Góc nhìn văn hóa

Lan tỏa tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp đổi mới hôm nay

Cách mạng Tháng Tám (CMT8) năm 1945 giành thắng lợi là do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Hồ Chí Minh và Đảng chân chính cách mạng với một đường lối chính sách đúng đắn đã khơi dậy lòng yêu nước của dân ta thực hiện đại đoàn kết toàn dân. 78 năm đã trôi qua, tinh thần bất diệt đó của CMT8 vẫn luôn là động lực thôi thúc cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm, nỗ lực hành động vượt qua mọi thách thức khó khăn để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới hôm nay.

Cuộc biểu tình ngày 19/8 năm 1945 trước cửa Phủ Khâm sai Hà Nội. Ảnh tư liệu

Hơn ¾ thế kỷ trôi qua. Hiện nay tình hình thế giới và đất nước có nhiều đổi thay so với 78 năm trước nhưng tinh thần CMT8 vẫn vẹn nguyên giá trị và sống mãi trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta.

Hồ Chí Minh và Đảng chân chính cách mạng đã chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cách mạng

Cần phải nhận thức đúng đắn rằng, cuộc CMT8 năm 1945 là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945. Ngay trước khi Đảng ra đời, giai cấp phong kiến đã đầu hàng đế quốc, giai cấp tư sản non yếu chỉ mong thỏa hiệp với đế quốc để tìm một lối sống, tầng lớp tiểu tư sản tuy sôi nổi nhưng tư tưởng bế tắc không có đường ra. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã xác định: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của Nhân dân Việt Nam”[1].

Trong những văn kiện đầu tiên khi ra đời đầu năm 1930, Đảng ta đề ra đường lối cách mạng đúng đắn: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số Nhân dân ta là nông dân”[2].

Trong 15 năm, Đảng phải hoạt động bí mật, hàng ngày hàng giờ đương đầu với chính sách khủng bố cực kỳ dã man của thực dân Pháp. Ngay từ khi mới ra đời Đảng đã tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân làm nên một Xô viết Nghệ Tĩnh chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó đã rèn luyện tinh thần và lực lượng trong cuộc CMT8.

Từ năm 1936, khi nguy cơ phát xít và chiến tranh thế giới đã rõ, kinh nghiệm trong khi đưa ra chính sách chưa thật sát ở Đại hội lần thứ I (Ma Cao), Đảng đã bám sát phong trào cách mạng thế giới và trong nước, phối hợp với Mặt trận dân chủ chống phát xít thế giới và Mặt trận nhân dân Pháp để phát động một phong trào quần chúng rộng rãi. Đảng đã thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít và phản động thuộc địa ở Đông Dương, tổ chức quần chúng đấu tranh đòi tự do, dân chủ và cải thiện đời sống.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, Nhân dân ta chịu ách áp bức “một cổ hai tròng”, Đảng đã kịp thời “thay đổi chiến lược, thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể Nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi”[3]. Hội nghị Trung ương 8 nhận định, cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, Đảng đã tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Khẩu hiệu chính là đoàn kết toàn dân chống Nhật, chống Pháp tranh lại độc lập, tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Mặt trận Việt Minh đưa ra chương trình rõ rệt, thiết thực, giản đơn, đầy đủ, hợp với nguyện vọng toàn dân.

Tháng 8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh. Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào quyết định chương trình hành động. Thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Người có thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Đây là một quyết định đúng đắn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh và Đảng ta, đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sáng tạo sát với tình hình thế giới và trong nước. Thành công của Đảng là ở chỗ, Đảng ta tỏ rõ tinh thần chân chính cách mạng, đạo đức văn minh. Đảng có gan công khai thừa nhận những khuyết điểm như “Đảng lãnh đạo không thật sát, cho nên nhiều nơi cán bộ phạm phải bệnh hẹp hòi, bệnh công khai, say sưa vì thắng lợi bộ phận mà xao lãng việc củng cố tổ chức bí mật của Đảng. Đảng không giải thích rõ lập trường của mình về vấn đề độc lập dân tộc”[4]. Từ đó, Đảng rút ra một trong những bài học quý giá nhất: “Việc gì đúng với nguyện vọng Nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan, hẹp hòi, v.v…”[5].

