Góc nhìn văn hóa

Hiểu thêm về tín ngưỡng thờ mẫu và thờ mẫu ở Nghệ An

Tín ngưỡng thờ Mẫu được xem là một đạo tôn thờ các vị nữ thần dưới danh nghĩa là Mẹ, đã tồn tại hàng nghìn năm trong cuộc sống của người Việt cổ. Đây không phải lả một tín ngưỡng tôn giáo đơn thuần. Thông qua các truyền thuyết, câu truyện lịch sử cùng những nghi lễ và lễ hội, đặc biệt trong hình thức diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, cần thiết được lưu truyền. Trong tất cả các tín ngưỡng dân gian từ xưa đến nay được người Việt thờ phụng thì tín ngưỡng thờ thở Mẫu được xem là tín ngưỡng lớn, được đa số người Việt Nam quan tâm. Tín ngưỡng thờ Mẫu sau này phát triển thành Đạo Mẫu, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diênh Nhân loại năm 2016.

1. Lịch sử hình thành của tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng này thờ hình tượng người phụ nữ bắt đầu xuất hiện từ thời nguyên thuỷ. Khi con người nảy sinh những ý niệm về linh hồn người đã chết. Đã có nhiều người đi tìm lời giải về nguồn gốc tín ngưỡng này suốt hàng trăm năm qua. Trong số những quan niệm, ý kiến người ta dễ chấp chận thì nhiều học giả nghiêng về câu trả lời là: Nguyên nhân ra đời của tín ngưỡng thờ Mẫu là từ chế độ mẫu hệ. Bởi ở thời kỳ này, người phụ nữ giữ vai trò làm chủ gia đình, họ gần như có quyền lực tối cao, có toàn quyền quyết định những vấn đề to nhỏ trong gia đình, thị tộc. Họ còn góp phần quyết định sự tồn tại và phát triển của gia đình, thị tộc và cộng đồng xã hội.

Do đó, ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm của xã hội nông nghiệp, mang tàn dư của xã hội mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ. Từ chỗ người mẹ có nhiều công ơn trong việc sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục đến những đóng góp cho gia đình, thị tộc rộng hơn là xã hội quốc gia. Từ xa xưa cho đến hiện nay, người mẹ đã được đề cao trong gia đình đến ngoài xã hội nhiều người được tôn vinh là Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu, Chúa Bà…

Thuở ban đầu, tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ việc tôn thờ các vị nữ thần tự nhiên như thần Mưa, thần Gió, thần Sấm… Bởi trong suốt quá trình mưu sinh tồn tại của cư dân gốc nông nghiệp, họ phải dựa vào tự nhiên, trông cậy vào trời đất. Vì vậy, họ xem việc tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, bão, lụt… là đấng tối cao, như là người mẹ của mình. Điều này chứa đựng ước mong của con người thuở đó là được sự bảo trợ, che chở của các mẹ, các Mẫu cho cuộc sống họ được bình an, ấm no. Do đó, các Mẫu đối với họ là những bậc siêu phàm, có quyền năng tối cao điều khiển được tự nhiên.

2. Sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu

Theo dòng thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển thành Mẫu thần là mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Câu chuyện về mối tình giữa cha Rồng Lạc Long Quân với mẹ Tiên Âu Cơ được con cháu người Việt nhắc nhau muôn đời rằng: “Lạc Long Quân kế tiếp họ Hồng Bàng, lấy con giái họ Âu Lạc có điềm lành sinh ra trăm con trai, tổ của Bách Việt thực sự bắt đầu từ đấy, hưởng nước lâu dài, giàu có sống lâu và nhiều con trai, từ xưa tới nay chưa từng có vậy”[1]. Từ vị trí là người vợ, Mẫu Âu Cơ đã có công sinh thành và dưỡng dục nên trăm người con. Từ đó, sản sinh ra con cháu Lạc Hồng đến ngày nay. Đặc biệt, Mẫu đã sinh người con trai cả, sau lên làm vua nước ta lấy hiệu là Hùng Vương - Quốc Tổ dân tộc Việt Nam. “Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban đức ban ơn vỗ về dân chúng, chuyên nghề làm ruộng nuôi tằm, không lo tới việc binh đao chinh chiến”[2].

