Đất và người xứ Nghệ

Linh thiêng đền Mẫu Thượng Ngàn

Tọa lạc dưới chân núi Tý, gần đảo chè Cầu Cau, đền Mẫu hay đền Đức Mẹ ở xã Thanh An (Thanh Chương) là di tích cổ kính thờ Mẫu Thượng Ngàn, một trong những vị thánh thiêng của tín ngưỡng dân gian.

 

Đền Mẫu tọa lạc dưới chân núi Tý xã Thanh An. Ảnh Huy Thư

Như chúng ta đã biết, người Việt vốn coi trọng tình nghĩa, hiếu kính ông bà tổ tiên, tôn thờ thần linh, Phật, thánh. Có lẽ vì vậy mà tín ngưỡng thờ Mẫu đã ra đời sớm và được thờ tự rộng rãi từ miền ngược đến miền xuôi. Tam tòa Thánh Mẫu là tín ngưỡng thờ Mẫu dùng để chỉ hệ thống sáng tạo vũ trụ gồm 3 vị thánh Mẫu cai quản ba miền là Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất) - cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị) - cai quản miền rừng núi, Mẫu Thoải (đọc chệch ra là Mẫu Thủy - Mẫu Đệ Tam) - cai quản miền sông nước. Trong điện thờ của tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam tòa Thánh Mẫu được thờ chung một hàng với thứ bậc vị trí rõ ràng: Mẫu Đệ Nhất có sắc phục màu đỏ ở giữa, Mẫu Đệ Nhị trang phục màu xanh ở bên trái và Mẫu Đệ Tam trang phục màu trắng ở bên phải. Khi thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện bà được đề cao mang tư cách là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên.

Vẻ đẹp uy nghi của tam quan đền Mẫu. Ảnh Huy Thư

Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người, khe suối, cỏ cây, muông thú. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn thường lấy ngày 20/9 âm lịch hàng năm là ngày hội chính. Từ xưa, người dân Thanh Chương đã lập nhiều đền để thờ Mẫu, như đền Bà Chúa ở xã Thanh Đồng, đền Tiên, phủ Nhà Bà ở xã Võ Liệt, đền Mẫu ở xã Thanh Giang, đền Mẫu ở núi Tý xã Thanh An… Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, núi Tý là khối núi nằm trong hệ thống đồi núi trùng điệp quanh hồ Cầu Cau. Có lẽ do núi có hình dạng như một con chuột khom lưng nên dân gian gọi là núi Tý. Dưới chân núi, người dân vùng sơn cước đã lập nên ngôi đền cổ thờ Mẫu. Bà con quanh vùng không ai biết rõ đền được xây dựng từ thời nào, chỉ biết đây là một ngôi đền thiêng, bao đời nay đã là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân vùng núi.

Chính điện đền Mẫu nằm giữa một vùng cây cối xanh tươi. Ảnh Huy Thư

Cụ Nguyễn Cảnh Lý, một người cao tuổi sống gần đền cho biết, ngày trước, đền Mẫu chỉ là ngôi nhà nhỏ 1 gian 2 hồi lợp ngói nằm giữa một vùng cây cối rậm rạp. Mỗi khi người dân địa phương lên rừng khai thác gỗ, củi, đốt than hay người dân các nơi qua lại vùng này đều vào đền dâng hương, bái thần, mong Mẫu Thượng Ngàn che chở, để công việc hanh thông, thuận lợi. Những năm chiến tranh chống Mỹ, đền Mẫu còn là nơi trú ẩn của người dân địa phương. Khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, do sơ suất của việc thắp hương, đền đã bị cháy trụi trong một vụ hỏa hoạn. Ngay sau đó, người dân quanh vùng đã dựng lên trên nền đền một ngôi nhà bằng tranh tre để làm nơi hương khói. Năm 2002, khi thi công đường Hồ Chí Minh, bà con địa phương và đội công trình đã xây dựng lại đền, thay ngôi nhà tranh này bằng một gian nhà nhỏ kiên cố có mái che lợp tôn phía trước.

Bàn thờ Mẫu Thượng Ngàn trong chính điện. Ảnh: Huy Thư

Năm 2019, nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, sự chung tay của người dân địa phương, một lần nữa đền Mẫu Đệ Nhị đã được xây dựng, tôn tạo khang trang với kinh phí hàng tỷ đồng. Sau 6 tháng thi công, đền đã được khánh thành với nhiều hạng mục như cổng tam quan, thượng điện, nhà trù… Từ dưới chân núi, sau khi đi qua 2 chiếc cầu cong, du khách sẽ bước vào cổng tam quan được thiết kế, trang trí công phu với những trụ quyết uy nghi, những mái ngói cong vút đầu đao, đắp nổi hình ảnh “tứ linh” sống động. Câu đối trước cổng tam quan như khẳng định thêm sự trường tồn của ngôi đền cổ: “Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo/Cửu thiên nhật nguyệt ánh trùng dương”. Thượng điện của đền là ngôi nhà 3 gian đắp rồng phượng uy linh, gian giữa là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Tượng thờ, đồ tế khí được bài trí một cách trang nghiêm. Bên phải chính điện là nhà trù 3 gian, nơi thiết lễ với đầy đủ tiện nghi. Nhìn chung, công trình tuy không đồ sộ, nhưng đã hội tụ đầy đủ vẻ đẹp kiến trúc của một ngôi đền truyền thống, linh thiêng, ấm cúng. Hàng tháng vào ngày sóc vọng, mỗi dịp lễ, tết, người dân địa phương lại hội tụ về đền dâng hương bái thần, cầu mong sức khỏe, bình an.

Đứng trên sân đền nhìn xuống thu vào tầm mắt một vùng cảnh quan sơn thủy hữu tình. Trước mặt đền là núi Khe Mừ sừng sững. Bên trái đền là hồ thủy lợi Cầu Cau. Hồ được xây dựng từ năm 1963 để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các xã Thanh An, Thanh Thịnh và Thanh Chi. Trong lòng hồ có những đảo chè nổi lên giữa nước non trùng điệp, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Được ví như “Hạ Long của xứ Nghệ” nhờ phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, với những nét đặc trưng hiếm nơi nào có được, đảo chè Cầu Cau đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương. Lúc cao điểm, mỗi ngày đảo chè có thể đón hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Ông Nguyễn Văn Bản (59 tuổi) thành viên Ban Quản lý đền Mẫu cho biết, khi đập Cầu Cau chưa ra đời, khu vực quanh đền Mẫu là một vùng rừng núi hoang vu, ít người qua lại. Khi đường Hồ Chí Minh đi qua đây, đảo chè nổi lên, hút khách tham quan, đền Mẫu được tôn tạo, diện mạo của một vùng núi non xưa kia đã hoàn toàn thay đổi.

Việc xây dựng, tôn tạo, tổ chức các hoạt động tế lễ tại đền Mẫu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, vừa khôi phục được giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán, lan tỏa tinh thần uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ Mẫu ở địa phương. Tọa lạc bên đường Hồ Chí Minh theo thế “tọa sơn vọng thủy”, lại nằm cạnh khu vực hồ thủy lợi Cầu Cau, đền Mẫu đã góp phần làm cho cảnh quan nơi đây thêm phần kỳ thú và là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về trải nghiệm “Hạ Long xứ Nghệ”.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476