Đất và người xứ Nghệ

Đền Hồng Sơn

Đền Hồng Sơn 

      Đền Hồng Sơn ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hiện nay vốn có nguồn gốc là Võ miếu, còn gọi là miếu Quan Công hay đền Nhà Ông, xưa thuộc địa phận xã Yên Trường, phía nam tỉnh thành. Miếu được lập vào năm Minh Mệnh thứ 18 (1839)(1). Theo An Tĩnh cổ lục (Le vieux An Tinh) của Hippolyte Le Breton, Quan Công, cũng tức là Quan Vân Trường, nhân vật thời Tam Quốc ở Trung Hoa xưa được xem là Thần Chiến Tranh. Hippolyte Le Breton mô tả: “Võ Miếu được bày biện một cách hỗn tạp. Vẻ bề ngoài gợi cho ta hình mẫu kiến trúc của tất cả những công trình thời Minh Mạng (1820 - 1840). Bình phong và hai cột quyết rất đẹp. Phía tả lối vào có một lầu bia nhỏ … Trước bình phong có nhiều khẩu “thần công” thời Gia Long và Minh Mạng…” (2)

      Thật ra Quan Công (關公) (162 - 220) tên chữ là Vân Trường (雲長) từ lâu, nhất là từ khi chịu ảnh hưởng của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa 三國演義 của La Quán Trung 羅貫中 (1330 - 1400?) đã được dân gian xem như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành. Các triều đại phong kiến Trung Quốc tìm thấy ở ông một vị tướng điển hình võ nghệ siêu quần và trung quân mẫu mực, nên đã phong tặng ông đến những tước vị cao nhất từ tước hầu, tước công, tước vương cho đến tước đại đế. Năm 1879, hoàng đế Quang Tự tức Thanh Đức Tông, ở ngôi từ tháng 1 năm 1875 đến tháng 10 năm 1908, dành những mỹ từ cao quý nhất tôn ông là "Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Tán Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế 關聖". Danh hiệu 26 chữ này là danh hiệu dài nhất của ông, dài hơn thụy hiệu các vị hoàng đế, chứng tỏ sự tôn thờ to lớn dành cho ông. Đền thờ ông được lập ở khắp nơi. Trên 30 địa phương ở nước ta có đền (hoặc miếu, chùa) thờ ông, trong đó có một số do Hoa kiều xây dựng. Những người theo đạo Hòa Hảo làm lễ Quan Thánh vào ngày 24 tháng 6 âm lịch. (3)

      Năm 1968, trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thành phố Vinh bị tàn phá nặng nề. Các đền, chùa, nhà thờ đạo Thiên Chúa dường như đều đổ nát. Nhà hạ điện Võ miếu tan tành, trung điện và thượng điện cũng bị hư hỏng nhưng cơ bản vẫn được giữ nguyên dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn. Nhân dân ta đã rước các bình hương, các bức tượng vua, tượng thần, thánh, phật & cả các sắc phong từ các đền chùa trong thành phố đưa vào Võ miếu thờ chung. Năm 1982, phường Hồng Sơn được thành lập. Di tích Võ miếu thuộc địa bàn phường nên lấy địa danh phường đặt tên. Trong từ Hán Việt, miếu có nghĩa là đền; từ cũng có một nghĩa là đền miếu. Trong quan niệm của người Việt, thường thì miếu nhỏ hơn đền, nên đền Cờn có tên chữ là Càn Hải từ 乾海祠, đền Củi có tên chữ là Thánh Mẫu linh từ …Võ miếu bấy giờ có lẽ quy mô thờ cúng lớn hơn nên đã đổi thành đền. Đền Hồng Sơn ra đời từ đó. Năm 1984, đền Hồng Sơn được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 114/QĐ - VH ngày 30/08/1984.

