Người xứ Nghệ
Đồng chí Lê Mao - Cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, rất nhiều người con ưu tú của quê hương Bến Thủy đã đứng lên đi theo tiếng gọi của Đảng, hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Một trong số đó phải kể đến đồng chí Lê Mao - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Vinh năm 1930, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ tháng 4/1941. Đồng chí đã sống anh dũng, chết vẻ vang, góp phần làm rạng ngời trang sử vàng của Đảng. Tên tuổi của đồng chí Lê Mao đã trở thành niềm tự hào của quê hương Nghệ Tĩnh nói chung và của thành phố Đỏ anh hùng nói riêng, những đóng góp to lớn của đồng chí vẫn luôn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Xứ Nghệ, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ trên quê hương Xô viết anh hùng học tập, noi theo.
1. Từ người công nhân đến “ngọn cờ đầu” của phong trào công nhân Vinh - Bến Thủy
Đồng chí Lê Mao (Lê Viết Mao) sinh năm 1903 tại phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thủy), TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Bố là ông Lê Viết Nhiên (công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy) và mẹ là bà Nguyễn Thị Sáu (làm ruộng). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 9 tuổi, Lê Mao mới được đi học. Lên tuổi 12, bố qua đời, Lê Mao buộc phải bỏ học vào làm thợ tại Nhà máy Diêm. Tại đây cũng như bao người công nhân khác, Lê Mao phải lao động vất vả từ 12-17 tiếng mỗi ngày, dưới sự giám sát, bóc lột của bọn cai ký. Sớm hòa mình vào không khí lao động ngột ngạt trong nhà máy, dưới làn roi vọt của bọn tư bản, đốc công, công ký, Lê Mao đã thấm thía nỗi khổ của người dân nô lệ, anh thích thú trước những hàng động phản kháng của anh chị em công nhân, kết bạn với những thanh niên yêu nước cùng chung chí hướng.
Năm 1921, Lê Mao cùng các bạn như Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Lê Doãn Sửu… bàn bạc với nhau cần thiết phải tổ chức một hình thức sinh hoạt tinh thần để mở mang trí óc. Các anh đã mua các tờ báo như “Tiếng Dân”, “Tân thế kỷ” để tìm hiểu phong trào cách mạng trên thế giới, biết thêm về cuộc biểu tình của Nhân dân Pháp, về sinh hoạt của anh em thợ thuyền trong nước… Anh thường đưa các loại báo đến đọc cho anh em trong xưởng nghe, những lúc rỗi rãi anh lại kể chuyện, bàn luận sôi nổi về những vấn đề mới đăng trong báo. Từng bước một, anh đã giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương và khát khao đấu tranh trong những người công nhân trẻ tuổi. Anh đi sâu tìm hiểu tâm tư của người công nhân, nhiệt tình giúp đỡ họ khi gặp khó khăn. Chính từ sự quan tâm đó, anh luôn được công nhân yêu quý, coi anh như anh trai hay người thân trong gia đình.
Năm 1922, Nghệ Tĩnh trải qua nạn mất mùa, nhiều gia đình công nhân thiếu ăn, bọn tư sản đầu cơ đẩy giá lúa gạo lên gấp 3 lần. Trước hoàn cảnh đó, Lê Mao cùng nhiều công nhân rủ nhau đấu tranh đòi tăng tiền lương, hạ giá gạo khiến bọn chủ tư bản phải nhượng bộ. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Diêm đã cho người thanh niên yêu nước Lê Mao thấy được sự cần thiết phải đấu tranh và sức mạnh của đấu tranh tuy các cuộc đấu tranh ấy vẫn chưa đủ để thay đổi tình cảnh khổ cực của người dân mất nước.
