Góc nhìn văn hóa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng có tư duy quân sự chiến lược hơn người

VHNA: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Tên tuổi của ông gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước; đặc biệt là qua cuộc chiến tranh Đông Dương, rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Việt Nam. Nhiều chính khách, tướng lĩnh, học giả trên thế giới coi ông là “một thiên tài quân sự”; “vị tướng huyền thoại”; “vị tướng kiệt xuất”… nhưng trên hết, trước hết ông là “vị tướng có tư duy chiến lược hơn người”, “vị tướng của lòng dân”. Nhân kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911 -25/8/2023), VHNA xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về Đại tướng của các tác giả Đặng Công Thành & Nguyễn Văn Mùi (Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Võ Nguyên Giáp - Vị tướng có tư duy quân sự chiến lược hơn người, Huyền thoại quân sự của thế kỷ XX

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy và tài năng quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc Đại Việt đã xuất hiện những vị tướng tài ba lỗi lạc, ghi dấu ấn hiển hách như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Và ở thế kỷ XX, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học và đúc kết được những tinh hoa quân sự đặc sắc của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đánh thắng hai đế quốc lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tướng Mỹ Westmoreland từng thốt lên rằng: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp”[1].

Năm 1992, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có hai vị tướng kiệt xuất của Việt Nam là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đặc biệt là năm đó, Đại tướng vẫn còn sống và rất minh mẫn. Để được tôn vinh thiên tài quân sự qua mọi thời đại của nhân loại là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông không chỉ nhận được sự đồng thuận rất cao của giới quân sự, kể cả với những người bình chọn “khó tính” nhất, mà ông còn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới. Có thể nói, dưới ánh sáng đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, tinh thần, ý chí và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những động lực quan trọng góp phần làm nên những thắng lợi mang tính thời đại mà Nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã giành được. Chính tài thao lược và những chiến công vĩ đại ấy đã khiến ông trở thành một vị tướng huyền thoại trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế, để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự Việt Nam cũng như lịch sử quân sự thế giới. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ để ca ngợi về con người và tài năng kiệt xuất của ông, mà còn để hiểu hơn những yếu tố, những bài học có giá trị xuất sắc để làm nên một thiên tài quân sự trong lịch sử Việt Nam.

Cecil B. Curry, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự hiện đại nổi tiếng của Mỹ, đã viết cuốn sách Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự, xuất bản tại Mỹ năm 1997, trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần túy quân sự. Chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tùy thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến lược rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện,...”[2].

Hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Tướng Giáp chưa bao giờ phạm sai lầm về chiến lược. Ngược lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cho 10 danh tướng của Pháp và Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận, trong đó có 7 Đại tướng Pháp: Philippe Leclerc, Etienne Valluy, C. Blaizot, M. Carpentier, Delattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 3 Đại tướng Mỹ: Westmoreland, C. Abrams, F.C. Weyand. Đây chính là lý do khi được hỏi vì sao Tướng Giáp được phong làm Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời vì Tướng Giáp đã đánh bại nhiều tướng tài của các cường quốc trong lịch sử chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đã nhận định: “Trong giai đoạn 1944-1975, cuộc đời của Tướng Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông Giáp trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy”[3]. Đó cũng chính là lý do mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được gọi với một cái tên khác là “Napoleon Đỏ”, nhằm nói lên tài năng quân sự kiệt xuất của ông giống như thiên tài quân sự Napoleon Bonaparte - nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất người Pháp.

 

17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự chiến lược hơn người, đó chính là điểm nổi bật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với Tướng Giáp, trí tuệ và bản lĩnh khác thường đó được thể hiện rõ nét trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Đờ Cátxtơri, người đứng đầu Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từng nhận định rằng: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến đấu, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương... Là Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đã làm tất cả những gì để bảo vệ nó suốt 56 ngày đêm trước áp lực ghê gớm của quân đội Tướng Giáp, có thể nói tôi đã làm hết sức mình trên chiến trường, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thừa nhận đã đành, mà còn hơn cả là Tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”[4].

Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của lòng dân

 

Đĩa bánh trôi nước mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: ANTĐ

Là một trí thức tham gia cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã may mắn sớm gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giao nhiệm vụ, rèn luyện thử thách trong thời kỳ đầu cách mạng. Với cách dùng người sắc sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra phẩm chất và tài năng của Võ Nguyên Giáp: Một trí thức làm việc văn mà có khả năng tiềm tàng về võ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tin tưởng giao cho ông phụ trách quân sự, có nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên tuyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, và ủy quyền làm Tổng Chỉ huy, sau đó là Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy quân đội đánh giặc cứu nước. Mặc dù giao cho ông việc võ, nhưng Người vẫn gọi Võ Nguyên Giáp là Văn. Phải chăng, Người muốn căn dặn ông làm việc võ nhưng phải nhân văn. Đúng như đánh giá của một “Bộ đội Cụ Hồ” khái quát về ông: “Văn lo vận nước văn thành Võ/Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”. Không phụ sự tin tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Là “vị tướng huyền thoại”, nhưng trên hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “vị tướng của lòng dân”. Đường lối chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh nêu rõ phải tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến. Thấm nhuần tư tưởng đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam một cách hết sức sáng tạo. Ông coi trọng trước hết là việc rèn luyện vững chắc bản lĩnh chính trị cho quân đội. Tình yêu nước nồng nàn, lòng trung thành vô hạn cùng lý tưởng cách mạng, tinh thần vì Nhân dân quên mình, tình đoàn kết gắn bó keo sơn quân với dân như “cá với nước” luôn được truyền lại và thấm sâu đến từng chiến sĩ.

