Núi Hồng sông Lam
Nếu được đặt trong mạch nguồn của lịch sử địa phương, ở Việt Nam cũng như ở nơi khác, nguồn lịch sử ấy đã tạo ra những kho báu, thì tác phẩm Le Vieux An Tinh của Hippolite Le Breton cũng nằm trong số những công trình thuộc loại hiếm mà sau khi đã đọc nó trong sự tĩnh lặng của thư viện, nó vẫn xứng đáng được tra cứu tận nơi, giữa những danh lam thắng cảnh, những di tích và con người mà cuốn sách đã gợi ra và làm sống lại. Qua những trang viết bỗng nhiên thấy cần phải đọc, cụ thể đến nỗi làm người ta mòn mỏi chờ đợi, ngay cả trước đây mới chỉ đi lướt qua xứ này cũng không lưu tâm nhiều đến nó, một biểu hiện hân hoan xâm chiếm người đọc, giờ đây đã hiểu sâu sắc về nguồn gốc của các thung lũng và đầm phá, về vai trò của những dãy núi và các vách đá, về những miền đất cao được khai khẩn mà điện thờ này, đền thờ kia hay di tích ấy là minh chứng, những tấm bia và những nhà thời được dựng lên đây đó bởi các quan thượng thư, các thi nhân, các thân hào, binh lính, tù binh, bởi tất cả những ai đã làm cho Nghệ An và Hà Tĩnh - “xứ An - Tĩnh” - là một trong những vùng hấp dẫn và có tiếng nhất của Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua.
Le Vieux An - Tinh là một tuyệt tác chuyên khảo lịch sử, được soạn trên cơ sở những hiểu biết mà tác giả, khi làm nhà giáo ở trường Quốc học Vinh từ năm 1924 đến năm 1928, đã tích lũy được từ những “lớp học tham quan dã ngoại” thường xuyên được tổ chức cho học sinh của ông - những buổi học - tham quan tìm hiểu dành cho học sinh trung học mà Hội Đô thành hiếu cổ rất quý. Le Breton đã nhận được sự ủng hộ của đội ngũ các học giả Việt Nam, những người mà tác giả đã bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn trong Lời nói đầu. Ông say mê quan sát địa hình, mô tả các thung lũng và các dòng chảy, thu thập dữ liệu, thăm thú đền thờ và giải mã những tấm bia. Ông đã đi khắp nơi, thăm quan tất cả. Không những thế, ông còn lắng nghe những già làng đáng kính nể, những truyền thuyết và sử thi để rồi đem chúng đối chiếu với các nguồn sử biên niên của triều đình và cổ sử Việt Nam.
Song phương pháp tiếp cận của Le Breton mới là điều đáng chú nhất, nó tạo nên đặc tính mới mẻ cho nghiên cứu của ông. Phương pháp ấy được chỉ ra ngắn gọn ở phần Dẫn nhập (tr 68) và phần đầu Thiên II (tr.206), trước hết nó dựa trên khái niệm “xứ” theo nghĩa cổ là vùng miền, là khu vực địa lý, là thực thể về hình thể và con người, giống như những xứ Caux hay Aug, xứ Dinan, Sologne, Quercy, hay Beauvaisis… ở Pháp. Trong các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay, sự lựa chọn này của tác giả là đặc biệt sáng suốt. Thực tế, đây là nơi bắt đầu địa hình được ngăn thành ô đặc trưng của miền Trung Việt Nam, nơi mà dãy Trường Sơn hùng vĩ tỏa ra những khối núi đá cuối cùng vươn thẳng ra biển, và ngay cả ra đến biển như ở Hoành Sơn, cũng tạo ra nhiều thung lũng nhỏ hẹp và rất biệt lập, có những thung lững được bao quanh bởi những dãy núi cao, lại có những thung lũng bị tách ra khỏi biển bởi một dãi những đầm phá mà từ lâu khó khai khẩn. Trong địa hình được chia ô này, Hippolite Le Breton định ra 8 thực thể xứ: các xứ Diễn Châu, Vinh, Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Đức Thọ nằm ở phía bờ biển, còn xa hơn về phía nội địa là các thung lũng Lam Giang, Ngàn Sơn, Ngàn Sâu. Trái ngược lại với những cách nhìn tổng thể và tái lập các đơn vị nhân tạo, thường bị áp đặt bởi những vấn đề chia cắt hành chính theo khuôn mẫu có sẵn, thì ở đây chính lịch sử và sự mô tả kỹ lưỡng các danh thắng của tám “xứ tự nhiên” này tạo nên cái cốt của tác phẩm (tr.206-267).
