã ngoan cường chiến đấu với tinh thần không bao giờ cam chịu làm nô lệ với một lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù”. Tinh thần và ý chí đó sau 2 thế kỷ lại được Bà Triệu kế thừa và phát huy trong cuộc khởi nghĩa chống lại ách cai trị bạo tàn của giặc Ngô: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Đó là tư tưởng kháng chiến đặt ý chí tự chủ, tự cường của quốc gia dân tộc trên hết của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống thế kỷ XI với “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Nếu kẻ thù dám xâm phạm chủ quyền, đất đai cương vực lãnh thổ của tổ tiên ta để lại, chúng sẽ bị “đánh tơi bời”.

Đó là hình ảnh người tướng sỹ trong “Hịch tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn kêu gọi binh sĩ đoàn kết một lòng, hăng say tập luyện để chuẩn bị đánh đuổi đạo quân hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII là Nguyên Mông. Nghệ thuật quân sự của vua quân nhà Trần “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, là tinh thần khảng khái “Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu tôi đi đã”, “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn là làm vương đất Bắc”… đã làm nên một “Hào khí Đông A” của quốc gia Đại Việt.

Tư tưởng đại đoàn kết từ nhà Trần được Lê Lợi, Nguyễn Trãi tiếp thu, vận dụng trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh bạo tàn đầu thế kỷ XV là “tướng sỹ một lòng phụ tử” vì “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” mà tướng với quân, quân với dân thương yêu đoàn kết như cha con “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” trong “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.

Đó là tinh thần, ý chí, quyết tâm của Hoàng đế Quang Trung để đánh bại 29 vạn quân Thanh cuối thế kỷ XVIII: “Đánh cho để dài tóc, đánh để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…” cũng là một lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc, cũng chính là tuyên ngôn của một dân tộc tuy bé nhỏ nhưng bất khuất, kiên cường trước kẻ thù đông đảo và hung bạo.

Khi cha ông ta lại thêm một lần đối mặt với kẻ thù mới, cường quốc thực dân châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX là thực dân Pháp xâm lược, hình ảnh những người lính nghĩa sĩ Cần Giuộc chỉ với vũ khí hết sức thô sơ giáo mác, gậy gộc nhưng khi Tổ quốc lâm nguy thì họ sẵn sàng đem mạng sống của mình liều chết với quân thù hùng mạnh để giữ gìn đất nước.

Tư tưởng, tinh thần, ý chí đánh giặc, giữ nước của cha ông đã trở thành một sức mạnh vô địch làm nên những chiến thắng lẫy lừng như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Rạch Gầm - Xoài Mút, Đống Đa… làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Và lịch sử giữ nước đã cống hiến cho đất nước những người anh hùng giải phóng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung…

Truyền thống yêu nước, ý chí và quyết tâm cứu nước ấy đã được các thế hệ cha ông lưu truyền, lan tỏa liên tục trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước để trong thế kỷ XX, những người lính của thời đại Hồ Chí Minh viết thêm những kỳ tích mới, được Nhân dân yêu mến gọi là “người lính cụ Hồ”.

Đó là truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước; lấy nhỏ chống lớn, lấy ít địch nhiều; cả nước chung sức đánh giặc, toàn dân đánh giặc, đánh giặc toàn diện; đánh giặc bằng trí thông minh, sáng tạo, bằng nghệ thuật quân sự độc đáo…

2. Đến quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân mà chiến đấu.

Tiếp nối truyền thống quý báu đó, từ những cuộc vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam), ngày 22/12/1944, tại chiến khu Việt Bắc, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) ra đời. Từ những mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng là đội “Tự vệ Đỏ” trong phong trào cách mạng 1930-1931 cho đến đội Du kích Bắc Sơn ra đời trong Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) và 3 trung đội “Cứu quốc quân” rồi đến sự ra đời Du kích Nam kỳ sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940) đến ngày 22/12/1944 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bia kỷ niệm Chỉ thị thành lập và danh sách đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh: Trung Hiếu

Trong buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Mười lời thề danh dự của Đội mà tôi xin được vắn tắt: Nguyện hy sinh vì đất nước; tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh; kiên quyết chiến đấu; rèn luyện để thành quân nhân cách mạng; hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng đội; giữ gìn vũ khí; thực hiện đoàn kết quân dân; không làm gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể Việt Nam.

