Góc nhìn văn hóa

Du lịch hay là một cuộc hành trình trong tâm thức con người

Khu du lịch sinh thái Mường Lống, Nghệ An về đêm

Đi tham quan những thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ. Đi trải nghiệm những bản làng văn hóa được gọi là truyền thống. Đi về với các di tích lịch sử văn hóa. Hay những cuộc hành hương theo các tín ngưỡng, tôn giáo…. Nhìn chung đều là những cuộc trở về với nguồn cội của con người. Và trên phương diện kinh tế học, người ta đặt cho một cái tên gọi là ngành du lịch. Du lịch đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng được nhiều quốc gia, nhiều địa phương xem là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế. Nhìn nhận về sự phát triển du lịch như thế nào sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng tư duy ấy. Điều đó cho thấy vai trò của nhân tố nguồn cội trong phát triển du lịch vô cùng quan trọng, cho dù đó là nguồn cội về tự nhiên hay về văn hóa.

Du lịch sinh thái ở huyện Tương Dương, Nghệ An

Sự trở về đầu tiên của con người trong du lịch là về với nguồn cội tự nhiên. Trước dịch bệnh và cả trong dịch bệnh vẫn có nhiều đoàn khách du lịch đi từ miền xuôi lên miền núi để được tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp. Từ việc đi lên rừng Quốc gia Pù Mát để thăm thú, đi thuyền giữa sông Giăng, rồi lên Tương Dương, Kỳ Sơn ngắm những ngọn núi kỳ vĩ. Đến lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để đi chơi thuyền hay lên cổng trời Mường Lống chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng sơn cước…. Gần đây còn có những tour du lịch mạo hiểm dành cho những người có sở thích khám phá các vùng đất mới, chinh phục các đỉnh núi cao giáp với biên giới Lào. Họ muốn đi về những nơi còn hoang vu, có thắng cảnh tự nhiên đẹp để được hưởng không khí trong lành cũng như đắm chìm trong cảnh quan tươi đẹp, nhằm bù đắp cho cuộc sống ở đô thị vốn ốn ào, tấp nập và cả ô nhiễm. Đó là sự thể hiện khát vọng quay về với tự nhiên của con người. Con người là một phần nhỏ của tự nhiên, cả trong lẫn ngoài. Nhưng con người luôn mang theo khát vọng chinh phục tự nhiên và nó trở thành động lực cho sự phát triển của xã hội trong hàng thiên niên kỷ qua. Đến bây giờ, khi sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất, xây dựng nên những thành phố khổng lồ với hàng chục triệu dân, mở ra những kỷ nguyên chinh phục đại dương rồi chinh phục vũ trụ, con người gần như đang thống trị tự nhiên. Nhưng trong tâm thức con người không thể nào thoát ra khỏi tự nhiên, họ chỉ chia tách mình với tự nhiên trong một khoảng nhất định như nhiều người vẫn nghĩ mà thôi. Và có lúc nào đó, sự trỗi dậy của cái tự nhiên trong con người làm cho họ muốn tìm về với tự nhiên. Đó là tâm lý của những người sinh sống ở những khu đô thị hiện đại đang thèm khát tìm về với những khu vực tự nhiên hoang dã hơn. Đó là những vùng nông thôn còn thưa thớt, là những vùng miền núi hay hải đảo hoang sơ. Họ muốn được ngắm những rừng cây, những dòng sông hay những ngọn núi kỳ vĩ… Muốn được xem những con thú sinh sống trong tự nhiên, trong hệ sinh thái của nó chứ không phải trong những chiếc chuồng ở vườn bách thú. Họ muốn được thấy mặt trời mọc hay lặn ở những nơi mà vốn dĩ trước đây họ dễ dàng thấy được…. Khao khát tự nhiên là một động lực, một mục tiêu của những người đi du lịch. Và điều đó làm cho những nơi có điều kiện tự nhiên hoang dã, đẹp đẽ, ít thay đổi bởi tác động của con người trở thành khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng ngược lại, du lịch phát triển mạnh mẽ thì cũng trở thành một nhân tố làm thay đổi tự nhiên.

