Góc nhìn văn hóa

Hành trình thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Tiếp cận từ tầm nhìn và bản lĩnh Hồ Chí Minh

Sau gần 20 năm rời Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ tìm đường và mở đường, với trí tuệ, bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược, đến đầu năm 1930, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản. Tư tưởng đó từng bước thấm sâu vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, vào từng con người Việt Nam, làm nên thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

1.     Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng

Đến với Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin năm 1920, Hồ Chí Minh không chỉ tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn là đấu tranh giành độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mà còn nhận thức được một điều quan trọng là cách mạng trước hết phải có đảng. Đó phải là một Đảng chân chính, cách mạng theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin để trong thì vận động tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức. Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân; cán bộ, đảng viên của Đảng phải có đạo đức cách mạng, năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, vì Đảng, vì dân, vì nền độc lập của Tổ quốc mà chiến đấu, hi sinh.

Hồ Chí Minh đã giành trọn mười năm để chuẩn bị chín muồi các yếu tố chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ rõ: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[1]. Đồng thời Người nhấn mạnh: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[2].

2. Đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ khi ra đời, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong Chánh cương vắn tắt, Đảng đã nêu rõ “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Nhiệm vụ của Đảng là lãnh đạo toàn dân đánh đổ chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, người cày có ruộng, dựng ra chính phủ công - nông - binh. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo. Mở mang công nghiệp và nông nghiệp. Thi hành kỷ luật ngày làm 8 giờ. Về phương diện xã hội thì dân chúng được tự do tổ chức. Nam nữ bình quyền. Phổ thông giáo dục theo công nông hóa…Cương lĩnh đầu tiên đó rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của Nhân dân. Đây là một trong những nhân tố quan trọng làm cho quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam - không ngừng củng cố và tăng cường.

Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đế quốc Nhật xâm chiếm Việt Nam và cấu kết với thực dân Pháp để xâm lược nước ta, Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng đấu tranh, thay đổi chiến lược, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941), sau khi khẳng định nguyện vọng của Nhân dân Đông Dương là đánh đuổi Nhật, giành quyền độc lập cho xứ Đông Dương, nhấn mạnh: “Vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương hiện nay không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng giải phóng”[4].

Sự thay đổi chiến lược của Đảng dựa trên một sự phân tích khoa học chủ yếu về mâu thuẫn chủ yếu, đối tượng và mục tiêu trước mắt của cách mạng. Xác định rõ quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng, Đảng ta nhấn mạnh rằng: “trong lúc này quyền lợi của một bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[5]. Vấn đề cốt tử ở đây là Đảng ta nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp. Chưa chủ trương làm cách mạng tư sản dân quyền mà chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc không phải là Đảng ta thủ tiêu vấn đề giai cấp đấu tranh trong cuộc cách mạng Đông Dương; không phải là đi lùi lại một bước mà chỉ “bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn”. Vấn đề giai cấp đấu tranh tồn tại mãi, nhưng hiện tại quyền lợi của nông dân và thợ thuyền phải đặt dưới quyền lợi giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, ngay trong khi làm cách mạng giải phóng dân tộc thì có cả một phần quyền lợi giai cấp. Không phải chưa giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân thì sẽ làm giảm bớt sự hăng hái tranh đấu của nông dân, ngược lại họ vẫn nỗ lực tranh đấu mạnh hơn vì trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc họ cũng được hưởng nhiều quyền lợi to tát. Đường lối cách mạng đúng đắn này của Đảng đã quy tụ được các giai tầng xã hội xung quanh Mặt trận Việt Minh, đứng lên lật đổ chính quyền thực dân - phong kiến.

3. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc - sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhưng muốn huy động được lực lượng nhân dân thì phải đánh thức được tinh thần dân tộc, phát huy cao độ lòng yêu nước của con dân nước việt. Trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, chúng ta đã có các hình thức Mặt trận như: Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương. Những Mặt trận đó tuy có đem lại một số kết quả nhất định nhưng thiếu tính chất dân tộc. Khi cả dân tộc chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” thì phải có những hình thức hiệu triệu thiết thực hơn, thống thiết hơn. Trong điều kiện đó, nếu không khơi gợi được tinh thần yêu nước và căm thù đế quốc xâm lược thì sẽ không bao giờ có một Mặt trận đúng nghĩa ở Việt Nam. Theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, Đảng ta chủ trương lập Việt Nam độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Đảng ta xác định “trong khi tổ chức một đoàn thể cứu quốc điều cốt yếu là không phải những hội viên hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu nước và muốn tranh đấu cứu quốc”[6]. Các tổ chức cứu quốc ra đời như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Việt Nam Thanh niên cứu quốc đoàn, Việt Nam phụ nữ cứu quốc đoàn, Việt Nam quân nhân cứu quốc hội, Nhi đồng cứu vong đoàn, Văn nhân cứu quốc hội, Học sinh cứu quốc đoàn, phú hào cứu quốc hội, v.v…

