Văn hóa và đời sống

Mãi vẹn nguyên giá trị và sức sống tinh thần của Bác về thi đua ái quốc

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. 75 năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, biến thành sức mạnh đưa cách mạng nước ta đến những thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Trong dịp này, chúng ta có điều kiện nhìn lại phong trào thi đua yêu nước từ ngày phát động đến nay, khẳng định ý nghĩa to lớn, giá trị vẹn nguyên của “Lời kêu gọi đua ái quốc” để từ đó rút ra những bài học quý báu cho ngày nay và mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp (25-7-1957). Ảnh tư liệu

Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người, với những hình thức, mức độ, tính chất, ý nghĩa khác nhau, việc “thi đua” giữa các cá nhân, tộc người, quốc gia đã diễn ra và là một động lực cho sự tiến bộ hợp quy luật. Đối với dân tộc Việt Nam, tinh thần yêu quê hương, đất nước được thể hiện ở việc, mọi người ra sức đóng góp xây dựng xóm làng, quê hương, đất nước ngày một tươi đẹp, giàu mạnh. Như vậy, từ trong nguồn gốc, thi đua gắn với yêu nước là xây dựng lòng tự hào chính đáng của mỗi người dân về quê hương, dân tộc.

Tiếp thu truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[1]. Vì vậy, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” viết năm 1927, khi giảng giải về Công hội, Nông hội, Hợp tác xã, Nguyễn Ái Quốc đã gắn liền mục tiêu, phương thức tổ chức, cách tiến hành... với sự nỗ lực của mỗi cá nhân và mối quan hệ giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Sự nỗ lực của cá nhân và cộng đồng được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, việc xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ Tổ quốc đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” vì thù trong rắp tâm phá hoại, giặc ngoài lăm le xâm lược, việc động viên sức lực của “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[2] là điều cần thiết. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh, thì “... một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được Nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng”[3].

Có thể nói, việc đề xuất “thi đua yêu nước” của Hồ Chí Minh được nêu lên lần đầu tiên năm 1947 trong tác phẩm Đời sống mới, nhưng tinh thần, ý nghĩa của nó đã được Người nhận thức từ lâu. Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Người mới đề ra sáng kiến về tổ chức, lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua yêu nước để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: mục đích thi đua ái quốc lúc bấy giờ là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, nêu rõ: “Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước”[4].

Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến (từ 19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.

          Lời kêu gọi mang tính chất một lời “Hịch” để phát động một phong trào quần chúng rộng lớn, nhằm “kháng chiến và kiến quốc thành công”, nhưng đồng thời thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, lãnh đạo một phong trào cách mạng với ý nghĩa quan trọng. Đó là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân, và việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài với những nhiệm vụ cụ thể trước mắt... Cùng với nhiều bài nói, bài viết tiếp sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tài liệu, Chỉ thị của Đảng, cơ sở lý luận, quan điểm về thi đua yêu nước được hình thành. Nó đã định hướng, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong 75 năm qua, góp phần to lớn vào hoàn thành các nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Từ nội dung cơ bản của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tổng hợp một số điểm cơ bản để tìm hiểu và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ngày nay.

Thứ nhất, nhận thức đúng “Mục đích thi đua ái quốc” là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nêu rõ thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”, để: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm, Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.

Mục tiêu này đã giành được trong hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm, thì mục đích thi đua yêu nước ngày nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, mục đích thi đua yêu nước bao giờ cũng có tính chính trị, nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Do đó, thực hiện thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chính trị, bao giờ cũng gay go, phức tạp; càng gần đến thắng lợi càng phải nỗ lực phấn đấu nhiều. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, việc thi đua yêu nước để “sánh vai với cường quốc năm châu” đòi hỏi kết hợp nhuần nhuyễn lòng yêu nước với tinh thần quốc tế, lòng tự hào dân tộc với ý thức tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trung thành với lý tưởng cách mạng...

Thứ hai, thi đua yêu nước phải tiến hành một cách toàn diện; bởi nhiệm vụ cách mạng ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”[5]. Điều này xuất phát từ tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến. Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước cũng tiến hành trên tất cả các mặt, mà mục tiêu trước mắt là hoàn thành sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc thi đua yêu nước cũng phải tiến hành một cách toàn diện để tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân. Tính nhân dân của phong trào thi đua yêu nước được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tùy theo sức lực của mình. Để thực hiện được mục đích thi đua, Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi...” đã nêu rõ “Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[6].

Phương châm dựa vào dân để đạt mục đích phục vụ Nhân dân đã được Đảng ta lãnh đạo thực hiện trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhằm phát huy sức lực của mọi người, theo lời dạy của Người:

 “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự Nhân dân,

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”[7].

Lời dạy của Hồ Chí Minh được vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng CNXH để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong nước, của kiều bào, kể cả người nước ngoài, theo mục tiêu chung đã được xác định.

Thứ tư, văn hóa thi đua là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Nó thể hiện chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, không chỉ ở xác định mục đích thi đua, cách tổ chức, quan hệ, thái độ trong thi đua yêu nước mà còn ở việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người, đơn vị tham gia thi đua. Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao, “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”. Vì vậy, theo Hồ chí Minh: thi đua là đoàn kết; thi đua để tăng cường đoàn kết, có đoàn kết mới đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ. Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của Nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại, khi chúng ta đang ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, song bị tác động không nhỏ của mặt trái cơ chế thị trường, sự tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật và âm mưu phá hoại cách mạng về mọi mặt của các thế lực phản động trong và ngoài nước, nên nảy sinh nhiều suy nghĩ và hành động sai trái như: kể công, cạnh tranh không lành mạnh, “bệnh thành tích”, gian dối, làm sai pháp luật... Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua - khen thưởng, đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn về công tác này, như Chỉ thị 39-CT/TW (khóa IX), Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI). Trong đó, đã tập trung đổi mới một số vấn đề cơ bản như: xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng, kiện toàn và đổi mới tổ chức cán bộ của các cơ quan tham mưu về công tác thi đua khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng... 75 năm qua, thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, sâu rộng với tinh thần: “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”[8]

Phong trào thi đua đã tạo động lực tinh thần to lớn góp phần vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH. Nó được phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và trong tương lai để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước nhà theo con đường mà Đảng, Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiện nay, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực, cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong giai đoạn cánh mạng hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điểm điển hình tiên tiến tạo nên phong trào rộng khắp ở các ngành, các cấp trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở.

Bồi dưỡng, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức tự lực tự cường, gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống… tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức phát động các phong trào thi đua.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên trì, kiên quyết trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo ra môi trường lành mạnh, trong sạch để Nhân dân yên tâm phấn khởi, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, đồng thời tích cực gắn phong trào thi đua yêu nước với việc phát động toàn dân tăng cường đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị, thường xuyên đấu tranh phê phán, lên án những hành vi thiếu lành mạnh, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm với công tác thi đua; bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cán bộ tâm huyết, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích của tập thể, lợi ích của Nhân dân, của đất nước, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua trong cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Như vậy, thi đua yêu nước là một nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho mọi phong trào thi đua trong suốt hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước cần tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng và các phong trào thi đua chuyên đề nhằm giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu và lĩnh vực còn yếu, bất cập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thi đua, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

Chú thích:



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 407.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 587.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 119.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 513.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 556.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 556.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 557.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 23.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445443

Hôm nay

2180

Hôm qua

2296

Tuần này

21052

Tháng này

211702

Tháng qua

120141

Tất cả

114445443