Trong những năm 1923-1924, ý thức về tinh thần dân tộc và lòng yêu nước trong tâm hồn người thanh niên Lê Mao càng được hun đúc khi anh được tiếp thu nhiều về lịch sử nhân loại và những tấm gương yêu nước qua những buổi nói chuyện của Trần Văn Tăng và Hà Huy Tập. Một số công nhân trẻ không chịu được áp bức của bọn chủ nhà máy nên định dùng gậy đánh trả thù. Lê Mao biết chuyện đã họp số công nhân này lại, phân tích không nên manh động, anh tổ chức cho họ đấu tranh bằng hình thức cử đại diện lên gặp chủ nhà máy đòi thực hiện các yêu sách về kinh tế. Tháng 3/1925, Lê Mao cùng các bạn như Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi tiếp tục vận động anh em công nhân không góp tiền cho chủ Nhà máy Diêm cúng lễ “Cầu yên” như trước. Công nhân Nhà máy Diêm nhiệt liệt hưởng ứng, cuối cùng bọn chủ phải bỏ tiền ra để cúng lễ. Thắng lợi bước đầu từ những cuộc đấu tranh này đã góp phần giác ngộ cho công nhân về tinh thần và phương pháp đấu tranh.
Tháng 7/1925, tại núi Con Mèo (Vinh - Bến Thủy), Hội Phục Việt ra đời. Đây là một tổ chức yêu nước do các nhà trí thức như Lê Huân, Trần Phú, Trần Mộng Bạch, Tôn Quang Phiệt… thành lập. Lê Mao tìm cách bắt liên lạc với các hội viên Hội Phục Việt và nhanh chóng thành lập Tiểu tổ Hội Phục Việt tại Nhà máy Diêm và làng Yên Dũng Hạ. Với bí danh là Cát, anh chịu trách nhiệm phụ trách Tiểu tổ này.
Được kết nạp vào Hội Phục Việt, Lê Mao tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng lao động tham gia các hội Tương tế, Ái hữu, giáo dục cho công nhân tinh thần hợp quần, ái quốc, lòng yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau… Tầm hiểu biết của anh ngày càng rộng mở, chất men cách mạng được khơi dậy mạnh mẽ, với hoài bão, khát khao của tuổi trẻ, anh hăng hái say mê công tác để thực hiện ước mơ của mình. Anh tích cực phát động phong trào nói chuyện trong công nhân, phân tích cho họ hiểu về nguyên nhân của chế độ áp bức bóc lột, từ đó đưa họ đi vào con đường tranh đấu. Ngoài ra, Lê Mao còn vận động nhiều công nhân trẻ đi học chữ Quốc ngữ ban đêm tại trường Cao Xuân Dục do các thầy giáo tiến bộ trong Hội Phục Việt giảng dạy.
Đến giữa năm 1926, dưới sự lãnh đạo của các hội viên Hội Phục Việt, dân làng Yên Dũng Hạ phát đơn kiện bọn hào lý về tội tham nhũng, ức hiếp Nhân dân. Tinh thần đấu tranh của quần chúng khiến bọ hương lý phải từ chức. Nhân cơ hội đó, tổ chức đã bố trí cho Lê Mao ra tranh cử Lý trưởng và trúng cử. Với vai trò là ông Phó lý làng Yên Dũng, Lê Mao có điều kiện đi lại hoạt động dễ dàng hơn. Anh tiếp tục vào các nhà máy, xóm thợ nghèo để tuyên truyền vận động công nhân củng cố các hội nhóm, vận động công nhân đấu tranh bỏ lễ tết chủ, thay thế các cai ký gian ác… Nhờ những hoạt động đó, cơ sở của các tiểu tổ Phục Việt ngày càng lớn mạnh, công nhân thợ thuyền Vinh - Bến Thủy đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày.
Từ năm 1927 trở đi, phong trào yêu nước được thổi bùng lên trên đất Nghệ Tĩnh. Thông qua tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Chủ nghĩa Mác - Lênin như một luồng sinh khí mới thổi vào Nghệ Tĩnh. Lúc này tổ chức Hội Phục Việt có sự phân hóa lớn: số đông đổi tên và hoạt động theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một bộ phận lãnh đạo hoạt động theo xu hướng cải lương. Lê Mao đứng hẳn về phía những người tích cực ủng hộ và hoạt động theo đường lối cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí say sưa công tác và nghiên cứu các tài liệu bí mật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu - Trung Quốc gửi về và tích cực hoạt động và trở thành cán bộ cốt cán của giai cấp công nhân trong các nhà máy.