Trên cơ sở đó, Mẹ Âu Cơ được các thế hệ con cháu sau này tôn thờ là Quốc Mẫu của dân tộc ta. Mẹ Âu Cơ được tôn thờ nhiều nơi, trong những chính điện lớn và trang trọng. Đặc biệt, Mẹ được thờ tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Sau này, khi Phật giáo bám rễ chắc ở nước ta, nhiều phật tử, sư tăng và cả Nhân dân thập phương tôn thờ Phật Mẫu Quan Thế Âm Bồ Tát, xem Ngài là vị cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Người ttôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người có nhiều công ơn giúp Nhân dân thoát khổ đau, bệnh tật….hay thờ các Mẫu là nữ anh hùng có công với dân tộc, hoàng hậu, công chúa, tổ cô của dòng họ hay tổ nghề của một làng nghề…

Trong dân gian, Mẫu còn là những người phụ nữ nổi danh trong lịch sử với vai trò là người bảo hộ, khi sống tài giỏi, có công với dân với nước, còn khi mất phù trợ cho người an, vật thịnh. Những nhân vật này được tôn thờ rồi dần được Nhân dân thần thánh hóa trở thành một trong những hiện thân của thánh Mẫu.

Trải qua hàng trăm ngàn năm hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ mẫu được mở rộng thêm với loại hình thờ Tam Phủ rồi Tứ Phủ. Tam Phủ còn được gọi tên khác là Tam tòa Thánh Mẫu, thờ 3 vị Mẫu chính đứng đầu 3 phủ theo quan niệm tâm linh của họ, đó là: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời gọi là Thiên Phủ, trong điện thờ được đặt ở chính giữa và mặc áo màu đỏ; Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi gọi là Nhạc Phủ, trong điện thờ được đặt bên trái Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu xanh; Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước gọi là Thủy Phủ, trong điện thờ được đặt bên phải Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu trắng. Còn Tứ Phủ ngoài thờ ba vị Thánh Mẫu ở Tam Phủ thì người ta đưa vào thêm một phủ nữa là Địa Phủ để thờ các vị thần linh khác.

Cả Tam phủ và Tứ phủ ngoài thờ Tam Tòa Thánh Mẫu còn thờ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị quan lớn… nên được gọi thêm tên khác là công đồng Tam Phủ hay Tứ phủ vạn linh

3. Vài đặc trung của tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng đặc trưng của từng vùng miền và được hình thành trên cơ sở thờ Nữ Thần. Ở Việt Nam, trong quan niệm dân gian từ xưa nổi lên 3 vị Thánh Mẫu như hiện thân đại diện cho 3 miền: Miền Bắc với sự nổi trội của Chúa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh), miền Trung với Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc (Mẹ xứ sở dân tộc Chăm), miền Nam với Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen).

Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu có hai hình thức điển hình nhất mang đặc trưng cho bản sắc văn hóa người Việt, đó là Tam Phủ và Tứ Phủ. Có nhiều thần tích của các ngài mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc và gắn với tổ tiên người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng đa thần. Trong tín ngưỡng này có sự đan xen, tiếp thu và hòa đồng với một số yếu tố của tín ngưỡng, tôn giáo khác ở nước ta. Đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ các vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Thì Nhậm… hay Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo…

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh, ý thức hướng về cội nguồn dân tộc, đất nước theo đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt. Trên cơ sở đó, nhắc nhở và răn dạy con người sống cho phải đạo: Trân trọng và biết ơn người mẹ, người phụ nữ. Nhờ đó, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

4. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nghệ An

Hòa cùng tâm thức về tín ngưỡng của người Việt cả nước cũng như miền Trung, người Nghệ An từ xưa tới nay rất coi trọng tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong các tài liệu cổ không nêu rõ người xứ Nghệ bắt đầu thờ Mẫu từ bao giờ nhưng trên cơ sở các dấu tích lịch sử và khảo cổ học thì họ bắt đầu tín ngưỡng này từ rất sớm.

