Đất và người xứ Nghệ

Họa sĩ Hoàng Hải Thọ - một đời đam mê với hội họa

Bắt cá đêm trăng (sơn dầu)

Quê gốc ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhưng họa sĩ Hoàng Hải Thọ lại trải qua tuổi thơ lăn lộn kiếm sống trên từng góc phố của thị xã Vinh, từ một anh công nhân cơ khí ô tô đam mê cháy bỏng với hội họa đã vượt lên mọi gian khó, thử thách và trở thành một họa sĩ có nhiều thành tựu trong nền mĩ thuật Nghệ An.

 Tâm sự về con đường tới hội họa, họa sĩ Hoàng Hải Thọ chia sẻ: “Niềm đam mê hội họa của tôi có lẽ đã chịu nhiều ảnh hưởng từ ở bố mình. Ông cụ vốn là một kiến trúc sư được đào tạo từ thời Pháp và sau này đã có nhiều đóng góp cho công cuộc tái thiết, quy hoạch, xây dựng thành phố Vinh sau chiến tranh”.

 

Họa sĩ Hoàng Hải Thọ

Hoàng Hải Thọ sinh năm 1945, quê ở làng Châu Trinh, xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông tốt nghiệp Trường ĐH Mĩ thuật Hà Nội năm 1984, hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam.

 Hơn 30 năm công tác tại ngành Văn hóa Nghệ An, là quãng thời gian ông cống hiến, sáng tạo không mệt mỏi cho lĩnh vực thông tin cổ động, tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ và mảng phù điêu, tượng đài…

 

Mẹ Việt Nam anh hùng (khắc gỗ)

Tranh của Hoàng Hải Thọ giản dị và tiềm ẩn sự đa diện, sâu sắc và tính hiện thực được khái quát cao. Ông vẽ nhiều chủ đề khác nhau, nhưng sở trường vẫn là những đề tài truyền thống về quê hương, con người và thiên nhiên. Tranh của ông thấm đẫm chất dân gian, gần gũi với đời thường như Vinh quy, Đi nhủi, Về đi voi ơi, Bắt cá đêm trăng, Ký ức mùa lũ, Nắng công viên… đều được sáng tạo trên nền sơn dầu, giấy dó, khắc gỗ… Họa sĩ Hoàng Hải Thọ tâm đắc: “Tôi rất ưa thích mảng tranh sơn dầu theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Ðông, sử dụng cả hai thủ pháp gợi và tả, không vẽ trên cái thấy thường tình, mà vẽ theo cái thuộc, cái cảm”.

 Ở mảng tranh khắc gỗ, họa sỹ Hoàng Hải Thọ đã tiếp thu nét tinh hoa của nghệ thuật khắc gỗ truyền thống bằng hệ thống nét đen, không gian ước lệ kết hợp hài hòa với hình thức tạo hình hiện đại trong xử lý bố cục, không gian, diễn hình, diễn màu để làm nên những bức tranh vừa mộc mạc chân quê vừa tinh tế và hiện đại. Ðiều đó tác động trực tiếp đến thị giác và cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn của người xem.

 

Tượng đài Nhà lao Vinh do nhóm tác giả Hoàng Hải Thọ, Tiêu Cao Sơn, Ngô Hùng Lương và Đào Phương thực hiện

Họa sỹ Hoàng Hải Thọ đã giành được nhiều giải thưởng ở nhiều thể loại: Giải C Triển lãm 10 năm mĩ thuật Nghệ An (1985-1995), Giải Nhất tranh cổ động Nghệ An 1996; Giải thưởng của Quỹ phát triển Văn hóa Việt Nam - Thủy Điển (SIDA) năm 2000, Giải khu vực Bắc miền Trung do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2006, 2012, 2018; Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương năm 1995, 2002, 2005, 2010, 2016, 2022; 5 lần tham gia triển lãm mĩ thuật toàn quốc, nhiều tranh trưng bày tại các triển lãm mĩ thuật quốc tế ở Bungari, Trung Quốc và Rumani.

 

Đi nhủi (giấy dó)

Hoàng Hải Thọ được biết đến là tác giả và đồng tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc tiêu biểu ở Nghệ An như: tượng đài khởi nghĩa Đô Lương, Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ, tượng đài Kênh Nhà Lê, Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hi sinh ở Nhà lao Vinh, các mảng phù điêu và trưng bày ở Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong…. Ông còn là tác giả của các logo như Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Hang Bua, biểu trưng Cửa Lò, Lễ hội đền Vua Mai, biểu trưng Lễ hội Uống nước nhớ nguồn …. Ngoài ra, ông có nhiều tác phẩm minh họa trên Tạp chí Sông Lam.

 Cả cuộc đời dường như họa sĩ Hoàng Hải Thọ luôn dành đam mê cho hội họa, kể cả sau này bị tai biến tới hai lần, đi lại khó khăn, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn kiên trì tập luyện, phục hồi để tiếp tục cầm cọ cống hiến những tác phẩm mĩ thuật cho đời.

PGS, TS Phan Thanh Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế đánh giá: “Tính cách của Hoàng Hải Thọ tự nhiên và cuồng nhiệt, một tính khi mà ông thanh cao hóa trong nghệ thuật của mình. Ông quan tâm tới các nhân vật, đặc biệt chú trọng động thái nhân vật, mở rộng không gian, sử dụng linh hoạt bảng màu trầm buồn, hư ảo, sống động. Màu thời gian trên hình con người, vạn vật đối chọi tương phản nhau làm chúng trông khác đi, lạ lẫm hẳn, có xu hướng lơ lửng và bất tận, mạng lại hiệu ứng nghệ thuật rõ rệt với chủ nghĩa hiện thực, là những giá trị tạo hình độc đáo của ông đã làm cho người ta thích thú. Những tác phẩm của ông tuy được hấp thụ, chất lọc từ tinh hoa nghệ thuật truyền thống, nhưng đặc tính dân tộc hiện đại được biểu hiện khá rõ nét, Cái gì đã làm cho nghệ thuật của họa sĩ Hoàng Hải Thọ có được đặc tính ấy? Phải chăng đó chính là nhờ một cách nhìn “công nghiệp” đầy sáng tạo và trí tuệ đối với cuộc sống và nghệ thuật?”

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447177

Hôm nay

2211

Hôm qua

2299

Tuần này

2815

Tháng này

213436

Tháng qua

120141

Tất cả

114447177