Đất và người xứ Nghệ

Họa sĩ Tiêu Cao Sơn với những “tìm tòi âm thầm”

“Với nghề, họa sĩ Tiêu Cao Sơn say đắm, yêu tột cùng với “dòng huyết nóng”. Đam mê mà trầm lắng. Dễ tính nhưng không dễ dãi. Ông có độ nhạy cảm trước hiện thực cuộc đời để mọi sự vật, hiện tượng khi vào tranh của ông đều chân thực mà rất gợi cảm”. Đó là sự tiếc nuối của những người bạn đồng nghiệp thân thiết mỗi lần nhắc tới họa sĩ Tiêu Cao Sơn, dù ông đã rời xa cõi tạm gần hai mươi năm.

Múa đèn (bột màu)

Sinh năm 1947, quê cha ở tỉnh Thái Bình, quê mẹ ở Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng Tiêu Cao Sơn lại sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại thành phố Vinh. Đam mê và bộc lộ năng khiếu hội họa ngay từ thuở nhỏ, bởi vậy mới 22 tuổi, Tiêu Cao Sơn đã trở thành cán bộ chuyên ngành hội họa của Ty Thông tin Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội, năm 1983, ông là Trưởng phòng Thông tin của Trung tâm Thông tin, Triển lãm tỉnh Nghệ An; năm 1990 là Phó Giám đốc Trung tâm, hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam, Trưởng ban Mĩ thuật Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An khóa V và VII. Năm 2005, ông đột ngột qua đời vì bạo bệnh trong niềm thương tiếc của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Nhiều người khóc ông, có người khóc bằng thơ: “Bức tranh để lại/Mảng màu chưa khô/Nét nào về với hư vô/Nét nào hoang lạnh mấp mô kiếp người/Sao đành bỏ dở cuộc chơi…” (Lương Khắc Thanh),  “Quý anh. Đường nét, sắc màu/Tôi yêu yêu tự lúc nào chẳng hay…” (Lê Văn Minh). Thì ra, nhắc đến Tiêu Cao Sơn, người đời đâu có nhớ những chức vụ, cho dù ông luôn làm tận tâm, mẫn cán. Nhắc tới ông, người ta nhớ tới một nghệ sĩ không mấy ồn ào, hết mực đam mê với nghiệp vẽ.

Múa lân (Sơn dầu)

Hai tác phẩm sơn dầu “Chọi trâu” và “Múa lân” tại Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc năm 1990, có thể xem là một dấu mốc quan trọng trong nghiệp vẽ của Tiêu Cao Sơn. Trước và sau cái mốc này, một số tác phẩm như “Gạch men” (sơn dầu, 1980), “Hoa sen” (bột màu, 1987), “Lối về” (sơn dầu, 1998), “Chơi tam cúc” (giấy dó, 1997)… được dư luận trong và ngoài nghề đánh giá cao, một số bức vẽ đến nay còn được nhắc tới mỗi khi cần tham khảo.

Chơi tam cúc (giấy dó)

Mẹ (sơn dầu)

Năm 1994 là một năm thành công khi cùng lúc ông nhận cả giải Nhất và Nhì hai tác phẩm “Mẹ” (sơn dầu) và “Đền Ông” (bột màu) tại Triển lãm Mĩ thuật Nghệ An. Tác phẩm “Lối về” (sơn dầu, 1998) của ông nhận giải Tặng thưởng của Hội Mĩ thuật Việt Nam. Đáng chú ý, chùm minh họa cho Tạp chí Sông Lam đạt giải Nhì tại Triển lãm Mĩ thuật khu vực Bắc miền Trung, do Hội Mĩ thuật Trung ương trao tặng.

Họa sĩ Tiêu cao Sơn nhận Giải thưởng Mĩ thuật Việt Nam năm 1996

Trong nhiều năm công tác tại Trung tâm Thông tin Triển lãm tỉnh, ông có hàng trăm maket tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà và đất nước. Tên tuổi của ông còn gắn mãi với bức phù điêu 12 cô gái Truông Bồn, phù điêu Tượng đài chiến thắng Đô Lương, Khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn). Đặc biệt, ông và nhóm tác giả để lại cho đời tác phẩm Tượng đài Nhà lao Vinh đặt tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Nhận xét phong cách nghệ thuật về tranh Tiêu Cao Sơn, họa sĩ Ngô Xuân Bính rất tâm đắc: “Tiêu Cao Sơn rất sành tổ chức các mảng hình và độ đậm nhạt, tuy các mảng hình trong anh rất đơn giản, thậm chí chỉ là những hình mảng khái quát sơ lược gần như không có gì, hư hư thực thực và có lúc được anh chủ động tạo ra cái vẻ thơ dại đến mức ngỡ như vô lý… nhưng rất được, cái duyên kín, có phần thâm thúy, rất riêng của anh. Từ những bức minh họa cho báo và Tạp chí Sông Lam đến những tác phẩm được giải triển lãm, của khu vực, tranh Tiêu Cao Sơn đều khai thác các đề tài bình dị, như: “Múa lân”, “Chọi trâu’, “Hát chèo”, “Chơi tam cúc”, “Lối về”, “Phơi cá”… đều được tổ chức và giải quyết bằng thủ pháp tưởng như rất “cổ” nhưng, đó là cái mới, cái hiện đại theo kiểu của anh”.

Trong số các họa sĩ Nghệ An thời kỳ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Tiêu Cao Sơn đã đứng vững và trở thành một trong những tay bút vững vàng chính là nhờ những tìm tòi, khám phá. Sự thành công thông qua các tác phẩm ông vẽ trong mấy chục năm qua, đó là sự kết hợp khéo léo, có chủ định.

Họa sĩ Hoàng Hải Thọ, một đồng nghiệp đồng thời là người bạn thân thiết trong mấy chục năm với Tiêu Cao Sơn, chia sẻ: “Trong nghề, Tiêu Cao Sơn luôn nghiêm túc với chính mình. Anh không dễ dãi và suồng sã. Tuy tranh ít nhưng tranh nào cũng có sự chu tất, thậm chí quá mức. Tiêu Cao Sơn là một họa sĩ trên đất Nghệ có “những tìm tòi âm thầm”. Anh là một tác giả, một trong những người đi đầu góp phần không nhỏ xây dựng nền mỹ thuật Nghệ An”.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443168

Hôm nay

259

Hôm qua

2305

Tuần này

2981

Tháng này

218342

Tháng qua

112676

Tất cả

114443168