Nói đến Đảng phải nói đến đảng viên, vì Đảng là mỗi chúng ta. Năm 1945, Đảng chỉ có độ 5.000 đảng viên, một số còn bị giam trong các nhà tù đế quốc thế mà đảng đã đoàn kết và lãnh đạo được Nhân dân cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công. “Chất” của những đảng viên lúc đó là gì? Người chỉ rõ, các đồng chí đã biết đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết; đã tin tưởng sâu sắc chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và dân tộc; đã vui vẻ hi sinh hết thảy, hi sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như hôm nay.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, tình hình thế giới và đất nước có nhiều thay đổi, nhưng trong mọi biến đổi cũng có những điều quan trọng không hề thay đổi, một trong những điều đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và kiên quyết của Đảng và thi hành chính sách ấy kịp thời, linh động, sáng tạo luôn là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới. Đường lối của Đảng phải chứa đựng chất lượng khoa học cách mạng và nhân văn, phản ánh được sự vận dụng sáng tạo góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Một đường lối đúng đắn phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và sát tình hình thế giới; được xây dựng từ nhận thức đúng và tôn trọng quy luật khách quan hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Toàn bộ đường lối, chính sách và hoạt động của Đảng tỏ rõ rằng, “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Tinh thần CMT8 đã tiếp lửa và thấm sâu vào hoạt động của Đảng hôm nay đó là Đảng phải không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và cách thức lãnh đạo, tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đồng thời, Đảng không giấu giếm khuyết điểm, có gan thừa nhận khuyết điểm, tìm nguyên nhân sinh ra khuyết điểm và có biện pháp khắc phục. Đảng phải phòng và chống những nguy cơ lớn sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên.

Tinh thần đảng viên thời CMT8 trong công cuộc đổi mới hôm nay là “Đảng không chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt nhưng phải có cái chất của người đảng viên”[6]. Thời CMT8, chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị thực dân Pháp bắn, chém hoặc đập chết trong nhà tù. Sự hi sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Ngày nay, tinh thần ấy phải được thể hiện ở “sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”[7].

Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng với một đội ngũ đảng viên luôn nêu gương vì nước, vì dân là hết sức cần thiết không chỉ trong thời kỳ CMT8 mà cả hôm nay, vì đó là mong muốn của dân. Mà “dân muốn gì, ta phải làm nấy”. “Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[8]. Hiện nay, Đảng ta chỉ rõ: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”[9].

Khơi dậy lòng yêu nước của mọi lực lượng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới

Con đường đi tới thắng lợi của CMT8 năm 1945 là quá trình Đảng ta tổ chức tập hợp, huy động đoàn kết mọi lực lượng yêu nước. Đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Hồ Chí Minh xuất phát từ lịch sử. Sử ta dạy cho ta bài học này: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[10].

Bài học đó không chỉ đúng với thời kỳ trước khi Đảng ra đời mà đúng trong mọi giai đoạn của lịch sử. Dưới thời thực dân Pháp thống trị, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do. Từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, các cuộc đấu tranh đầu thế kỷ XX đến các cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương đều tỏ rằng nhân dân ta quyết chiến đấu hi sinh để phá tan xiềng xích nô lệ nhưng tất cả đều chưa thành công. Điều đó “không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là “muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”[11]. Tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO”[12]. Tư tưởng đó được thể hiện rõ nét ở Hội nghị Trung ương Tám (tháng 5-1941) với quyết định lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để đoàn kết chặt chẽ mọi lực lượng yêu nước chống phát xít và thực dân. Làm như thế để tập trung lực lượng chống đế quốc và bè lũ tay sai, lôi kéo những người yêu nước trong các giai cấp mở rộng Mặt trận dân tộc cứu nước. Việt Nam độc lập Đồng minh (Việt Minh) với tên gọi và chương trình rõ rệt, thiết thực, giản đơn, đầy đủ, hợp với nguyện vọng toàn dân nên đã đánh thức được tinh thần dân tộc và tinh thần yêu nước của dân ta. Mười điểm của chương trình Việt Minh vừa chung cho toàn thể dân tộc vừa cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở thành lập Mặt trận Việt Minh, mà một điều cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định là giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Việt Minh; cách tổ chức các đoàn thể quần chúng; cách tuyên truyền. Không chú trọng vào hình thức lý thuyết mà phải căn cứ vào hành động thực tế để đạt được mục đích cao nhất là khơi dậy tinh thần ái quốc mạnh mẽ, thức tỉnh những tinh thần yêu nước của con Rồng, cháu Tiên thực hiện đoàn kết dân tộc.

