Đất và người xứ Nghệ

Ca sĩ Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”

“Hãy đến đây thật nhiều, thật nhiều người nữa. Hãy ở lại, ráng chờ thêm tí nữa, mình sẽ hát cho mọi người nghe “Hồn sông”. Ca khúc đáng yêu, yêu lắm. Tôi yêu ca khúc này lắm!”. Tôi thấu cảm được những khát khao ấy của Quế Thương, cô ca sĩ xứ Nghệ mà tôi biết và luôn dõi theo từng bước trưởng thành, từ khi mới chỉ là cô thôn nữ bước vào ngôi trường Trung cấp VHNT Nghệ An. Mỗi bài hát cô thể hiện lúc mới vào nghề cho đến hôm nay, khi đã là một ca sĩ thành danh, không chỉ ở Nghệ An mà trên sân khấu toàn quốc, vẫn luôn đong đầy trong ấy một tình yêu nghề vô bờ.

Ca sĩ Quế Thương

Không ngừng nỗ lực để vươn ra “biển lớn”

Năm 2021 và 2022, có thể nói là năm Quế Thương gặt hái nhiều thành công xuất sắc, đó cũng là thành quả của sự nỗ lực không ngưng nghỉ. Cô đã giành được hai huy chương tại các cuộc thi toàn quốc và khu vực với hai ca khúc của nhạc sĩ Xuân Thủy: HCV với ca khúc “Hồn sông” (Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021), HCB với ca khúc “Hát đợi anh về” (Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022. Liên hoan này không có HCV dành cho ca khúc). Năm 2022, cũng là lần thứ hai cô được Bộ VH,TT&DL vinh danh “Nghệ sĩ tiêu biểu của năm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” (lần đầu là vào năm 2018).

Với Quế Thương, được hát cho khán giả nghe là một vinh hạnh của người nghệ sĩ. Trong những cuộc trò chuyện với tôi, không màu mè, đánh bóng, cô bộc bạch một cách chân tình về tình yêu, trách nhiệm của người nghệ sĩ. Suốt một đời ca hát, cô đã phấn đấu học tập không mệt mỏi, luyện thanh, bồi dưỡng cảm xúc, rèn mình để trọn vẹn với niềm vinh hạnh ấy.

Với một nghệ sĩ thiếu khát vọng, thiếu sự vươn lên thì chắc hẳn khi đã có được những ghi nhận là ca sĩ có tên tuổi ở Nghệ An và là ca sĩ trụ cột của Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ An, Quế Thương đã dừng lại và hài lòng với những gì đã có. Thế nhưng vì vẫn khao khát vươn lên, vẫn muốn tự khám phá bản thân và được thử sức nhiều hơn trên những sân khấu lớn ở mọi miền đất nước, cô đã quyết định ra Thủ đô học lên đại học khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Lúc đó, cô phải vượt qua muôn vàn khó khăn: Hai con còn nhỏ, chồng làm ở doanh nghiệp, đi từ sáng tới tối muộn mới về, đi học xa nhà, đồng thời phải thực hiện các chương trình của Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ An rồi còn phải tranh thủ “đi show” để có chi phí trang trải cho cuộc sống, học hành. Kết quả, năm 2017, cô đã “ẵm” được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Những thành quả nổi bật liên tiếp sau đó đã chứng minh, quyết định học lên của cô là đúng đắn và cần thiết. Nó là hành trang vô giá chắp cánh cho mơ ước của cô bay lên, bay xa. Chính kiến thức của 4 năm học tập bài bản đã giúp cô vượt lên, tự tin vươn ra “biển lớn” và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong nghiệp ca hát. Để bắt kịp xu thế thời đại, năm 2018-2020, Quế Thương học tiếp văn bằng hai Ngôn ngữ Anh để có nhiều hơn cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.