Từ “Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” đến “Vệ quốc quân”, “Vệ quốc đoàn” đến “Quân đội Nhân dân Việt Nam”, “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam” là một hành trình 80 năm lịch sử mà quân đội ta phải chiến đấu với những kẻ thù to lớn và hung bạo, đông về quân số, tân tiến về vũ khí, uy lực về hỏa lực của tất cả các binh chủng, quân chủng.

Chiến tranh là một cuộc đọ sức khốc liệt một mất một còn, là sự thử thách toàn diện nhất sức sống của một dân tộc. Trong những cuộc chiến đấu lâu dài chống các thế lực xâm lược ngoại bang để bảo vệ sự trường tồn của quốc gia dân tộc, đất nước ta đã trải qua những chặng đường đầy gian nan, khốc liệt, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.

Trong lịch sử quân sự thế giới, có lẽ chẳng có quân đội nào như quân đội Việt Nam, ngay từ khi ra đời đã phải liên tục, liên tiếp tiến hành nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ, gian khổ, ác liệt với nhiều kẻ thù có sức mạnh vượt trội đến từ các cường quốc. Các tướng lĩnh chỉ huy của những đạo quân xâm lược đều là những vị tướng thành danh từ các trường chỉ huy quân sự, là những tướng vang danh từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong quá trình ra đời của quân đội chính quy của các quốc gia, có lẽ chẳng có quân đội nào mà hầu hết các vị tướng lĩnh chỉ huy đều không được đào tạo tại các trường chỉ huy sỹ quan nổi tiếng thế giới. Đa số họ đều là những vị tướng trận mạc được trưởng thành từ những người lính, được tôi luyện trong chiến tranh, được kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Đại tướng -Tổng Tư lệnh đầu tiên, “Người anh cả” của quân đội ta là Võ Nguyên Giáp thì xuất phát điểm cũng là một giáo viên Sử chứ không phải con nhà binh, từ nhà binh, trước khi được Bác Hồ bổ nhiệm là Đại tướng - Tổng Tư lệnh cũng chưa hề được đào tạo qua bất cứ một trường quân sự chính quy nào.

Những người lính của QĐNDVN là “Anh đi bộ đội sao trên mũ” với ngôi sao sáng dẫn đường chính là lòng yêu nước, là ý chí chiến đấu ngoan cường, quả cảm và hy sinh dũng cảm vì một lý tưởng, mục đích cao cả là Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng hiến dâng cả tuổi xuân vì “Ta lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Quyết chiến đấu, cho hôm nay, cho mai sau, cho con cho cháu và cho khắp mọi người”.

Những người anh hùng của một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng như Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Viết Xuân, Lê Anh Xuân, Lê Đình Chinh… đã tạc lên những tượng đài bất tử vào hồn thiêng sông núi.

Sự hy sinh của các anh đã làm cho cái chết “hóa thành bất tử” để “đất nước nở hoa” và mãi trường tồn.

Có lẽ cũng chẳng ở đâu trên trái đất này, chẳng có dân tộc nào trên thế giới này lại khát khao và yêu quý hòa bình như dân tộc Việt Nam. Nhưng vì để có được nền hòa bình lâu dài, một nền độc lập vững bền thì những người lính dù “Đời mình thì thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta phải ôm cây súng” chiến đấu để giành lại hòa bình, bảo vệ hòa bình.

 Vì vậy, cái giá của một nền hòa bình mà dân tộc ta có được là rất đắt đỏ. Hơn 1, 2 triệu người lính đã ngã xuống vì chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc và hàng vạn người lính đã vượt qua được làn ranh sinh tử để được sống phải mang trên mình thương tật suốt đời. Điều mà các bậc hậu thế khi đến thăm viếng nhiều nghĩa trang liệt sỹ luôn thấy trăn trở và nhói lòng là có rất nhiều phần mộ trong nhiều nghĩa trang rộng lớn được ghi trên bia dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”.

