Đất và người xứ Nghệ

Đào Phương - nhà điêu khắc tài hoa

Mỹ thuật hiện đại Nghệ An từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 đã sản sinh ra khá nhiều họa sĩ - nhà điêu khắc tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của nền mỹ thuật Nghệ An và cả nước như Trần Khánh, Đào Phương, Hoàng Hải Thọ, Tiêu Cao Sơn, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Trung, Ngô Hùng Lương.... Trong số đó, có thể nói nhà điêu khắc Đào Phương là một hiện tượng đáng lưu ý. Tài năng và tâm huyết của ông đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển điêu khắc Nghệ An.

Ký họa chân dung Đào Phương của họa sĩ Tiêu Cao Sơn

Nhà điêu khắc Đào Phương sinh năm 1944, quê ở xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn, đổ mồ hôi trên những cánh đồng khô cằn của vùng đất trung du. Và tưởng như, cả cuộc đời ông sẽ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” ở vùng quê ấy. Tuy nhiên, cơ duyên đến với ông như là một định mệnh mà chính ông cũng không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó ông phải tạm biệt mảnh đất “một nắng hai sương”, những cánh đồng bao la và những đồi cọ quen thuộc để ra đi, tìm chọn con đường nghệ thuật, tạo dựng tương lai.

Đào Phương đã chọn Trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội để tạo cho mình những ý thức ban đầu về nghệ thuật điêu khắc. Bộc lộ tố chất từ rất sớm ngay từ những buổi đầu tiên được tiếp xúc với điêu khắc tại trường và rất nhanh ông đã khẳng định được năng lực chuyên môn trong suốt quãng thời gian này.

Năm 1964, sau khi hoàn thành khóa học, ông về nhận công tác tại Phòng Văn hóa thị xã Phú Thọ. Sau 5 năm ngao du, chiêm nghiệm, học hỏi, cống hiến miệt mài ở vùng đất trung du, ông đã bước thêm một bước để tiếp tục trải qua 5 năm con đường học tập, nghiên cứu điêu khắc tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam. Có thể nói, 5 năm đó là giai đoạn quan trọng nhất đã góp phần tạo nên một Họa sĩ - Nhà điêu khắc Đào Phương có nhiều thành tựu và đóng góp cho nền mỹ thuật Nghệ An và cả nước trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, Đào Phương nhận quyết định về công tác tại Hội Văn nghệ Nghệ An trong bối cảnh cả nước đang dồn sức người, sức của chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng như bao văn nghệ sĩ khác đã hăng hái, say mê sáng tác những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ, động viên khích lệ những người ra trận.

Tài năng và nhiều tác phẩm điêu khắc của Đào Phương trong thời kỳ này đã được giới điêu khắc chú ý và công nhận. Năm 1978, Đào Phương là đại diện duy nhất của Nghệ An được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn đi trại sáng tác điêu khắc ở Ukraine và tham gia đắp tượng cát bên bờ biển Jurmala (Latvia). Đối với ông, đây là một vinh dự lớn lao, một cơ hội trải nghiệm, giao lưu học hỏi để ngày càng “lớn” hơn về nghề. Sau này, đến năm 2002, ông tiếp tục tham gia trại Điêu khắc Quốc tế Việt Nam tại Huế lần thứ III cùng 38 nhà điêu khắc đến từ 18 quốc gia trên thế giới. Ở trại điêu khắc này, Đào Phương đã tạo nên được tác phẩm để đời là bức tượng Đợi (hiện đang được trưng bày tại Công viên Festival bên bờ sông Hương).

 Đợi (xi măng)

Cũng như nhiều người làm nghệ thuật khác, họa sĩ - nhà điêu khắc Đào Phương rất coi trọng vai trò trung tâm của con người trên hành trình khám phá thế giới của cái đẹp. Ông sáng tác rất nhiều về đề tài con người, với ông, con người tuy là một thực thể nhỏ bé nhưng lại có khả năng chứa đựng cả một thế giới vô hạn về cái đẹp và ẩn khuất sâu thẳm bên trong là những cảm xúc nội tâm sâu sắc cần được khám phá. Những tác phẩm như Hát văn (bê tông), Khất thực (đất nung), Hề gậy (gỗ), Vọng phu (gỗ), Soi gương (gỗ).... của Đào Phương là một thế giới nội tại trong từng nhân vật, hiểu từng nhân vật một cách thấu đáo đã tạo nên những tác phẩm đầy sâu sắc và giàu trải nghiệm.