Thêm nữa “phương pháp Le Breton” dựa trên cái mà khi đó còn chưa được gọi là liên ngành. Tác giả tự cho là “kẻ thù của những bức tường ngăn cách mà người ta thường thấy chúng được dựng lên giữa các chuyên khoa (…), song thực tế các chuyên ngành này có liên quan với nhau và cần phải biết kết hợp chúng lại khi người ta muốn tại tạo lại một cách hợp lý quá khứ của những miền duyên hải xứ Trung Kỳ (Lời nói đầu, tr 161-162). Thật sự, bản thân không muốn cho là một công trình chuyên khảo, song Le Vieux An Tinh không bỏ sót bất kỳ nguồn nào, lần lượt sử dụng cả địa chất và khảo cổ, lịch sử và văn hóa dân gian, khoa học tôn giáo, huyền thoại và mỹ thuật, kể cả văn bia, và phả hệ cùng gia phả là nguồn quan trọng trong tác phẩm này.
Là người am hiểu thực tế, quan tâm nhiều đến địa hình và phong cảnh tới mức ông đã giới thiệu công việc của mình bằng mấy trang viết về cấu tạo địa chất của vùng, vì thế Hippolite Le Breton di chuyển từ thung lũng đến thung lũng, và ở mỗi nơi ấy, ông đều theo sát dòng chảy của các con sông, mỏm núi để hiểu thật thấu đáo đền thờ này đã gắn liền với xứ ấy ra sao và lịch sử của “xứ” này được lồng vào lịch sử của toàn xứ như thế nào.
Chính xác mà nói thì sự qua lại nối tiếp nhau giữa đất An Tĩnh và lịch sử vĩ đại của Việt Nam, nói cách khác chính cách làm leo thang đã dẫn dắt đi từ di tích đến xứ sở và từ xứ sở đến vương quốc, nó tạo ra “phương pháp Le Breton” chứ không chỉ là một công trình địa phương chí đơn thuần. Chúng ta học được rất nhiều trong Le Vieux An - Tinh. Nhiều trang viết vô cùng phong phú về đồi, “núi danh tiếng” của xứ Hà Tĩnh và thung lũng Lam - Giang mà tác giả đã vạch ra dấu tích và nhắc lại vai trò vùng biên của chúng trong lịch sử. Ví như bằng các truyền thuyết địa phương và các nguồn thư tịch Hán - Việt, Le Breton đã giúp khám phá dãy núi Hồng Lĩnh, nằm ở hữu ngạn sông Lam, và nhiều đền thờ ẩn mình ở đó, vùng lòng chảo của các thung lũng (tr 219 và những trang tiếp theo). Nhiều bức ảnh chụp góp phần làm phong phú thêm những gì ông đã trình bày. Cũng chính trong xứ Vinh, tác giả giới thiệu tấm bia Tam Xuân rất độc đáo, được chạm trổ, minh chứng cho những giao thiệp và ảnh hưởng qua lại giữa người Việt và người Chăm cổ (tr.250-252). Le Vieux An Tinh cho ta rất nhiều thông tin hữu ích, như phần trình bày khái quát, dễ hiểu về lịch sử Trung Hoa (tr.193-202) kèm biểu đối chiếu theo niên đại (tr.203-205), cho phép đặt lại lịch sử xứ này trong bối cảnh lịch sử toàn diện, đặc biệt là vấn đề xâm lược của quân Mong Cổ vào thế kỷ XIII. Cuốn sách thuật lại vô vàn truyền thuyết địa phương, hầu hết được sưu tầm tại chỗ, bên cạnh đó còn có nhiều đoạn tán rộng ra ngoài khá hấp dẫn như những trang viết về tấm bia Nguyễn Trọng, những cây hồng ở Tiên Điền hay cả việc những sứ bộ và các tín đồ công giáo từng ẩn náu nơi đây trong suốt thế kỷ XVIII.