Vẻ đẹp hoang sơ ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An

Nhiều khi người ta nhầm lẫn khi tách tự nhiên ra khỏi văn hóa để phát triển một loại hình du lịch mới mà quên mất rằng nó không đưa con người về với nguồn cội tự nhiên của họ. Trồng những cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn để người ta đến chụp ảnh; trồng hàng chục hecta chanh leo, bưởi, cam và những giống cây ăn quả, cây hoa vốn không gắn với người bản địa lại nhằm thu hút người dân nơi khác đến chek in, tham quan và đặt ra những thuật ngữ như du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn… Những cách làm như thế cũng thu hút được một số người đến, thậm chí là đông đảo, nhưng nó không tạo ra nhiều giá trị du lịch. Bởi đơn giản nó không gắn với hệ sinh thái văn hóa và cả hệ sinh thái tự nhiên của địa phương, không gắn với lợi ích của người dân bản địa. Nông nghiệp của cộng đồng địa phương là một hoạt động kinh tế, nhưng cũng là một phương diện thể hiện các giá trị văn hóa. Du lịch để trải nghiệm các giá trị văn hóa gắn với cộng đồng địa phương và sự tương tác văn hóa được thể hiện trong quá trình đó thì mới gọi là du lịch văn hóa. Còn khi chia tách các nhân tố tự nhiên và văn hóa ra thì những hình thức kia không phải là du lịch nữa, chỉ là những trào lưu của các nhóm xã hội khác nhau mà thôi. Bởi vì người ta không cảm nhận được tâm lý cội nguồn trong những hoạt động đó.

Sự trở về thứ hai là trở về với cội nguồn văn hóa. Dịch bệnh đã làm cho người ta hạn chế đi du lịch, nhất là du lịch văn hóa vì tiếp xúc với nhiều người. Nhưng vẫn có những đoàn người tranh thủ quãng thời gian dịch được kiểm soát để đi du lịch trải nghiệm ở các làng bản. Những hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… thỉnh thoảng vẫn đón những đoàn khách từ dăm người đến vài chục người. Trước dịch, số người đi trải nghiệm du lịch cộng đồng khá đông đúc. Hàng ngàn lượt du khách đã đến các làng bản để trải nghiệm các nét văn hóa mới mẻ. Nghe có vẻ trái ngược khi du khách đi trải nghiệm những giá trị văn hóa mới mẻ nhưng tôi lại bảo họ đang trở về cội nguồn. Nhìn bề ngoài đúng là thế thật, người dân miền xuôi lên miền ngược để trải nghiệm một số giá trị văn hóa của người dân địa phương ở đó. Nó là những giá trị khác biệt đối với du khách. Nhưng nhìn sâu xa chưa hẳn như vậy. Nhìn vào những biểu hiện cụ thể thì thấy khác biệt nhưng nhìn bao quát thì có thể nói đó là một cuộc về nguồn trong văn hóa. Những giá trị văn hóa tưởng chừng như mới lạ với du khách thực ra là những giá trị quen thuộc nhưng đã bị mất mát của chính họ. Bởi bên cạnh những sự khác biệt thì vẫn có những giá trị chung được nhiều cộng đồng chia sẻ. Và khi một số giá trị bị mất mát ở một số cộng đồng nhưng lại đang tồn tại ở các cộng đồng khác và tạo cho du khách tìm đến cái vừa lạ vừa quen của chính mình. Cái khác biệt chỉ là vài sự thể hiện bên ngoài mà thôi. Một nhóm người ở miền xuôi lên miền núi để được thưởng thức những bài múa, bài hát truyền thống của người dân tộc thiểu số, hay ăn những món ăn xa lạ và họ cảm thấy thú vị, nhưng trước đó khá lâu, chính cộng đồng họ cũng có những thứ tương tự, chỉ là lâu rồi họ không thấy mà thôi. Văn hóa luôn tồn tại những giá trị riêng biệt và những giá trị chung, nên sự giao thoa văn hóa càng rộng rãi thì những giá trị văn hóa tương đồng càng trở nên phổ biến. Có những giá trị của cộng đồng này được tích hợp vào cộng đồng kia, và sau đó chính cộng đồng tiếp nhận lại lưu giữ và những cộng đồng đã từng có trước đây nay lại đến cộng đồng khác để trải nghiệm lại. Du lịch, vì thế cũng là một cuộc về nguồn trong văn hóa. Nhưng du lịch luôn tồn tại thêm một giá trị về sự khác biệt để tạo ra sức hấp dẫn của chính mình. Như một nhà dân tộc học đã nói, tôi đi nghiên cứu về các cộng đồng dân tộc khác một phần để hiểu họ, nhưng phần khác cũng quan trọng không kém là để hiểu về chính mình hơn. Du lịch văn hóa cũng vậy, làm cho du khách vừa khám phá văn hóa của cộng đồng khác nhưng cũng vừa giúp họ tìm lại các nét văn hóa của chính mình.