Trước sự bắt bớ, giam cầm của thực dân Pháp đối với hàng loạt cán bộ, đảng viên của hai tổ chức Thanh Niên và Tân Việt. Một số đồng chí dao động trước hoàn cảnh khó khăn, Lê Mao vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững cơ sở hoạt động tại Nhà máy Diêm. Đồng chí cùng với Nguyễn Viết Lục liên lạc với các Đảng viên Tân Việt hình thành nhóm cộng sản hoạt động trong công nhân Bến Thủy. Trong thời gian này, Lê Mao được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung (là hai Đảng viên của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được cử vào Vinh để xây dựng cơ sở ở Trung Kỳ). Từ mối liên hệ mật thiết này, Lê Mao được các đồng chí tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng trong các nhà máy. Là một công nhân trưởng thành trong nhà máy, Lê Mao ra sức giúp đỡ, tạo điều kiện tốt cho các đồng chí trong đội ngũ trí thức hoạt động trong phong trào “vô sản hóa”.
Sự ra đời của tổ chức Công Hội đỏ và Nông hội Đỏ ở Nghệ An cuối năm 1929 đã khẳng định những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Mao đối với phong trào công nhân, là tiền đề cho cuộc cách mạng ở Nghệ Tĩnh bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Đây cũng chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Mao. Từ một người thợ, anh đã trở thành một đảng viên ưu tú của Chi bộ Nhà máy Diêm, là “ngọn cờ hồng”, là “linh hồn” của phong trào công nông Vinh - Bến Thủy trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
2. Từ người chiến sĩ cộng sản kiên trung đến Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ Vinh năm 1930, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ tháng 4/1931
Ngay sau khi Đảng Cộng sản ra đời, các tổ chức cơ sở Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng lần lượt được thành lập. Tại Nhà máy Diêm Bến Thủy, nhóm cộng sản do Lê Mao đứng đầu đã chuyển thành một chi bộ Đảng do đồng chí làm Bí thư.
Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng (nguyên Bí thư Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ) được giao nhiệm vụ phối hợp với Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tổ chức Hội nghị bầu Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ (tức Xứ ủy Trung Kỳ). Đồng chí Lê Mao là một trong những đại biểu được mời đi dự Hội nghị và được cử làm Ủy viên Thường trực của Phân cục Trung Kỳ, phụ trách phong trào công nhân.
Sau khi được thành lập, Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ định ra 2 Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An bao gồm: Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An. Đồng chí Lê Mao phụ trách Tỉnh bộ Vinh (bao gồm Vinh - Bến Thủy, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Thị xã Thanh Hóa).
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Vinh, đứng đầu là đồng chí Lê Mao, các chi bộ cộng sản nhanh chóng được thành lập từ trong các nhà máy đến các vùng nông thôn khắp hai tỉnh Nghệ - Tĩnh. Chỉ trong khoảng 2 tháng vận động, tổ chức, đồng chí Lê Mao đã xây dựng được nhiều chi bộ như: Chi bộ Yên Dũng Thượng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Lưu, Đức Quang, Yên Đại, Trường Quốc học Vinh…
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Mao còn đi sâu vào từng nhà máy để xây dựng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng, tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục, tổ chức cho công nhân vào Công hội Đỏ.
