Góc nhìn văn hóa

Bảo tồn và phát huy Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh theo hướng bền vững từ góc nhìn phát triển khán giả

So với các loại hình kịch hát truyền thống như Chèo, Cải Lương, Tuồng, Hát Bội,…, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh có tuổi đời trẻ hơn rất nhiều khi vừa tròn 50 năm (1973-2023). Trong khoảng thời gian đúng nửa thế kỷ đó, công chúng Nghệ Tĩnh cũng như Nhân dân Việt Nam đã chứng kiến sự thăng - trầm của loại hình ca kịch mới này. Trong xã hội đương đại và trong tương lai, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh vừa đứng trước những cơ hội mới để tiếp tục phát triển, nhưng cũng đối diện với rất nhiều thách thức, nguy cơ mai một, mất dần chỗ đứng trong lòng công chúng do lượng khán giả suy giảm. Để góp phần bảo tồn và phát huy Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh theo hướng bền vững, bài viết sẽ đề xuất một số cơ sở lý luận là quan điểm khoa học về khán giả và phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu; đưa ra một số giải pháp để xây dựng lực lượng khán giả tương lai.

Một cảnh trong vở diễn "Lời Người lời của nước non". Ảnh: Lương Vân

1. Đặt vấn đề

Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh hình thành và phát triển là kết quả của quá trình nỗ lực thể nghiệm để sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật mới của lực lượng văn nghệ sĩ Nghệ Tĩnh từ sự kết hợp giữa chất liệu dân ca truyền thống - mà hạt nhân là Ví, Giặm với các yếu tố sân khấu kịch hiện đại như kỹ thuật dàn dựng, xây dựng tình huống, xung đột kịch, hình tượng nhân vật/tuyến nhân vật,… Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là quá trình “sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh” [Thanh Phong, 2014]. Còn tôi cho rằng, đó là minh chứng cho những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của lực lượng văn nghệ sĩ Nghệ Tĩnh, là quá trình “mang nặng đẻ đau” đề xây dựng nên hình hài của một loại hình nghệ thuật vừa truyền thống, vừa hiện đại - đúng theo định hướng phát triển văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước ta. Những thành tựu này có dấu ấn sâu sắc của những nghệ sĩ tài năng như Nguyễn Trung Phong, Phan Lương Hảo, Vi Phong, Văn Thế, Thanh Lưu, Hồ Hữu Thới, Đình Bảo, Xuân Huyền, Vũ Hải, Hồng Lựu, Tiến Dũng[Thanh Phong, 2014].

Theo dữ liệu được công bố trên fanpage “Dân ca Ví, Giặm” thì sự thành công ngoài mong đợi của vở “Mai Thúc Loan” (kịch bản Phan Lương Hảo, đạo diễn Xuân Huyền) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc Khu vực 4 - năm 1985 đã đánh dấu bước ngoặc phát triển quan trọng nhất của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh. Sự thành công đó có thể được xem như là “bệ phóng” để Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh chuyển sang một giai đoạn mới, phát triển rực rỡ hơn với nhiều vở diễn được đông đảo công chúng nhiệt thành tiếp nhận, và giới lý luận phê bình nghệ thuật Việt Nam đánh giá cao như: “Chuyện tình ông vua trẻ” (1995) của Phùng Dũng; “Vết chấn tròn trong bão tố” (1996), “Cô gái sông Lam”, “Danh nhân lớn lên từ câu hò Ví, Giặm” (1997) của Vũ Hải; “Lời Người lời của nước non” (2007) của Vũ Hải - Nguyễn An Ninh,… Đề tài được các tác giả, đạo diễn khai thác để đưa vào các vỡ Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh cũng rất đa dạng, từ những đề tài được khai thác từ lịch sử, văn hóa truyền thống, đến những đề tài mới, mang hơi thở của thời đại. Mặt khác, theo một số nghiên cứu, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh được đông đảo công chúng xứ Nghệ đón nhận, bên cạnh các yếu tố thuộc về tài năng của tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật…, còn có nguyên nhân thuộc về văn hóa, “gu” thẩm mỹ của người xứ Nghệ. Loại hình nghệ thuật này đã đánh thức, khơi dậy cảm thức thẩm mỹ về âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng của những câu hò, điệu Ví dân gian vốn đã nằm trong tâm khảm, trong tâm hồn của mỗi người dân xứ Nghệ [Thanh Phong, 2014].