Đào Phương rất say mê nghiên cứu nghệ thuật đục chạm ở các đền chùa, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống.... Tượng của ông thể hiện được nét tài hoa, độc đáo, không quá gây ấn tượng bởi sự hào nhoáng bên ngoài, không nổi bật bởi kích cỡ nhưng ẩn chứa một vẻ đẹp thuần khiết từ bên trong toát ra và chất chứa tinh thần sâu sắc trên nền triết học Á Đông. Vốn là một người luôn toát ra vẻ “lạc quan” và lúc nào cũng có thể tạo ra không khí vui vẻ, nhưng đằng sau sự tươi vui ấy trong sâu thẳm ông lại luôn chất chứa những tâm tư không dễ thấu cảm. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm của ông thường mang vẻ trầm mặc, giàu nội tâm.

Sự nghiệp của họa sĩ - nhà điêu khắc Đào Phương không quá chói lọi với ánh hào quang mà nhiều nhà điêu khắc hay những nghệ sĩ khác vẫn luôn coi là cái đích phải đạt tới, tuy nhiên không có nghĩa là con đường sáng tác của ông thiếu đi những điểm nhấn. Gần 40 năm làm việc chăm chỉ, miệt mài, tâm huyết, ông đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ mang tầm quốc gia và khu vực được thể hiện qua những tác phẩm tiêu biểu ở mỗi giai đoạn sự nghiệp.

Vào những năm 1970, 1980, Triển lãm mỹ thuật được tổ chức gần như “duy nhất” là Trin lãm M thut toàn quc (5 năm một lần), Triển lãm Điêu khắc toàn quốc (10 năm một lần). Trong hoàn cảnh như vậy, những sáng tác của tác giả chỉ cần được chọn trưng bày đã là điều hạnh phúc tuyệt vời. Thế nhưng, Đào Phương đã gây nên tiếng vang lớn khi năm 1983, ông đạt Giải B tác phẩm “Đôi bạn” tại Triển lãm 10 năm điêu khắc Việt Nam. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980 - 1985, ông đạt Huy chương Vàng với bức tượng “Cắt tóc”. Có thể nói đây là vinh dự, là niềm tự hào của mỹ thuật Nghệ An bởi lúc đó rất ít họa sĩ xứ Nghệ có thể “vượt mặt” những tài năng mỹ thuật “chốn kinh kỳ”. Ngoài ra, ông còn giành nhiều giải thưởng khác như: Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang cách mạng 1994; Giải A Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung; giải tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1998, Giải A Giải thưởng Hồ Xuân Hương 2004,v.v… 

Trong suốt gần 40 năm sự nghiệp sáng tác, Đào Phương đã để lại cho đời hơn 200 tác phẩm điêu khắc giá trị và mảng tượng đài, tượng công viên lớn ngoài trời như cụm tượng “Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng” tại Công viên Nguyễn Tất Thành (TP Vinh), nhóm tượng ở Bảo tàng Quỳ Châu, tượng cụ Phan Bội Châu tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tượng Hải Thượng Lãn Ông, đồng tác giả mảng phù điêu và Tượng đài Nhà lao Vinh... Ông còn là tác giả của hàng chục tác phẩm minh họa trên Tạp chí Sông Lam.

