Đất và người xứ Nghệ

Đồng chí Võ Văn Đồng - Giám đốc đầu tiên của Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

            Để phát huy truyền thống cách mạng của Nhân dân Nghệ - Tĩnh, năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, 30 năm Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1960), Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh được thành lập trên mảnh đất thành phố Đỏ anh hùng. Một trong số những chiến sĩ cộng sản thời kỳ 1930-1931 có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật để xây dựng “Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh” đó là đồng chí Võ Văn Đồng. Ông được hai Tỉnh ủy Nghệ An và Hà Tĩnh giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh từ ngày đầu thành lập (03-02-1960) và đã có công giữ gìn và truyền ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh cho hôm nay và cho mai sau.       

 

Đồng chí Võ Văn Đồng (1911-2004)

Võ Văn Đồng sinh ngày 15-01-1911 ở làng Ngư Hải, Tân Hợp (nay là xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Thân phụ là ông Võ Văn Hiếu, thân mẫu là bà Phan Thị Khiếng. Năm 1917, mới lên 6 tuổi thì cha, mẹ qua đời, Võ Văn Đồng phải chịu cảnh côi cút. Thuơng em, các anh chị trong gia đình đã đùm bọc, chăm sóc, nuôi dưỡng để lo cho em út được đến trường làng học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Không phụ tình thương của mọi người trong nhà và bà con làng xóm, Võ Văn Đồng rất chăm chỉ nên học rất giỏi. Khi lên học tại trường Pháp-Việt huyện Nghi Lộc, Võ Văn Đồng học thêm tiếng Pháp. Anh rất yêu thơ văn cụ Phan Bội Châu, hay giúp đỡ bạn bè, ghét bọn xu nịnh. Hiểu tấm lòng và hoàn cảnh của Võ Văn Đồng, anh Chắt Văn (cháu đích tôn của cụ Nguyễn Thức Tự, thầy giáo của Phan Bội Châu) đã chọn anh vào trong nhóm “học trò bí mật”. Anh Chắt Văn (tức Nguyễn Thức Mẫn) thường cho Đồng về nhà để nghe cụ Nguyễn Thức Tự kể chuyện Trần Tấn, Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng và Nguyễn Xuân Ôn đánh Tây và phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Võ Văn Đồng bí mật tìm đọc thơ văn cụ Phan Bội Châu và tích cực tham gia trong nhóm bình thơ văn yêu nước.

       Năm 1925, khi cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Trung Quốc, bị giải về nước để kết án tử hình, dưới sự lãnh đạo của Hội Phục Việt, Võ Văn Đồng đã hăng hái tham gia trong phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp xóa án tử hình cho cụ Phan. Năm 1926, Võ Văn Đồng tích cực tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình truy điệu cụ Phan Chu Trinh và phong trào đấu tranh phản đối thực dân Pháp đuổi các thầy: Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập và Trần Mộng Bạch ra khỏi trường Cao Xuân Dục, chuyển đi dạy ở các vùng sâu, vùng xa vì đã lãnh đạo học sinh đấu tranh. Trong tập hồi ký cách mạng, Võ Văn Đồng đã viết: “ … Cụ Phan Bội Châu về nước, truy điệu cụ Phan Chu Trinh, sự hoạt động của Đảng Tân Việt, phong trào tẩy chay ngoại hóa, phong trào giảng sách, đọc báo, những ảnh hưởng trên đã gây thêm cho tôi một tinh thần dân tộc rất cao, rất tha thiết với cách mạng giải phóng dân tộc, tôi ao ước được đi xuất dương… ”. 

       Năm 1927, dưới sự lãnh đạo của Đảng Tân Việt, phong trào cách mạng ở huyện Nghi Lộc phát triển mạnh, Võ Văn Đồng được các đồng chí Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Văn Tâm,  Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Xân tuyên truyền, giác ngộ, đưa “Báo Thanh niên”, “Đường Kách mệnh” cho đọc và giao nhiệm vụ của tổ chức Đảng Tân Việt. Năm 1929, nhân kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/1929), dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, Võ Văn Đồng đã tham gia treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn để ủng hộ công nông Nga do Đảng Bôn sơ vích lãnh đạo. Võ Văn Đồng luôn khao khát được làm việc có ích cho dân, cho xã hội, được tham gia cách mạng. Điều đó đã được anh ghi trong bản tự thuật: “Nguyện vọng khao khát của tôi đã đạt được khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 5-1930, đồng chí Hoàng Đức Bình, Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Song Lộc tìm đến nhà tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản và Học thuyết Mác-Lênin cho tôi. Khi được đọc những tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, chẳng khác nào trời đang nắng hạn gặp trận mưa rào. Trong lòng rừng rực hẳn lên, tôi vui mừng khôn xiết. Từ đó, tôi dấn thân vào con đường cách mạng của Đảng, hoạt động liên tục mãi từ ngày có Đảng ra đời cho đến ngày nay”.                       

       Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03-02-1930), Võ Văn Đồng tích cực tham gia mọi hoạt động cách mạng. Đồng được giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức Nông hội Đỏ làng Tân Hợp. Khi Nông hội Đỏ phát triển mạnh, Võ Văn Đồng được điều lên Tổng bộ phụ trách Ban Chấp hành liên xã Nông hội Đỏ. Tháng 4-1930, sau Đại hội Huyện ủy Nghi Lộc, đồng chí Nguyễn Thức Mẫn được bầu làm Bí thư. Võ Văn Đồng được giao phụ trách tổ chức Nông hội Đỏ và Ban vận động tuyên truyền của huyện, vận động quần chúng và phát triển lực lượng Đoàn Thanh niên, thành lập đội Tự vệ để bảo vệ quần chúng trong các cuộc đấu tranh.

        Trong các cuộc đấu tranh từ ngày mùng 2 đến ngày 25- 6-1930, dưới sự lãnh đạo của huyện Đảng bộ, Võ Văn Đồng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được tổ chức Đảng giao phó. Đầu tháng 9-1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển đến đỉnh cao và Chính quyền Xô viết ra đời ở một số làng xã. Từ trong cao trào cách mạng sục sôi ấy, Võ Văn Đồng vinh dự được kết nạp vào đội ngũ những người Cộng sản. Sau khi vào Đảng, để giữ bí mật, đồng chí đã dùng các tên bí danh là: Lân, Quang, Tinh. Cuối tháng 9-1930, đồng chí Võ Văn Đồng được bổ sung vào Ban Chấp hành Tổng bộ, phụ trách công tác tuyên truyền, vận động và Tự vệ Đỏ. Chỉ một thời gian ngắn, đồng chí đã vận động được hàng trăm nam, nữ thanh niên gia nhập Đoàn Thanh niên và đội Tự vệ, tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ cho Nhân dân. Sau cuộc đấu tranh ngày 08-10-1930 của Nhân dân huyện Nghi Lộc, Võ Văn Đồng được bổ sung vào Ban Chấp hành huyện ủy, phụ trách Nông hội Đỏ và trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân các tổng vùng Đông - Nam huyện Nghi Lộc (Tân Hợp, Phượng Cương, Cổ Bái, Phúc Lợi, Cổ Đan…). Đồng chí đã chỉ huy đội Tự vệ Đỏ phá nhà xi nhan ở cửa Hội, đập phá ty rượu, trấn áp bọn phản cách mạng, vận động Nhân dân quyên góp tiền để mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự bảo vệ xóm làng và giúp đỡ gia đình đấu tranh có người chết và bị thương.      

        Sau cuộc chỉ huy Tự vệ Đỏ giải vây cho cán bộ lãnh đạo họp ở làng Cổ Bái (02-01-1931) giết chết tri huyện Tôn Thất Hoàn và đồng bọn tại Đình Chính Vị, để tránh tổn thất cho cách mạng, tháng 02-1931, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ Ạn đã điều Võ Văn Đồng lên làm việc trong bộ phận ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ. Đầu tháng 9-1931, kẻ địch mở cuộc càn quét với quy mô lớn vào cơ quan của Huyện ủy Nghi Lộc và bộ phận ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ. Các đồng chí Võ Văn Đồng, Nguyễn Sinh Diên, Nguyễn Thị Phúc, Lê Huy Điệp, Nguyễn Thị Thước đã nhanh trí đánh lạc hướng kẻ địch, giải thoát khỏi vòng vây cho nhiều đồng chí. Võ Văn Đồng và bộ phận ấn loát đã cất dấu dụng cụ in ấn trước khi bị bắt. Tòa án Nam triều Nghệ An đã xử Võ Văn Đồng hoạt động cộng sản, kết án 7 năm tù giam. …