Dường như càng bơi ra “biển lớn” Quế Thương càng phấn khích và tự tin khẳng định mình. Dù biểu diễn ở sân khấu nào, hát cho bà con miền núi nghe hay hát trên các sân khấu lớn của mọi miền đất nước, cô đều nhập tâm vào từng lời ca. Từ trên đỉnh núi Hồng, cô như thả hồn vào sông nước dòng Lam để thấu “Hồn sông” ngay trên sân khấu Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II năm 2021 tại Đắk Lắk. Cô như thấy kia, những con người xứ Nghệ, thấy bố mẹ, thấy tuổi thơ gian khó của mình trong từng lời hát. Hồn sông, ấy là người, là đất xứ Nghệ trập trùng gian khổ, nhưng cũng thật can trường, dũng mãnh để vươn tới hạnh phúc.... Cô nhập tâm đến mức hát như ma mị, như rút ruột người nghe. Phần I, lời ca dìu dặt, ngọt lắng âm hưởng ca trù không làm khó Quế Thương. Và phần II, đấy là phần mà vẻ đẹp trong giọng hát của cô có cơ hội phô bày đầy đủ nhất. Trong những ca khúc dân gian đương đại nhạc sĩ Xuân Thủy sáng tác mà các ca sĩ chuyên nghiệp thường chọn để tham gia biểu diễn trên sân khấu lớn, bao giờ ông cũng kết hợp âm nhạc dân gian và âm nhạc thính phòng, trong đó đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp. “Hồn sông” là một trong những ca khúc rất khó, ít ca sĩ hát tốt nếu không có đủ bề dày về cảm xúc, về kinh nghiệm sống - hát và cả về kĩ thuật thanh nhạc. Khi viết ca khúc này, ông đã nghĩ tới Quế Thương. Và cô đã thể hiện xuất sắc. Đang từ cảm xúc sâu lắng, dìu dặt, cô như bừng tỉnh, thăng hoa mãnh liệt ở phần nhạc thính phòng, ngỡ như dòng Lam giang đột ngột va phải tảng đá, bật tung lên để con nước vượt qua thác ghềnh lại về với dòng chảy nhẹ êm. Và lại từ những cung bậc cao vút cô nhẹ nhàng bắt sang cung trầm nhẹ như một tiếng thở. Người nghe như tan chảy, như đắm đuối cùng cô trong từng câu hát, từng giai điệu. Sự may mắn hay sự nhập tâm quá sâu đã giúp cô có một bản lĩnh sân khấu tuyệt vời để vượt qua khá nhiều sự cố bất ngờ khi biểu diễn. Đêm Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Đắk Lắk lần đó, cô đã gặp phải một sự cố có thể phá hỏng tiết mục. Đang thả mình “trôi” trong “Hồn sông”, bỗng một tiếng nổ lớn như tiếng sét, cả hội trường thảng thốt không hiểu máy móc bị gì. Quế Thương vẫn dường như không nghe thấy, cô cứ thả mình trôi theo bài hát để đi tới tận cùng dòng sông mà “ôm” về HCV danh giá. Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền - thành viên Ban Giám khảo đã cho cô điểm tuyệt đối, chỉ vì, đã lâu lắm rồi mới có một người hát làm Thu Hiền khóc “Nó hát như rút ruột rút gan như thế làm sao không cho điểm 10 được”. Và NSND Phạm Tiến Dũng (thủ trưởng cũ của cô) thì gật gù: Em “say” quá, thực sự bản lĩnh!

Giữ gìn hình ảnh người nghệ sĩ

Quế Thương là người rất trách nhiệm, chu toàn trong mọi công việc. Mỗi một việc dù nhỏ hay lớn, là việc của gia đình hay việc của đoàn, công việc chuyên môn của cá nhân, v.v... Thương đều làm hết mình. Mỗi lần nghe cô hát, xem cô biểu diễn tôi cảm được một sự lao động nghiêm túc của cô, đó là sự lao động bằng “cái đầu” và cả tình yêu, sự đam mê. Cô không dễ dãi với chính mình, càng không dễ dãi với mỗi một ca khúc mình thể hiện. Bởi ở đó không chỉ mình cô mà là sự lao động của rất nhiều người.

