Văn hóa và đời sống

Bối cảnh mới và con đường phát triển văn hóa hiện nay

Người máy Sophia của Saudi Arabia xuất hiện với tà áo dài truyền thống Việt Nam trả lời một số câu hỏi của các khách mời Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 ngày 13/7/2018 tại Việt Nam. Ảnh: Nam Trần

 

Nhìn từ khía cạnh văn hóa, người Việt Nam đang sống trong bối cảnh nào?

1. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Khỏi phải so sánh giữa 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Tốc độ phát triển của mỗi cuộc cách mạng đó thường được nâng cấp lên một cách mau lẹ sau khi chúng gối lên nhau.

Một chiếc smartphone mới ra kệ cửa hàng thì phiên bản mới đã cập kè thay thế. Cách mạng lần này có đặc trưng nổi rõ là trí tuệ nhân tạo (tiếng Anh: Artificial Intelligence, viết tắt là AI), rồi in 3D, v.v… Con người có thể giao lưu với nhau một cách trực tiếp thông qua livestream, các mạng xã hội, miễn là kết nối được internet. Không chỉ ở siêu thị, mà bà già đến chợ truyền thống cũng đã có thể quét mã QR trả tiền một mớ rau nhỏ, mà không cần tiền mặt nhỡ có “tiền bà trong túi rơi ra”. Trước thì cũng đã có người máy rồi, nhưng năm 2017, lần đầu tiên trên thế giới, một rôbốt người máy tên là Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân của nước mình. Sáng ngày 13/7/2018, Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Tại đây, công dân - người máy Sophia của Saudi Arabia xuất hiện với tà áo dài truyền thống Việt Nam trả lời một số câu hỏi của các khách mời. Có một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ đề tài về nhân cách con người. Trong Hội đồng chấm luận án, một thầy hỏi thế người máy Sophia mà Saudi Arabia công nhận là công dân của nước họ thì có nhân cách không? Nghiên cứu sinh trả lời là không. Lạ thật, đã là một công dân, tức là con người, mà lại không có nhân cách, là sao? Người ta dựa vào công nghệ in 3D để ứng dụng vào một loạt công việc, trong đó có việc can thiệp mổ xe, trị bệnh. Người ta tạo ra cái ảo. Ảo mà như thật, hơn thật: hình một người đang nói đấy, cũng giọng của người ấy, điệu bộ hoàn toàn khớp với giọng nói, kể cả cái liếc mắt, chém gió, liếm môi, e hèm, nhưng đâu phải là của người đó. Chỉ trong một phần mấy giây, công nghệ AI đã cho kết quả yêu cầu, học sinh đỡ phải làm bài tập, trốn được sự truy hỏi của thầy cô giáo. Đưa ra yêu cầu rồi bấm enter, thầy cô giáo có khi chả cần soạn bài. AI làm thơ theo chủ đề yêu cầu chỉ trong cái chớp mắt, có một số bài đọc nghe thấy nó ngô nghê, trúc trắc, nhưng nhiều bài có vần có điệu, có ý có tứ thú vị chứ không tầm thường. Lại còn sáng tác nhạc nữa. Thế cho nên người ta lo về bản quyền.

Kể ra thì không thể kê ra hết được những biểu hiện của thời đại công nghệ này, mà người ta cho rằng, đó là phiên bản 4.0. Đã ngấp nghé phiên bản 5.0 + rồi. Mới nhất là trong 3 ngày của tháng 3/2024, nước Nga tiến hành bầu Tổng thống, có áp dụng bầu qua online, nghĩa là ở bất cứ địa điểm nào trong và ngoài nước Nga, cử tri cũng có thể bầu. Biết đâu đấy, trong tương lai gần, đây sẽ là một xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số mà có thể nhiều nước trên thế giới sẽ tiến hành. Thời đã đổi - thời của kỹ thuật số. Thay vì tập trung bầu cử để được ví như ngày hội của cộng đồng cử tri, thì người ta có thể dần thay thế bằng hình thức khác.

2. Thiên tai - nhân tai

Thiên tai - nhân tai mà tôi đề cập ở đây gồm: i. Chiến tranh, nhất là chiến tranh nóng, kể cả dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; ii. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, là El Nino và La Nina, là sự nóng lên nhanh chóng của trái đất, là cháy rừng, động đất, bão lũ, là sự ô nhiễm môi trường sống đang ở mức nghiêm trọng; iii. Dịch bệnh lan tràn, dịch này chưa qua thì dịch khác trờ tới, mà hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại, chúng xuất hiện nhanh, đột ngột, khu trú lâu, gây hậu quả lớn.

Tôi gọi tất cả các thứ trên đây là nhân tai bởi, xét cho đến cùng, đều do con người gây ra (do đó mới có dấu gạch ngang giữa thiên tai và nhân tai).

