Đất và người xứ Nghệ

Độc đáo phong tục hát dân ca trong đám cưới của đồng bào Mông ở Nghệ An

Lễ vu quy của đôi bạn trẻ người Mông

Sự biến động của thời gian, sự giao thoa trong hoàn cảnh sống, những tác động của kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Nghệ An bị mai một, thất truyền. Đặc biệt, những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Mông, Khơ Mú, Đan Lai… hầu như đều bị mai một, biến dạng. Tuy nhiên, trong quá trình biến động đó, ta vẫn tìm thấy được những giá trị văn hóa độc đáo còn lưu giữ được rất đậm nét đó chính là tục hát dân ca trong đám cưới của đồng bào Mông ở ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.

Lễ cưới là một trong những nghi thức quan trọng bậc nhất của người Mông, là dấu mốc trưởng thành của mỗi con người. Vì thế, dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay thì tục hát dân ca trong đám cưới vẫn được đồng bào Mông lưu truyền từ đời này sang đời khác, mang theo cả một kho tàng tri thức, văn hóa của cộng đồng người Mông.

Người Mông tổ chức một đám cưới gồm ba bước tương ứng ba lễ: Lễ dạm, lễ trả và lễ cưới. Để tổ chức lễ cưới theo phong tục của đồng bào Mông, hai gia đình nhà trai và nhà gái phải đi mời hai ông mối (hai ông mè công) làm chủ hôn lễ. Ngay trong lễ dạm hỏi cũng bắt buộc phải có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và chọn ngày đón dâu. Đặc biệt, trong đám cưới có nhiều nghi thức và nhiều phần lễ khác nhau và hầu như ở phần lễ nào cũng phải thông qua hai ông mối. Bởi vậy, vai trò của ông mối trong nghi lễ cưới xin hết sức quan trọng. Vì người Mông quan niệm: “Nói thì ngại, hát thì không sao”, bởi vậy mà bất cứ nghi lễ nào trong đám cưới từ khi đoàn nhà trai đặt chân tới nhà gái thực hành nghi thức cưới xin đến lúc kết thúc xin phép đón dâu về cũng đều được các ông mối “đặt vấn đề” bằng cách hát Dà Xông. Nghi thức quan trọng này đến nay vẫn được đồng bào Mông gìn giữ, bảo tồn rất đậm nét, chúng ta có thể thấy trong bất cứ đám cưới truyền thống nào của người Mông tại Nghệ An.

Dà xông là những bài trường ca do người Mông sáng tác, nó mang tính chất nghi thức, có quy tắc, có nhạc điệu tương đối ổn định, mang đậm tính giáo dục, triết lý và tính nhân văn sâu sắc và cũng là yếu tố không thể thiếu được trong mỗi đám cưới của đồng bào. Người Mông ở Kỳ Sơn thống kê được khoảng hơn một trăm bài Dà Xông hát trong đám cưới với nhiều nội dung khác nhau như: nói về công ơn của cha mẹ, lời hứa làm dâu tốt, lời cảm ơn của nhà trai, bài hát giáo dục con cái... mỗi bài đều mang những tâm tư tình cảm riêng của nó nhưng nhìn chung đều thể hiện sự khiêm nhường của nhà trai cũng như nhà gái trong cách đối nhân xử thế. Một trong những nội dung quan trọng, chi phối toàn bộ cuộc hát trong đám cưới chính là việc thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ, đấng sinh thành của đôi uyên ương.

Nhà trai cầm ô đứng trước cửa nhà và ông mối hát bài “Xin mở cửa”

Đám cưới của người Mông diễn ra trong ba ngày liên tục. Và trong ba ngày đó, các ông mối đều phải hát để trình bày các yêu cầu hôn nhân. Ngày thứ nhất vào buổi chiều tối, gia đình nhà trai dẫn theo hai ông mối sang nhà gái. Theo trình tự trước tiên ông mối sẽ hát bài dân ca Dà Xông có tên là “Ka và” (Đến nhà). Đến cửa nhà gái, nhà trai cầm theo chiếc ô đứng ngoài, ông mối hát bài “Khi trồng” (Xin mở cửa) để nhà gái mở cửa và cho vào nhà. Lúc này có lời hát đối đáp giữa hai ông mối nhà trai và nhà gái, ông mối bên nhà gái cũng thay mặt nhà gái hát bài “Pông Plà” (Mời vào nhà). Sau đó, nhà gái sẽ mời nhà trai ở lại ăn cơm, lời bài hát “Trúc trồng” (dọn mâm) vừa dứt thì bàn rượu cũng được bày ra và hai bên cùng uống rượu.

