Đất và người xứ Nghệ

Anh Sơn, một vùng danh thắng và tiềm năng phát triển

 

Đền Cửa Lũy. Ảnh: Nhật Thanh

 

Anh Sơn là một huyện miền núi phía Tây của Nghệ An. Đây là miền đất cổ lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa xứ Nghệ với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa quan trọng. Anh Sơn là địa bàn có sự giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em, như Thái, Mường, Việt. Đặc biệt Anh Sơn là miền đất hứa với nhiều cơ hội phát triển về du lịch, dịch vụ, kinh tế công - nông nghiệp...

 

Anh Sơn vốn là một đơn vị hành chính lớn của Nghệ An. Dưới thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1882) phủ Anh Sơn được thành lập (gồm các huyện Hưng Nguyên, Nam đàn, Anh Sơn và Đô Lương ngày nay). Đến năm 1946, dưới thời chính quyền cách mạng, phủ Anh Sơn được chia lại bao gồm 2 huyện là Anh Sơn và Đô Lương ngày nay. Huyện Anh Sơn ngày nay được thành lập từ tháng 4 năm 1963, tách ra từ huyện lớn Anh Sơn theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 1963 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

Nói chuyện vói chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện ủy, chia sẻ: “Lãnh đạo huyện rất chú ý đến xây dựng và phát triển quê hương từ lĩnh vực văn hóa. Anh Sơn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh cũng như thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp. Kinh tế du lịch của địa phương phát triển hay không phụ thuộc vào việc quảng bá và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa. Lãnh đạo huyện luôn xác định văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển bền vững của kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, Anh Sơn đã có nhiều đề án xây dựng và phát triển văn hóa, đáng chú ý là các đề án xây dựng và trùng tu các di tích”.

 

Một miền trầm tích lịch sử - văn hóa

 

Chúng tôi đến thăm và dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào. Gặp lại người bạn thời đại học, anh Nguyễn Văn Ngọc  - Trưởng Ban Quản lý nghĩa trang, trong câu chuyện, Ngọc cho biết: trong dịp tháng Bảy này, Ban Quản lý Nghĩa trang rất bận rộn vì bà con khắp nơi trong tỉnh và trên cả nước về viếng thăm liệt sĩ. Cán bộ nhân viên Ban Quản lý phải rất nỗ lực làm việc mới phục vụ kịp thời các đoàn cán bộ và Nhân dân.

 

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào có diện tích gần 7 ha, là nghĩa trang lớn nhất quy tập mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976, đến năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào về quy tập tại đây. Nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt liệt sĩ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ. Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào hiện có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên tuổi, quê quán và 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê.

 

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, ngoài các liệt sĩ có quê hương từ Nghệ An, còn có rất nhiều các liệt sĩ quê ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang…

 

Từ năm 2008, Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào được tôn tạo và nơi đây đã trở thành chốn đi về của thân nhân liệt sĩ và nhân dân địa phương. Hàng năm, Ban Quản lý Nghĩa trang đón tiếp hàng vạn khách hành hương viếng thăm các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho cả hai dân tộc.

 

Tại đây, ông Đặng Xuân Quang - Phó Bí thư Huyện ủy, đã thỉnh lên hồi chuông cầu nguyện. Tiếng chuông vang vọng, trầm ngân như lời thỉnh cầu anh linh các anh hùng liệt sĩ phù hộ cho quốc thái dân an, đất nước phồn vinh, quê hương đổi mới.

 

Rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào, chúng tôi đến thăm đền Cửa Lũy. Đây là một địa điểm tâm linh có từ lâu đời, nơi gắn với huyền sử về cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của Nhân dân ta, là niềm tự hào của người Anh Sơn.

 

Đền Cửa Lũy tọa tại xã Hoa Sơn, được khởi dựng từ thế kỷ XV, thời kỳ Khởi nghĩa Lam Sơn. Chuyện kể, sau khi tiến vào Nghệ An và nhanh chóng hạ thành Trà Lân (vùng Con Cuông ngày nay), Lê Lợi cử tướng quân họ Vương chỉ huy một đạo quân theo sông Cả xuống chốt giữ vùng núi Kim Nhan (huyện Anh Sơn ngày nay). Đây là địa bàn núi rừng hiểm yếu, rất ít cửa ra vào, trong đó Cửa Lũy là vị trí trọng yếu nhất.

