Đất và người xứ Nghệ

Chợ Vinh

Chợ Vinh năm 1900

Chợ Vinh - trước đây có tên gọi là chợ Vĩnh. Tên gọi chợ Vĩnh đã có trong sách "Thiên nam tứ chi lộ đồ", một sách địa lý nước ta được biên soạn vào thời nhà Lê. Với Chợ Vĩnh, trước khi trở thành lị sở Nghệ An, Vinh đã là nơi sầm uất.

Chợ Vĩnh lúc này họp một tháng ba phiên, vào các ngày: mùng ba, mười ba và hai mươi ba. Chợ không chỉ là một trung tâm thương mại, mà còn là một trung tâm giao lưu văn hóa vào bậc nhất của vùng. Bậc tài hoa, nhà thơ vĩ đại Nguyễn Du trong thời gian về sống ở Tiên Điền vẫn thường sang chơi ở Vĩnh Doanh, tham gia hát phường vải, phường nón, đi đò dọc trên sông. Thi sĩ đã từng hẹn hò, trách móc:

                              Phiên nào Chợ Vĩnh ra trông

                                Mùng ba chẳng thấy lại hòng mười ba[1].

Từ năm 1804, khi Vinh trở thành tỉnh lỵ, chợ Vinh càng sầm uất. Năm 1808, một vụ cháy ở đây đã thiêu rụi gần 300 nóc nhà. Điều này chứng tỏ khi đó chợ Vinh đã rất sầm uất.

Sau một đôi lần di chuyển lên khu vực Cửa Tiền (sau năm 1954), hoặc ra các vùng lân cận, về cơ bản trên 300 năm nay, chợ Vinh vẫn ở nguyên vị trí cũ. Nếu đầu thế kỉ 20 Chợ Vinh vẫn chỉ là những dãy nhà lá liêu xiêu, thì đến những năm 1920 nó đã được xây nhà gạch khá khang trang. Những bức ảnh chụp Vinh qua các thời kỳ đã cho thấy điều đó. Bài “Ba ngày ở tỉnh Nghệ An (Vinh)” của Từ Sơn, đăng trên Thực nghiệp Dân báo số ra ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1928 viết:

“Tôi vào Nghệ hôm ấy chính phiên chợ, chợ tỉnh Nghệ to lắm, có 4 quán ngói, xung quanh có hàng rào xi măng cốt sắt cả, chợ bán đủ các thứ hàng hóa như ngoài Bắc, có bán thêm trâu bò và một thứ hàng hóa rất rẻ là đồ gỗ gụ, đôi tràng kỷ gụ trông cũng đẹp chỉ mươi đồng là cùng. Những cái bàn chân hươu, mặt liền rất đẹp chỉ vài ba đồng. Nhất là về chiều thì rẻ lắm. Hôm đó tôi mua đôi đế đèn cao thước rưỡi bằng gụ trông cũng nhã có một đồng hai. Đồ thì đẹp mà rẻ nhưng tiếc đài tải riệu vợi lắm.

Ta nên để ý đến các đồ bằng tre đăng ngà, chạm trổ rất khéo. Tôi có mua được mấy cái khay và hộp đựng thuốc lá bằng tre đăng ngà trông như ngà đẹp vô cùng.

Ngoài Bắc là tre chỉ dùng làm chõng, làm ghế, làm lồng, làm bu, giá cũng chịu khó học tập chế tạo những đồ dùng như rứa, vừa bán được giá cao vừa không vất vả. Một cái chõng cục mịch tốn biết bao nhiêu tre mà bán độ 3,4 hào, một cái khay bàn chè, chân quỳ thanh nhã bán được đồng bạc 1. Cứ lấy một cái mĩ nghệ đồ tre mà xét thì kỹ nghệ ở đây cũng tuyệt xảo vậy.

Phố xá ở đây cũng đẹp, sạch sẽ nhà cửa thì phần nhiều một tầng mà làm hơi giống nhau. Bây giờ là thành phố và người tứ xứ đến làm việc các công sở đông nên nên giá thuê nhà cũng hơi cao, nhưng còn rẻ hơn Hà thành nhiều. Các phố chỉ có phố Sarraut[2] tức là phố chính là to nhất, nhà ở san sát, cửa hàng kẻ mua người bán tấp nập trông như phố hàng Ngang, hàng Đào Hà Nội; ở phố ấy có nhiều cửa hàng người Ấn Độ và người Trung Hoa bán tạp hóa”.

Trong cuốn “Xóm thợ Trường Thi”, nhà văn Hoàng Ngọc Anh đã mô tả chợ Vinh thời những năm 1940: “Chợ nằm dọc theo bờ sông Cửa Tiền, chạy dài từ góc đình Hàng Trống lên đến Nhà Ông. Từ phố Khách, cái phố mà có người gọi là phố Hàng Đào của tỉnh Nghệ một con đường chạy thẳng vào cổng chính. Dọc theo phố Bờ sông, đối diện với những cửa hàng nổi tiếng của hàng thuốc lá Ký Hai, Ký Phượng, thuốc Bắc Vĩnh Hưng Tường, là một dãy nhà dài chia thành từng ô, mỗi ô là một cửa hàng. Các dãy ô này đều có hai mặt, nửa ngoảnh ra phố, nửa ngoảnh vào chợ. Người ta có thể tìm mua ở đây đủ thứ, từ thước vải Bom Bay đến cái rá vo gạo, từ bộ đồ mã, đến cái tủ chè khảm xà cừ. Bước vào cổng chợ thì cả một đám người lố nhố, kể có hàng vạn, chen chúc nhau trong từng dãy đình dài: đình hàng vải, đình hàng thịt, đình la-ghim, đình hàng mộc, đình hàng sắt, đình hàng cá…Mỗi đình là một thế giới riêng của một ngành nào đó từ khắp nơi đổ về…Khách buôn kéo về bằng xe lửa, bằng thuyền, bằng ô tô, đem đến mọi thứ đặc sản khắp nơi, như cau Quảng, tơ lụa Hà Đông, dừa xoài Bình Định, măng cụt Nam Kỳ và mua đi những cam, những bưởi, những đồ mây, đồ gỗ, cá khô, măng, mộc nhĩ, trăm thứ bà dằn, đem đi các tỉnh”[3].

Như vậy, Chợ Vinh có tuổi đời cao hơn tuổi của thành phố. Đây cũng chính là thành tố đầu tiên, quan trọng nhất tạo nên đô thị Vinh. Chợ Vinh, kể cả hiện nay vẫn không phải là công trình tiêu biểu về kiến trúc, mà giá trị của nó là ở khía cạnh nhân chứng lịch sử, kí ức đô thị của thị dân Vinh.

 

Chợ Vinh 1929

 

Chợ đồ mộc 1930

 

 



[1] Dẫn theo Chu Trọng Huyến: Lịch sử thành phố Vinh, tập I, nxb NA, tr. 31.

[2] Phố Khách, tức đường Cao Thắng ngày nay

[3] Hoàng Ngọc Anh, Xóm thợ Trường Thi, NXB Lao động, 1975

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447133

Hôm nay

2167

Hôm qua

2299

Tuần này

2771

Tháng này

213392

Tháng qua

120141

Tất cả

114447133