Sự trở về thứ ba là trở về cội nguồn của tâm thức, của đời sống tâm linh. Hàng ngàn người vẫn rủ nhau đi du lịch vãn cảnh cùng với lễ chùa vào các dịp trong năm. Ở các đền thờ, di tích lịch sử văn hóa gắn với tâm linh trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tiếp đón hàng loạt các đoàn du khách đến thăm viếng. Rồi các lễ hội gắn với các di tích từ xuôi lên ngược đều được nhiều người quan tâm. Không chỉ các cư dân địa phương vốn gắn với các hoạt động tâm linh đó mà còn nhiều du khách từ vùng khác hành hương về tham dự các lễ hội lớn như lễ hội Đền Chín Gian ở Quế Phong, lễ hội Đền Vạn ở Tương Dương,… Những dòng du khách từ ngoài tỉnh hành hương về Nghệ An theo tiếng gọi tâm linh để đi về Đền Ông Hoàng Mười, các ngôi chùa lớn hay về Kim Liên thắp hương viếng Bác Hồ… Và cũng nhiều đoàn người từ Nghệ An hành hương đến các nơi khác nhằm thỏa mãn nhu cầu về tâm linh. Điều đó làm cho du lịch tâm linh trở thành một lĩnh vực quan trọng ở nhiều địa phương và tạo ra những đóng góp lớn về doanh thu trong ngành du lịch. Tính thiêng trở thành nhân tố quan trọng trong du lịch bởi nó thôi thúc con người tìm về với nguồn cội. Cần hiểu tính về nguồn hay tâm lý cội nguồn một cách rộng rãi, không chỉ là tổ tiên trực tiếp của mình mà còn là cội nguồn về tâm thức, về một nguồn gốc chung rộng lớn hơn vượt qua ranh giới cộng đồng. Phát triển du lịch gắn với sự trở về cội nguồn trong tâm thức hay đời sống tâm linh không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng phát triển mạnh mẽ với những dòng người hành hương đông đúc. Nó cho thấy tiếng gọi tâm linh có sức hút mãnh liệt đến con người và ngày càng trở thành một nhân tố để ngành du lịch khai thác và vận dụng vào phát triển.

Du lịch không chỉ là những chuyến đi thư giãn để giết thời gian những lúc rảnh rỗi, mà nó thường gắn với những giá trị văn hóa, những nhu cầu tinh thần của con người. Trong đó có vấn đề thỏa mãn nhu cầu tìm về với nguồn cội. Đó là những chuyến đi để được trở về với tự nhiên, với sự hoang sơ, trong lành, sạch sẽ mà cuộc sống đô thị ít được tiếp xúc. Hay là những hành trình tìm kiếm những giá trị văn hóa vừa xa lạ, vừa quen thuộc của con người để thỏa lấp vào những khoảng trống tinh thần mà xã hội hiện đại tạo ra cho con người. Hay là những cuộc hành hương tìm về với cội nguồn tâm thức, với đời sống tâm linh để thỏa mãn tâm lý hướng nguồn của con người…. Những cuộc về nguồn như vậy luôn là một động lực để phát triển du lịch. Bởi con người ta mỗi khi bỏ tiền ra để đi du lịch đều gắn với những yêu cầu, những mong muốn trong tâm thức mang tính bản thể, cho du nó chủ động hay thụ động, thì ít nhiều vẫn có sự hiện hữu trong mỗi du khách. Người ta không bao giờ đi du lịch trong vô vọng, trong sự bâng khuâng, ngược lại, họ đi để tìm kiếm sự thỏa mãn các nhu cầu cụ thể. Ngành du lịch nằm bắt được những nhu cầu đó là điều quan trọng để hoạch định chính sách phát triển cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. Sự thất bại của ngành du lịch ở nhiều nơi cho thấy một điều quan trọng là khi người ta xây dựng sản phẩm du lịch tập trung vào nhu cầu thị trường mà xa rời bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương. Du lịch phát triển để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng du lịch cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa của người dân địa phương. Sản phẩm du lịch vì vậy mà phải hài hòa giữa nhu cầu của du khách và văn hóa truyền thống của địa phương, nếu không thì sẽ không thể phát triển bền vững được. Xa hơn nữa là xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch dựa trên sự phát triển các giá trị văn hóa truyền thống địa phương với các giá trị văn hóa mới mà du lịch tạo ra. Đó là con đường để người ta phát triển du lịch hài hòa và bền vững./.



tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445387

Hôm nay

2124

Hôm qua

2296

Tuần này

2996

Tháng này

211646

Tháng qua

120141

Tất cả

114445387