Văn hóa và đời sống

Lung linh Lễ hội đường phố “Sắc màu di sản”

 

Lễ hội đường phố “Sắc màu di sản” nằm trong chương trình của Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023. Đây là một hoạt động không chỉ tôn vinh các giá trị của dân ca Ví, Giặm mà còn là nơi hội tụ những cái hay, cái đẹp, những nét đặc sắc của dân ca, dân vũ và dân nhạc truyền thống của ba miền: Bắc, Trung, Nam.

 

Lễ hội đường phố “Sắc màu di sản” đã từng bừng diễn ra vào tối 5/8, tại phố đi bộ Hồ Tùng Mậu (thành phố Vinh) với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân đến từ 18 đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh, thành phố 3 miền: Bắc, Trung, Nam; 19 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnhcác nhóm nhảy, vũ đoàn, đội múa Lân Sư Rồng, nhóm trượt patin, nhóm múa Sen Việt.

 

Tại 2 sân khấu chính: 1. Đường Hồ Tùng Mậu phía Trung tâm Văn hóa tỉnh và 2. Đường Hồ Tùng Mậu phía chợ Quán Lau, sau màn múa Lân Sư Rồng của các nghệ nhân TP. Vinh là màn diễu hành của 2 xe mô hình và các đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC), các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm. Đêm hội thực sự tưng bừng, sôi động và lung linh sắc màu với các màn trình diễn di sản văn hóa của 3 miền: Bắc Trung Nam.

 

Đoàn NTQC Nghệ An - đơn vị chủ nhà chào đón bạn bè 3 miền về với mạch nguồn Ví, Giặm. Từ trong lao động sản xuất, đồng thấp ruộng cao, một nắng hai sương; chắt chiu từ hạt lúa, củ khoai, cà chua, nhút mặn; Ví, Giặm đã ra đời, được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; như dòng sữa ngọt ngào nuôi lớn bao đời người dân xứ Nghệ, nuôi lớn các bậc hiền nhân làm rạng danh đất nước. Mời bạn cùng lên “Con thuyền Ví Giặm”, để thấy được tình đất, tình người hòa trong dòng chảy Lam Giang. Ví, Giặm lắng sâu, da diết, bâng khuâng; mãnh liệt mà thiết tha, cao sang mà mộc mạc. Câu Ví làm say lòng người, câu Giặm cất lên hết giận lại thương.

 

Trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh khơi trong gạn đục, rửa nhục đắp vinh, rèn dũa ý chí, tinh thần, nghị lực, niềm lạc quan yêu đời, tạo nên cốt cách tâm hồn riêng có của người dân xứ Nghệ. Để rồi từ trong mạch nguồn, gốc rễ, Ví, Giặm vươn cao, bay xa, lan tỏa đến mọi miền đất nước và thế giới. Thanh âm của Ví, Giặm, thanh âm của xứ Nghệ có sức lan tỏa, sức hút mãnh liệt, làm lay động trái tim của nhân loại. Ví, Giặm - tinh hoa của xứ Nghệ, tinh hoa của nhân loại đang tụ hội, kết tinh và lung linh tỏa sáng.

 

  

 

  Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chào đón bạn bè muôn phương. Ảnh: Hoàng Nguyên

 

Đoàn NTQC các tỉnh Phú Yên, Bình Định mang văn hóa Bài chòi giới thiệu với du khách trong đêm hội. Bài chòi khởi nguồn từ tiếng hô để đuổi thú trên các chòi canh ven rừng, đến những câu hát đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác, tiến đến hình thức vừa chơi bài vừa hát giữa các Tứ Sắc trở thành loại hình nghệ thuật Hô Bài chòi. Đây là một trong những loại hình dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung, về sau phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch và Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

 

Các nghệ nhân tỉnh Phú Yên với màn trình diễn “Về xứ Nẫu đi đánh hội Bài chòi”. Ảnh: Xuân Thủy

 

Từ phố núi Pleiku xinh đẹp, đoàn nghệ nhân của dân tộc Jrai (Gia Lai) đem đến đêm hội vũ điệu cồng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ. Tiếng cồng chiêng vang lên mê hoặc và kì bí, kết nối những trái tim, kết nối giai điệu của mọi miền Tổ Quốc.

 

 

Vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên của các nghệ nhân dân tộc Jrai (Gia Lai). Ảnh: Xuân Thủy

 

Người Thái ở Sơn La, Lai Châu có một nền văn hóa rất phong phú với những điệu Xòe. Xòe Thái đã xe kết bao đôi lứa bên nhau. Điệu Xòe theo nhịp những bước chân tưng bừng rộn rã, kể về cái lý ăn, lý ở, cái lý Then dạy làm người. Những khúc hát giao duyên với giai điệu trữ tình, sâu lắng, say đắm lòng người. Để rồi dù đi muôn nơi, người bản Thái vẫn trở về với mái nhà sàn, mó nước.