Ca sĩ Quế Thương trên sân khấu biểu diễn ở CHLB Đức

Nhận một tiết mục, điều đầu tiên bao giờ Quế Thương cũng nghiên cứu thật kỹ bài hát. Bài hát nói tới cái gì, cần chuyển đi thông điệp gì, người ca sĩ phải thật thấu rõ mới cùng nhạc sĩ chuyển tải nó hiệu quả nhất tới công chúng. Một bài hát chỉ 8 câu thôi, phổ nhạc từ bài thơ của Hồ Xuân Hương “Thương ôi phận gái” là cái nhìn chua chát, là tiếng kêu của bà chúa thơ Nôm về thân phận tủi hờn của người đàn bà trong xã hội phong kiến. Chỉ đọc bài hát chưa đủ, để cảm nhận hết nỗi niềm của Hồ Xuân Hương, của nhạc sĩ Trọng Đài, Quế Thương phải tìm đọc những bài viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, những bài bình về bài thơ “Thương ôi phận gái”. Sự tìm tòi để hiểu sâu, hiểu kĩ bài hát cùng với giọng ca trời phú vừa ngọt lắng chất dân ca vừa vang, cao chất thính phòng, kết hợp một nguồn cảm xúc dồi dào và đặc biệt một khả năng xử lý kĩ thuật thanh nhạc rất tốt đã giúp cô tự tin lựa chọn ca khúc này để đứng trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Cô đã đĩnh đạc ẵm về HCV thứ 3 trong đời ca hát trước sự ngỡ ngàng của nhạc sĩ Trọng Đài  (HCV đầu tiên là vào năm 2004, khi cô đang là sinh viên Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ An tại Hội thi Ca Múa Nhạc và Triển lãm Mĩ thuật các trường Văn hóa nghệ thuật toàn quốc. HCV thứ 2 là vào năm 2015 với ca khúc Lời ru nguồn cội của nhạc sĩ Xuân Thủy tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2015). Khi Quế Thương xin phép ông được thể hiện ca khúc này, ông rất lo lắng, bởi trước đó một vài nghệ sĩ thành danh đã thể hiện khá thành công và giành được HCB. Ca sĩ tỉnh lẻ Quế Thương liệu có vượt qua được rào cản này. Tuy vậy, ông vẫn cho phép Quế Thương được “tự do” ở phần hai - phần thiên về nhạc thính phòng, là mảnh đất cho sự sáng tạo của mỗi ca sĩ. Chính đoạn này đã giúp Quế Thương “bứt phá” ghi điểm, vượt qua các ca sĩ đàn chị đã hát trước. Một nguồn cảm xúc và sự biểu cảm mãnh liệt, cộng hưởng cùng nguồn lực nội sinh mạnh mẽ của chất giọng thính phòng, Quế Thương chuyển tải hầu như đủ đầy tiếng kêu thương, sự phản kháng của người đàn bà dưới tầng tầng phận tủi. Cô đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của người xem, lời ngợi khen hài lòng từ tác giả và cả những lời trầm trồ thán phục của các đồng nghiệp có mặt trong hội diễn. Cũng nhờ sự sáng tạo và lợi thế của chất giọng thính phòng vang, khỏe kết hợp kỹ thuật thanh nhạc rất tốt đã giúp Quế Thương vượt qua các ca sĩ đàn chị từng đạt HCB để giành được HCV với ca khúc Lời ru nguồn cội (nhạc sĩ Xuân Thủy) trong Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.

Khi đã có độ dày về vốn sống, kinh nghiệm ca hát, cô lại đặt mình vào những thử thách mới để tiếp tục khám phá và rèn luyện mình: đó là thử sức trên lĩnh vực sáng tác. Những năm gần đây, một số ca khúc về quê hương, về tuổi thơ, phòng chống dịch covid-19 như: Về với quê em, Chiều Cửa Lò, Mùa xuân gọi bạn,... hé mở một khả năng mới ở cô. Đặc biệt, ca khúc dành cho tuổi thiếu nhi “Bài học đèn giao thông” của cô đã đạt giải Nhì cuộc vận động Sáng tác ca khúc và kịch bản sân khấu về An toàn giao thông năm 2021. Ngoài ra, cô cũng là MC của đoàn trong các chương trình biểu diễn, các cuộc thi.

Sự nỗ lực để hoàn thiện mình, để vun đắp sự nghiệp ca hát, với Quế Thương đến thời điểm này, có thể nói đã giúp cô đạt đến “độ chín”. Nhạc sĩ Xuân Thủy đã cho rằng “Một tỉnh lẻ như Nghệ An, thiếu rất nhiều điệu kiện để các giọng ca phát triển, nhưng Quế Thương đã luôn luôn học hỏi để có một sự học bài bản, có ý chí, nghị lực và khao khát vượt lên. Cô ấy đã làm được và trở thành một giọng ca hiếm có của tỉnh nhà. Điều đó thật quý. Giờ đây, Quế Thương đã hội đủ những yếu tố của một ca sĩ thành danh: thanh, sắc, cảm xúc, kinh nghiệm, đặc biệt là kĩ thuật thanh nhạc. Cô ấy đang ở độ chín. Nghệ An cần quan tâm để những ca sĩ như Quế Thương tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp xuất sắc hơn cho nền âm nhạc tỉnh nhà”. Với cô, giờ đây các bản nhạc khó của các nhạc sĩ tên tuổi không còn là thách thức quá lớn, nhưng sự làm việc nghiêm túc và cầu thị luôn đòi hỏi cô không thôi tìm tòi, nghiên cứu để cùng tác giả tiếp tục sáng tạo, cho mỗi tác phẩm khi đến công chúng đều được hoàn thiện và mới mẻ nhất. Đây cũng là điểm mà các nhạc sĩ khá hài lòng khi cô xin sử dụng ca khúc của họ.