Thế nhưng qua 50 năm hình thành và phát triển, thực tế Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế như: môi trường diễn xướng tự nhiên của dân ca xứ Nghệ - cái cốt nghệ thuật truyền thống để hình thành nên Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh đã có sự thay đổi; vấn đề định hình phong cách nghệ thuật riêng vẫn đang trên con đường tìm kiếm, xây dựng để trở thành một kịch chủng hoàn chỉnh để gia nhập “đại gia đình sân khấu Việt”. Hơn nữa, trong khi chưa tìm được chỗ đứng vững chắc thật sự trong đời sống nghệ thuật biểu diễn sân khấu Việt Nam, thì Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh đã gặp phải giai đoạn thoái trào của sân khấu truyền thống [Thanh Phong, 2014].

Những hạn chế trên, cũng như từ bài học kinh nghiệm thực tiễn của các loại hình kịch hát truyền thống khác ở Việt Nam như Tuồng, Chèo, Cải Lương, Hát Bội,…, cho thấy Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh đang và sẽ đối diện với những thách thức không nhỏ trong công tác bảo tồn, phát huy theo hướng bền vững. Trong đó, sự suy giảm khán giả là điều có thể dễ nhận thấy và cũng là nguy cơ tạo nên sự mai một lớn nhất của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh.

2. Một số quan điểm lý luận về phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu

Trong câu chuyện bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng, khán giả giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi hầu hết các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật, nghệ sĩ đều thống nhất rằng sân khấu ra đời là để phục vụ khán giả. Sân khấu sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu không có khán giả. Hay nói cách khác, khán giả chính là lý do để sân khấu ra đời và phát triển. Ở khía cạnh khác, Barker, C. viết khán giả không phải là những người ngu ngốc về văn hóa mà là những nhà sản xuất ý nghĩa tích cực từ trong khuôn khổ bối cảnh văn hóa của chính họ” [2011, tr. 451]. Bennett, S. (1988) cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vao trò của khán giả trong công trình The role of the theatre audience: A theory of production and reception (Vai trò của khán giả trong rạp hát: lý thuyết về sản xuất và tiếp cận). Trong cuốn Who is my maket? Aguide to researching audience and visitors in the arts (Ai là thị trường của tôi? Hướng dẫn nghiên cứu khán giả và du khách trong các tổ chức nghệ thuật), Close, H. và Dovovan, R. cũng nhấn mạnh khán giả là thị trường của các tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Bùi Hoài Sơn (2008) cho rằng khán giả có thể đóng nhiều vai trò khác nhau như: khán giả với tư cách là công chúng, khán giả với tư cách là một thị trường, khán giả với tư cách là một loại hàng hóa và khán giả với tư cách là một nạn nhân [tr.428-433].

Từ những quan điểm về vị trí, vai trò của khán giả đối với sự tồn tại, phát triển bền vững của nghệ thuật sân khấu, chúng ta thấy rằng phát triển khán giả là yêu cầu tất yếu trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh và ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nghệ thuật Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển khán giả cũng cần phải được thực hiện một cách thận trọng, khoa học. Hadley, S. (2021) cho rằng, phát triển khán giả cần được hiểu là một quá trình quản lý nghệ thuật. Theo Hadley, S., trong việc phát triển khán giả cho các loại hình nghệ thuật, chúng ta cần cân bằng trong việc xác lập vai trò của khán giả với phát triển nghệ thuật, tránh quan điểm xem khán giả quan trọng hơn nghệ thuật và ngược lại. Đó phải là mối quan hệ biện chứng, cân bằng và quyết định sự tồn tại của nhau và các giải pháp phát triển khán giả phải được thực hiện trên các cơ sở lý luận, quan điểm khoa học cụ thể. Bởi, nhu cầu, thị hiếu nghệ thuật của khán giả thì thường thay đổi theo thời gian, không gian cụ thể, trong khi giá trị nghệ thuật - nhất là với các loại hình nghệ thuật truyền thống lại có tính chất ổn định tương đối [tr. 25 - 217]. Nguyễn Hồ Phong (2021) cũng nhấn mạnh nếu các nhà hát, sân khấu, hay lực lượng sáng tạo nghệ thuật chỉ lấy nhu cầu của khán giả làm cơ sở chính để sáng tạo, sản xuất các sản phẩm nghệ thuật thì sẽ tạo nên những rủi ro nghiêm trọng cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật” [tr. 32]. Đồng thời, theo Nguyễn Hồ Phong (2022), để phát triển khán giả cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, bên cạnh công tác đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa, đội ngũ nhân sự phục vụ biểu diễn, đẩy mạnh truyền thông marketing nghệ thuật, thì nghiên cứu khán giả và thực hiện các chương trình giáo dục nghệ thuật để đào tạo khán giả tương lai là điều vô cùng quan trọng [tr. 33]. Nguyễn Hồ Phong cũng xác định mục tiêu của phát triển khán giả là xây dựng những nền tảng, giá trị đủ lớn để thu hút khán giả, tìm ra nguyên nhân làm suy giảm khán giả, từ đó đề xuất những giải pháp để chặn đứng đà suy giảm lượng khán giả hiện có, tiếp cận và chiếm lĩnh được nhóm khán giả mục tiêu để cuối cùng đạt được mục đích là gia tăng số lượt người thưởng thức (tiêu dùng) các vở diễn/chương trình nghệ thuật tại sân khấu [2022, tr. 33].