Thi thể của các anh, các chị vẫn nằm đâu đó trong những cánh rừng già, hang sâu, núi đá, dòng suối, con sông, trong đất liền cũng như ngoài biển đảo xa xôi. Mỗi khi Tết sắp đến, Xuân sắp về, ta vẫn thấy thấp thoáng nhiều bóng dáng mẹ già sức yếu, lưng còng, mắt mờ nức nở tìm mộ con ở nhiều nghĩa trang lúc hoàng hôn.

Một đất nước sau chiến tranh có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ từ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), từ Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào (Nghệ An) đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam), Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh…Trên dải đất hình chữ S thân yêu này, đi đến địa phương nào cũng có đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ bởi Tổ quốc đã ghi công, Nhân dân đã ghi ơn, lịch sử đã ghi danh các anh, các chị đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc để bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng. Nghĩa trang liệt sĩ càng rộng, nỗi đau càng dày, phần mộ trong nghĩa trang càng nhiều thì mất mát càng lớn, cái giá mà quân đội ta phải trả vì nền độc lập của dân tộc càng đắt đỏ.

Một đất nước mà có hàng vạn Mẹ Việt Nam Anh hùng, từ mẹ Suốt, mẹ Tơm đến mẹ Thứ, mẹ Nhu…đã cưu mang, chở che, nuôi dấu bộ đội và hy sinh những người con mà mình đứt ruột đẻ ra cho Tổ quốc. Thử hỏi, có nỗi đau nào lớn hơn thế và có dân tộc nào mất mát nhiều như thế. Trong chiến tranh cách mạng Việt nam, hầu như gia đình nào cũng đều có những người đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong hay dân công hỏa tuyến, đều chiến đấu và phục vụ chiến đấu “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Những cung đường bất tử, những con đèo sinh tử, những ngã 3 huyền thoại, những thung lũng tử thần, khu rừng, bến phà, con sông, ngọn núi gắn với những chiến trường ác liệt đều thấm đẫm máu và nước mắt, đều ghi dấu những chiến công oanh liệt.

Từ Ngã 3 Cò Nòi của quốc lộ số 6 đến dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô đến “Cối xay thịt” mang tên Vị Xuyên (Hà Giang) đến hang Pò Hèn (Quảng Ninh); từ Hang Hỏa Tiễn (Hoàng Mai) đến Hang Tám Cô (Quảng Bình), từ Ngã 3 Truông Bồn (Nghệ An) đến Ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh), từ Quảng Trị của Vĩ tuyến 17 với “Sông Bến Hải bên bồi bên lở, Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương” dày đặc địa danh của sự đau thương đến Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, Từ Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ vào miền Đông đất đỏ “gian lao mà anh dũng”, “nghe máu đỏ nhuộm hồng đã bao lần”. Từ duyên hải miền Trung nắng gió đến đồng bằng Sông Cửu Long mênh mông sông nước, Từ Trường Sơn đến Trường Sa đều in những dấu chân người lính “Bộ đội cụ Hồ” mang trên mình những sứ mệnh thiêng liêng.

Lớp lớp thanh niên miền Bắc ngày ấy đã tạm biệt gia đình, quê hương, tạm xa mái trường, giảng đường, ruộng đồng, tình nguyện xung phong lên đường vào Nam chống Mỹ, xông pha trận mạc trong mưa bom, bão đạn và như một cách tự nhiên, giản dị, họ đã trở thành những “Anh giải phóng quân” với hành trang giản đơn là đôi dép cao su, chiếc ba lô, chiếc mũ tai bèo, khẩu súng AK để vượt đường Trường Sơn huyền thoại. Họ không sợ gian khó, không ngại hiểm nguy, chỉ có ước nguyện và lý tưởng cao quý là cùng nhau gìn giữ nước non.

80 năm nhìn lại một chặng đường lịch sử của QĐNDVN, nhắc lại chiến tranh để chúng ta thêm trân quý nền hòa bình, nhắc lại quá khứ một thời đạn bom để thêm yêu người lính. Thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đang được thụ hưởng nền hòa bình thì cũng phải ghi nhớ, ghi ơn những người đã chiến đấu và hy sinh vì một nền hòa bình, vì Tổ quốc yêu thương.

3. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả

Trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã luôn sát cánh cùng Nhân dân và lực lượng vũ trang Lào vượt qua mọi khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu, hy sinh trên khắp các chiến trường Lào từ những ngày đầu kháng chiến đến ngày thắng lợi cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân 2 nước, trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân đội 2 nước đã phối hợp chiến đấu dành nhiều thắng lợi trong các chiến dịch quân sự trên đất bạn: Nậm Thà (1962), Nậm Bạc (1968), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969-1970), Đường 9 - Nam Lào (1971), Cánh đồng Chum - Loong Chẹng (1971-1972)…Hình ảnh của Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ đơn thuần là sự ngăn cách về mặt địa lý của 2 quốc gia mà cũng là một biểu tượng trong sáng và cao đẹp cho sự đoàn kết chiến đấu của quân đội Việt - Lào.

Thành công của Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào là thành quả của sự giúp đỡ giữa 2 Đảng, 2 quân đội của 2 nước Việt -Lào. Đây là một điển hình mẫu mực về quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác giữa quân đội 2 nước có độc lập, chủ quyền, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau trong kháng chiến cùng chống kẻ thù chung.

Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào. Ảnh: TL

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa kết thúc, quân đội ta chưa kịp có những ngày ngơi nghi lại phải cầm súng chiến đấu ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc chống Pôn Pốt xâm lược, vừa giúp đỡ quân và dân Căm Pu Chia đập tan tập đoàn phản động Pôn Pốt - Yêng xa ry, giải phóng thủ đô Phnong Pênh, giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi thảm họa diệt chủng. Chiến thắng ngày 07/01/1979 thể hiện tinh thần đoàn kết thủy chung trong sáng, chí nghĩa, chí tình của 2 dân tộc và sự kề vai, sát cánh, đồng cam, cộng khổ của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam với quân và dân Căm Pu Chia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng đất nước. Chùa Tháp đã trở thành biểu tượng cao đẹp  cho tinh thần quốc tế cao cả của bộ đội cụ Hồ và những người lính tình nguyện Việt Nam đã được Nhân dân Căm Pu Chia gọi một cái tên thân thương là “Đội quân nhà Phật”. Hình ảnh đẹp của những anh lính tình nguyện Việt Nam bên điệu múa Áp xa ra với Nhân dân nước bạn dưới những tháp cổ Ăng Ko sau khi chiến tranh kết thúc và nhiều hình ảnh Nhân dân Căm Pu chia tiễn những anh lính tình nguyện Việt Nam sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả năm 1989 đã khắc họa thêm cống hiến của những người lính “Cụ Hồ” với nước bạn anh em, láng giềng.

Kế thừa và phát huy truyền thống quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng và tinh thần quốc tế trong sáng, quán triệt và triển khai đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua quân đội ta đã tham gia hiệu quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở những nơi xa Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa này, chúng ta đã truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, thủy chung, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng động quốc tế đang phải đối mặt, góp phần giữ vững hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các quốc gia; tạo thế và lực mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

4. Mãi là niềm tin và điểm tựa của lòng dân, vì dân phục vụ.

Với truyền thống và bản chất của một quân đội nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, quân đội ta đã tạo ra sự kết tinh cao độ, tập trung trí tuệ, bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và công tác, bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Nhân dân.

Lịch sử sẽ mãi khắc ghi và Nhân dân sẽ mãi khắc cốt những ngày tháng đất nước gian nan chống đại dịch Covid-19 năm 2020, 2021. Cứ khi nào Nhân dân khó khăn, nguy hiểm là ở đó sẽ có mặt những người lính chung tay, chung sức, chung lòng, chung nhiệm vụ. Với khẩu hiểu “Chống dịch như chống giặc”, “Vì Nhân dân phục vụ, vì Nhân dân hy sinh”, hình ảnh của những người lính bất chấp mọi hiểm nguy đến tính mạng để quăng thân mình trong tâm dịch đã làm lòng dân vùng dịch thấy ấm áp và xúc động vô cùng.

