Văn hóa và đời sống

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, nhận thức của nhiều người, trở thành một trong những lĩnh vực hoạt động phổ biến trong đời sống văn hóa xã hội ở nước ta. Không những vậy, nghệ thuật biểu diễn còn là 1 trong 12 lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam chọn tham gia vào công nghiệp văn hóa - ngành kinh tế trẻ đang được quan tâm, đầu tư phát triển trong 10 năm tới ở Việt Nam.

Giữa thời buổi khán giả có quá nhiều lựa chọn về hình thức giải trí, nghệ thuật truyền thống (NTTT) của dân tộc đang đứng trước nguy cơ, thách thức mất dần sức hút đối với người xem. Do đó, việc ứng dụng chuyển đổi số là xu thế bắt buộc để giúp các loại hình NTTT ở Nghệ An chuyển mình, thích ứng với sự phát triển trong tình hình mới, cũng như góp phần bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại.

Chương trình nghệ thuật "Ví giặm - Tinh hoa tỏa sáng" trong đêm khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023. Ảnh: Xuân Thủy

 

Chuyển đổi số: Thách thức và cơ hội

Việc bảo tồn và phát huy NTTT trong bối cảnh chuyển đổi số đang đặt ra nhiều cơ hội và trách thức đối với Trung tâm NTTT tỉnh Nghệ An.

Từ năm 2020 trở về trước, chuyển đổi số là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với một đơn vị NTTT như Trung tâm NTTT tỉnh và cũng có thể nói là một lĩnh vực chưa được chú trọng để triển khai và chỉ đến khi đại dịch covid-19 bùng phát.

Trong 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhà hát, sân khấu phải đóng cửa, khán giả không được thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Trung tâm NTTT phải nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động để đưa sân khấu về với khán giả thông qua việc thực hiện hình thức phát trực tuyến các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh. Bằng tiếng lòng, tình cảm và cả những nỗi trăn trở, sự hỗ trợ của công nghệ hiện có tại Trung tâm NTTT, 15 tác phẩm mới ra đời có nội dung tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần cả nước đoàn kết, đồng lòng chống dịch, đặc biệt động viên, ngợi ca những hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu chống dịch - vì bình yên cuộc sống và 04 vở kịch hát được tổ chức bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội. Song song với đó là việc phải tập trung số hóa các tài liệu nghiên cứu, sưu tầm về nghệ thuật truyền thống mà đơn vị đã nghiên cứu, sưu tầm trong nhiều năm. Khi đó, nghệ thuật chuyển đổi số mới chỉ là "phép thử" trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhận thấy việc chuyển đổi số mang lại nhiều thuận lợi trong việc quảng bá các tác phẩm nghệ thuật trên không gian mạng như Facebook, Zalo, Youtube, Fanpage… và một số các trang mạng nền tảng số khác. Từ đây, các tác phẩm nghệ thuật đến với người xem một cách nhanh nhất và các chương trình nghệ thuật được nhiều người biết đến hơn. Từ đó đến nay với sự năng động và nhạy bén của mình, Trung tâm NTTT đã đầu tư máy móc, cơ sở vật chất và bố trí nhân lực để thực hiện việc quay và livestream trực tiếp tất cả các chương trình, vở diễn, các hoạt động về nghệ thuật biểu diễn từ Nhà hát Dân ca thuộc Trung tâm NTTT tỉnh Nghệ An và từ các địa điểm khác trong tỉnh.

Hiệu quả tích cực

Nhiều chương trình nghệ thuật do Trung tâm NTTT tỉnh Nghệ An xây dựng, đến với công chúng thông qua các nền tảng mạng xã hội như kênh Youtube, Fanpage của Trung tâm NTTT, Sở Văn hóa và Thể thao, các kênh của VOV3, VTV6, Đài PTTH Nghệ An (NTV), Báo Nghệ An nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên các trang Facebook cá nhân có uy tín. Nhiều chương trình có số người xem kỷ lục như: Bài ca ra trận 6,2K; Phòng chống mua bán người 3,4K; Mùa xuân vùng cao 2,4K; Ru mãi khúc Truông Bồn 4,4K và các chương trình: Ví, Giặm tinh hoa tỏa sáng; Ví đây đổi phận làm trai được; Chỉ một con đường….cũng đạt con số kỷ lục người xem, theo dõi và chia sẻ ngay từ những giây phút đầu tiên phát sóng. Trang facebok Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hiện nay có 7,1K người theo dõi. Với hình thức “nhà hát online” này, Trung tâm NTTT có cơ hội tương tác nhiều hơn với khán giả, hiểu được khán giả đang mong muốn gì, qua đó có chiến lược rõ ràng trong việc xây dựng các chương trình vở diễn của mình trong tương lai.

