Người xứ Nghệ

Liệt sĩ Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện - cánh én báo hiệu mùa Xuân

Chân dung liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1985-1924)

Kể từ lúc tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu sát tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Méc-lanh (Merlin) tại Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) đến nay đã 100 năm nhưng hình ảnh liệt sĩ Phạm Hồng Thái vẫn khắc sâu trong hàng triệu trái tim của những người Việt Nam yêu nước hôm nay.

1.     Người con ưu tú của đất Hồng Lam

Cách đây 129 năm về trước, tại làng Xuân Nha, nay là xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vào ngày 20 tháng 4 năm Ất Mùi (14/5/1895), cậu bé Phạm Thành Tích (tên thật của Phạm Hồng Thái) đã ra đời trong một gia đình nhà Nho yêu nước, có truyền thống hiếu học. Ông nội là Phạm Trung Truyển, cha là Phạm Thành Mỹ có đỗ đạt trong các kỳ thi... nhưng chỉ được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm những chức quan nhỏ coi sóc việc học hành. Ông Phạm Trung Truyển được vua Tự Đức ban thẻ bài ngà với 8 chữ: “Quốc sủng, Gia phong, Khai hoa, Kế nghiệp”.

Tuổi thơ của Phạm Thành Tích được cha kèm cặp, rèn dạy. Cụ Phạm Thành Mỹ đã lấy nhà thờ họ Phạm làm nơi dạy cho con học chữ, học làm người. Nhà thờ họ Phạm cũng là nơi cụ Phạm Thành Mỹ gặp gỡ đón tiếp, đàm đạo các sĩ phu yêu nước trong vùng như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính,... Được trực tiếp nghe các cuộc đàm đạo của cha, những tấm gương cứu nước của các bậc tiền bối đã in đậm trong tâm trí Phạm Thành Tích trên con đường cứu nước.

Cũng như số đông bà con nông dân trong làng, cuộc sống gia đình Phạm Thành Tích không mấy dư dả, phải ăn tiêu tùng tiệm mới có thể đỡ túng đói. Ông Phạm Thành Mỹ phải lên dạy học tận Thất Khê, Cao Bằng. Ở nhà, thiếu ruộng cày cấy, mẹ phải làm thêm nhiều nghề hàng xay, hàng xáo mới đủ bát ăn. Nạn cường hào áp chế ngày một nặng nề. Cha đi dạy học xa, ở quê nhà còn ba gian nhà cũng bị bọn cường hào phá dỡ nốt vì chúng lấy cớ là gia đình “mấy đời theo Văn Thân làm phản”.

Từ tấm bé, Phạm Thành Tích đã chứng kiến sự khổ nhục của người dân nô lệ. Lớn lên trong bối cảnh lịch sử đó, lòng yêu nước, chí căm thù giặc được nhen nhóm, hun đúc trong tâm hồn Phạm Thành Tích. Cậu trở nên lầm lỳ, ít nói nhưng lại hay làm, chăm học. Cậu giúp mẹ và chị làm đủ mọi việc, từ cày bừa cuốc xới ruộng đồng đến việc xay lúa, giã gạo, đan phên, che nan buộc lạt, những tấm lá cót (địa phương gọi là đan dè) gánh đi chợ xa kiếm tiền đong gạo. Ngoài ra, cậu đã tận dụng số thì giờ còn lại trong ngày để học tập. Nhiều buổi trưa hè nóng bức, cậu vẫn cứ miệt mài tô chữ tập viết chữ Nho trên chiếc phản ngựa nhà ông chú. Có hôm tối trời, chân vẫn dậm đều trên chiếc cối giã gạo mà miệng vẫn lẩm bẩm ôn tập văn bài.

Đến khoảng 14, 15 tuổi, “cậu nho Tích” tìm đường ra Thất Khê ở với cha để học thêm. Được một thời gian đã khá thông hiểu chữ Hán, cậu xin được đi học thêm chữ Pháp. Việc học tập của Phạm Thành Tích, như người đương thời nhận xét là: “Học với một tinh thần rất nhẫn nại, cốt để đạt tới điều hi vọng rất cao xa. Lòng thiết tha muốn được hiểu biết y như con diều đói trông thấy chim non”. Nhưng vào trường Pháp - Việt học được mấy năm, thì Phạm tỏ ra rất thất vọng, vì thấy người Pháp chuyên lấy giáo dục nô lệ để nhồi sọ người Việt. Giáo dục chẳng qua là một cái mô hình nô lệ tinh xảo mà thôi. Phạm bèn thôi học trở về quê nhà, tiếp tục làm lụng giúp đỡ gia đình và cũng bắt đầu quá trình thực hiện chí hướng lớn của mình.