Về chiến tranh, người ta dùng nhiều khái niệm để phân loại: Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Nóng. Nóng hay lạnh chỉ là tương đối. Lại còn rất nhiều biểu hiện: sự trừng phạt, là bao vây, cấm vận, là đe dọa vũ lực, hiện nay đang đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, lúc ấy chắc chắn sẽ nổ ra Thế chiến III, mà khi xảy ra thì chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn hai cuộc của thế kỷ XX. Không rõ gây ra chiến tranh đó để có lợi cho ai, vì cái gì, nhưng lớp người bị hứng chịu tai họa lại là người dân; nhất là phụ nữ, trẻ em, người già, nghĩa là những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Người ta còn định đưa cả chiến tranh lên vũ trụ, lên các vì sao. Chiến tranh là thứ phản văn hóa vì nó gây ra chết chóc, đau khổ, chia lìa, oán hờn, mất nhân tính. Chiến tranh là sự biểu hiện tính ác độc nhất của con người so với các loài động vật khác. Có nhiều lúc, ranh giới chính nghĩa, phi nghĩa mong manh như sợi chỉ hoặc bị nhòe nhoẹt đi.

Về khí hậu và dịch bệnh, thế giới thần học giỏi hơn thế giới vô thần ở chỗ biết trước được nhân loại tất yếu sẽ có những biến đổi bất thường về khí hậu, môi trường và dịch bệnh. Dẫu biết trước nhưng vẫn khó lường vì không rõ đích xác chúng xẩy ra vào đúng thời/không gian nào. Đã thế, thời nay, chúng xẩy ra với nhịp điệu dày hơn, cấp tập hơn, cái này nối cái kia, cái này chồng lấn cái kia, lúc ẩn, lúc hiện, làm cho con người rất khó tránh né. Cháy rừng tràn lan có nhiều lúc đâu phải do từ sự vô ý, bất cẩn của con người mà là tự nhiên sinh ra. Trời đã nổi giận. Bão lũ do trời gây ra. Nhưng ai biết rằng, chính con người hằng ngày thải ra khí quyển biết bao nhiêu tỷ mét khối CO2 tác động làm ra chúng. Lũ quét khủng khiếp cuốn phăng những thứ trên đường đi là do con người phá rừng; con người, với lòng tham vô độ, đã vi phạm quy luật tự nhiên, nhất là vi phạm dòng chảy các con sông. Cái gì đã vi phạm quy luật, cả tự nhiên và xã hội, thì tất sẽ bị quy luật trừng phạt. Đó là nguyên tắc ngàn đời, muôn năm cũ và muôn năm mới, bất di bất dịch. Thế kỷ XXI này, con người tạo ra của cải gấp bội phần thế kỷ trước, nhưng, bi kịch thay, khi tay phải làm ra nhiều của cải thì tay trái lại tạo ra những thứ giết chính họ. Con người rơi vào vòng luẩn quẩn trong mọi hành xử đối với tự nhiên và xã hội, rồi cuối cùng làm triệt tiêu luôn mục tiêu tự do, ấm no, hạnh phúc mà họ đặt ra cho sứ mệnh của chính mình.

Thiên tai - nhân tai, như tôi viết ở trên, thời nào cũng có. Nhưng, thời nay mau lẹ hơn, diễn ra dày đặc hơn, mức độ lan nhanh hơn, dồn dập hơn, và điều đáng chú ý nhất ở đây là tai họa lớn hơn bao giờ hết. Điều dở nhất là con người hiện nay có biết, nhưng biết chưa đến nơi đến chốn, biết nhưng hành động để  phòng và để tránh thì yếu, rất yếu; không những thế, còn gây ra nhiều điều tăng nặng thêm, và cứ hay tự huyễn hoặc mình là chúa tể của muôn loài.

3. Mức sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế

Sau bao năm binh đao khói lửa, đất nước Việt Nam đã được hòa bình, thống nhất. Nhân dân Việt Nam biết vượt qua biết bao gian khó, đạp bằng trở ngại, gạt nhiều lực cản để đi lên ấm no, tự do, hạnh phúc như lời mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ muôn vàn kính yêu của người Việt Nam yêu nước. Cũng đã vấp phải sai lầm này sai lầm nọ, nhưng may thay, toàn Đảng, toàn dân biết sửa chữa để đi lên. Đến giờ, đất nước đã tiến hành công cuộc đổi mới được gần 40 năm. Nhìn lại, như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu, sau đưa vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 01/2021, rằng, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như hiện nay. Tự so sánh với chính mình như thế là phải. Mà đúng như thế thật, nếu không có công cuộc đổi mới do sáng kiến của Nhân dân rồi Đảng tổng kết thành cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính thức khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986, và Đảng tích cực lãnh đạo thực hiện, thì không có kết quả như hiện nay.