 

Do phải hành quân xa, không hợp thủy thổ, lại thường xuyên phải chiến đấu với địch nên nhiều binh lính ốm đau, doanh trại xảy ra dịch bệnh. Lúc bấy giờ, trong quân doanh có một nữ y tình nguyện theo nghĩa quân để chữa trị cho binh lính, nhờ vậy, sức quân được phục hồi, thế quân ngày càng mạnh. Trong một lần xảy ra dịch bệnh, nữ y hằng ngày phải băng rừng vượt suối, đội mưa, đội gió tìm thuốc. Một ngày nọ, nàng vào rừng tìm thuốc trở về, vì quá kiệt sức, nàng ngồi dựa vào gốc cây bên đường rồi lịm đi, trong tay vẫn nắm chặt những cây thuốc mới tìm được.

 

Vương tướng quân không thấy nàng về đã cho quân lính đi tìm nữ y đưa về doanh trại, thế nhưng nàng đã không qua khỏi. Thương tiếc người nữ y tận tình vì dân vì nước, Vương tướng quân cho chôn cất nàng tại một cánh đồng gần vọng canh Cửa Lũy và thường xuyên viếng nàng.

 

Một lần trên đường hành quân, một con thỏ trắng từ gốc cây cổ thụ, nơi nữ y ngồi nghỉ lần cuối, chạy ra chặn lối Vương tướng quân. Con thỏ lượn ba vòng quanh đoàn quân rồi biến mất. Thấy có điềm lạ, Vương tướng quân quay về doanh trại thì bắt được mấy tên thám báo của giặc Minh xâm phạm vùng Cửa Lũy nhằm hành thích tướng quân.

 

Vương Tướng quân cho rằng thỏ trắng chính là Nữ y hiện hình cứu mạng mình. Ông cho lập đền thờ dưới gốc cây cổ thụ, lấy tên đền là đền Cửa Lũy và tôn Nữ y là Bạch y thánh mẫu Lũy Sơn. Sau khi Vương tướng quân qua đời, quân sỹ và Nhân dân đã lập đền thờ ông tại một gò đất cách đền Cửa Lũy không xa gọi là đền Đức Vương (hay đền Đức Ông). Do chung quanh đền Đức Vương là đầm lầy bao bọc, không tiện cho việc đi lại hương khói nên Nhân dân đã rước bài vị ngài về thờ chung tại đền Cửa Lũy. Người xưa kể lại, về sau, Nữ y được vua Minh Mạng phong là Thánh Mẫu Lũy Sơn, đến đời vua Khải Định phong là Dực Bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Đền Cửa Lũy nổi tiếng linh thiêng, Nhân dân ốm đau đến xin Thánh mẫu thì được bà bảo trợ.

 

Những tiềm năng phát triển

 

Chúng tôi lên thăm bản Cao Vều, một bản vùng cao của bà con dân tộc Thái, bản cách trung tâm huyện chừng 20 km. Đường lên Cao Vều đã được trải nhựa bằng phẳng và khá rộng rãi, thuận lợi cho du khách lên thăm. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây đang từng ngày khởi sắc nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước.

 

Đón chúng tôi là Trưởng bản Nguyễn Văn Châu và một số người dân bên ấm nước chè xanh, trong một ngôi nhà sàn khá rộng và đẹp. Nói về những tiềm năng du lịch, tiềm năng phát triển kinh tế, Trưởng bản Nguyễn Văn Châu vui vẻ cho biết: “Hiện nay, đã có một số hộ tư nhân đầu tư khai thác du lịch sinh thái khá sôi nổi. Du khách các nơi về Cao Vều khá đông, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Bản có một đội dân ca, dân vũ thường xuyên phục vụ du khách tại Bản. Chính quyền xã đã có kế hoạch quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên cơ sở các điểm như rừng quốc gia, suối tự nhiên, tắm nước sông Giăng, ẩm thực... và tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương”.