Khoảng từ năm 1919-1921, Phạm đi theo người em rể là công nhân nhà máy Điện Bến Thuỷ học nghề và lấy tên là Thành Khôi để có thể che mắt bọn tay sai chính quyền thực dân ở địa phương, vì chúng vẫn cứ tưởng là “cậu nho Tích” đi học chữ Tây ở đâu xa. Sẵn có tư tưởng yêu nước, trong môi trường thợ thuyền, Phạm lại được số công nhân đàn anh giác ngộ cho về quyền lợi giai cấp, bảo ban cho về tay nghề ngày một thành thạo. Phạm còn đọc thêm báo chí, nghe ngóng thêm nhiều tin tức trong và ngoài nước, về thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga… đến tin tức những cuộc bãi công của công nhân các nhà máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn. Những tin tức ấy đã tác động rất mạnh mẽ đến tư tưởng của Phạm Thành Khôi. Cùng với một số anh em khác, Thành Khôi đã tổ chức công nhân nhất loạt bãi công phản đối. Kết quả là anh bị chúng sa thải, đuổi về nguyên quán. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh lại tìm đường lên mỏ kẽm Chợ Chu - Bắc Cạn làm thợ nguội. Tại công trường, chàng công nhân họ Phạm lại vận động công nhân chống lại ách áp bức bóc lột của bọn chủ và anh lại bị đuổi việc!

Đầu năm 1922, Phạm Thành Khôi đến Hải Phòng, xin được vào làm công nhân của nhà máy Xi măng Hải Phòng. Năm 1923, nổ ra cuộc bãi công lớn của toàn thể công nhân nhà máy. Chính quyền thực dân và chủ xưởng ra sức đàn áp công nhân. Sự việc kéo dài, thấy có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình chung, nên toàn quyền Đông Dương là Méc - lanh phải đích thân đến thành phố cảng để trực tiếp dàn xếp, do đó Phạm biết rõ mặt tên trùm thực dân này.

Cuối năm 1923, Phạm Thành Khôi được một tổ chức yêu nước hoạt động ở nước ngoài biết đến. Tổ chức yêu nước này chính là “Tâm tâm xã” do một nhóm bảy người trí thức Việt Nam xuất dương sang Trung Quốc lập ra giữa năm 1923, với tôn chỉ: "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam".

Sau khi bắt được “liên lạc”, Phạm Thành Khôi thu xếp về quê lần cuối để từ biệt người vợ trẻ và người con trai duy nhất vừa mới sinh được 3 tháng. Anh chỉ kịp đặt tên cho con là Phạm Cao Lân. Biết thế nào cũng có ngày thực dân Pháp giở trò thô bạo, ông nội đổi tên Phạm Cao Lân thành Phạm Minh Nguyệt với mong muốn nhắc nhở người cháu nội hãy luôn hướng về lý tưởng của người cha. Tên của hai bố con luôn hiện hữu trên bầu trời: Hồng Thái (Trời hồng), Minh Nguyệt (Trăng sáng).  

Gác lại mọi tình cảm riêng tư, Phạm Thành Khôi ra đi, dấn thân vào con đường cứu nước trong một đêm tối trời đầu mùa xuân năm 1924. Ghi nhớ lời ông cha đã dặn: “Lớn lên các con phải báo đền nợ nước, phải coi nợ nước nặng như núi Thái Sơn, coi thân mình nhẹ tựa hồng mao”, nên anh đã đổi tên thành Phạm Hồng Thái khi bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, thử thách.

2.     Hành trình xuất dương đến tiếng bom Sa Diện

Đầu năm 1924, Phạm Hồng Thái đã cùng người bạn đồng hương Lê Nhã (tức Lê Huy Doãn, Lê Hồng Phong) xuất dương sang Xiêm. Theo bước chân người dẫn đường từng trải, lão luyện là Võ Trọng Cánh, đôi bạn trẻ đã vượt qua bao chặng đường gian lao vất vả, vượt núi, băng rừng bằng đôi chân dẻo dai qua Lào, sang Xiêm.