Sang ngày thứ hai, nhà gái sẽ mời bà con, họ hàng đến ăn uống, chung vui với gia đình. Đồng thời, hai bên gia đình mỗi bên sẽ cử ra 2 người nam ở tuổi trưởng thành và họ cũng sẽ hát dân ca Dà Xông đối đáp với nhau. Theo phong tục thì chỉ những người đàn ông trưởng thành mới được mời hát vì lúc đó họ mới có kinh nghiệm, có hiểu biết để hát những bài Dà Xông giáo dục con cái, truyền đạt lại kinh nhiệm cho cô dâu chú rể những triết lý về cuộc sống, về đối nhân xử thế, về quan hệ trong gia đình để có có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Vào đêm của ngày thứ hai, hai bên gia đình sẽ dọn mâm gọi trai gái trong làng đến và hát thâu đêm. Tuy nhiên thanh niên nam nữ trẻ sẽ không hát dân ca Dà Xông mà họ chỉ hát những bài có tính chất vui chơi trong đám cưới như Cự Xia, để đối đáp giao duyên, tỏ tình với nhau thôi... và cũng có khi trong những cuộc hát đó lại có những đôi nam nữ tỏ tình thành công và thành đôi với nhau... Có điều đặc biệt là trong đám cưới người Mông, họ không chơi nhạc cụ, không thổi sáo, không thổi Khèn mà họ chỉ hát dân ca. Mặc dầu Khèn Mông là nhạc cụ hầu như người đàn ông Mông nào cũng biết thổi, học bài bản, nghiêm túc, tuy nhiên đây là nhạc cụ mang yếu tố tâm linh, nhạc cụ thường dùng để tiễn đưa người mất trong đám tang nên người Mông không thổi Khèn trong đám cưới mà họ chỉ thổi để tỏ tình, thể hiện tình cảm nhớ nhung khi có tâm sự.

Hát bài “Cho cầu” (trao ô)

Sang ngày thứ ba, hai ông mối sẽ hát hai bài Dà Xông để giao dâu và nhận dâu. Nếu nhà gái đồng ý gả con thì ông mối sẽ hát bài “Cho cầu” (trao ô) tượng trung cho người con gái, luôn che chở vun vén gia đình. Cuối cùng khi đám cưới kết thúc thì cũng sẽ được ông mối tổng kết bằng bài Dà Xông “Mềnh xênh cụ” (kết thúc) sau đó nhà trai sẽ đón cô dâu ra về và tiếp tục hát ở nhà trai. Thường thì những người được mời để làm ông mối sẽ là những người trong họ hàng nhà trai và nhà gái, thông thạo các bài hát dân ca nghi lễ, am hiểu phong tục tập quán của người Mông, ngoại giao tốt, ăn nói giỏi để làm các thủ tục cưới xin.

Những nguyên tắc ứng xử giàu tính nhân văn, thiết thực với cuộc sống đã trở thành yếu tố quyết định sự hình thành thuần phong mĩ tục ngàn năm của đồng bào Mông. Đạo lý, lối sống của người Mông được phản ánh sinh động trong các bài dân ca đám cưới. Đây không phải là những bài học đạo lý khô khan, sáo rỗng mà thể hiện tinh tế những cách ứng xử của đồng bào. Thông qua những bài dân ca trong đám cưới, chúng ta có thể hiểu được khá đầy đủ về nhiều mặt đời sống xã hội, đời sống tình cảm của người Mông, càng thấy họ là người coi trọng nghĩa tín. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo tạo nên bản sắc riêng của cộng đồng. Để bảo tồn những bài trường ca quý giá của người Mông như Dà Xông thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải bảo tồn môi trường diễn xướng của nó là các đám cưới của đồng bào dân tộc Mông. Cho đến nay, thì những phong tục độc đáo này vẫn được người Mông ở ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong lưu giữ đậm nét. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp người Mông vì di chuyển chỗ ở và chung sống, kết hôn với người dân tộc khác nên nhiều nghi lễ trong đám cưới của họ bị giản lược. Nếu chính quyền và các nhà chức trách không quan tâm thì ngay cả đám cưới của đôi trẻ người Mông, những nghi lễ cũng sẽ bị phai nhạt dần.

Cuộc sống luôn thay đổi, quá trình bùng nổ công nghệ thông tin và sự giao thoa tiếp biến văn hóa của các tộc người khiến cho sự quan tâm và nhu cầu hưởng thụ của người dân bị chia sẻ từ các loại hình âm nhạc khác ở trong và ngoài nước nên rất ít các dân tộc thiểu số còn lưu giữ được các làn điệu dân ca, nhạc cụ và các điệu múa độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Thiết nghĩ, tục hát dân ca trong đám cưới của người Mông là một nét văn hóa độc đáo cần được quan tâm bảo tồn và phát huy.

(Bài đã đăng trên VHTT Nghệ An số 9 - tháng 5/2023)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447344

Hôm nay

273

Hôm qua

2305

Tuần này

2982

Tháng này

213603

Tháng qua

120141

Tất cả

114447344