Trong bài viết này, tôi ủng hộ các quan điểm lý luận về vai trò, vị trí của khán giả đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của các loại hình nghệ thuật sân khấu, cũng như những quan điểm về phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu mà Barker, C., Close, H. & Dovovan, R., Bùi Hoài Sơn, Hadley, S. và Nguyễn Hồ Phong được đề cập ở trên.

3. Một số giải pháp phát triển khán giả cho Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh

Lấy những quan điểm về khán giả và phát triển khán giả cho các loại hình nghệ thuật sân khấu đã được đề cập ở trên cơ sở lý luận, để góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy theo hướng bền vững của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, tôi xin đề xuất một số giải pháp phát triển khán giả cho loại hình nghệ thuật sân khấu này như sau:

a. Nghiên cứu khán giả/công chúng

Để Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh giữ được những khán giả hiện có, phát triển được số khán giả mới, thì việc đầu tiên cần làm là đơn vị tổ chức biểu diễn Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh cần hiểu rõ khán giả của mình là những đối tượng cụ thể nào? Tức là đơn vị tổ chức cần khắc họa được chân dung” đối tượng khán giả mà mình đang và muốn tiếp cận để phục vụ. Để làm được điều đó, chỉ có cách duy nhất là phải thực hiện các nghiên cứu khán giả. Rất nhiều bài học thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới đã cho thấy rằng những thành công trong việc chinh phục khán giả một cách bền vững của các loại hình nghệ thuật sân khấu đều có dấu ấn sâu sắc từ các kết quả nghiên cứu khán giả. Tất nhiên, tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi đơn vị tổ chức, mà việc nghiên cứu này không hoàn toàn giống nhau về cách thức/phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu,... Đối với trường hợp Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, tôi gợi ý một số ý sau:

- Về cách thức/phương pháp nghiên cứu: Tùy vào nguồn lực và năng lực đang có, đơn vị tổ chức có thể thực hiện từng cách hoặc đồng thời các cách thức nghiên cứu khán giả dưới đây:

+ Nghiên cứu thông qua các thống kê định hướng về xu hướng, thói quen giải trí, thưởng thức nghệ thuật của công chúng từ  mạng xã hội, trong đó facebook là một không gian mạng xã hội lý tưởng để làm việc này.

+ Nghiên cứu thông qua những quan sát trực tiếp tại hiện trường khi khán giả đến thụ hưởng các v diễn Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh tại sân khấu.

+ Nghiên cứu thông qua tổ chức các cuộc phỏng vấn nhóm, phỏng vấn sâu cá nhân đối với những nhóm khán giả hiện có, khán giả mục tiêu của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh.

+ Nghiên cứu bằng phiếu khảo sát định lượng thông qua các ứng dụng phổ biến trên Google, trong đó công cụ tạo biểu mẫu khảo sát trực tuyến Google Forms là một ứng dụng rất hữu ích. Đơn vị tổ chức cũng có thể lập file phiếu độc lập, sau đó gửi phiếu đến tận tay đối tượng mục tiêu muốn khảo sát.

