Văn hóa và đời sống

Gia đình - Nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Gia đình - hai tiếng thiêng liêng trong mỗi chúng ta, là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Chỉ có gắn với gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến. Để có một mái ấm hạnh phúc, đó là ước mơ đời thường đồng thời cũng khó khăn nhất đối với mỗi con người.

Ảnh minh họa ( Nguồn internet)

Trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chúng ta, gia đình luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Gia đình Việt là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những giá trị văn hóa, nhân văn. Những truyền thống quí báu của dân tộc, đã được các thế hệ nối tiếp nhau trong gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và không ngừng phát triển. Gia đình bao giờ cũng là tổ ấm, là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người.

Những giá trị truyền thống của gia đình bao gồm những chuẩn mực đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử được các gia đình gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, được các thành viên của gia đình tiếp thu, vận dụng và xem như là phương hướng cho hoạt động của bản thân. Có thể nói, giá trị gia đình truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân, củng cố mối quan hệ gia đình, qua đó góp phần phát triển bền vững đất nước.

Gia đình được coi là nền tảng của xã hội. Việc “tề gia” là điều kiện, bước đệm để người quân tử có khả năng “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Không quản lý gia đình tốt thì đừng nói đến năng lực quản lý xã hội. Gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, là môi trường cho cá nhân rèn luyện phẩm chất nhân cách, năng lực của bản thân. Người chủ gia đình quản lý gia đình, thực hiện mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình thông qua và bằng những phép tắc, chuẩn mực có tính tôn ti, trật tự, nề nếp đã được các thế hệ trước truyền lại. Vì lẽ đó, gia đình trở thành một môi trường rèn luyện và giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử cho mỗi cá nhân; là nơi cá nhân trao và nhận tình cảm yêu thương, tình cảm gắn bó; là nơi cá nhân thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với người thân.

Trong gia đình Việt truyền thống có ba giá trị, chuẩn mực đạo được đề cao, bao gồm “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ”. “Gia đạo” là đạo đức gia đình, tức là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được gia đình coi trọng. Cụ thể có thể kể đến như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh chị em đoàn kết trên thuận dưới nhường. Trong đó, “đạo hiếu” là giá trị được đề cao nhất, là vốn quý của dân tộc được hun đúc trong gia đình Việt qua hàng nghìn năm lịch sử. Điều đó thể hiện bản sắc của một dân tộc trân trọng cội nguồn, gốc rễ của mình.

“Gia phong” được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc. Trong một gia tộc, gia phong được hình thành từ ông bà, cha mẹ và giáo dục cho thế hệ con cháu. Đó là việc xây dựng gia đình và tái tạo cho các con cháu sau này những chuẩn mực văn hóa đạo đức. Gốc rễ của gia phong nằm ở đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện qua lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, thờ cúng tổ tiên…

“Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục trong một gia đình, được thể hiện qua cung cách ăn nói, đi đứng, cách ứng xử trở thành truyền thống gia đình mà ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu.

Những giá trị nổi bật của truyền thống văn hóa Việt Nam thể hiện trong các mối quan hệ trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị với em, giữa vợ và chồng. Trong mối quan hệ vợ chồng, đề cao sự thủy chung, tôn trọng lẫn nhau (“tôn kính như tân”). Trong mối quan hệ giữa anh chị em, đề cao sự hòa thuận, nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu đề cao sự hy sinh, tình thương, sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với con cháu và sự hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ cha ông. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ trước là phẩm chất đứng đầu trong hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam, cũng quy định toàn bộ hệ giá trị truyền thống của gia đình người Việt. Phẩm chất này thể hiện ở lòng biết ơn, sự kính trọng, lễ phép và sự chăm sóc tận tình cha mẹ, ông bà khi họ còn sống và thờ phụng khi họ đã chết. Thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của lòng hiếu thảo - giá trị cao nhất trong hệ giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Không chỉ có vậy, thờ cúng tổ tiên còn góp phần bảo lưu nhiều giá trị khác của gia đình Việt Nam truyền thống.

Các giá trị truyền thống được coi trọng trong gia đình truyền thống đều xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Từ nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống hướng đến những hành động, ứng xử tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình trở thành khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong xã hội. Từ gia đình, những giá trị đạo đức được lan tỏa ở những cấp cao như làng xã, Tổ quốc. Chính gia đình là nơi “gieo mầm” những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường… Vì thế, giá trị truyền thống gia đình là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc tăng cường giáo dục bảo tồn, phát huy những giá trị của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa gia đình văn minh tiến bộ trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Từ xưa đến nay, những giá trị đạo đức truyền thống vẫn được duy trì và phát huy. Sự phát triển của xã hội hiện đại dẫn đến sự thay đổi cơ cấu và quan hệ trong một gia đình. Tuy vậy, gia đình vẫn là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Đó là nơi đầu tiên con người được học những giá trị đạo đức và hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Các công dân tốt từ những nhà khoa học cho đến những người nông dân, đang cống hiến cho sự phát triển của đất nước, đều được nuôi dưỡng từ “cái nôi” là gia đình. Những giá trị đạo đức tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc dân tộc, những đặc trưng làm nên hai tiếng “Việt Nam”. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay tuy có nhiều thay đổi song những giá trị truyền thống vẫn bền vững qua thời gian, được nhiều thế hệ vun đắp và xây dựng. Đó là điều không thể thiếu để hình thành, phát triển nhân cách cá nhân nói riêng và xây dựng gia đình văn hóa, đất nước văn minh trong bất cứ thời kỳ nào nói chung.

Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, chi phối nhận thức và hành vi của mỗi thành viên trong gia đình, đặt nền móng cho sự phát triển của gia đình trong hiện tại và tương lai. Trong xã hội hiện đại, những giá trị truyền thống của gia đình vẫn tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa, là yếu tố nội sinh tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, một số giá trị truyền thống đã có những biến đổi nhất định, một số giá trị đã và đang bị mai một hoặc biến dạng. Vì vậy, mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề này, chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

Gia đình hạnh phúc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về gia đình và xây dựng gia đình phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục nhiệm vụ xây dựng và củng cố gia đình bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đang ngày càng phát triển và có hiệu quả, góp phần tích cực để củng cố, hoàn thiện gia đình hiện nay.

Xây dựng gia đình là một vấn đề vừa lớn vừa khó và hết sức hệ trọng đối với cả dân tộc và mọi thời đại, ngày 04 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hàng năm làm ngày Gia đình Việt Nam; là ngày tôn vinh mái ấm gia đình Việt, nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình những người con đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân nâng niu trân trọng gia đình, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để chúng ta gìn giữ và vun đắp. Và chủ đề chung về gia đình đến năm 2025 mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện là: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445360

Hôm nay

297

Hôm qua

2296

Tuần này

2969

Tháng này

211619

Tháng qua

120141

Tất cả

114445360