Qua đất Xiêm, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong tới Lạc Khôn, trú ngụ trong nhà ông Võ Trọng Đài. Hồi ấy bà con Việt kiều ở Xiêm thường gọi Phạm Hồng Thái là “cậu cháu”. Còn Lê Hồng Phong được gọi là “cậu Nhã”.

Đôi bạn trẻ chỉ ở Lạc Khôn một thời gian ngắn rồi đi Phi Chịt tới “Trại Cày” của Đặng Thúc Hứa (nơi tập hợp nhiều người Việt Nam yêu nước xuất dương sang để mưu đồ phục quốc). Đến đầu mùa hè năm 1924, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong (cùng 6 thanh niên khác) sang Quảng Châu (Trung Quốc).

Tháng 6/1924, Méc-lanh sang Nhật Bản, Hương Cảng, Vân Nam, trên đường về sẽ ghé lại Quảng Châu thăm tô giới Sa Diện của Pháp. Được biết rõ chuyến đi công cán của Méc-lanh lần này là để mật ước với bè lũ đế quốc quân phiệt ở châu Á nhằm liên kết với nhau chống lại cách mạng Việt Nam, “Tâm tâm xã” quyết định phải trừ khử tên thực dân đầu sỏ này. Phạm Hồng Thái xung phong nhận thi hành bản án. Cuộc hành trình của Méc-lanh chuẩn bị khá chu đáo. Mạng lưới mật phục của Pháp bố phòng rất cẩn mật, đã mấy lần suýt bị lộ nhưng cuối cùng Phạm Hồng Thái đã kiên quyết tạo được cơ hội để thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 19/6/1924, biết chắc Méc-lanh sẽ dự tiệc khoản đãi của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Vích-to-ri-a, Phạm Hồng Thái bèn cải trang làm một “ký giả” tới dự tiệc và lọt qua được vọng gác của đám quân cảnh. Bữa tiệc bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối. Chủ khách vừa nâng cốc chúc tụng nhau thì một quả tạc đạn từ của sổ ném trúng bàn tiệc, lập tức một tiếng nổ xé trời làm vỡ tan bát đĩa, cốc chén, làm chết và bị thương ngót chục “vị quan khách”. Méc-lanh thoát chết nhưng bị thương nhẹ. Tiếng hô hoán, cấp cứu hoảng loạn cả khu nhà. Vòng vây cảnh sát và mật thám bủa đặc tô giới để lùng bắt “thủ phạm”. Phạm Hồng Thái vừa chạy được một quãng về phía cửa Đông tô giới Pháp thì bị nghẽn lối, không để mình sa vào tay giặc, anh đã nhảy xuống sông Châu Giang anh dũng hi sinh.

Khách sạn Victoria, Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc, nơi liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát Toàn quyền Méc - lanh

Sáng hôm sau, báo chí Trung Quốc và báo chí các đế quốc Anh, Mỹ ở Trung Quốc đều đăng tin về tiếng bom “kinh thiên động địa này”. Liên tiếp đến suốt tuần, báo chí vẫn không ngớt bình luận về vụ nổ bom của một thanh niên cách mạng Việt Nam: Liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Đặc biệt, Nhân dân Trung Quốc đã tỏ rõ sự đồng tình với hành động trên.

Sau đó, giặc Pháp bêu thi hài đồng chí mấy ngày bên bờ sông rồi các chiến sĩ yêu nước như: Liêu Trọng Khải, Uông Tinh Vệ… đem về mai táng ở chân núi Bạch Vân. Năm 1925, Tỉnh trưởng Quảng Đông bấy giờ là Hồ Hán Dân cho cải táng Phạm Hồng Thái vào nghĩa trang danh dự Hoàng Hoa Cương cùng 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc mặc cho nhà đương cục Pháp ở Đông Dương nhiều lần can thiệp, phê phán, chỉ trích thái độ của Chính phủ Dân quốc Trung Hoa ở Quảng Châu. Đến năm 1958, chính quyền tỉnh Quảng Đông cho xây khu mộ ông to đẹp như bây giờ. Gần một thế kỷ đã qua, khu mộ lúc nào cũng ấm cúng, nghi ngút khói hương…