- Về nội dung nghiên cứu: Dưới đây là một số gợi ý về nội dung nghiên cứu khán giả mà đơn vị tổ chức biểu diễn Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh có thể tham khảo:

+ Đặc điểm nhân khẩu học của khán giả hiện có, khán giả mục tiêu: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tộc người, vùng miền, trình độ học vấn;

+ Nhu cầu, thói quen thưởng thức nghệ thuật, giải trí của khán giả;

+ Thời gian rỗi và điều kiện kinh tế của khán giả;

+ Điều kiện để khán giả đưa ra quyết định đến sân khấu để thưởng thức một vỡ Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh;

+ Đánh giá các điều kiện nguồn lực để tổ chức biểu diễn Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh như: cơ sở vật chất, truyền thông quảng bá, chất lượng nghệ sĩ, ý tưởng nghệ thuật, nội dung vỡ diễn, thái độ phục vụ, thiết kế không gian biểu diễn,...;

+ Mong muốn của khán giả để Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh có sức hút mạnh mẽ hơn đối với công chúng.

- Về đối tượng nghiên cứu: Để thuận lợi hơn trong việc thực hiện các chiến lược, giải pháp phát triển khán giả, đơn vị tổ chức biểu diễn Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh có thể phân đối tượng khán giả cần nghiên cứu thành các nhóm sau:

+ Nhóm khán giả hiện có;

+ Nhóm khán giả mục tiêu;

+ Nhóm khán giả tiềm năng

Tùy vào mỗi nhóm khán giả mà đơn vị tổ chức thiết kế cuộc nghiên cứu khác như về phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu và mục đích nghiên cứu. Ví dụ: với nhóm khán giả hiện có, thì mục đích nghiên cứu là để giữ chân họ, xây dựng vun đắp họ trở thành những khán giả “trung thành” của đơn vị. Trong khi đó, nhóm khán giả mục tiêu và tiềm năng, thì mục tiêu nghiên cứu là tìm cách tiếp cận và chinh phục họ trở thành “khán giả hiện có” của đơn vị.

b. Thực hiện các chương trình giáo dục nghệ thuật cho công chúng

Nhiều chuyên gia nghiên cứu sân khấu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật, nghệ sĩ gạo cội trong và ngoài nước đều nhấn mạnh vai trò “tạo nguồn” khán giả cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Xét ở góc độ giáo dục học đường, nhiều chương trình giáo dục nghệ thuật đã được thực hiện ở các địa phương, với những bậc học và hình thức khác nhau. Trong bài viết này, cũng hướng đến mục tiêu giáo dục nghệ thuật đối với Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, tác giả gợi ý mô hình sân khấu thiếu nhi - sân khấu học đường. Cụ thể là đề xuất xây dựng và thực hiện đề án “Sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh dành cho thiếu nhi”. Để đề án phát huy được hiệu quả thiết thực, rất cần các điều kiện:

- Cần có sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ và thống nhất từ cơ quan Đảng, đến cơ quan chính quyền trên địa bàn 02 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh trong việc xây dựng và thực hiện Đề án;

- Các nguồn lực cần thiết để thực hiện đề án phải được bố trí ngay từ trước khi đề án được triển khai. Trong đó, tài chính và con người là các nguồn lực quan trọng nhất để đảm bảo đề án được thực hiện thành công;

- Xác định đơn vị chủ trì thực hiện toàn bộ đề án và sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, lâu dài giữa đơn vị chủ trì với các đơn vị phối hợp thực hiện, trong đó đặc biệt nhất là giữa các đơn vị sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật công - Sở GĐ & ĐT - các cơ sở đào tạo các cấp - hệ thống Nhà thiếu nhi các cấp;

- Thời gian thực hiện đề án phải đủ lớn - khoảng từ 10-15 năm. Vì với thời gian này mới có thể hình thành nên “vốn văn hóa” về Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh trong tri thức các em thiếu nhi;

- Bằng nhiều cách và ở những mức độ khác nhau, các em thiếu nhi phải được tham gia thực hiện Đề án như là một chủ thể liên quan trực tiếp, chủ động và tích cực. Các em thiếu nhi có thể tham gia Đề án đồng thời với tư cách là đối tượng thụ hưởng/khán giả - là tác giả - là đạo diễn - là diễn viên,…;

- Sau chu kỳ 5 năm thực hiện Đề án, cần tiến hành tổng kết đánh giá để tạo tiền đề cho giai đoạn thực hiện tiếp theo của Đề án đạt hiệu quả cao hơn.

c. Thực hiện chương trình sân khấu du lịch

Sân khấu du lịch là một hướng đi mới trong câu chuyện bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống từ góc nhìn kinh tế văn hóa. Chương trình này hiện đang được thực hiện rất thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước phát triển ở phương Tây.