Song không chỉ phong phú về cảnh đẹp và những công trình lịch sử, con người cũng tỏa sáng trong tác phẩm của Le Breton. Khi gợi về xứ Diễn Châu, ông không quên nhắc lại về lịch sử của họ Hồ, dòng họ khai khẩn những vùng đất thấp tự nhiên rộng lớn ở Quỳnh Lưu, đã sản sinh ra cho đất nước hai vị Hoàng đế. Ông còn dành nhiều trang viết hay và dài (tr. 227-245) về họ Nguyễn ở Tiên Điền mà tổ tiên sáng lập ra dòng họ này đã từ bỏ vương triều Mạc quay sang với các vua Lê khi ông bị nhà Lê bắt đi, vào cuối thế kỷ XVI. Ông đã làm cho cơ nghiệp của gia tộc được vững bền với nhiều lãnh địa rộng lớn nằm ở bờ biển gần xứ Vinh mà triều Lê Trung Hưng ban cho họ tộc của ông. Người cháu hai đời của vị thủy tổ này là Nguyễn Nghiễm đã cho đắp những phá nước mặn mà sau đó nhanh chóng biến thành ruộng màu mỡ. Từ đó, tác giả đã giới thiệu với chúng ta các đền thờ và những tấm bia được dựng để tỏ lòng tôn kính với các hậu duệ của gia tộc này, những người tiên phong khai khẩn duyên hải miền Trung, trong số đó có thi hào Nguyễn Du. Cách đó vài cây số là thái ấp của họ Nguyễn ở Thượng Xá, miền đất này là những ruộng muối mà hoàng đế Lê Thánh tông đã cấp cho vị danh tướng Nguyễn Xí sau chiến thắng của nước Đại Việt đánh đuổi được quân Trung Quốc. Các làng ở miền này được miễn thuế theo đặc ân của vua ban và đều do những nô lệ, tù binh trước đây và nhân công làm nông nghiệp người Chăm đến định cư. Nhờ họ mà ta có những đền thờ được trang trí các tượng hình người cầu kinh hết sức độc đáo - tượng ông Phỗng, hoặc những tượng nhỏ bụng phệ giống hình xuất hiện trên bìa cuốn sách này. Tác giả còn tả thật tỷ mỉ, chi tiết ngôi đền thờ Nguyễn Xí và dịch đầy đủ những dòng chữ được khắc trong đền.
Vì cuốn sách được trình bày như một hành trình, nên bên cạnh kết cấu của nó thì chính mối quan tâm tha thiết không ngừng đối với vùng đất xứ Nghệ đã khích lệ ông viết sách, ông đã làm nên một cuốn sách chỉ nam tuyệt vời để thâm nhập sâu vào miền đất này của Việt Nam. Cách đây 2 năm, chúng tôi đã theo sách chỉ dẫn từng bước một, đi vào các thắng tích và đền đài được mô tả kỹ lưỡng. Nếu như một số đền thờ nay không còn hoặc bị hư hỏng nặng thì phần lớn vẫn còn nguyên vẹn, như đền thờ Nguyễn Trọng, cả ký ức của mấy cụ già, họ đã nhận ra những gương mặt trên các bức ảnh được đăng lại trong sách khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên… Thế rồi, chắc chắn rằng hôm nay cũng như hôm qua, những thiện chí giống nhau còn đó để khai thông một con đường. Những khi đã đọc lại những trang viết tuyệt vời của Le Breton, ví như phải leo lên đỉnh đèo của dãy Hoành Sơn, mũi đá kì vỹ kéo ra tận biển về phía nam của xứ Kỳ Anh, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, lộng lẫy, rồi đi dạo vài giờ cùng ông Bùi Đức Bản, ngồi trên chiếu gần án thờ Liễu Hạnh, trong bóng mát của cái cửa duy nhất còn tồn tại từ thành lũy cổ mà trong thời gian dài là ranh giới giữa hai vương quốc Đại Việt và Champa, và đến thế kỷ XVII, là phân mốc giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, các chúa Nguyễn đã không ngừng mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Những gì là đúng với Hoành Sơn thì cũng như vậy ở nơi khác. Ai đó đã trải nghiệm đều biết rằng trên đường đi, tác phẩm của Le Breton là người bạn đường quý giá, một cuốn sách giáo khoa hay cuốn giản yếu có đầy đủ những gì bạn cần biết về vùng “Bắc Trung Bộ” Việt Nam để có thể hiểu rõ giá trị của chúng. Do vậy, dù đã được đăng trong “Những người bạn Huế xưa” vào năm 1936 và có cả ấn bản điện tử (1), song Le Vieux An - Tinh hoàn toàn xứng đáng được tái bản dưới dạng sách dễ sử dụng, có thể mang theo. Cuốn sách được Loic-Tené Vilbert khởi xướng và được Trung tâm Viễn Viễn Đông bác cổ thực hiện, chắc chắn nó sẽ đảm bảo việc phổ biến rộng rãi chuyên khảo nghiêm túc, đáng tin cậy này trong số các đồng nghiệp và bạn bè người Việt Nam của chúng tôi, cũng như trong số tất cả những ai - và họ rất đông - yêu thích lịch sử Việt Nam.
Philippe Papin
Hà Nội, tháng 5 năm 2001
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)