Tượng cụ Phan Bội Châu

Cả sự nghiệp sáng tác của mình, Đào Phương luôn miệt mài làm việc và đã không ngừng gây dựng nên một sự nghiệp sáng tác đáng tự hào với những tác phẩm làm nên thương hiệu cũng như tên tuổi cho bản thân. Những tác phẩm của ông là kết tinh của nhận thức, chiêm nghiệm về cuộc sống thông qua những cảm xúc và rung động cá nhân mang đậm hồn dân tộc cũng như chất chứa những tâm tư sâu lắng và biểu hiện một ngôn ngữ điêu khắc riêng biệt. Nghệ thuật của ông hầu như hội tụ được tất cả những yếu tố cần cho một tác phẩm đúng nghĩa, từ tư duy bố cục, biểu cảm của chất liệu cho đến ngôn ngữ của hình-khối đã góp phần thể hiện được tinh thần của chủ đề cũng như làm toát lên cái hồn của tác phẩm.

Họa sĩ Hoàng Hải Thọ là người bạn, đồng nghiệp thân thiết với ông mấy chục năm chia sẻ: “Tượng Đào Phương đẫm chất dân gian nhưng không thiếu những nét tinh tế và hiện đại. Đào Phương đã tạo được ngôn ngữ nghệ thuật riêng trên nền kĩ thuật thẩm mỹ, văn hóa truyền thống. Tượng của ông thường không để cho cảm xúc bất chợt dẫn dắt mà trải qua một quá trình nung nấu ý tưởng, xây dựng phác thảo đến phương thức thực hiện được ấp ủ “thật chín”. Để rồi các tác phẩm ra đời và được công bố đều có sự tươi lạ về cảm xúc, biểu cảm tạo hình, mang nhiều chiều kích liên tưởng, có cá tính riêng khác, không trùng lặp, được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng đón nhận. Một số tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập trong nước và quốc tế”.

Ngoài thành công với điêu khắc, Đào Phương còn là nghệ sĩ đa tài trong lĩnh vực vẽ tranh, chụp ảnh, làm thơ và nghiên cứu phê bình mỹ thuật. Đáng chú ý nhất là hai tập thơ Đêm vườn tượng và Tiễn chiều... và sau khi ông mất, bạn bè đã sưu tầm in thêm 59 bài trong tập “Đào Phương - Thơ và bạn”. Nhà thơ Ngô Minh nhận xét: “Thơ Đào Phương cô đọng với nhiều trăn trở, suy tư, có lúc trần như phác thảo tượng đài, có lúc chiêm cảm như tiên tri, sâu thẳm nỗi đời”.

Trong những năm cuối đời, nhà điêu khắc - họa sĩ Đào Phương đã mở cánh cửa lòng mình để nhiều bạn bè văn nghệ sĩ bước vào căn phòng nhỏ trong khu tập thể của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An trên đường Minh Khai, ngồi cùng ông bên chén rượu, trò chuyện về nghệ thuật, thơ văn, về nhân sinh, về cuộc đời. Với ông, dẫu cuộc đời có những va đập, những mất mát tổn thương, nhưng đọng lại trong ông vẫn là vẻ đẹp nhân ái vị tha: “... Rạch ngang vườn ánh lửa lạnh tanh/Con đom đóm nói lời ẩm mục/Đêm mông lung chìm vào trầm tích/Tôi hóa thành bức tượng giữa vườn đêm...” (Đêm vườn tượng). “... Lời ngọt ngào mằn mặn đầu môi/Thì mưa ạ, cũng như đời trăm mối/Nhận ban phát là những tơ rối/U u mưa ngậm tiếng nấc tiếng cười/Bình tâm nghe ấm lạnh đất trời/Tự ru” mình giữa nổi trôi sấp ngửa/Trăn trở như mùa màng chuyển vụ/Trang sách nào lần giở cũng gặp mưa...” (Mưa sáng sớm).

Đào Phương với những suy cảm của một nghệ sĩ đã dấn thân không biết mệt mỏi cho lý tưởng nghệ thuật mà ông đã lựa chọn trong suốt cuộc đời mình, những tác phẩm của ông là cuộc hành trình đi theo cùng năm tháng, góp phần tô điểm vào diện mạo nền mỹ thuật Nghệ An. Đáng tiếc, sau khi ông qua đời, nhiều tác phẩm điêu khắc đã hư hỏng, mất mát, thất lạc.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444987

Hôm nay

220

Hôm qua

2306

Tuần này

2596

Tháng này

211246

Tháng qua

120141

Tất cả

114444987