 

 

Một khúc sông Giăng. Ảnh: Nhật Thanh

Trước sự vui vẻ phấn khởi của mọi người, ông Châu vui vẻ nói tiếp: “về với bản Cao Vều mùa hè, các bác không thể không đến Vực Bụt, nơi có dòng sông Giăng chảy qua là bãi tắm thiên nhiên mát mẻ và tuyệt đẹp”. Lời giới thiệu của Trưởng bản giữa cái nắng hè làm mọi người háo hức và phấn chấn hẳn lên.

 

Xe đưa chúng tôi vào Vực Bụt, đây là một điểm du lịch sinh thái mới nổi, được bà con nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến trong những ngày hè nóng nực để được tắm nước sông giăng, được ăn những đặc sản dân dã của bà con bản địa.

 

Vực Bụt hiện ra trước mắt chúng tôi với dòng nước trong veo soi thấu đáy sông, phản chiếu màu xanh của cây cối hai bên bờ ngăn ngắt. Nơi sâu nhất chỉ quá bụng người lớn một chút. Dưới đáy sông là lớp đã cuội trải dài, thi thoảng, giữa lòng sông cạn nổi lên những tảng đá lớn như những chiếc bàn mà thiên nhiên tạo tác. Sau khi tắm mình dưới dòng nước mát, chúng tôi được thưởng thức những món ngon mang hương vị địa phương như rau xuyến chi với mùi thơm nồng nàn, măng chua, cá mát, gà đồi...

 

Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm đồi chè Anh Sơn với màu xanh sống động. Phải nhìn từ trên cao mới thấy hết được cái mênh mông, bát ngát của vùng nguyên liệu này. Đồi chè Anh Sơn vừa là một mô hình sản xuất kinh doanh vừa là một địa điểm tham quan du lịch đẹp, được nhiều người yêu thích.

 

 

Đồi chè Anh Sơn. Ảnh: Nhật Thanh

 

Đồi chè nằm trên đất xã Hùng Sơn, hiện nay có hơn 600 hộ tham gia sản xuất với diện tích 533ha. Một điều thật ý nghĩa, chính nhờ nguồn thu ổn định từ cây chè mà từ một xã nghèo, Hùng Sơn đã trở thành xã điển hình xây dựng nông thôn mới của huyện. Hùng Sơn là xã đầu tiên của Anh Sơn hoàn thanh tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2018. Đến năm 2021, đây cũng là xã đầu tiên của huyện đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao.

 

Hiện tại, huyện Anh Sơn xác định phát huy lợi thế của 03 loại cây chủ lực là chè, mía và sắn. Đồng thời, huyện chủ trương kết hợp các khâu từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.

 

 

Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh nhà thăm quan Công ty Hoa Sơn. Ảnh: Hồ Các

 

Chúng tôi đến thăm công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn. Đây là công ty chuyên sản xuất, chế biến tinh bột sắn, bã sắn sấy khô và đường lỏng Glucose syrup. Nhà máy được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 30.000m2 tại xã Hoa Sơn để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng vào loại hàng đầu Việt Nam. Dây chuyền sản xuất sản phẩm của Công ty được nhập khẩu từ Thụy Điển, Ấn Độ, Thái Lan cho ra công suất hơn 150 tấn tinh bột, 60 tấn bã sắn sấy khô và 100 tấn Glucose/ ngày. Công ty tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động với thu nhập từ 08 đến 09 triệu đồng/tháng, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội của địa phương.

 

Có thể nói, Anh Sơn có sự giao thoa giữa văn hóa người Kinh với các tộc người thiểu số. Tố chất người Kinh với tố chất các tộc người thiểu số bổ sung cho nhau tạo nên nét đặc sắc văn hóa và sự năng động của con người. Ít huyện miền núi nào có được những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và gắn với những sự kiện lịch sử dân tộc như ở Anh Sơn. Anh Sơn đang từng ngày đổi mới, nhiều nhà máy, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn đang hình thành và phát triển. Để có được những thành tựu ấy, phải chăng, văn hóa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này như lời của ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 10 - Tháng 8/2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511555

Hôm nay

2218

Hôm qua

2336

Tuần này

21929

Tháng này

218428

Tháng qua

121356

Tất cả

114511555