Văn hóa và đời sống
Công tác cán bộ là "Then chốt của then chốt"

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu liên quan tới công tác cán bộ: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”[1]. Theo tinh thần đó, cái “then chốt” công tác cán bộ liên quan tới sự thành hay bại của nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chỉ ra một trong những nguyên nhân của những khuyết điểm, Đảng ta chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức”[2].
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn số liệu: “Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 Bộ trưởng, nguyên Bộ Trưởng, 13 sĩ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang”.
Tổng kết cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng có một bước đột phá, được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và có hiệu quả, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Mặt khác những con số nêu trên cũng khiến chúng ta hết sức đau xót vì chưa bao giờ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta lại phải chịu một tổn thất vô cùng to lớn và nặng nề về cán bộ như vậy.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao lại có nhiều cán bộ bị khởi tố, truy tố, xét xử như vậy? Trong báo cáo nêu trên, người đứng đầu Đảng ta đã chỉ ra nguyên nhân “do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẻ hở, dễ bị lợi dụng”.
Đúc kết lại thì nguyên nhân khiến nhiều cán bộ bị khởi tố, truy tố, xét xử là do: 1. Bản thân cán bộ thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, cái tâm không chính, xiêu vẹo, vẩn đục, tự biến mình thành tù binh của danh lợi và quyền chức; 2. Bộ máy còn những lỗ hổng, kẻ hở, đặc biệt trong đó là cơ chế, thể chế về công tác cán bộ và xây dựng, thực hiện nền dân chủ một cách thật sự. Đó là cái gốc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chúng ta phải ngăn chặn từ gốc và xử lý tận gốc. Khởi tố hàng ngàn vụ án, hàng ngàn bị cáo bị truy tố xét xử, nhưng đó mới chỉ là ngọn, chưa phải là gốc. Cái gốc là thể chế, cơ chế, trong đó có cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế công tác cán bộ và ý thức tu thân chính tâm của cán bộ.