Cụ Phan Bội Châu lúc đó ở Chiết Giang, đã mau chóng tập hợp tài liệu và viết ngay cuốn sách Phạm Hồng Thái truyện để “tuyên truyền rộng rãi”, “tranh thủ sự đồng tình của toàn thế giới”. Trong “Lời nói đầu” của cuốn truyện Phạm Hồng Thái, cụ Phan Bội Châu tôn vinh Phạm Hồng Thái là bậc liệt thánh. Cụ viết:

“... Phạm thánh liệt Hồng Thái chính là người đầu tiên làm cái việc hy sinh to lớn. Nước ta từ khi mất toàn nước đến nay tính đã hơn 50 năm. Trong khoảng thời gian này các bậc thánh nhân nghĩa sĩ, bị chém đầu cắt ruột liên tiếp theo nhau, sự hy sinh đau khổ không thể nói là không to được. Đó là những việc đã từng thấy trong lịch sử chúng ta. Và người như vậy ở trong Đảng ta cũng có nhiều, nhưng xét ra xưa nay chưa có ai vượt qua Phạm Hồng Thái. Phạm là người tay không vào hang cọp mà không sợ hãi gì, đánh một cái quét được oai của bọn cường quyền mà không hề nghĩ đến thân mình sau này... 

Cụ cũng làm Bài văn truy điệu nhằm nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh của Phạm Hồng Thái, đồng thời cho công bố Bản tuyên ngôn của Quốc dân Đảng Việt Nam, kịch liệt lên án đế quốc Pháp.

Kiều bào ta ở nước Xiêm, được tin Phạm Hồng Thái hy sinh cũng tổ chức lễ truy điệu trọng thể. Hàng năm cứ tới ngày 19 tháng 6 dương lịch, các chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tại Xiêm lại tổ chức kỷ niệm ngày liệt sỹ Phạm Hồng Thái hy sinh.

Ngày đó được đồng bào Việt kiều coi như là ngày lễ trọng đại của dân tộc. Trong mỗi gia đình người ta làm mâm cỗ, bánh trái, để thờ cúng tổ tiên, cha mẹ; còn lễ kỷ niệm thường được tổ chức vào buổi trưa tại hội quán của Hội thân ái địa phương.

Trong các buổi kỷ niệm, thường có các bài về tiểu sử Phạm Hồng Thái. Sau khi nghe tiểu sử Phạm liệt sĩ, mọi người làm lễ dâng hương, dâng hoa và đọc văn kỷ niệm. Trước đàn kỷ niệm, các bài văn tưởng niệm, các đại biểu các đoàn thể Thân ái, Phụ nữ, Thanh niên và Thiếu niên, Nhi đồng lần lượt lên diễn đàn, hết lượt đại biểu mới tới diễn đàn tự do của các cá nhân.

Tối ngày hôm đó thường có diễn kịch về Phạm Hồng Thái. Hình tượng Phạm Hồng Thái không chỉ được khắc họa trong văn thơ mà còn được dựng thành kịch. Những đêm diễn kịch, thôn xóm ở vùng có Kiều bào ta vui như hội. Song, cái lắng đọng của vở kịch là hình tượng Phạm Hồng Thái với hành động quả cảm, phi thường của anh. Người xem càng thấm thía nhục mất nước và có ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của dân tộc.

Tại Xiêm, từ những năm 20 thế kỷ này, hình tượng Phạm Hồng Thái không bao giờ phai mờ trong tâm trí đồng bào Việt kiều yêu nước qua nhiều thế hệ, góp phần xiết chặt tình đoàn kết trong đồng bào và tạo điều kiện cho các tổ chức yêu nước và cách mạng phát triển.

Và mặc dù bọn thống trị ra sức bưng bít ảnh hưởng của vụ mưu sát Toàn quyền Méc-lanh, anh em tù trong khám lớn Sài Gòn trước sự kiện lịch sử đó, vẫn như được tiếp thêm sức sống.