Giữa những xô bồ của cuộc sống, tôi thấy quý và trọng Quế Thương, bởi từ khi bước vào nghề cho đến nay, cô là một trong những ca sĩ thành danh của Nghệ An rất lưu tâm gìn giữ hình ảnh người nghệ sĩ chân chính. Ở cô có sự vẹn tròn của một người phụ nữ trong gia đình, và một người nghệ sĩ của công chúng. Để có được tình yêu bền chặt của người chồng và hai đứa con ngoan, là phụ nữ tôi hiểu cô đã phải cố gắng nhiều mới có được sự chỉn chu cho những bữa ăn ngon cô có thể nấu cùng cả nhà thưởng thức, hay lo đủ thực phẩm cho bố con trước mỗi chuyến đi biểu diễn dài ngày; dọn dẹp chỉnh trang cho mỗi căn phòng của vợ chồng, con cái được đẹp đẽ, đồ đạc được thơm tho. Để thêm thu nhập bằng chính sức lao động nghệ thuật chân chính của mình, cô tận dụng mọi thời gian nhưng cũng lựa chọn các show diễn ngoài sao cho phù hợp. Dường như, gìn giữ hình ảnh người nghệ sĩ đã là một nhiệm vụ mà cô và các đồng nghiệp đã tự nhận lấy và chỉn chu, nghiêm túc thực hiện, để không xảy ra điều tiếng gì. Là ca sĩ đang rất “nổi” nhưng Quế Thương không câu nệ hay sang chảnh. Công chúng yêu cầu là cô hát, dù hát “vo”. Vậy nên tôi mới gặp cảnh cô hát trong bệnh viện khi chăm mẹ ốm, chỉ vì mọi người trong khoa muốn nghe ca sĩ Quế Thương hát. Có thể giúp ai được việc gì là cô sẵn sàng. Thương cảm một người bị tai nạn giao thông rất nặng, bằng ảnh hưởng cá nhân cô đã kêu gọi bạn bè đóng góp giúp đỡ. Hay chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với các đồng nghiệp khi họ có nhu cầu. Qua những câu chuyện cô kể, tôi cảm nhận rất rõ sự chỉn chu của cô về trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đúng như nhận xét của NSND Hồng Lựu (Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An) về nhân viên của mình: “Bạn ấy là một trong những ca sĩ trụ cột của Đội ca, của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống; là người có bản lĩnh, có nhận thức sâu sắc về vai trò của người nghệ sĩ; luôn luôn ý thức và hành động vì việc xây dựng hình ảnh đẹp về người nghệ sĩ chân chính. Điều đó rất đáng quý trong bối cảnh hiện nay.”

40 tuổi đời, đã có 4 HCV, 1 HCB trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực, 2 lần được vinh danh “Nghệ sĩ tiêu biểu của năm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”. Đó là những kết quả lớn đo đếm được. Nhưng tình yêu mà khán giả dành cho cô, người nghệ sĩ mới thật lớn vô cùng. Nhiều lần cô cùng đoàn đến với bà con các huyện miền núi tỉnh nhà, những người bà, người mẹ mới đầu hôm đã lo cầm ghế đến khu vực trung tâm háo hức chờ đón xem đoàn biểu diễn, và buổi diễn nào cũng kéo dài thêm đến 5-6 tiết mục theo yêu cầu của bà con, đó mới thật là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô và đồng nghiệp. Cô vẫn đang và sẽ mãi “say sưa” hát cùng bà con để làm đầy thêm tình yêu nghề, yêu ca hát mà cô mơ ước từ thuở ấu thơ và đeo đuổi một đời!

(Bài đã đăng trên VHTT Nghệ An số 9 - tháng 5/2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447361

Hôm nay

290

Hôm qua

2305

Tuần này

2999

Tháng này

213620

Tháng qua

120141

Tất cả

114447361