Việc thành lập Mặt trận Việt Minh tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng đã thống nhất được lực lượng cách mạng dưới một hiệu cờ thống nhất, tất cả các tầng lớp giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước, thương nòi, có tinh thần chống Pháp, chống Nhật, thành thật muốn độc lập cho đất nước sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta.

4. Tầm nhìn trong xử lý quan hệ quốc tế, chớp thời cơ cách mạng, giành chính quyền.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp ngày 12-3-1945 vạch rõ nhiều vấn đề quan trọng. Đảng ta nhấn mạnh sau cuộc đảo chính này, phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông Dương. Bọn Pháp kháng chiến đang đánh Nhật là đồng minh khách quan của nhân dân Đông Dương. Hoàn toàn không mơ hồ, ảo tưởng, Đảng ta trình bày rõ hơn việc chuyển trục tâm tuyên truyền vào hai vấn đề: Một là, giặc Nhật không giải phóng cho ta; trái lại tăng gia áp bức bóc lột ta. Hai là, giặc Nhật không thể củng cố chính quyền ở Đông Dương và nhất định chúng sẽ chết. Đảng ta chủ trương thay đổi hình thức tuyên truyền, cổ động tổ chức và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa; động viên mau chóng quần chúng nhân dân tham gia mặt trận cách mạng; phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Đảng ta đã sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi đã đủ điều kiện, một trong những điều kiện đó là “quân Đồng minh bám chắc và tiến mạnh trên đất nước ta”. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Đảng ta thể hiện một tầm nhìn chiến lược về kẻ thù và quân Đồng minh. Đảng ta sẵn sàng hưởng ứng khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật. Tuy nhiên, Đảng ta hết sức chủ động và sáng suốt khi đưa ra chủ trương cùng Đồng minh chiến đấu: “Ngay bây giờ phát động du kích phải là phương pháp duy nhất của dân tộc ta để đóng vai trò chuẩn bị hưởng ứng quân Đồng minh một cách tích cực. Song dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc Tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong tình thế biến chuyển thuận tiện”[7].

 

Bác Hồ và tướng Giáp chụp ảnh cùng toán Con nai của OSS tháng 8/1945. Ảnh: Thanh niên

Một điểm cần nhấn mạnh ở đây là từ cuối tháng 9 - 1944, sau khi trở về Pác Bó (Cao Bằng), cùng với việc tích cực chỉ đạo công tác thành lập lực lượng vũ trang, hình thành các khu giải phóng, Hồ Chí Minh tranh thủ mọi cơ hội dù là nhỏ nhất - đến gặp các cơ quan của Mỹ đóng ở Côn Minh nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Đồng minh chống phát xít đối với cách mạng Việt Nam. Tháng 2-1945, Người đã đi Côn Minh, nơi có trụ sở của Không đoàn Mỹ thứ 14 dưới sự chỉ huy của tướng Sênôn (Chenault), Cơ quan phục vụ chiến lược OSS và Cơ quan Cứu trợ không quân AGAS. Tại Côn Minh, nhân danh Việt Minh, lực lượng đã giải thoát cho Trung úy Sao”[8], Người tiếp xúc với AGAS, gặp SáclơPhen (Charles Fenn), Trung úy Mỹ trong OSS, người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Đồng minh đang hoạt động trên đất Việt Nam lúc đó. Theo nhật ký của Sáclơ Phen thì trong cuộc nói chuyện, Sáclơ Phen hỏi ông Hồ muốn gì ở người Mỹ, ông Hồ trả lời rằng, chỉ cần người Mỹ công nhận tổ chức của ông. Khi Sáclơ Phen hỏi ông Hồ có phải là cộng sản, thì ông Hồ trả lời rằng người Pháp gọi tất cả những người Việt Nam mong muốn độc lập đều là cộng sản”[9]. Trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã đến Cơ quan Thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI) đọc sách báo và thu thập những thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới. Cùng với những cuộc tiếp xúc với Sáclơ Phen, Hồ Chí Minh đã nhận được từ những đại diện lực lượng Đồng minh sự giúp đỡ về các phương tiện thông tin liên lạc, vũ khí, thuốc men. Với những thiết bị thông tin và những lính Đồng minh phụ trách điện đài, từ khoảng tháng 5-1945 trở đi, Việt Minh đã có điều kiện liên lạc thường xuyên, trực tiếp với các lực lượng Đồng minh ở Trung Quốc. Đồng minh cho máy bay thả hàng viện trợ cho Việt Minh, đưa lực lượng vào hoạt động sâu trên đất Việt Nam, trong đó có toán “Con nai” của Thiếu tá Tômát (Thomas). Việc Hồ Chí Minh nỗ lực liên lạc với Đồng minh và đứng về phe Đồng minh chống phát xít không những nhận được sự giúp đỡ về vật chất mà còn giành được thắng lợi tinh thần to lớn khi những lực lượng phản tiến bộ, phản dân chủ phải đối mặt với Việt Minh.