Võ Nguyên Giáp là một vị tướng rất đặc biệt, không trải qua bất kỳ trường lớp quân sự nào và ngay từ đầu không có sẵn quân đội, nhưng qua hoạt động chính trị, vận động quần chúng, phát triển lực lượng chính trị rồi tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập và phát triển đội quân cách mạng từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng thắng, trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi luyện trong thực tế chiến đấu và nghiên cứu học tập kinh nghiệm đánh giặc của ông cha và của thế giới, ông đã trở thành một vị tướng kiệt xuất, từng đánh bại nhiều đại tướng sừng sỏ của các đội quân xâm lược. Ông kết hợp khéo léo, chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa..., đạt kết quả toàn diện trên cả hai mặt trận kháng chiến và kiến quốc. Ở tuyến trước, quân dân Việt Nam thực hiện linh hoạt phương châm quân sự “2 chân, 3 mũi”[5], đánh địch khắp ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng, đô thị. Còn ở tuyến sau, luôn xây dựng, củng cố vững chắc căn cứ địa cách mạng và hậu phương, chi viện đắc lực cho tiền tuyến. Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản đường lối tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược của những đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX.

Trong 34 năm cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Với tư cách là Tổng Tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy, sau này là Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân chiến đấu, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh, lập nên chiến công oanh liệt, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phân công phụ trách hai lĩnh vực là khoa học và giáo dục, trong đó có một thời gian tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm phụ trách công tác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng nền khoa học và giáo dục nước nhà đạt một số thành tựu quan trọng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người toàn tài cả trong thời chiến và thời bình. Tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng ca ngợi ông là “vị tướng văn võ song toàn”, “nhà chiến lược thiên tài, nhà quân sự lỗi lạc”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”, “Là tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “Là vị Tổng Tư lệnh không phạm sai lầm trong chiến lược, chiến thuật”; hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái thời đại Hồ Chí Minh. Ông là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam[6].

Ông là vị tướng được đồng bào, đồng chí nhiều thế hệ trong cả nước kính trọng, tin tưởng, biết ơn. Là bởi, Vị Tổng Tư lệnh đã từng đánh bại 10 tướng lĩnh đầu sỏ của Pháp, Mỹ ấy lại là một người vô cùng liêm khiết, không bao giờ lợi dụng tiếng tăm, vị trí của mình để mưu lợi. Đại tướng luôn ghi tâm câu nói mà Bác Hồ đã căn dặn mình: “Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng” và “có dân là có tất cả”. Là bởi, suốt cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân cách trong sáng, cao thượng; bất chấp mọi chông gai, hiểm nguy, Đại tướng kiên trung đi trọn con đường đã chọn, bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân vì độc lập của đất nước, hạnh phúc của đồng bào bằng tầm nhìn chiến lược cho hôm nay và muôn đời sau; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, yêu nước, tin dân, đồng cảm, chia sẻ cùng Nhân dân niềm vui, nỗi buồn, những mất mát đau thương, bức xúc, trăn trở không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả thời bình. Là bởi, trong bất kỳ thời điểm ngặt nghèo nào, người dân cũng tìm thấy ở Đại tướng điểm tựa niềm tin, trí tuệ uyên bác, bản lĩnh vững vàng, phong thái điềm tĩnh, bao dung, thấu hiểu. Và ngay cả khi tuổi cao, sức khỏe đã yếu, Đại tướng vẫn luôn đau đáu lo lắng cho vận mệnh của đất nước, dân tộc và đời sống Nhân dân, bày tỏ chính kiến thẳng thắn, cho dù ý kiến đó có được chấp nhận hay không.

Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một vị tướng được đông đảo bạn bè quốc tế kính phục. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn quốc tế khi đến Việt Nam đã đến tận nhà thăm hỏi Đại tướng. Nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học, sử học, nhà quân sự nhiều nước, kể cả các tướng lĩnh là đối phương trước đây cũng đều khâm phục ông.

Không phải ngẫu nhiên khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ngay trong đêm, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin về Đại tướng. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam: “Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”[7].

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại của Việt Nam: “Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh”[8]. Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP cho hay, Tướng Giáp nổi lên “là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăngđan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954”[9].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, được toàn dân thương yêu, quý trọng. Đó là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên và là tài sản tinh thần vô giá mà ông gặt hái được trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình. Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Ông (25/8/1911 -25/8/2023), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 


Chú thích:

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018, tr. 11

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018, tr. 12.

[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018, tr. 14

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018, tr. 15-16

[5] 2 chân: quân sự, chính trị song song; 3 mũi: tấn công vũ trang, đấu tranh chính trị của quần chúng và binh địch vận.

[6] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018, tr. 76

[7] Nguyễn Hưng, Quý Đoàn, Hoàng Thùy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Báo điện tử VnExpress, ngày 04/10/2013, https://vnexpress.net/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-doi-2890338.html.

[8] Nguyễn Hưng, Quý Đoàn, Hoàng Thùy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Báo điện tử VnExpress, ngày 04/10/2013, https://vnexpress.net/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-doi-2890338.html.

[9] Nguyễn Hưng, Quý Đoàn, Hoàng Thùy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Báo điện tử VnExpress, ngày 04/10/2013, https://vnexpress.net/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-doi-2890338.html.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445426

Hôm nay

2163

Hôm qua

2296

Tuần này

21035

Tháng này

211685

Tháng qua

120141

Tất cả

114445426