Tin tức
Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Thành Duy
Hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn (29/6/1899-29/6/2024), sáng 24/6, tại tỉnh Nghệ An, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.
Các đồng chí Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Đồng Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
Cùng tham dự Hội thảo hơn có hơn 200 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Lê Hồng Sơn,…
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiểu nhà nghiên cứu. Ảnh: Thành Duy
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đây là dịp để chúng ta tôn vinh và tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tại Hội thảo cần tập trung thảo luận, cung cấp thông tin, tư liệu về một số vấn đề: Đóng góp của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Lê Hồng Sơn - Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; Đồng chí Lê Hồng Sơn, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An.
Đồng chí đề nghị, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực cao độ, tranh thủ mọi thuận lợi, thời cơ, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Học tập tấm gương anh hùng cách mạng, nhiệt huyết yêu nước, sự hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân của đồng chí Lê Hồng Sơn, chúng ta càng có thêm ý chí phấn đấu và quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối anh hùng cách mạng và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Lê Hồng Sơn (1899 -1933). Ảnh TL
Đồng chí Lê Hồng Sơn có tên khai sinh Lê Văn Phơn (thường gọi là Lê Văn Phan) sinh năm 1899 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản diễn ra sôi nổi khắp cả nước, Nam Đàn đã trở thành nơi quy tụ các văn thân sỹ phu yêu nước và sục sôi với phong trào Đông Du. Nối tiếp truyền thống của quê hương và các thế hệ tiền bối, Lê Văn Phan đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung. Vì vậy, năm 1920, Lê Văn Phan đã từ giã gia đình, bạn bè, quê hương lên đường sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Tại Trại Cày - Thái Lan (một cơ sở yêu nước của người Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa gây dựng), Lê Văn Phan đổi tên là Lê Hồng Sơn. Tiếp đó, ông được Đặng Thúc Hứa gửi sang Hải Nam (Trung Quốc) học tập. Cuối năm 1920, Lê Hồng Sơn đến Quảng Châu.
Tháng 3/1921, tại Hàng Châu (Trung Quốc), Lê Hồng Sơn gặp Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm. Năm 1923, ông cùng Hồ Tùng Mậu và một số thanh niên yêu nước ở Quảng Châu thành lập tổ chức “Tâm Tâm xã”. Tháng 6/1924, Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn được thành lập theo mẫu hình của Hồng quân Liên Xô, Lê Hồng Sơn và Trương Văn Lĩnh đã trúng tuyển vào học khóa đầu tiên của trường. Cuối năm 1924, sau khi được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Sơn đã được hiểu thêm về chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Lê Hồng Sơn cùng 8 thanh niên ưu tú được Nguyễn Ái Quốc chọn vào tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn; và đồng chí được kết nạp đảng. Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh trở thành trợ thủ đắc lực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc đào tạo, huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam.
Với những hoạt động cách mạng của mình, đồng chí lê Hồng Sơn đã từng bước trở thành cán bộ cốt cán, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những năm đầu thành lập Đảng. Khi Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập (1925), đồng chí Lê Hồng Sơn là một trong những người đầu tiên tham gia Hội và được cử vào Tổng bộ. Và sau này, đồng chí Lê Hồng Sơn còn là một trong những thành viên của nhóm Cộng sản Đoàn - hạt nhân của tổ chức Đảng Cộng sản. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn tham gia viết bài, xuất bản tờ “Thanh niên”, tham gia tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ; tham gia tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Chính những hoạt động tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã làm cho phong trào công nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, đến năm 1929, 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Đồng chí Lê Hồng Sơn giữ vai trò quyết định trong việc ra đời của tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và tham gia vận động hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” thuộc Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản.
Trong suốt 13 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí tham gia 3 vụ án hình sự: trừng trị tên phản động Phan Bá Ngọc, tên toàn quyền Méc lanh và tên tay sai chỉ điểm Kiêm Quang Ích ...Lê Hồng Sơn chính là tấm gương người cộng sản dũng cảm, kiên trung, sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập của quê hương, Tổ quốc.
25 lần thay tên đổi họ là 25 lần Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn hai lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, trục xuất khỏi Trung Quốc. Lần thứ ba, sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 1932, Lê Hồng Sơn một lần nữa bị nhà chức trách Thượng Hải bắt giam và chuyển cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương quản thúc và xử lý, đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam Triều tại Nghệ An kết án tử hình. Sau ba lần bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ nhưng không thể nào khuất phục được bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ngày 20/02/1933, Lê Hồng Sơn bị xử bắn tại quê nhà - xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.
Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường Quốc lộ 46, trong khuôn viên đẹp với diện tích 2.900m2 đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cùng với đền Tán Sơn, nơi hoạt động của đồng chí trong thời gian trước khi xuất dương (Quyết định số 1423QĐVH ngày 23/7/1998).
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn là một di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam thời cận, hiện đại. Nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn di sản liên quan đến đồng chí Lê Hồng Sơn làm tấm gương để giáo dục truyền thống mai sau là việc làm cần thiết mang nhiều ý nghĩa.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Duy
GS.TS Bùi Đình Phong phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày các tham luận trong đó tập trung phân tích, đánh giá hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Hồng Sơn trên những nội dung chủ yếu như: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước của đồng chí Lê Hồng Sơn. Đây là nền tảng ban đầu, góp phần sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, thúc đẩy đồng chí Lê Hồng Sơn tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân và sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, đi theo con đường cách mạng vô sản. Nhiều báo cáo, tham luận khoa học đã tập trung làm rõ những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh Thành Duy
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao chất lượng của 33 báo cáo, tham luận, đồng thời khẳng định sự thành công của Hội thảo khoa học không chỉ tiếp tục làm sâu sắc và sáng rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú; phẩm chất cách mạng kiên cường của đồng chí Lê Hồng Sơn, mà còn là việc làm thiết thực, thể hiện niềm thành kính, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Kết quả đạt được của Hội thảo là căn cứ quan trọng để xây dựng báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, đề xuất bổ sung đồng chí vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”, đồng thời là cơ sở khoa học để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta hăng hái học tập, lao động sáng tạo, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
tin tức liên quan
Videos
Khai mạc Giải Bóng bàn lứa tuổi trẻ các Câu lạc bộ tỉnh Nghệ An năm 2023
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Chủ nghĩa hậu hiện đại như một hệ hình thế giới quan
Vận dụng phong cách nghiên cứu, học tập lý luận Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay
Thống kê truy cập
114489182
259
2310
2992
216494
120271
114489182