Bộ đội vận chuyển hàng hóa đến người dân tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Ngay trong lần đầu tiên đối mặt với Covid-19, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, các cấp ủy, chỉ huy, chính trị viên các cấp đã thấu suốt quan điểm “Chống dịch như chống giặc” xuyên suốt từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng đến từng cán bộ, chiến sĩ, chủ động đề ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả với tinh thần “sớm hơn và cao hơn một bước”. Theo lời hiệu triệu của TBT Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”, “giúp dân là mệnh lệnh của trái tim của cán bộ, chiến sĩ”, quân đội đã không quản ngại hy sinh, xông thẳng vào tâm dịch, hỗ trợ các địa phương và Nhân dân phòng chống Covid-19. Trong vùng tâm dịch, quân đội đã phối hợp với các địa phương tổ chức tiếp nhận, xét nghiệm, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, vận chuyện lương thực, nhu yếu phẩm tới từng nhà dân, cứu dân.

Trong cuộc chiến đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế quân đội đã ngã xuống, không thể về quê nhà để chịu tang người thân.

Đầu tháng 9 năm 2024, Siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền đã đổ bộ vào miền Bắc. Không chỉ có sức tàn phá ghê gớm, hoàn lưu bão còn gây ra thảm họa lũ lụt và sạt lở đất rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương của miền Bắc. Những người lính QĐNDVN lại tiếp tục về với dân, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, đóng vai trò nòng cốt trong phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, tổ chức điều động lực lượng bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân.

Làng Nủ bị cuốn trôi trong lũ và một làng Nủ mới đang được quân đội và các lực lượng khẩn trương chung tay dựng xây sắp đến ngày hoàn thành đã nói lên tất cả của tình quân dân, nghĩa đồng bào trong khổ đau.

Quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ luôn là lẽ sống, một nét đặc sắc của văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Ngày 22/12 nhiều thập kỷ qua không chỉ là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội quốc phòng toàn dân và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc không chỉ thuộc về những người lính. “Nhân dân cần bộ đội, Nhân dân khó có bộ đội” đã trở thành chân lý được đúc kết từ thực tiễn cách mạng thời chiến và càng lung linh, tỏa sáng trong thời bình từ những cuộc chiến giúp Nhân dân chống đại dịch và thiên tai, hỏa hoạn.

80 năm qua, 10 lời thề hiện nay của QĐNDVN có một vài thay đổi về câu từ, nhưng cơ bản nội dung 10 lời thề vang lên tại lễ thành lập Đội VNTTGPQ giữa núi rừng Việt Bắc vẫn được giữ y nguyên. “Mười lời thề danh dự” đã đồng hành cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo cho mọi quân nhân của QĐNDVN luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Nhân dân; ý thức về danh dự và phẩm giá; tinh thần bất khuất trước kẻ thù; xây dựng cho quân nhân tình cảm đẹp và ý chí cách mạng; quan hệ cấp dưới với cấp trên trong sáng, giữ nghiêm kỷ luật; luôn gắn bó “máu thịt với Nhân dân”, đùm bọc giúp đỡ đồng đội.

Mười lời thề danh dự cũng là lời nhắc nhở mỗi quân nhân ý thức sâu sắc hơn về niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, với đồng chí, đồng đội.

Hành trình 80 năm sắt son với 10 lời thề danh dự là hành trang để cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN tiếp tục kế thừa và viết tiếp những trang sử vinh quang cho sự nghiệp vì nước, vì dân.

Từ 34 chiến sĩ đầu tiên của “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” 80 năm trước, đến nay Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở thành một quân đội hùng mạnh với đầy đủ các quân chủng, binh chủng chính quy, phát triển hiện đại, được Đảng và Nhà nước tin cậy, Nhân dân tin yêu và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với nước, với dân.

______________

Chú thích:

1. “Tinh thần yêu nước của Nhân dân ta”, trích trong văn kiện “Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 2 năm 1951.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114523621

Hôm nay

218

Hôm qua

2305

Tuần này

2323

Tháng này

221560

Tháng qua

121009

Tất cả

114523621