Ngày 19/4/1930, Lê Mao đã lãnh đạo Chi bộ Nhà máy Diêm vận động hơn 400 công nhân đình công, đòi chủ nhà máy phải thực hiện các yêu sách như tăng lương, giảm giờ làm, tự do lập hội… Đây là một trong ba cuộc đấu tranh lớn của công nhân nước ta sau khi Đảng ra đời, tạo nên bước chuyển biến quan trọng cổ vũ tinh thần cho quần chúng nhân dân Nghệ Tĩnh bước vào thời kỳ đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 20/4/1930, đồng chí Lê Mao và đồng chí Nguyễn Phong Sắc triệu tập cuộc họp mở rộng tại nhà đồng chí Nguyễn Phúc (Yên Dũng Hạ), phổ biến tình hình nhiệm vụ và phát động phong trào đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930. Đây là cuộc đấu tranh mở đầu cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, do đồng chí Lê Mao trực tiếp lãnh đạo.
Được chuẩn bị chu đáo từ trước, sáng ngày 1/5/1930, khoảng 1.200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (thuộc Hưng Nguyên), An Hậu, Đức Hậu (thuộc Nghi Lộc) biểu tình kéo về TP. Vinh phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thực hiện các yêu sách như: tăng lương, giảm sưu thuế, ngày làm 8 giờ… Đoàn biểu tình không trang bị vũ khí, chỉ kéo cờ búa liềm và chăng biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề, vừa đi vừa hát vang Quốc tế ca. Công sứ Pháp ở Vinh đã huy động lính canh gác, bảo vệ các nhà máy và sai Tri phủ Hưng Nguyên đưa lính đến ngăn cản, nhưng binh lính đã không bắn vào quần chúng và đoàn biểu tình vẫn tiến về phía cổng Nhà máy Trường Thi. Công nhân trong Nhà máy bị vây hãm. Chỉ có công nhân ở ngoài nhà máy nhập vào đoàn biểu tình và cùng kéo về Bến Thủy. Tại đây, thực dân Pháp đã bắn vào đoàn biểu tình khiến 6 người chết, 18 người bị thương. Nét nổi bật của cuộc biểu tình ngày 01/5/1930 ở Vinh - Bến Thủy là: “Lần đầu trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền.”
Với cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Mao, Bến Thủy trở thành nơi đứng đầu dậy trước, nêu tấm gương sáng về tinh thần quả cảm cho công nông cả nước noi theo. Máu của dân cày thợ thuyền hòa với máu của Nhân dân Nghệ - Tĩnh tô thắm lá cờ cách mạng của Đảng ta. Ngã Ba Bến Thủy, Cồn Mô, Làng Yên Dũng đã viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương, mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân trên thành phố Đỏ.
Sau cuộc biểu tình lịch sử này, Lê Mao cùng với Xứ ủy Trung Kỳ phát lời kêu gọi các tầng lớp thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, học sinh theo gương hy sinh của dân cày Nghệ An đứng lên tổ chức biểu tình, bãi công, bãi khóa để phản đối vụ bắn giết quần chúng ở Bến Thủy, phản đối đem binh lính về đàn áp các cuộc bãi công, tuần hành…
Ở khu công nghiệp Bến Thủy, nơi đồng chí Lê Mao phụ trách, công nhân của hàng loạt các nhà máy Diêm, Cưa, Điện, Trường Thi, công nhân khuân vác ở Cảng Bến Thủy… liên tiếp đình công. Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng, đồng chí Lê Mao liên tục bám sát vùng Bến Thủy, trực tiếp chỉ đạo từng cuộc đấu tranh. Sự có mặt của đồng chí đã đảm bảo cho phong trào đấu tranh của công nhân đi đúng hướng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ trong các cuộc đấu tranh đối mặt với kẻ thù.
Sau cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy và cuộc đấu tranh của học sinh trường Pháp - Việt cùng 3.000 nông dân huyện Thanh Chương phá đồn điền Ký Viễn, phong trào đấu tranh ở Nghệ - Tĩnh như vết dầu loang ra các địa phương từ Nghệ An sang Hà Tĩnh với sự ra đời của chính quyền Xô viết. Các Xã Bộ Nông lên nắm chính quyền, điều hành mọi hoạt động của làng xã và thực hiện nhiều chính sách có lợi cho quần chúng nhân dân.