 

 

 

Điệu Xòe Thái của các nghệ nhân Sơn La trong giai điệu Inh lả ơi tại đêm hội. Ảnh: Hồ Hà

 

“Mùa Xuân hát mãi câu Then”, theo nhịp đàn tính, điệu Then của người Tày, Nùng, Thái, Đoàn NTQC tỉnh Thái Nguyên mang đến lễ hội một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng - hát Then. Then cổ có tiếng gọi từ biến âm của Thiên (nghĩa là Trời) là thế giới thần linh huyền ảo của những vị thần, chính vì sự thiêng liêng ấy nên hát Then thường được dùng trong tế lễ cầu mùa, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, mọi nhà bình an, hạnh phúc. Hát Then đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

 

Đàn tính, điệu Then của các nghệ nhân đến từ tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hồ Hà

 

Đến từ đất Tổ Hùng Vương - Nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phong phú và đặc sắc, các nghệ nhân Đoàn NTQC tỉnh Phú Thọ về miền Ví, Giặm bằng câu hát mang đậm bản sắc quê hương: “Hát Xoan - Mó Cá”. Hát Xoan với nhiều câu chuyện kể mang sắc màu huyền thoại, từ câu chuyện Vua Hùng thích đám trẻ mục đồng hát, Người liền dạy thêm cho nhiều điệu khúc khác nữa, đến chuyện vợ Vua đến kì sinh nở, cho gọi nàng Quế Hoa - người hát Xoan hay nhất vùng đến hát múa. Vợ Vua Hùng nghe hát, vui vẻ sinh được 3 chàng trai tuấn tú khác thường. Lúc đó đang là mùa Xuân nên đức Vua cho đặt tên các làn điệu đó là Hát Xuân/Hát Xoan.

 

Đoàn NTQC tỉnh Bắc Ninh đưa du khách về với xứ Kinh Bắc - vùng đất của văn hóa tâm linh; của lịch sử, văn hiến, khoa bảng; của lễ hội, làng nghề, kiến trúc; vùng đất có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

 

 

 

Các Liền anh, Liền chị xứ Kinh Bắc đã làm cho đêm hội thêm lung linh sắc màu với trang phục khăn mỏ quạ, nón ba tầm, áo mớ ba, mớ bảy trong điệu Quan họ “Những Cô gái Quan họ”. Ảnh: Xuân Thủy

 

“Thứ nhất Kinh Kì, thứ nhì Phố Hiến”, tỉnh Hưng Yên có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng, mang đậm nét bản sắc văn hóa riêng biệt của tỉnh và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Văn hóa phi vật thể của Hưng Yên có hát Ca Trù, Trống Quân, Chầu Văn, hát Chèo… Đoàn NTQC tỉnh Hưng Yên chào bạn bè 3 miền với làn điệu “Mình về mình có nhớ ta”.

 

Nơi địa đầu vùng Đông Bắc Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng một kho của cải quý giá đó là vàng đen (than) và cả một vùng non nước Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên của nhân loại về giá trị cảnh quan và địa chất, địa mạo. Các nghệ nhân đến từ Đoàn NTQC tỉnh Quảng Ninh tham gia đêm hội với bài hát văn “Cô Bé Cửa Suốt”.

 

Là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ mang đậm bản sắc văn hóa Việt và có ở nhiều địa phương, như: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lạng Sơn,… Với vị Thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, các giá hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu vô cùng đặc sắc và huyền bí được thể hiện qua các yếu tố Nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc.

 

 

Giá hầu đồng “Cô Đôi Thượng Ngàn” qua phần trình diễn của Đoàn NTQC tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Xuân Thủy

 

Từ phương Nam xa xôi, Đoàn NTQC tỉnh Vĩnh Long mang đến đêm hội màn diễn xướng “Lý Vọng phu” chan chứa nghĩa tình mà phóng khoáng, hào sảng. Điệu Lý là một hình thức diễn xướng độc đáo, ý nhị, tinh tế và rất phổ biến của người dân phương Nam. Cũng từ mảnh đất phương Nam, Đoàn NTQC tỉnh Tiền Giang đã đến góp vui với đêm hội màn trình diễn Đờn Ca Tài Tử - một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với tiết mục “Lưu Bình Kim”, các nghệ nhân Tiền Giang mời gọi du khách về thăm đất Tiềng Giang, lắng nghe điệu lý, câu hò bên sông: Sông Tiền mát mái chèo buông/Bên ni để nhớ, gửi thương bên này.

 

Người Chăm ở An Giang theo tín ngưỡng Hồi giáo IsLam. Rõ nét nhất là tục cưới hỏi. Nét riêng biệt trong lễ cưới của người Chăm là lễ đưa rể chứ không phải rước dâu. Lễ được tổ chức tại Thánh đường, đoàn đưa rể khoảng vài chục người toàn nam giới. Họ mang theo những chiếc hộp đựng trầu cau, gạo muối, bánh trái…Tại Thánh đường sẽ diễn ra nghi lễ quan trọng nhất của đám cưới đó là lễ Ka Pụn (nghĩa là bắt tay và giao con). Sau lễ Ka Pụn cô dâu chú rể chính thức được xem như vợ chồng… Đây là đặc điểm hết sức thú vị mang đậm phong tục độc đáo, tạo nên dấu ấn, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc này. “Lễ đưa rể” đã được các nghệ nhân của Đoàn NTQC tỉnh An Giang quảng diễn tại đêm hội.

 

Trong giai điệu tươi vui của bài hát “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, Đoàn NTQC Thành phố Hồ Chí Minh mang đến đêm hội màn hát múa thật sôi động, trẻ trung giới thiệu với bạn bè, du khách về thành phố mang tên Bác, một thành phố trẻ, sôi động được ví như “Hòn ngọc viễn đông”, là trung tâm văn hóa của mảnh đất phương Nam “Vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân", một hành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình, luôn thể hiện vị thế đầu tàu trong hành trình đất nước.v.v...

 

 

Đoàn NTQC TP. Hồ Chí Minh với màn hát múa tươi trẻ, sôi động. Ảnh: Đức Anh

 

Lễ hội đường phố “Sắc màu di sản” thực sự một cuộc hội ngộ, thăng hoa của các loại hình nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ trong đại gia đình văn hóa Việt, đem lại cho du khách những cung bậc cảm xúc vui tươi, hứng khởi, sôi động.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444424

Hôm nay

233

Hôm qua

2333

Tuần này

233

Tháng này

219598

Tháng qua

112676

Tất cả

114444424