Về mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Việt Minh, Đảng là một bộ phận trung thành nhất hoạt động nhất và chân thực nhất trong Mặt trận Việt Minh, tức là “có thể hăng hái tham gia trực tiếp chỉ huy các cuộc tranh đấu của quần chúng trong Việt Minh. Ở đó, nhờ chính trị đúng đắn của Đảng và tinh thần hi sinh của Đảng ta sẽ có ảnh hưởng lớn và uy tín mạnh để lãnh đạo toàn dân chống quân thù”[13].

Về tổ chức các đoàn thể quần chúng: phải tập trung, xoay về cứu quốc là cốt yếu. Phải mở rộng phạm vi cách mạng trong các tầng lớp nhân dân có thể có ít tinh thần yêu nước. Đảng viên phải tránh bệnh cô độc. Vì chính sách hiện tại là cứu quốc, nên “điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản mà điều cốt yếu hơn là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”[14]. Như vậy, phương cách tổ chức là phải hết sức mềm dẻo, thích hợp từng lúc, từng nơi, đừng quá chú trọng hình thức mà bỏ mất thực tế thiết thực ích lợi của nó.

Về công tác tuyên truyền: Đảng phải có nghệ thuật tuyên truyền là nhằm vào tình thế biến chuyển để đặt ra những khẩu hiệu thích hợp kịp thời huy động quần chúng ra đấu tranh. Thành công lớn nhất của Đảng đã nhận định cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nên cách tuyên truyền tranh đấu là chĩa tất cả mũi nhọn vào kẻ thù của dân tộc hơn là chú ý lãnh đạo cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho giai cấp. Đảng đã giải thích cho Nhân dân biết rằng lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn thảy, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi của toàn thể dân tộc.

78 năm trước nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Đảng khơi dậy lòng yêu nước của mọi người Việt Nam thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc tổ chức Mặt trận Việt Minh, đi tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Hiện nay, mục tiêu đặt ra là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình thế giới, đất nước và mục tiêu cách mạng hiện nay không giống trước đây. Nhưng tinh thần của cuộc CMT8 thì vẫn nguyên giá trị nóng hồi tính thời sự

Bài học qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới cho thấy đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng như trước đây, hiện nay tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do Đảng lãnh đạo. Đảng ta nhấn mạnh, không ngừng củng cố tăng cường đoàn kết. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta như Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Đoàn kết chỉ có sức mạnh thật sự bằng tổ chức “vỏ vật chất” của đoàn kết. Đó là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cũng như Mặt trận Việt Minh, hiện nay phải giải quyết tốt quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc. Đảng phải thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng hiệu quả thực chất hoạt động giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội. Đảng lãnh đạo Mặt trận. Nhưng muốn khẳng định sự lãnh đạo của mình thì Đảng phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng, là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Đảng phải đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân và Đảng, Nhà nước tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt cần “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc;… Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[15]. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có quyền lợi và trách nhiệm góp ý xây dựng Đảng. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động Nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy: “Quân thù không sợ cái gì, chỉ sợ Nhân dân Việt Nam đoàn kết”[16]. Chân lý đó đúng mọi lúc, mọi nơi. Sự nghiệp đổi mới muốn thành công phải dựa vào sức mạnh của dân ta đoàn kết.

 

Chú thích:

 

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 12, tr.407.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.407.

[3] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.118.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.21.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.21.

[6] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.10.

[7] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.146-147.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.63.

[9] Nguyễn Phú Trọng, Quyết tâm đẩy lùi và ngăn chặn tham nhũng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2019, tr. 80.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.256.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.256.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 595.

[13] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.125.

[14] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.125.

[15] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tập I, tr.172

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 490.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445380

Hôm nay

2117

Hôm qua

2296

Tuần này

2989

Tháng này

211639

Tháng qua

120141

Tất cả

114445380