Ở Việt Nam, chương trình sân khấu du lịch hiện đang được một số Nhà hát nghệ thuật truyền thống ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM thực hiện thí điểm. Dù chưa có những thành công lớn, nhưng cũng cho thấy đây là hướng đi đúng, cần thiết và tạo ra nhiều cơ hội để các loại nghệ thuật sân khấu chứa đựng nhiều giá trị, bản sắc văn hóa như Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh từng bước tìm được chỗ đứng phù hợp, xứng đáng trong lòng xã hội đương đại.

Để chương trình Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh phục vụ du lịch thành công, dần trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút được du khách, tác giả tham luận đưa ra một số gợi ý như sau:

- Nghiên cứu và xác định phân khúc du khách - đặc biệt là nhóm khách nước ngoài để phục vụ;

- Xây dựng danh mục v Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh để phục vụ khách du lịch. Cần lưu tâm rằng:

+ Đề tài/chủ đề của các v diễn này không cần phải có tính “quốc tế” mà ngược lại phải thể hiện một cách sâu sắc nhất những bản sắc văn hóa Việt;

+ Cần được bố trí nguồn lực tài chính, con người, cơ sở vật chất đủ lớn để có thể sáng tạo nên những v Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh độc đáo, hấp dẫn về cả hình thức, nội dung để thu hút du khách;

+ Cách chuyển tải, thể hiện các thông điệp của vở diễn có thể sáng tạo hơn để tạo ra sự khác biệt nhưng vẫn không làm mất đi giá trị đặc sắc vốn có của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là vở Hát Bội “Sanh Vi Tướng - Tử Vi Thần”, được sản xuất theo chương trình Sân khấu Du lịch của Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM, do Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. HCM phụ trách sản xuất hoàn toàn không có lời ca - điều hoàn toàn khác biệt với điều hiển nhiên có trong các vở Hát Bội trước kia và hiện nay;

+ Cần có một chính sách truyền thông, quảng bá cho chương trình sân khấu du lịch thật mạnh mẽ. Tận dụng lợi thế vượt trội của mạng xã hội, truyền hình, internet, hội chợ du lịch để thực hiện chiến lược quảng bá.

+ Xây dựng mạng lưới đối tác là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn Nghệ Tĩnh, ở các thành phố lớn tại Việt Nam và thậm chí vươn ra quốc tế. Đồng thời, quá trình xây dựng và thực hiện chương trình các vở Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh phục vụ du lịch, rất cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp này từ vai trò tư vấn, đến vai trò đối tác kinh doanh;

+ Cần duy trì thực hiện chương trình Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh phục vụ du lịch trong một khoảng thời gian đủ dài thì mới nhận thấy được những kết quả như mong đợi. Giai đoạn từ 3 - 5 năm là một gợi ý cần thiết từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

4. Kết luận

Đề phát triển khán giả cho Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, thực tế có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tác giả đã gợi ý một số giải pháp cơ bản là nghiên cứu khán giả, giáo dục nghệ thuật cho công chúng qua chương trình sân khấu thiếu nhi, sân khấu học đường; đầu tư thực hiện chương trình sân khấu du lịch.

Tuy nhiên, dù thực hiện giải pháp nào, nhưng để các giải pháp phát huy được hiệu quả trong thực tế, chúng ta rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, mạnh mẽ và động bộ của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, cố vấn chuyên môn có uy tín đã có nhiều thời gian nghiên cứu loại hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện giải pháp phải kiên trì thực hiện trong một thời gian dài, có đầy đủ nguồn lực tài chính, con người để thực hiện, và các bên liên quan phải có sự phối hợp đồng bộ có tính hệ thống và lấy mục tiêu hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ gìn bản sắc đặc trưng văn hóa địa phương.

