Góc nhìn văn hóa

Độc lập dân tộc: một hành trình tiếp nối…

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Độc lập dân tộc, dù được khẳng định bằng những sự kiện lịch sử to lớn, nhưng bản chất của nó là một quá trình vận động, một tiến trình lịch sử chứ không phải là một sự kiện lịch sử. Độc lập dân tộc được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là về quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết và quyền chủ động phát triển. Vậy nên, độc lập dân tộc là một hành trình tiếp diễn không có điểm dừng…

Cách mạng Tháng Tám 1945 và sau đó là Quốc khánh ngày 02/9/1945 là những sự kiện lịch sử quan trọng tạo nên nền độc lập dân tộc của đất nước Việt Nam. Cách mạng tháng Tám là đỉnh cao của quá trình đấu tranh giành lại độc lập dân tộc từ tay Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và lật đổ cả ách thống trị của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Đó là sự mở đầu cho tiến trình độc lập dân tộc giữa thế kỷ XX, sau gần một thế kỷ bị ngoại xâm chiếm đóng. Quốc khánh Ngày 02/9/1945 là khai sinh ra một nhà nước mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là sự kiện khẳng định nền độc lập dân tộc của một nhà nước mới khai sinh, vốn là vấn đề rất cần thiết trong bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Đây là những sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam, nhưng nó không phải là sự kiện mở đầu, cũng không phải là sự kiện kết thúc trong cuộc hành trình độc lập dân tộc của Việt Nam. Đó là điều chắc chắn.

Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại như vậy. Đó là những dấu ấn của cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập nước nhà. Từ những cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu đầu thiên niên kỷ thứ nhất, khởi nghĩa Lý Bí thế kỷ thứ VI, khởi nghĩa Mai Thúc Loan thế kỷ thứ VIII… Và Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 tạo nên nền độc lập tự chủ sau ngàn năm bị đô hộ. Sau đó là sự hình thành các tập đoàn nhà nước phong kiến Việt Nam gắn với những cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc và giữ nền độc lập dân tộc với những tên tuổi lẫy lừng lịch sử như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung và Hồ Chí Minh... Cứ vậy mà hàng ngàn năm qua, tiến trình độc lập dân tộc của Việt Nam diễn tiến không ngừng nghỉ. Kẻ thù có khi thay đổi, lực lượng lãnh đạo cũng vậy. Nhưng chung quy lại vẫn là sự thể hiện của tinh thần yêu nước, yêu tự do và sự dũng cảm, không ngại hi sinh của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh để dân tộc độc lập và thống nhất lãnh thổ. Xuyên suốt quá trình ngàn năm đó, chúng ta đấu tranh để giành và giữ 3 điều quan trọng. Đó là quyền toàn vẹn lãnh thổ; quyền dân tộc tự quyết; và quyền chủ động phát triển. Đây cũng là ba biểu hiện cao nhất của độc lập dân tộc.

Trước hết, toàn vẹn lãnh thổ là mục đích tối cao mà nhân dân ta lựa chọn và gìn giữ. Đã nhiều lần các thế lực ngoại xâm lẫn nội phản xâm chiếm, muốn phân chia đất nước thành các khu vực khác nhau nhằm biến đất nước ta thành các vùng nhỏ, các khu vực khác nhau để cai trị, để nô dịch. Nhưng Nhân dân Việt Nam không chấp nhận điều đó. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, không ngừng đấu tranh đòi sự toàn vẹn lãnh thổ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta tiếp tục kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, và sau đó là chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo…. Đó là những cuộc chiến gần nhất thể hiện quyết tâm tranh đấu cho toàn vẹn lãnh thổ của người dân Việt Nam. Và hiện nay, lãnh thổ của chúng ta vẫn bị nhiều thế lực dòm ngó. Nhưng cả hôm nay và mai sau, ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của người dân Việt Nam không bao giờ ngừng lại. Toàn vẹn lãnh thổ có giá trị cực kỳ quan trọng đối với một dân tộc, một quốc gia. Bởi chỉ có sự toàn vẹn mới thể hiện được các quyền lợi khác của Nhân dân, của Nhà nước. Và chỉ có sự toàn vẹn mới đảm bảo được việc xây dựng và thực hiện được các chiến lược, chính sách phát triển đất nước. Cũng chỉ có sự toàn vẹn mới đủ cơ sở nền tảng để đáp ứng nhu cầu thống nhất về văn hóa, về dòng chảy lịch sử, về tiếp nối truyền thống của cha ông, của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Độc lập dân tộc chẳng còn nhiều ý nghĩa nếu không bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng là điều kiện để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền chủ động phát triển.