Trên vùng đất này, nhiều dấu tích, di tích được lưu giữ hay được lưu truyền đã phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu bắt đầu ở Nghệ An chậm nhất từ thời phong kiến. Điều này được khẳng định thông qua các đình, đền, chùa, miếu… trên địa bàn tỉnh thời đó đã đưa các vị Thánh Mẫu vào điện thờ, cung thờ. Đặc biệt, khi Phật giáo được mở rộng ở tỉnh này thì người ta đưa các Mẫu vào thờ kết hợp với thờ Phật. Tiêu biểu có đền thờ Đức Thánh Mẫu ở Nam Đàn, xây dựng từ thời Lý (thế kỷ X); Chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn, xây dựng thời nhà Hồ (thế kỷ XV); chùa Bà Bụt ở huyện Đô Lương, chùa Am Ốc ở huyện Quỳnh Lưu… đã được người dân tôn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Phật Mẫu từ thời Lý.

Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa ở Nghệ An đều xây đắp tượng lộ thiên và tôn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát là Phật Mẫu. Họ xem Ngài là người mẹ hiền luôn lắng nghe, che chở và cứu vớt những đứa con đang bị khổ nạn. Vì Vậy, Mẫu Quán Thế Âm Bồ Tát được đông đảo sư tăng, ni, phật tử và cả Nhân dân phụng thờ cả ở chùa, ban thờ tư gia và những ngày lễ trọng của Ngài.

Một trường hợp đặc biệt ở Nghệ An là chùa Đại Tuệ thuộc huyện Nam Đàn tôn thờ riêng hẳn vị Phật Mẫu Đại Tuệ. Theo nguồn tư liệu dã sử thì ngôi chùa này được xây từ thời vua Mai Hắc Đế chống nhà Đường (thế kỷ VIII).

Theo chính sử thì đầu thế kỷ XV, chùa được Vua Hồ Quý Lý cho xây dựng và thờ Phật Mẫu Đại Tuệ. Việc làm này để cảm tạ công ơn Đức Phật Mẫu Đại Tuệ đã báo mộng hướng dẫn cho nhà vua xây được thành để chống giặc Minh[3].

Năm 2011, tăng ni, phật tử và Nhân dân trong vùng đã góp công sức để đúc lại tượng Phật Mẫu Đại Tuệ bằng đồng. Sau khi làm lễ yên vị tại chùa, Nhân dân thập phương có điều kiện để chiêm bái hình tượng của Ngài. Hội đồng kỷ lục gia Việt Nam đã xác nhận bức tượng đồng Phật Mẫu Đại Tuệ ở ngôi chùa này là tượng Phật Mẫu Đại Tuệ lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Từ năm 2016 đến nay, chùa Đại Tuệ còn tổ chức trang nghiêm và quy mô ngày càng lớn lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/03 âm lịch). Tại đây, đông đảo người dân về lễ bái, dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng cùng Quốc Mẫu Âu Cơ và Quốc Phụ Lạc Long Quân[4]. Thời điểm này, Nhân dân thành phố Vinh cũng đến đền Hồng Sơn để tổ chức lễ giỗ Tổ các vua Hùng và Mẹ Âu Cơ.

Hiện nay, loại hình thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ cũng khá phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bên cạnh lập các điện thờ riêng thì các tín đồ, sư tăng, phật tử cũng lập ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu riêng tại các đền, chùa, miếu… hay tư gia.                                                                          

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đại Đồng - Thích Thọ Lạc (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Nghệ An, Nxb tôn giáo, 2021.

2. Nguyễn Quang Hồng, Chùa Đại Tuệ, Nxb Nghệ An, 2017. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, năm 2016.

3. Vũ Ngọc Khánh, Đạo thánh ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.

4. Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1997, Tr. 28 - 29.

5. Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn hóa, H. 1960.

6. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb Khai trí, 1961.



[1]. Nguyễn Đại Đồng (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Nghệ An, Nxb tôn giáo, 2021, Tr. 583 - 585.


[2]. Nguyễn Quang Hồng, Chùa Đại Tuệ, Nxb Nghệ An, 2017, Tr. 151.


[3]. Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1997, Tr. 29.

[4]. Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1997, Tr. 29.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528676

Hôm nay

257

Hôm qua

2275

Tuần này

2949

Tháng này

215372

Tháng qua

0

Tất cả

114528676