Đem con số GDP của đất nước, cũng như GDP bình quân đầu người Việt Nam hằng năm mà tính thì thật khả quan, năm sau cao hơn năm trước. Trong khoảng chục năm nay, kể cả lúc bị dính vào Covid-19 và bị tác động xấu của sự đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu do xung đột chỗ này chỗ nọ của thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào loại cao so với khu vực và thế giới. Việt Nam đã đạt được một cách ngoạn mục những mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hiệp quốc nêu ra, nhất là xóa đói giảm nghèo. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội mấy chục năm nay và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực thi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực tham gia vào toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Một số chỉ số khác, như chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc, chỉ số đổi mới sáng tạo đều đứng ở vị trí khá (tổ chức quốc tế xếp hạng). Sau cơn đại dịch Covid-19, và do bị ảnh hưởng xấu từ tình hình quốc tế, tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam bị chững lại, nhưng dần dần, từ cuối năm 2023 trở đi, đã có đà phát triển khá. Việt Nam đã không chịu nỗi nhục mất nước, vùng lên giành độc lập, tự do. Chưa bao giờ như hiện nay, nỗi nhục của nghèo nàn, lạc hậu lại kích cứa vào lòng tự trọng của người Việt Nam mạnh đến thế, nó tạo ra sự khát vọng cháy bỏng cho Việt Nam phấn đầu cho ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 94 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 03/02/2024. Bây giờ hoặc là không, mãi mãi không bao giờ, đất nước Việt Nam vẫn chịu cảnh xếp vào tốp cuối của sự phát triển trên thế giới, hoặc là bứt hẳn lên khỏi bẫy trung bình, khỏi cái lằn ranh nghèo nàn, lạc hậu, tiến bước mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Cuộc sống có phải chỉ đo bằng sự phát triển kinh tế không? Không hẳn thế. Đành rằng, phải từ vật chất đã. Điều này thì từ nhà kinh điển của lý luận chủ nghĩa cộng sản C.Mác đã đề cập. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, có thực mới vực được đạo, viện dẫn cả Nho giáo: Dân dĩ thực vi thiên (hoặc Dĩ thực vi tiên). Cuộc sống tinh thần quan trọng không kém. Hình như chúng ta có lúc có nơi đi hơi quá, sa vào “kinh tế phiệt”. Tại nhiều diễn đàn, kể cả ở các phương tiện truyền thông media đều đề cập GDP, GRDP. Sự chú ý về văn hóa, cũng có, nhưng còn quá ít. Trong tư duy, trong trọng tâm công việc, thường văn hóa là nhiệm vụ được xếp sau. Giữa bộn bề công việc, ngay từ năm 1946, chính quyền cách mạng còn non trẻ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương, và Chính phủ đã thực hiện, là tổ chức một Hội nghị văn hóa toàn quốc. Rồi 2 năm sau, từ ngày 16 đến ngày 20/7/1948, tổ chức được Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai khi đất nước đang kháng chiến chống Pháp xâm lược (ngày 15/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Hội nghị). Từ đó cho đến tận cuối năm 2021, mới tổ chức được Hội nghị Văn hóa toàn quốc tiếp theo. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã ghi các mục tiêu cụ thể cho các mốc năm 2030 “thu nhập trung bình cao” và năm 2045 “thu nhập cao”. Liệu cứ có thu nhấp cao thì có văn hóa cao?

