Đất và người xứ Nghệ

Ai đã đặt tên Thung Mây?

 

Hồ Thung Mây. Ảnh: Hồ Hải Đăng

 

Chúng tôi lên thăm Qùy Hợp, một huyện min núi phía Tây Bắc Nghệ An, nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử được nhiều người biết đến. Một trong số đó là Hồ Thung Mây, một hồ nước trong xanh soi bóng phố núi Qùy Hợp. Cái tên Thung Mây gợi nhiều dư vị, vừa gợi hình, vừa gợi cảm. Ai đã đặt tên cho Thung Mây?

 

 

Hồ Thung Mây. Ảnh Tất Lành

 

       Hồ Thung mây nằm ngay thị trấn Qùy Hợp, cái vị trí trung tâm này làm ta gợi nhớ đến hồ Than Thở, hồ Xuân Hương của Đà Lạt mộng mơ. Nếu hồ Than Thở và hồ Xuân Hương của Đà Lạt đã là một cô gái thị thành có xuất thân miền núi thì hồ Thung Mây lại như một sơn nữ vẫn còn đó sự khiêm nhường, bẽn lẽn. Thung Mây được con người ưu ái đặt trong một thị trấn nhỏ để nàng được khoác lên mình màu áo phồn hoa, nhưng thiên nhiên thì cố níu giữ nàng bởi sự mơ màng của những áng mây trên đỉnh Phá Chon không xa, những buổi chiều mờ sương Phủ Qùy.

      

Xe xuôi lên Châu Lý, cách thị trấn Qùy Hợp độ 12 km. Trên xe có nhà thơ Võ Ngọc Sơn, quê Diễn Châu, nhưng ông đã gắn bó với thị trấn này từ những ngày đầu còn hoang sơ, ông rõ Thung Mây như người Thổ, Người Thái rõ về núi rừng Qùy Hợp vậy. Hiểu rõ sự hiếu kỳ của mọi người, nhà thơ đã chủ động kể về “sự tích” hình thành cái tên hồ Thung Mây. Bằng chất giọng sang sảng của một người con vùng biển, hòa điệu với âm hưởng đại ngàn, ông kể:

      

“Vào khoảng đầu những năm 1960, tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức cho Nhân dân một số huyện miền xuôi như Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc… thuộc nông trang 12/9 lên khai hoang làm kinh tế mới. Thời đó, đây là một vùng hoang vu, rậm rạp với bạt ngàn cây song, cây mây chằng chịt, chỉ có chồn, cáo và muông thú sinh sống chứ con người chưa đặt chân đến, kể cả người Thái, người Thổ, người Thanh vốn là cư dân bản địa. Đội 3, Nông trang 12/9 được đóng trên vùng đất chính là hồ Thung Mây ngày nay.

      

Năm 1963, Huyện Quỳ Hợp được thành lập trên cơ sở tách từ huyện Quỳ Châu cũ thành 3 huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong theo Quyết định số 53/CP ngày 19/4/1963 của Hội đồng Chính phủ. Huyện Qùy Hợp lúc ấy có 13 xã, ông Hủn Quang Kình được điều từ Qùy Châu về làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện.

       

Năm 1975, ông Hủn Quang Kình (khi ấy đã được điều về công tác tại tỉnh) trở lại thăm Qùy Hợp, nơi ông từng là Bí thư. Đứng nhìn dòng nước từ thác Khe Lạnh đổ về vùng trũng này gây ngập cho cả một vùng rộng lớn, ông Kình bất chợt lóe lên một ý tưởng: cần có một cái hồ vừa là cảnh quan, vừa là nơi giữ nước để hạn chế ngập lụt mỗi khi mùa mưa về. Ý kiến của ông được Thường vụ Huyện ủy nghiêm túc xem xét và nhất trí. Quyết định xây dựng hồ đã được huyện thông qua. Đội 3 được dời đi nơi khác để tiến hành công tác xây dựng hồ. Công trình được tiến hành trong vòng hơn ba tháng, với sự tham gia của khoảng 3.000 cán bộ, công nhân viên và Nhân dân Qùy Hợp, một hồ nước rộng 13 ha đã được hình thành từ một vùng trũng hoang vu. Hồ có chức năng giữ nước chống ngập khi mùa mưa đến. Mùa hè, hồ là lá phổi điều hòa không khí giúp cho khí hậu trở nên mát mẻ, hơn thế hồ còn là một cảnh quan tuyệt đẹp bởi sự hài hòa sơn thủy hữu tình. Hồ trở thành điểm nhấn trong tổng thể quy hoạch và cảnh quan của huyện lỵ. Lúc đầu, người ta gọi hồ là hồ Huyện Lỵ vì nó nằm ở trung tâm huyện lỵ, nơi có các cơ quan của huyện đóng; có người gọi là hồ Công an vì nó gần với trụ sở công an huyện; có người lại gọi là hồ 12/9 vì nó nằm trên vùng đất của nông trang 12/9 cũ…

       

Năm 1985, HĐND huyện Qùy Hợp đem vấn đề cần có một tên gọi chính thức cho hồ ra họp bàn. Có nhiều ý kiến được nêu ra, đáng chú ý có những cái tên như hồ Túng Khoong (tên cổ của vùng đất này), hồ Thung Song (vì đây là nơi nhiều cây song)… Nhưng ý kiến được tán đồng hơn cả là hồ Thung Mây vì mây và song đều là loài cây đặc trưng của vùng này; nhưng cái tên Thung Mây nó còn gợi cái vẻ đẹp của hồ mỗi khi chiều xuống hoặc bình minh thì sương mờ bao phủ, bên cạnh hồ không xa, những đám mây ngàn bao phủ trên đỉnh Phá Chon tạo nên một vẻ đẹp thâm u huyền ảo.

     

Cái tên Thung Mây nó được hình thành như vậy đấy - nhà thơ Võ Ngọc Sơn trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp. Tập san của CLB Văn học nghệ thuật Qùy Hợp cũng lấy tên Thung Mây bởi vẻ đẹp lãng mạn và gợi hình về mây trời non nước Qùy Hợp”.

       

Câu chuyện thú vị của nhà thơ Võ Ngọc Sơn đã thu hút hết thảy chúng tôi. Câu chuyện của người “hướng dẫn viên” một đời gắn bó với Qùy Hợp ấy đã mở ra những hiểu biết cho những ai yêu quý miền đất này. “Sự tích” về những ngày hoài thai "người con gái đẹp" - Thung Mây là một phần của lịch sử hình thành và phát triển của Qùy Hợp.

                                                                   

       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447320

Hôm nay

249

Hôm qua

2305

Tuần này

2958

Tháng này

213579

Tháng qua

120141

Tất cả

114447320