Việc bảo tồn, phát huy Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh là sự nghiệp chung của Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, cũng như là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Bởi sự ra đời và phát triển của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh là minh chứng sống động, hiện thực cho đội ngũ văn nghệ sĩ vùng Nghệ Tĩnh trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Với tâm tình đó, là một người con sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, sau này dù công tác xa quê hương, nhưng tôi cũng muốn đóng góp phần mọn sức mình vào sự nghiệp chung của dân tộc là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Bài viết chắc còn nhiều sơ sót, chưa hoàn thiện, mong nhận được những đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

*ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

1.      Trần Thị An (2015), “Bản sắc người Nghệ - nhìn từ dân ca Ví, Giặm”. In trong tạp chí Khoa học đại học Sài Gòn, số 4 (29), tr3-16.

2.      Ban Tổ chức Hội nghị (2021), Báo cáo Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội.

3.      Bộ VH,TT&DL (2011), Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến năm 2020, Hà Nội.

4.      Bennett, S. (1988), The role of the theatre audience: A theory of production and reception (Vai trò của khán giả trong rạp hát: lý thuyết về sản xuất và tiếp cận), Luận án tiến sĩ triết học, McMaster University.

5.      C. Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa: Lý thuyết và thực hành (Đăng Tuyết Anh dịch), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6.      Close, H. and Dovovan, R. (1998), Who is my maket? Aguide to researching audience and visitors in the arts (Ai là thị trường của tôi? Hướng dẫn nghiên cứu khán giả và du khách trong các tổ chức nghệ thuật), Australia Council for the arts.

7.      Nguyễn Thị Châu (2021), “Du lịch di sản văn hóa của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. In trong rạp chí HNUE Journal of Science (Tập 66, số 2), tr.64-72.

8.      Trần Trọng Đăng Đàn (2004), Nghệ thuật sân khấu với đời sống văn hóa – sân khấu Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XXI: nghiên cứu và quan sát từ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Văn học, Hà Nội.

9.      Trần Độ và cộng sự (1987), Thỏa mãn nhu cầu văn hóa và nâng cao thị hiếu nghệ thuật,  Nxb. Văn hóa, Hà Nội.

10.  Hadley, S. (2021), Audience development and cultural policy (Chính sách phát triển khán giả và văn hóa), Palgrave Macmillan.

11.  Từ Thị Loan (2015), “Giá trị và sức sống của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”. In trong tạp chí Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật, số 1 (50), tr. 27-32.

12.  Thanh Phong (2014), Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh có bảo tồn và phát huy được di sản dân ca xứ Nghệ? Đăng trên fanpage “Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ:

https://www.facebook.com/395083167295160/posts/464639240339552/

13.     Nguyễn Hồ Phong (2019), “Vốn văn hóa và vấn đề phát triển công chúng cho sân khấu truyền thống ở Việt Nam hiện nay”. In trong tạp chí Văn hóa học, số 2 (42), tr. 86-92.

14.   Nguyễn Hồ Phong (2019), “Phát triển khan giả sân khấu truyền thống: nhìn từ lý thuyết lựa chọn duy lý”. In trong tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 418, tr. 90-94.

15.   Nguyễn Hồ Phong (2020), “Một số vấn đề có tính chất lý luận về phát triển công chúng cho nghệ thuật dân gian – dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh”. In trong Kỷ yếu tọa đàm Khoa học: Giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động các loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc ở Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 12-26.

16.   Nguyễn Hồ Phong (2022), Phát triển khan giả sân khấu Cải lương tại Thành phố Hồ Chí Minh (Nghiên cứu trường hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Luận án tiến sĩ ngành Quản lý văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

17.  Bùi Hoài Sơn (Biên soạn), “Nghiên cứu truyền thông – Media Studies”. In trong: Bùi Quang Thắng (Chủ biên) (2008), 30 Thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, tr. 414-434, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

18.  Lương Vân (2022), “Những bước đột phá của sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh”. Đăng trên website: Văn hóa Nghệ An: http://vanhoanghean.com.vn/chi-tiet-tin-tuc/14864-nhung-buoc-dot-pha-cua-san-khau-kich-hat-nghe-tinh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528632

Hôm nay

213

Hôm qua

2275

Tuần này

2905

Tháng này

215328

Tháng qua

0

Tất cả

114528632