 

Chương trình nghệ thuật "Ví đây đổi phận làm trai được" trong lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh, 250 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh Xuân Thủy

 

Nhiều sáng tạo nghệ thuật mới được áp dụng công nghệ thông tin để tạo nên những hiệu quả mới. Theo dõi hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm NTTT thời gian qua cho thấy tất cả các chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, nhỏ đều được đầu tư nghiêm túc vể công nghệ để tạo ra những đại cảnh, hiện thực hóa những ý tưởng nghệ thuật táo bạo nhằm mang đến cho công chúng những cảm nhận mới mẻ. Có thể kể đến các chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu; 200 năm năm sinh, 250 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương; khai mạc và bế mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh….Những chương trình này được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Realyty - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX)….Việc sử dụng các công nghệ này trong chương trình làm tăng hiệu quả nghệ thuật mà vẫn không mất đi giá trị truyền thống vốn có của nghệ thuật truyền thống.

 

Nhiều giá trị NTTT được số hóa, lưu giữ để không bị mai một. Từ năm 2021 đến nay, tất cả các kết quả nghiên cứu, sưu tầm và các chương trình, vở diễn của Trung tâm NTTT đều được lưu giữ như một bảo tàng số, bởi Trung tâm nhận thức rõ khi áp công nghệ số vào nghệ thuật, Trung tâm NTTT sẽ có một nơi lưu giữ an toàn các kết quả nghiên cứu, sưu tầm và các chương trình ca múa nhạc dân gian truyền thống, các vở diễn sân khấu lớn được đầu tư công phu và kỹ càng về nội dung và hình thức nghệ thuật. Việc số hóa và lưu giữ này giúp khán giả có thể khai thác thông tin, tư liệu, thưởng thức tất cả những làn điệu dân ca Ví, Giặm, dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số của Nghệ An vào bất cứ không gian, thời gian nào.

Những bước đi trong tương lai

Câu hỏi, về lâu dài, làm thế nào để đơn vị nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên các nền tảng mạng xã hội? Câu trả lời không hề đơn giản. Bài toán đặt ra là trong khi các Youtuber nổi tiếng có thể kiếm tiền dễ dàng thì đây lại là khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những đơn vị NTTT. Những địa chỉ, trang mạng xã hội tuy đã được các đơn vị xây dựng, song chưa phát huy hiệu quả, ít người truy cập, quan tâm. Bước đi của Trung tâm Nghệ thuật trong tương lai cần phải:

Bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chương trình chuyển đổi số của tỉnh Nghệ An, Trung tâm NTTT tỉnh Nghệ An đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có số hóa vở diễn sân khấu.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên các nền tảng mạng xã hội. Các Fanpage được sử dụng như một kênh thông tin chính thức của Trung tâm NTTT với các nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả.

Xây dựng nhà hát onlie, nhà hát truyền hình, nhà hát trên Youtube và tham gia vào nhà hát trên Youtube của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kết nối với 12 nhà hát của Bộ cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp khác để đáp ứng xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của khán giả. Nhà hát trên Youtube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, giúp khán giả cả nước có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật hay. Đây là cơ hội để Trung tâm NTTT tỉnh Nghệ An có nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu các chương trỉnh, vở diễn lớn mang giá trị nghệ thuật cao được đầu tư dàn dựng công phu đến với công chúng cả nước và quốc tế.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ để phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị NTTT của tỉnh; đảm bảo cho công tác tổ chức dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật có quy mô lớn đạt chất lượng cao về mặt nội dung và giá trị nghệ thuật để đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của quần chúng nhân dân.

Đưa NTTT đến gần hơn với giới trẻ, chính tầng lớp này sẽ là người lưu giữ và lan tỏa nét đẹp của NTTT trong nước và quốc tế. Để làm được điều này, mỗi chương trình nghệ thuật của Trung tâm NTTT cần quan tâm đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả, cần hướng đến những giá trị hiện thực xã hội và cần “trẻ hóa” kịch bản để thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc thưởng thức nghệ thuật trên nền tảng công nghệ số đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người. Do đó, việc ứng dụng nền tảng công nghệ số là giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn NTTT.

Với Nghệ An, bảo tồn và phát huy giá trị NTTT trong xu thế chuyển đổi số chắc chắn đối mặt với nhiều thách thức. Song, đây cũng là cơ hội để NTTT của tỉnh chuyển mình, luôn có sức hấp dẫn với công chúng và đóng góp vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho văn hóa phi vật thể.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476