      Đền Hồng Sơn là ngôi đền cổ còn giữ nguyên được kiến trúc, tượng tháp cổ nguyên vẹn nhất trong vùng. Bên trong đền còn lưu giữ được 383 hiện vật đa dạng về chất liệu: gỗ, đá cẩm thạch, đồng, giấy…; phong phú về loại hình như tượng, chuông, khánh, bia, sắc phong, hoành phi, câu đối, kinh Phật… có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao hiếm có ở Nghệ An. Trong đền có những bức hoành phi đẹp có thể gắn với nhiều vị thần như các bức: Bảo quốc hộ dân , Thánh hiển linh 聖顯, Trung nghĩa uy linh 義威, Nam quốc vĩ nhân  偉人. Nhưng cũng có một số bức hoành phi chỉ gắn với một vị thần hoặc một vị thánh cụ thể. Gắn liền với việc thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh có bức hoành phi Thiên tiên Thánh Mẫu 天仙聖母, với đức thánh Trần có  bức Trần triều đại vương , với Quan Công có bức Hán Thọ đình hầu 漢壽亭侯… Câu đối cũng vậy. Với đức tổ Hùng vương có đôi câu đối: Hùng triều hiển hách anh linh ứng tích lưu thiên tích/Thần từ hạo đãng ân ba vũ lộ vĩnh trường xuân 赫英 /  (Triều Hùng hiển hách, sự tích anh linh còn lưu ngàn thuở/Đền thần mênh mang, đức ân mưa móc thấm mãi vạn xuân). Đền Hồng Sơn vốn có nguồn gốc là Võ miếu, nên có mấy câu đối thờ Quan Công. Xin dẫn một câu tiêu biểu: Xích diện bỉnh xích tâm, kỵ xích thố truy phong kỳ khu thời, vô vong xích đế/ Thanh sử đối thanh đăng, tráng thanh long yển nguyệt ẩn vi xứ, bất quý thanh thiên   / . 青天 (Mặt đỏ giữ trái tim đỏ, cưỡi ngựa xích thố truy phong, khi rong ruổi không quên cùng vua đỏ/Sử xanh soi ngọn đèn xanh, cầm đao thanh long yển nguyệt, chốn náu nương chẳng thẹn với trời xanh). (4)

     Đáng chú ý có đôi câu đối bằng gỗ, tạo dáng hình vỏ măng vừa gắn với nhân vật Quan Công, nhưng cũng vừa gồm cả một số đức tốt đẹp của các thần: Chính khí tại lưỡng gian, vi hà nhạc, vi nhật tinh, lịch tự Hán Đường Tống Nguyên Minh Thanh nhi lệ/ Chân kinh truyền vạn cổ, viết trung hiếu, viết liêm tiết, nguyên nhược Dịch Thư Thi Lễ Xuân Thu chi văn 正氣     / 春秋之文 (Chính khí tại hai gian, là núi sông, là tinh tú, trải tự Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh thành lệ/Chân kinh truyền vạn thuở, rằng hiếu trung, rằng liêm tiết, vốn như Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu trong văn)

     Một số đôi câu đối ở đền bày tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ của người dân đối với nhiều vị thần thiêng xứ Nghệ đã được đưa vào sách Câu đối xứ Nghệ (Nhà xuất bản Nghệ An, t.2), có thể xem là những tư liệu quý: 1/Trạc trạc quyết linh, đãng đãng bá Nam thiên thượng đẳng; Dương dương tại thượng, bỉnh bỉnh phùViệt địa trung hung 濯濯播南天上等;洋洋在上 地中 (Thăm thẳm ngôi thiêng, mênh mang tỏa khắp trời Nam thượng đẳng; lẫm liệt trên cao, rừng rực phù trì đất Việt trung hưng). 2/Hiển thánh thông thần, Hạc thủy Ngư Sơn tiêu chính khí; Tí dân hộ quốc, Hoan châu chính quận trấn uy phong 顯聖 ;  庇民護國威風 (Hiển thánh thông thần, sông Hạc núi Ngư nêu chính khí; Yên dân giữ nước, châu Hoan chính quận chấn uy phong) (5). 3/Thánh bản vô tư thùy bảo huấn; Nhân năng hữu thiện hạ hồng ân 本無私垂寶訓 ;   洪恩 (Thánh vốn vô tư truyền bảo huấn; Người ưa điều thiện nhận hồng ân). (6)