Ảnh hưởng của tiếng bom Phạm Hồng Thái ngày càng vang dội, làm cho bè lũ thực dân Pháp vô cùng lo sợ. Méc-lanh, viên Toàn quyền bị chết hụt hết sức cay cú, đã gửi Báo cáo tường trình nội vụ về Bộ trưởng Thuộc địa, ngày 18-7-1924, ở đoạn cuối đã đề ra kế sách đối phó như sau, có ý nghĩa như là một sự kêu cứu:

Xin cấp một ngân sách đặc biệt cho ông La-pơ-rát (Laperade) lãnh sự mới của Pháp ở Quảng Châu, để ông ta có thể, ngoài mọi sự can thiệp của cảnh binh Trung Quốc, trực tiếp tổ chức các cuộc truy nã hung thủ theo đề nghị cần thiết của Sở mật thám chúng ta.

Tặng một giải thưởng 10.000 đô-la và sau này có thể tăng lên 20.000 đô-la cho những ai bắt được bọn đồng phạm của tên sát nhân ở Sa Điện, ở Hương Cảng, ở Thượng Hải hoặc ở Đông Dương….

Tôi xin cam đoan với ngài rằng, Phủ toàn quyền Đông Dương sẽ không bỏ bất cứ việc gì có thể làm được hay thử làm để trả thù nhanh chóng chừng nào hay chừng đó những nạn nhân đáng thương hại trong vụ mưu sát ngày 19 tháng Sáu, nghĩa là để đảm bảo sự trừng trị các tội đại ác ấy không gì chuộc nổi.

                                                                             Ký tên: Méc - lanh”

                                   (Tài liệu lưu trữ tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh)

Khi được tin Phạm Hồng Thái hy sinh ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Liên Xô vô cùng xúc động đã nhiều đêm không ngủ. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái ở Sa Diện đã thôi thúc Người sớm trở về phương Đông.

Người cho tiếng bom Sa Điện này chẳng những đã góp phần thức tỉnh thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, mà còn dội vang trên toàn thế giới. Tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc, ở tại số 13 đường Văn Minh. Người gặp gỡ các đồng chí trong “Tâm Tâm xã” và đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này: “Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu”; “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.

Người đã ra mộ thắp hương cho Phạm Hồng Thái, từ đây cứ thành lệ mỗi lần tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, cán bộ cách mạng từ Việt Nam sang thì trước ngày khai giảng cả khóa đều ra thắp hương tuyên thệ trước mộ Phạm Hồng Thái…

Nhà thơ Tố Hữu cũng đã dành trọn một bài thơ tứ tuyệt cô đọng với tấm lòng rất trân trọng và với tình cảm hết sức xúc động để ca ngợi cuộc đời vô cùng đẹp đẽ của Phạm Hồng Thái, người anh hùng đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam như sau:

                                 “Sống chết được như anh

                                  Thù giặc thương nước mình

                                   Sống, làm quả bom nổ

                                   Chết, như dòng nước xanh”

Cuộc đời Phạm Hồng Thái vô cùng ngắn ngủi nhưng đối với người chiến sĩ cách mạng, thước đo phẩm giá và sự cống hiến không phải ở thời gian, mà ở giá trị của những đóng góp cho lịch sử dân tộc. Phạm Hồng Thái là một hiện tượng hiếm thấy, tiếng bom Sa Diện của anh đã gây nên niềm kính phục và thức tỉnh lòng yêu nước của hàng triệu con tim đồng bào trong nước. Từ tháng 6/1924 trở đi, phong trào giải phóng dân tộc ta đã chuyển qua một giai đoạn mới. Giai đoạn được một thế hệ trẻ có trí tuệ, có nhiệt tình tiến hành và tiếp nối để đến Tháng Tám năm 1945 với cuộc cách mạng Nhân dân rầm rộ đã lật nhào ách thực dân, phong kiến giành lại nền độc lập. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái thực sự có vị trí to lớn trong lịch sử cận đại Việt Nam.

100 năm đã trôi qua kể từ ngày Liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh, nhưng tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của anh vẫn đi vào thơ, ca, nhạc họa, in đậm trong trang sử vàng của dân tộc và mãi mãi được mọi thế hệ người Việt Nam ghi nhớ, tri ân. Tên của anh đã được đặt cho nhiều con đường, trường học ở nhiều địa phương trong cả nước và trở thành niềm tự hào của quê hương Nghệ An, quê hương Xô viết anh hùng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114496451

Hôm nay

2233

Hôm qua

2310

Tuần này

21232

Tháng này

213844

Tháng qua

120308

Tất cả

114496451