Cuối tháng 9/1930, đồng chí Lê Mao được Xứ ủy Trung Kỳ cử đi dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng, Trung Quốc. Tại Hội nghị, đồng chí đã báo cáo với Trung ương Đảng những thành tích của Đảng bộ Trung Kỳ, những thắng lợi của Xô viết Nghệ Tĩnh và đề ra những giải pháp nhằm củng cố, duy trì phát triển các tổ chức cơ sở Đảng, duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Đồng chí luôn tranh thủ thời gian để học tập, lĩnh hội thêm kiến thức và tiếp thu những quan điểm cơ bản của “Luận cương chính trị” và những Nghị quyết mới của Đảng. Tại Hội nghị này, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trở về quê hương, Lê Mao đã cùng với Nguyễn Phong Sắc đã triệu tập Hội nghị mở rộng của Chấp ủy Trung Kỳ để thảo luận bản “Luận cương chính trị” của Đảng, truyền đạt lại tinh thần Hội nghị và những chủ trương mới của Đảng. Đồng chí Lê Mao và Nguyễn Phong Sắc trở thành hai cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ.
Tháng 4/1931, Lê Mao với Nguyễn Phong Sắc tiếp tục vào Sài Gòn dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai. Đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến vào Nghị quyết mới của Đảng. Tại Hội nghị này, cả hai đồng chí đều được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cuối tháng 4/1931, Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập Hội nghị để chấn chỉnh tổ chức Đảng và bàn kế hoạch tổ chức phong trào đấu tranh giữ vững chính quyền Xô viết. Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được điều ra Trung ương, đồng chí Lê Mao được phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy và đồng chí Lê Mao, trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5/1931, phong trào đấu tranh của công nông Nghệ - Tĩnh ở vùng Bến Thủy lại bùng lên mạnh mẽ. Trên đường đi công tác, đồng chí Lê Mao đã anh dũng hy sinh tại khu vực Bến phà 6 - bên bờ phía Bắc của dòng sông Lam.
Hy sinh khi vừa bước sang tuổi 28 tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, đồng chí Lê Mao - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Thành phố Vinh năm 1930, Bí thư Xứ Ủy Trung Kỳ tháng 4/1931, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho anh em đồng chí và quần chúng nhân dân trên quê hương Bến Thủy anh hùng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy không dài nhưng rất oanh liệt và có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào công nhân, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh và Xứ ủy Trung Kỳ.
Những bài học đồng chí Lê Mao để lại về công tác tổ chức, vận động quần chúng, xây dựng Đảng, tinh thần nhân ái, lấy dân làm gốc để phát động phong trào cách mạng… qua thực tiễn sinh động của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng ta cũng như Đảng bộ Nghệ An trong việc lãnh đạo đất nước, quê hương đi đúng con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Tấm gương về phẩm chất đạo đức cách mạng, về năng lực học tập và hoạt động thực tiễn của đồng chí Lê Mao, luôn sáng mãi trong lòng đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân - đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ phường Bến Thủy (1930-2015), Nxb Nghệ An, 2015
- Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Nghệ An (1930-1954) Tập 1, Nxb Nghệ An, 2019
- Nghệ An những người con tiêu biểu (1930-1975) tập 1, Nxb Nghệ An, 2019
(Bài đã đăng trên VHTT Nghệ An số 10 - Tháng 8/2023)
tin tức liên quan
Videos
Thơ tượng trưng và thơ siêu thực (Qua cảm nhận của Chế Lan Viên về thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê)
Bế giảng Lớp truyền dạy năng khiếu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng tại thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên năm 2024
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện - cánh én báo hiệu mùa Xuân
Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - 20 năm xây dựng và phát triển
Giao lưu nghệ thuật Fashion show “Nhịp sống trẻ”
Thống kê truy cập
114517262
2212
2397
2609
215201
121009
114517262