     Vào đền, du khách còn được dạo bước thung dung dưới bóng mát những cây đại, cây sanh, cây sung có độ tuổi gần 200 năm và các loại cây xanh khác vẫn được chăm sóc từng ngày. Tuy đền sát đường gần chợ nhưng vẫn giữ được không khí tĩnh mịch trong lành, vừa sâu lắng, vừa linh thiêng của chốn đền đài. Từ những bước chân đầu tiên ta đã gặp ngay hồ bán nguyệt án ngự trước lúc vào cửa hai bên. Hồ nhỏ nằm trong khuôn viên của đền vừa có tác dụng điều hòa không khí, vừa như chiếc gương soi. Trong hồ có hòn non bộ tạo nên chiều sâu tĩnh lặng thư thái tâm hồn, đặc biệt lại còn có mạch nước ngầm luôn luôn chảy, kể cả khi hạn hán kéo dài.

     Đền Hồng Sơn có nét kiến trúc cổ kính nhưng không kém phần tráng lệ. Tam quan, tắc môn, tháp, gác trống, gác chiêng và các tòa trung điện, thượng điện có từ thời Nguyễn. Sau này có xây thêm hạ điện, các lối hữu vu, tả vu, tả hiền, hữu hiền, sân giữa, bờ tường bao quanh. Cách bố trí các công trình kiến trúc ở đây tuân thủ theo sự đăng đối từng cặp một và được nâng dần lên từ ngoài vào trong. Tòa nhà cao nhất là thượng điện, tạo cho đền một quần thể kiến trúc vững chãi, thâm nghiêm. Hạ điện rộng gần 274m2. Tuy mới được trùng tu năm 1998 nhưng nó vẫn lưu giữ được phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Trong đó, đặt các hương án bày khám thờ sơn son thiếp vàng, đính các câu đối, các bức đại tự cùng trống, chiêng, gươm, giáo bằng gỗ, là nơi thờ Thánh Mẫu, Tứ Phủ Diệu Linh cùng quan Hoàng Mười. Sân trước hạ điện cũng dành khoảng không gian cho việc hành lễ, tế lễ trong những ngày lễ trọng. Trung điện rộng 65m2, là nơi tập trung những đặc sắc nghệ thuật về kiến trúc, các rường bẫy uốn cong có xoi lồng những búp sen cùng chim, cá sinh động. Các giao điểm giữa cột và xà bẩy có chạm trổ tứ linh, tứ quý xen với các cành lá, hoa trái khá hài hòa. Các bức tượng thần, câu đối, đại tự cũng được chọn lọc, trần thiết trựng bày kỹ lưỡng hơn. Phía trong, trên cao đặt tượng vua Hùng. Tượng đúc bằng đồng, tọa trên một ngai gỗ sơn son thiếp vàng… Trung điện là nơi thờ tự Đức Thánh Trần, cùng gia quyến và tướng lĩnh như: Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Thị Dung, Đệ nhị Vương Cô (con gái Đức thánh Trần)....Thượng điện rộng102m2, mái cao xếp 4 tầng, các góc đều uốn cong và đắp những rồng, phượng. Ở đây, trên cao đặt tượng Ngọc hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc đẩu. Vị trí thờ tự chính ở đây là Quan Thánh Đế Quân - tức Quan Vân Trường, vị thần chủ của đền.

 

Lễ giỗ đức Thánh Mẫu ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ảnh: Ngọc Mai

    

                     Lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm

            Đền Hồng Sơn đã trở thành nơi quy tụ các thần linh (Vua, Mẫu, Phật, Thánh) vốn trước ngự ở các đền, chùa trong thành phố Vinh và vùng phụ cận đã bị hư hỏng cũng phù hợp với quan niệm tam giáo đồng nguyên (3 tôn giáo Nho, Phật, Đạo đều cùng một nguồn gốc) và tín ngưỡng đa thần trong dân gian của người Việt. (7) Đây không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương gần xa mà còn là nơi gửi gắm tâm linh của người dân xứ Nghệ. Hàng năm tại đây có ba lễ hội lớn diễn ra:

    - Ngày 02 và 03 tháng ba âm lịch: ngày giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

    - Ngày 09 và 10 tháng ba âm lịch: ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

- Ngày 19 và 20 tháng tám âm lịch: ngày giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

 

Đông đảo người dân dâng hương tại đền vào ngày lễ. Ảnh: Ngọc Mai

Ba lễ hội lớn hàng năm tại đền Hồng Sơn là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của Nhân dân thành phố hướng về Mẫu, “người mẹ của muôn dân”, hướng về cội nguồn giống nòi và hướng về anh hùng dân tộc để cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu cho mọi người, mọi nhà được hạnh phúc. Đồng thời đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

     Ngoài những ngày lễ hội nói trên, đền Hồng Sơn còn là nơi mà du khách thập phương trong nước và quốc tế đến vãn cảnh, du lịch. Những ngày đầu xuân, đền trở thành sân chơi cho những người yêu thơ, yêu nhạc họp mặt bình thơ, thưởng thức văn nghệ. Đền thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh, không thể thiếu được của nhân dân.

     Đền Hồng Sơn hiện nay đang ở trong giai đoạn trùng tu mới. Một số kiến trúc cũ mô tả ở trên đã thay đổi… Có tình trạng đáng buồn là một số câu đối chữ Hán không còn chỗ treo đang phải tạm cất. Hai tấm bia chữ Hán chép lịch sử đền nay chữ mờ hẳn không đọc được. Các đôi câu đối đề ở cột trước hạ điện, sau hồ bán nguyệt nay cũng không còn. Thay vào đó là các câu khẩu hiệu viết trên giấy đỏ bằng chữ quốc ngữ phục vụ trực tiếp các kỳ lễ hội. Mong rằng công việc trùng tu sẽ không xóa hồn di tích giống như tình trạng đáng tiếc xẩy ra ở đền Nguyễn Công Trứ tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh khoảng mươi năm trước đây mà báo chí từng phản ánh.     

 

CHÚ THÍCH

(1), (2). Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí Nxb Thuận Hóa. 2006. T2, tr. 216 & Hippolyte Le Breton: An Tĩnh cổ lục (Le vieux An Tinh) Nxb Nghệ An… 2005, tr. 132 - 133.

(3) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

(4) Vua đỏ chỉ Lưu Bị - vua Hán, ứng với màu đỏ. Theo thuyết ngũ đức chung thủy bắt nguồn từ Trâu Diễn (鄒衍, 324-250 TCN), thời Hoàng đế thuộc Thổ, thời Hạ thuộc Mộc, Thương thuộc Kim, Chu thuộc Hỏa, Tần thuộc Thủy. Thời Tam Quốc, Hán thuộc Hỏa., Ngụy thuộc thổ… Mỗi hành ứng với một sắc nhất định: hỏa màu đỏ, thủy màu đen, mộc màu xanh, thổ màu vàng, kim màu trắng.

(5) Chấn (Động từ): Vang dội, lẫy lừng, rung chuyển, sách Câu đối xứ Nghệ chép nhầm thành chân  (tính từ) có nghĩa là thật, chân thật. Ví dụ: chân tâm thành ý : lòng thành ý thật

(6) Bảo huấn: lời dạy quý báu; hồng ân: ơn lớn. Phần lớn các câu đối chúng tôi đều dịch lại.

(7) Một số đền, miếu, chùa ở xứ Nghệ cũng có hiện tượng thờ chung thần, thánh, phật…như vậy. Chẳng hạn đền Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Hoàng Mười, Lê Khôi, các chư Phật…; đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên, Nghệ An) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Bát hải Long vương, Hoàng Mười, Lê Khôi, Nguyễn Duy Lạc, Song đồng Ngọc nữ… (Xem thêm: Hồ Sĩ Hùy: Đền thờ Đức Hoàng Mười ở xứ Nghệ Tạp chí Xưa & Nay số 496 tháng 6/2018).

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511508

Hôm nay

2171

Hôm qua

2336

Tuần này

21882

Tháng này

218381

Tháng qua

121356

Tất cả

114511508