Thứ hai là quyền dân tộc tự quyết, một sự thể hiện cao nhất của độc lập dân tộc. Một dân tộc độc lập khi dân tộc đó có quyền tự quyết mọi vấn đề lớn nhỏ liên quan đến nó. Quyền tự quyết là quyền quyết định cao nhất về thể chế chính trị, về thiết lập nhà nước, về đường lối phát triển, về đối nội đối ngoại, về quản lý tài nguyên,…. Và về nhiều quyền quan trọng khác. Ngàn năm đô hộ của phương Bắc cướp đi quyền tự quyết của dân tộc ta, khiến cho toàn thể nhân dân bị ngoại tộc nô dịch cả vật chất lẫn tinh thần. Rồi gần thế kỷ bị thực dân, phát xít, rồi đế quốc xâm lược, khiến chúng ta bị mất đi quyền tự quyết. Và chúng ta đã vùng lên tranh đấu để đòi lại quyền tự quyết của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh ngày 02/9/1945 có giá trị quan trọng trong việc khẳng định quyền tự quyết. Bởi lúc đó, chúng ta bắt đầu xây dựng nhà nước của người dân Việt Nam. Tuyên bố cho thế giới biết đây là mảnh đất có chủ, có bộ máy quản lý do người dân bản địa lập nên và phụng sự cho dân tộc này. Đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục tranh đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền tự quyết dân tộc và sau nữa là bảo vệ quyền chủ động phát triển. Chúng ta cần nhiều người bạn, cần nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài. Nhưng chúng ta cần quyền tự quyết chứ không thể vì giúp đỡ và phải chịu lệ thuộc. Quyền tự quyết dân tộc là quyền thiêng liêng, là sự thể hiện chủ quyền của con người, của đất nước, của bộ máy chính trị trên phạm vi lãnh thổ này. Không thể vì bất cứ lý do gì mà chúng ta từ bỏ quyền đó được. Chúng ta đủ can đảm trong hơn hai thập kỷ kháng chiến chống Mỹ để bảo vệ quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết, nhưng chúng ta cũng đủ khôn khéo để loại bỏ những kẻ thù khác tránh đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù sau khi mới giành lại độc lập dân tộc trong những năm 1945-1946. Nói vậy để thấy, giữ độc lập dân tộc cần sự dũng cản, kiên định và quyết liệt, nhưng càng cần sự tỉnh tảo, khôn khéo và đúng đắn.

Thứ ba là quyền chủ động phát triển. Nghe qua có thể nghĩ rằng quyền này không quan trọng như hai quyền trên trong tiến trình độc lập dân tộc. Nhưng chưa hẳn vậy. Quyền chủ động phát triển vô cùng quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế rộng lớn từ giữa thế kỷ XX đến nay, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XXI. Trên thế giới chưa bao giờ ngừng tiếng súng, chưa bao giờ hết chiến tranh. Nhưng bối cảnh hiện nay, bên cạnh chiến tranh quân sự thì chiến tranh kinh tế trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia. Hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu. Nó vừa giúp các quốc gia có điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân, nhưng cũng đặt các quốc gia đối diện với nguy cơ lệ thuộc vào các nền kinh tế lớn. Sự lệ thuộc làm cho các quốc gia, dân tộc mất đi quyền chủ động phát triển và từ đó hạn chế gần như mọi mặt trong quá trình phát triển cũng như quan hệ quốc tế. Vậy nên quyền chủ động phát triển là rất quan trọng.

Việt Nam sau khi giành được quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết đã tiến lên xác lập quyền chủ động phát triển. Ban đầu chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc, mang nặng tính quan liêu bao cấp với một hệ thống hợp tác xã và sau này là doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả. Nhưng chúng ta không ngừng phát huy quyền chủ động phát triển khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, đưa đất nước thoát ra khỏi mô hình phát triển đã lạc hậu và hòa nhập hơn vào thế giới phát triển, tiếp nhận nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, nếu thiếu sự chủ động phát triển thì một dân tộc sẽ chịu nhiều thua thiệt và thậm chí bị lệ thuộc. Sự chủ động phát triển đã tạo cho Việt Nam có một chỗ đứng trên trường quốc tế và không ngừng củng cố quyền tự quyết dân tộc cũng như quyền toàn vẹn lãnh thổ. Như vậy, chủ động phát triển là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh kinh tế xã hội của một dân tộc và nó góp phần giữ gìn, đảm bảo nền độc lập dân tộc của dân tộc đó.

Tóm lại, độc lập dân tộc được thể hiện trên các phương diện về quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết và quyền chủ động phát triển. Đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc ở Việt Nam là một quá trình lịch sử với bề dày hàng ngàn năm nên không dễ gì bị lung lay, mai một. Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 02/9/1945, cha ông ta đã giành lại độc lập và tiếp tục các cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc đó. Sau khi thống nhất đất nước, công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc được đẩy mạnh lên tầm cao mới. Bên cạnh bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, quyền toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta nâng cao quyền chủ động phát triển để tăng cường tiềm lực của đất nước. Chúng ta thực hiện Đổi mới từ năm 1986, rồi hội nhập quốc tế và đổi mới không ngừng để phát triển. Độc lập dân tộc là để người dân được ấm no, hạnh phúc. Và phải phát triển để đất nước giàu mạnh hơn, người dân no ấm hơn thì mới đủ sức để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Chính vì vậy mà độc lập dân tộc trở thành một quá trình tiếp nối không bao giờ dừng lại. Cha ông đã không ngại hi sinh để giành lại, bảo vệ và trao truyền cho chúng ta. Chúng ta cũng có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528659

Hôm nay

240

Hôm qua

2275

Tuần này

2932

Tháng này

215355

Tháng qua

0

Tất cả

114528659