Sau khi Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật (8-8-1945), ồ ạt tiến công đội quân Quan Đông của chúng, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản (6 và 9-8-1945), ngày 10-8, các Chính phủ phe Đồng minh gửi Công hàm yêu cầu Nhật đầu hàng không điều kiện, ngày 12-8, Nhật gửi Công hàm cho Mỹ và các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán lập lại hòa bình, chấp nhận “ngừng bắn”. Được tin này, Hồ Chí Minh nhanh chóng hội ý với Ban Thường vụ Trung ương, đi tới quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Tinh thần này đã được quán triệt trong Hội nghị toàn quốc của Đảng (13 đến 15-8). Ngày 15-8 nhận được tin Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị của Đảng mau chóng kết thúc để các đại biểu về địa phương kịp phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc (15-8), Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng của Mặt trận Việt Minh gửi một thông điệp cho Liên Hợp Quốc qua nhà cầm quyền Hoa Kỳ. Nội dung: “chúng tôi đã đứng về phía Liên Hợp Quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên Hợp Quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên Hợp Quốc nuốt lời hứa quan trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ kiên quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”[10]. Thông điệp của Hồ Chí Minh - từ cách tiếp cận giải quyết quan hệ quốc tế - cho thấy Người ứng xử một cách khôn khéo, “có lý, có tình”, vừa mềm dẻo, vừa cương quyết với cường quốc Hoa Kỳ khi kế hoạch “ủy thác quốc tế” của Roosevelt đã bị chế độ hành pháp của Truman xóa bỏ, dẫn tới một bảo đảm chắc chắn cho De Gaulle phục hồi chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.

Ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh và quân Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương, Đảng ta đã nhanh chóng chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa trong phạm vi cả nước. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, chúng ta đã nhanh chóng giành được chính quyền từ tay Nhật, đứng ở địa vị người chủ đất nước tiếp đón quân Đồng minh.

Lúc khởi nghĩa Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà lãnh đạo được Nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng hùng hồn cho việc xây dựng, rèn luyện một Đảng chất lượng hơn số lượng, giàu nghị lực, trí tuệ, bản lĩnh và quyết tâm, tất cả vì lợi ích của dân tộc. Có một Đảng như vậy lãnh đạo thì nhất định thành công.

Như vậy, với số Đảng viên nhỏ bé ban đầu, đến nay đảng ta đã có trên 5 triệu đảng viên sau hơn chín thập kỷ hình thành và phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng, thời kỳ lịch sử mới các đảng viên của Đảng phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình luôn kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng, trung thành vô hạn với Đảng, với đất nước, Nhân dân, sẵn sàng hy sinh, gian khổ trước, hạnh phúc hưởng sau, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lối sống trong sáng được nhân dân tin cậy, làm thước đo chất lượng đội ngũ đảng viên, là cơ sở để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu cao xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân như lời căn dặn của Người.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 406.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 401.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 1.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, tr. 119.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7, tr.113.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7, tr.125.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, tr. 372 - 373.

[8] Cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ lượn trên bầu trời Cao Bằng, bị hỏng máy. Viên Trung úy phi công Sao (Shaw) nhảy xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ. Thực dân Pháp và quân Nhật đều muốn tìm kiếm viên phi công. Nhưng Trung úy Sao đã được Việt Minh cứu thoát đưa về một địa điểm gần biên giới Việt – Trung. Đầu năm 1945, Hồ Chí Minh đã tiếp Sao.

[9] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 2, tr. 217.

[10] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 3, tr. 261.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445399

Hôm nay

2136

Hôm qua

2296

Tuần này

21008

Tháng này

211658

Tháng qua

120141

Tất cả

114445399