       Năm 1935, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền, nhờ phong trào đấu tranh của Nhân dân lên cao, Võ Văn Đồng và hàng trăm chiến sĩ bị giam cầm trong các nhà tù đã được trả tự do, trở về quê tiếp tục chắp nối đường dây để khôi phục lại phong trào trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Tháng 9-1939, thực dân Pháp trở mặt, cấm mọi hoạt động văn hóa xã hội, ra lệnh truy lùng bắt tất cả các chiến sĩ cộng sản ở Nghệ-Tĩnh đã ra tù. Đầu năm 1940, Võ Văn Đồng và hàng trăm chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh lại bị bắt và lưu đày ở các nhà tù. Ngày 9-3-1945, chớp lấy thời cơ Nhật đảo chính Pháp, Võ Văn Đồng cùng các chiến sĩ cộng sản như Lê Huy Điệp, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã, Trần Văn Quang, v.v… đã lãnh đạo tù nhân phá ngục, tìm đường trở về quê hương, tham gia vào Mặt trận Việt Minh, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở huyện và tỉnh Nghệ An (21-8-1945).  

       Để phát huy truyền thống cách mạng và niềm tự hào của quê hương Xô viết, tháng 8 năm 1956, Tỉnh ủy Nghệ An điều động đồng chí Võ Văn Đồng và một số cán bộ lãnh đạo các Ban chuyển sang làm công tác nghiên cứu sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật và các di tích lịch sử thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Là một đảng viên hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền trong những năm 1930-1931, hiểu biết nhiều nhân chứng lịch sử, Võ Văn Đồng được Tỉnh ủy chỉ định phụ trách biên soạn lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh và tổ chức trưng bày tại hội quán Hoa Kiều thành phố Vinh và trưng bày lưu động ở các huyện. Sau đó, Tỉnh ủy giao cho Võ Văn Đồng cùng một số đồng chí nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để viết cuốn sơ thảo lịch sử thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Là người hiểu và biết việc, trong thời gian đi phục vụ trưng bày lưu động, Võ Văn Đồng đã cùng anh em trong đoàn công tác tuyên truyền vận động Nhân dân và được Nhân dân giúp đỡ, sưu tầm được nhiều tài liệu, hình ảnh và hiện vật, làm phong phú cho nội dung kho lưu trữ tư liệu lịch sử cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh.

     Thể theo nguyện vọng của các đồng chí đảng viên và hàng triệu người dân hai tỉnh Nghệ - Tĩnh, đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã họp Ban Thường trực Tỉnh ủy của hai tỉnh, bàn việc đệ trình lên Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Văn hóa, xin xây dựng Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tại thành phố Vinh. Đồng chí Võ Văn Đồng được Tỉnh ủy hai tỉnh Nghệ - Tĩnh bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa và hai Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh quan tâm, chỉ đạo, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Võ Văn Đồng, sau ba năm vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa đi sưu tầm tài liệu lịch sử, hiện vật để phục vụ công tác trưng bày, ngày 03-02-1964, Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã cắt băng khánh thành phục vụ khách tham quan. Trong ngày khánh thành, Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã vinh dự được Bác Hồ viết lời đề tựa và căn dặn: “… Cán bộ, Đảng viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ - Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua, xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.   

Có thể nói, tham gia cách mạng từ ngày đầu dựng Đảng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, Võ Văn Đồng đã hoạt động không biết mệt mỏi, luôn là tấm gương sáng, dũng cảm kiên cường, son sắt thủy chung. Năm 1930 - 1931, Võ Văn Đồng luôn tin yêu dân, biết dựa vào dân rồi lãnh đạo dân đấu tranh. Ngày hòa bình, được dân giúp đỡ sưu tầm hiện vật trưng bày của Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh) - một trường học cách mạng cho mọi thế hệ.    

           Đồng chí Võ Văn Đồng đã từ trần vào ngày 21-12-2004, hưởng thọ 94 tuổi, 74 tuổi Đảng. Đồng chí đã được Đảng, Chính phủ tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân Chương Độc lập hạng Ba; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520385

Hôm nay

292

Hôm qua

2406

Tuần này

21426

Tháng này

218324

Tháng qua

121009

Tất cả

114520385