Văn hóa và đời sống
Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan (Khu Di tích Kim Liên) - đơn vị tiên phong thực hiện ứng dụng công nghệ số
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, công nghệ số là một trong những động lực đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề triển khai ứng dụng công nghệ số đạt hiệu quả đã làm biến đổi và tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Với ngành bảo tàng, công nghệ số đã từng bước được đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận, quảng bá ... Nhờ vậy mà các thế hệ ngày nay có thể học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức theo cách mới lạ, độc đáo và không kém phần hấp dẫn này. Đây là bước đi mang tính đột phá, phù hợp với xu thế hiện nay và trở thành một trong những mục tiêu cần hướng tới của nhiều bảo tàng trong cả nước.
Sự kết hợp công nghệ trong bảo tàng làm cho các hiện vật trở nên sinh động hơn. Đồng thời đây cũng là cầu nối kéo gần khoảng cách và thúc đẩy các thế hệ tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến lịch sử. Hơn hết là gợi sự hứng thú và kích thích ham muốn tìm hiểu của thế hệ trẻ ngày nay đối với bảo tàng.
Các bạn trẻ rất háo hức để trải nghiệm tham quan thực tế ảo tại di tích.
Nhờ công nghệ số mà những địa điểm xưa cũ tưởng chừng như quen thuộc và nhàm chán lại ẩn chứa nhiều điều mới mẻ mà có thể không phải ai cũng biết. Chìm đắm trong một không gian vừa lạ vừa quen, được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những di vật, tác phẩm theo từng đường nét chi tiết, được hòa mình vào không gian giao thoa giữa hiện đại và cổ xưa khiến cho người xem phải ngỡ ngàng mà thích thú.
Bắt nhịp với xu thế đó, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan (Khu Di tích Kim Liên, Nghệ An) - đơn vị tiên phong thực hiện ứng dụng công nghệ số trong trưng bày.
Cán bộ Khu di tích Kim Liên đang hướng dẫn du khách cách sử dụng màn hình công nghệ.
Với công nghệ ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo tăng cường, du khách có thể sử dụng màn hình có sẵn để tham quan, trải nghiệm phần mộ của bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) và đặc biệt hơn nữa, tại đây du khách cũng có thể tham quan, trải nghiệm phần mộ ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ chí Minh). Hoặc có thể bằng thiết bị điện thoại thông minh của mình, du khách có thể quét mã QR CODE để tham quan ảo, chụp ảnh thực tế ảo làm kỷ niệm. (Ảnh 1).
Thay vì phải trực tiếp di chuyển hàng giờ để đến địa điểm tham quan thì giờ đây, du khách có thể tự tìm hiểu và khám phá mọi thông tin ngay tại phòng trưng bày của Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan chỉ bằng những cái chạm tay nhẹ. Hoặc trên thiết bị thông minh của mình, du khách tải app hoặc quét mã QR để trải nghiệm.
Công nghệ thực tế ảo VR 360 độ và thực tế ảo tăng cường AR có thể tái hiện được chính xác 100% không gian thật, quan sát những hiện vật và tư liệu một cách sống động nhất mà không mất công di chuyển và tìm kiếm. Nhờ đó, khách tham quan có thể chạm vào các lựa chọn để có thể di chuyển nhiều vị trí, khu vực khác nhau trong không gian toàn cảnh của Khu mộ, đồng thời có thể chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau; có thể lựa chọn giữa việc di chuyển theo dấu bước chân giống như trải nghiệm ngoài thực tế, di chuyển và khám phá từng khu vực một. Hoặc người xem có thể lựa chọn di chuyển đến khu vực mong muốn qua bản đồ được tích hợp ngay trên màn hình hiển thị.
Dựa trên bản đồ hoặc phối cảnh tổng quan, sau khi lựa chọn được khu vực tham quan mong muốn, du khách có thể tìm hiểu chi tiết khu vực mà mình hứng thú trải nghiệm. Tại đây khách tham quan có thể di chuyển, phóng to, thu nhỏ, xoay quanh hiện vật, đọc diễn giải, chú thích chi tiết để hiểu thêm về hiện vật.
Mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng bước đầu đã có những phản hồi rất tích cực, thu hút lượng khách khá đông vào tham quan, trải nghiệm. Điểm khu mộ bà Hoàng Thị Loan nằm cao ở trên núi, nhờ ứng dụng công nghệ số này mà phần nào đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách phù hợp với xu thế hiện nay và đặc biệt là đáp ứng được lòng mong mỏi của rất nhiều du khách vì lý do sức khoẻ, những người già cả, thương bệnh binh và những người khuyết tật họ không thể lên đến nơi để thăm viếng phần mộ những người thân trong gia đình Bác được. Nhờ những công nghệ hiện đại này mà họ như đang được trực tiếp tham quan trải nghiệm. Đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên thì đây là hoạt động trải nghiệm mới mẻ, tiện ích và vô cùng hấp dẫn. Hy vọng về lâu dài nơi đây sẽ góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ và quảng bá di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
tin tức liên quan
Videos
Bế giảng Lớp truyền dạy năng khiếu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng tại thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên năm 2024
Thơ tượng trưng và thơ siêu thực (Qua cảm nhận của Chế Lan Viên về thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê)
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện - cánh én báo hiệu mùa Xuân
Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - 20 năm xây dựng và phát triển
Thi pháp thơ Thanh Tâm Tuyền qua Tôi Không Còn Cô Độc và Liên,Đêm, Mặt trời Tìm Thấy [III]
Thống kê truy cập
114517268
2218
2397
2615
215207
121009
114517268