4. Bối cảnh môi trường văn hóa phần nào đang bị ô nhiễm

Bất kể cá nhân con người và cộng đồng người nào cũng đều phải có một môi trường sống nhất định. Ngoài môi trường tự nhiên, còn phải kể đến môi trường văn hóa. Cần có môi trường tốt để con người và cộng đồng xã hội phát triển lành mạnh. Kinh tế Việt Nam, như bên trên đã viết, có sự phát triển, nhưng môi trường văn hóa, nói một cách có chừng mực, là có lúc, có nơi bị ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm có bị nghiêm trọng hay không thì cần nghiên cứu thêm. Nếu môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, chúng ta có thể dùng máy để đo chính xác mức độ. Còn môi trường xã hội? Chưa có những cuộc điều tra, khảo sát theo các phương pháp xã hội học, và cũng không thể hy vọng cách này trong điều kiện hiện nay. Nhưng, học các nhà địa chất, chúng ta thử “khoan” 4 mũi sau đây để biết môi trường văn hóa nước ta ở vào tình trạng như thế nào: i. Ma túy. Hiện nay thật đáng báo động. Ai cũng biết ma túy có tác hại đến xây dựng văn hóa, xây dựng con người như thế nào. Vừa rồi phát hiện ở nước ta có nơi sản xuất ma túy với khối lượng lớn. Một số vùng ở nước ta còn là nơi trung chuyển ma túy nữa. Đến năm 2045 với mục tiêu đề ra nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thế thì ai, lớp người nào là lớp người làm chủ thể để đạt mục tiêu ấy? Chắc chắn là thế hệ người Việt Nam hiện đang nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Thật đáng quan ngại khi có tới những tỷ lệ không nhỏ số thanh thiếu niên hiện nay nghiện ma túy; ii. Nạn bạo lực đáng báo động, xảy ra ở cả 3 không gian: gia đình, nhà trường, xã hội. Các không gian đó tác động cộng hưởng qua lại trực tiếp, mạnh mẽ và cực kỳ nhanh chóng; iii. Tội phạm gia tăng, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài; đáng lo ngại nhất là tội phạm có tổ chức. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, xuất hiện tội phạm mới ngày càng nhiều, đó là tội phạm công nghệ. Sự lừa đảo trên mạng lợi dụng lòng tham của con người đang có xu hướng tăng mà chưa khắc phục được một cách hữu hiệu. Công nghệ AI cũng có mặt trái, lắm rủi ro cả về kỹ thuật và đạo đức. Con người có lúc trở thành nô lệ của những cái không tích cực do AI gây ra; iiii. Văn hóa chính trị suy giảm. Công tác cán bộ, được Đại hội XIII của Đảng nêu rất đúng là “then chốt của then chốt” thì trong thực tế thực hiện chưa được như mong muốn. Nó vẫn đang ở vào tình trạng “có vấn đề”. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) từ năm 1999 nhận định rằng, trong Đảng đang có tình trạng suy thoái. Nhiều Đại hội toàn quốc và hội nghị Trung ương Đảng sau đó nhận định rằng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngay cả cán bộ cấp cao. Từ năm 1999 đến nay đã 25 năm, tình hình đó tuy khắc phục được một phần nhưng vẫn còn đáng phải lưu tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng..

Nhìn chung lại, sau khi trình bày 4 điểm trên, chúng ta có thể nêu lên một khái quát là: bối cảnh mới cho sự phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay vừa có nhiều thuận lợi đồng thời vẫn còn rất nhiều khó khăn, nguy cơ, thách thức.

 Chấn hưng - con đường phát triển của văn hóa Việt Nam hiện nay

 

Trình diễn Lễ hội Xăng Khan tại phố đi bộ, thành phố Vinh. Ảnh: Ngọc Mai

 

Biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ, thành phố Vinh. Ảnh: Ngọc Mai

“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, đó là quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày mới lập quốc - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, đó là quan điểm tiếp theo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021 tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là những quan điểm quý báu chỉ dẫn con đường chấn hưng văn hóa hiện nay.

Đề cập những điều căn cơ nhất về vấn đề này thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra. Báo cáo chính trị của Đại hội đã dành một mục lớn (Mục VII) đề cập nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, mà trong khuôn khổ bài viết này không nhắc lại. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, năm 1988, về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tôi coi như là một cương lĩnh văn hóa của Đảng. Một loạt văn kiện sau đó của Đảng, Chính phủ tiếp tục chủ đề này. Ngoài Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, còn có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ngày12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg. Ngày 24/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.

Các chủ trương, đường lối, quyết định đã có, tương đối đủ những điều cần thiết. Vấn đề còn lại ở chỗ là làm. Con đường chấn hưng văn hóa hiện nay là hành động, hành động và hành động theo những điều đã vạch ra. Một số người đang bày tỏ ý kiến về dự định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu trong Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 về số kinh phí 350.000 tỷ đồng đầu tư cho chấn hưng văn hóa. Trong thời gian trước đây, đã có tình trạng là một số nơi, trong đầu tư, còn lại đầu thừa đuôi thẹo mới dành cho văn hóa. Vì vậy, lần này chủ trương dành con số kinh phí như thế là cần thiết, nếu không nói con số đó vẫn là còn ít, quá nhỏ. Đương nhiên, không phải cứ đổ tiền nhiều vào là có chấn hưng văn hóa. Phát triển văn hóa là nhờ sự kích hoạt tổng hòa các yếu tố nội và ngoại sinh. Phải sử dụng thật tốt, thật hiệu quả số kinh phí đó mới mong có được sự chấn hưng văn hóa, trong đó càng phải chú ý tới chống lãng phí và tham nhũng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đúc kết các nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân: “Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”[1]. Xem thế để thấy rằng, văn hóa có vai trò quan trọng như thế nào trong tổng thể các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam và cũng thấy được sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tiến quân vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa./.

 

 (Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 - Tháng 6/2024)



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.110.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114495639

Hôm nay

283

Hôm qua

2337

Tuần này

2420

Tháng này

213032

Tháng qua

120308

Tất cả

114495639