Đất và người xứ Nghệ

Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - điểm nhấn của Festival “Ví Giặm - Tinh hoa tỏa sáng”

 

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền được các bậc tiền nhân sáng tạo, gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, từ lâu đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Nghệ mà của cả dân tộc. Với mục đích tạo môi trường cho các nghệ nhân, các CLB được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, qua đó đẩy mạnh phong trào hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong các tầng lớp nhân dân, 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lần đầu tiên vào năm 2012. Kể từ đó, hai tỉnh thống nhất cứ 2 năm một lần sẽ luân phiên tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để bảo tồn, tôn vinh và phát triển bền vững những giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật này. Đây là việc làm thiết thực nằm trong chương trình hành động quốc gia về bảo tồn di sản và kể từ năm 2014, khi Ví, Giặm được UNESCO vinh danh thì sự kiện đó đã trở thành minh chứng sống động nhất để khẳng định với cộng đồng quốc tế về cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm nay là lần thứ V, Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cấp liên tỉnh được tổ chức sau nhiều năm bị gián đoạn bởi dịch Covid - 19. Đồng thời, nhằm hướng tới kỷ niệm 10 năm Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2014 - 2024), tỉnh Nghệ An đã chủ trì phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một sự kiện lớn hơn với quy mô quốc gia đó là Festival Dân ca Ví, Giặm trên cơ sở nâng tầm Liên hoan Dân ca Ví, Giặm vốn đã được tổ chức từ trước.

Với chủ đề “Ví Giặm - Tinh hoa tỏa sáng”, chương trình Festival Dân ca Ví, Giặm được diễn ra từ ngày 28/7 - 5/8/2023. Ngoài hoạt động chính là Liên hoan Dân ca Ví Giặm, Festival còn có các hoạt động quan trọng khác như: Khai mạc festival, Hội thi Đàn và Hát dân ca 3 miền; Giải Marathon “Hành trình về miền Ví, Giặm”; Lễ hội đường phố “Sắc màu các miền di sản”... Trong đó, hoạt động điểm nhấn chính là Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cấp cụm, tỉnh và cấp liên tỉnh.

Tại Hà Tĩnh, liên hoan cấp tỉnh diễn ra từ ngày 15 - 17/7 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Tham gia liên hoan gồm có 13 CLB tiêu biểu đại diện cho 13 huyện, thành phố, thị xã do các địa phương tự tổ chức thi và lựa chọn. Từ Liên hoan cấp tỉnh, BTC chọn ra 8 CLB xuất sắc tham gia liên hoan cấp liên tỉnh được tổ chức tại Nghệ An.

 

Tiết mục “Bác về vui với cháu con” của CLB dân ca Ví, Giặm thị trấn Nghèn tại Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Nguồn: Báo Hà Tĩnh điện tử

Tại tỉnh Nghệ An, liên hoan cấp tỉnh có 44 CLB tham gia, được chia làm 4 cụm gồm: Cụm 1 tại huyện Diễn Châu với 13 CLB đến từ các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai; Cụm 2 tại huyện Anh Sơn có 11 CLB tham gia đến từ các huyện: Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương; Cụm 3 tại huyện Nam Đàn với 11 CLB đến từ các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; Cụm 4 được tổ chức tại thị xã Thái Hòa với 11 CLB gồm: Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Quỳ hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và Tân Kỳ. Trong đó, cụm 2 tại huyện Anh Sơn là cụm được triển khai đầu tiên, diễn ra trong hai ngày 8 và 9/7. Các cụm còn lại lần lượt tổ chức đến hết ngày 21/7. Từ các Liên hoan cấp cụm, BTC chọn ra 12 CLB xuất sắc nhất cùng 8 CLB của tỉnh Hà Tĩnh tham gia liên hoan cấp liên tỉnh. Các tiết mục xuất sắc được đánh giá dựa trên các tiêu chí: Nội dung tư tưởng sáng tạo, hấp dẫn, sinh động, thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương, kết cấu chương trình hài hòa, chất lượng và tạo được ấn tượng về mặt hình thức, nghệ thuật. Ngoài ra, trang phục biểu diễn phải phù hợp với thể loại dân ca Ví Giặm, phù hợp với nội dung chương trình tiết mục tham gia.

 

Một tiết mục tham gia Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cụm II tại huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Lương Vân

Ở cả 2 tỉnh, Liên hoan thu hút đông đảo người dân đăng ký tham gia với đầy đủ các thành phần bao gồm cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và hàng trăm nghệ nhân, diễn viên không chuyên yêu thích các làn điệu dân ca, dân vũ đang sinh hoạt, lao động và học tập trên địa bàn.

Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh liên tỉnh sẽ khai mạc vào ngày 3/8 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, ca ngợi truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước, phản ánh những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Nghệ Tĩnh. Tiêu chí đánh giá của các chương trình, tiết mục là các bài hát đơn, hát đôi, hát tốp, hoạt ca, hoạt cảnh, hát múa, diễn xướng ... chiếm 60% yếu tố nguyên gốc về làn điệu, đề tài cổ, lời cổ và 40% yếu tổ cải biên. Trong đó tiết mục diễn xướng là yêu cầu bắt buộc cho mỗi CLB và BTC khuyến khích các CLB tự sáng tác, soạn lời cho các tiết mục của mình.

Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa lớn nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị trường tồn của Ví Giặm. Đồng thời tạo ra sân khấu lớn, sân chơi bổ ích, lành mạnh để nghệ thuật quần chúng được tỏa sáng và lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân. Là dịp để các nghệ nhân giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quý báu lẫn nhau, qua đó khích lệ phong trào hát dân ca trong cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để các tầng lớp nhân dân được hội tụ và đóng góp công sức của mình vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm.

Cũng trong khuôn khổ Liên hoan, song song với hoạt động chính thức trên sân khấu, BTC sẽ bố trí các buổi lưu diễn tại những điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở thành phố Vinh (Quảng trường Hồ Chí Minh), Nam Đàn (Khu Di tích Kim Liên), thị xã Cửa Lò và hai điểm khác tại tỉnh Hà Tĩnh tạo cơ hội cho các CLB  giao lưu, biểu diễn. Hoạt động này không chỉ tái hiện không gian diễn xướng của Ví Giặm và giới thiệu tinh hoa văn hóa xứ Nghệ, quảng bá điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho địa phương mà còn tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong mọi tầng lớp nhân dân./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444860

Hôm nay

2199

Hôm qua

2270

Tuần này

2469

Tháng này

220034

Tháng qua

112676

Tất cả

114444860