H.1. Trống đồng có minh văn đề Thái phó Tô Hiến Thành thời Lý, cúng dàng
(Tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á: Ảnh Nguyễn Việt)
Trên báo Thể thao Văn hoá, số ra ngày 3/4/2023, có bài viết “Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản Viên” của TS. Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á). Theo TS. Nguyễn Việt cho biết, ngày 1/4/2023, một nhà sưu tầm cổ vật đem đến Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á để nghiên cứu. Tôi chưa từng được tận mắt thấy chiếc trống này ở ngoài đời thực nhưng đã được chiêm ngưỡng qua ảnh chụp và miêu tả của tác giả bài báo: Trống có đường kính 68 cm, cao 55 cm. Đây là trống được xác định thuộc loại hình trống Đông Sơn muộn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 2 - 3 đến khoảng thế kỷ thứ 11- 12 SCN. Đặc biệt, trên mặt trống có dòng minh văn, khắc chìm, rất sắc nét gồm 25 chữ Hán Nôm khắc lượn theo vành mặt gần với mép trống. Trống lành lặn, trên có 4 tượng cóc như đã từng xuất hiện trên nhiều trống đồng Đông Sơn. Theo nhà Khảo cổ học Nguyễn Việt, đây là loại trống Đông Sơn thường thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta (gần với loại trống Lãnh Thuỷ, vùng Quảng Tây (Trung Quốc). Theo qua điểm của Nguyễn Việt, về niên đại của lần khắc dòng minh văn trên là một niên đại khác với niên đại của trống bởi dòng minh văn này được khắc trồng lên lớp patine. Theo như quan sát của chúng ta, minh văn khắc trên mặt trống thuộc loại chữ to, theo lối chữ khải, khắc sâu như cách khắc đục. Nội dung như sau: Tân mão niên, nhị nguyệt, nhị thập tứ nhật, Tô Thái phó cúng dường Tản Viên sơn hạ tràng (Trường) thần miếu đồng cổ nhất diện 辛卯年二月二十四日蘇太傅供養傘員山下場神廟銅鼓一面(Nghĩa là: Ngày 24 tháng 2 năm Tân Mão, Thái phó họ Tô cúng dường thần miếu ở chân núi Tản viên một trống đồng). Trong bài báo này, TS. Nguyễn Việt đã cung cấp một số thông tin quý giá và bước đầu lý giải được một số vấn đề như:
+ Người dâng cúng là Thái phó Tô Hiến Thành;
+ Địa điểm dâng cúng: là miếu thờ thần ở dưới chân núi Tản Viên;
+ Thời gian dâng cúng là năm Tân mão (1171), dưới thời Vua Anh Tông triều Lý;
Sau khi nhận được thông tin bài báo viết về một hiện vật trống đồng cổ, quý đề cập đến một nhân vật lịch sử quan trọng thời Lý đã khiến cho giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trên phương tiện thông tin đại chúng (internet) cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí còn có nhiều ý kiến trái chiều: Có người cho rằng, đây là hiện vật được khắc ngay từ triều Lý với dòng niên đại trên và được khắc trên một chiếc trống cổ có thể đã có trước đó gần ngàn năm. Có người cho rằng, đây là dòng niên đại nguỵ tạo, bởi năm 1171 thì Tô Hiến Thành chưa được phong chức Thái phó mà phải đến năm 1175 ông mới được phong chức này; Hoặc cũng có người cho rằng, địa danh Tản Viên 傘員 bị khắc sai, chữ viên員(trong từ nhân viên), nếu khắc đúng phải là Tản Viên 傘圓 (Nghĩa là: ngọn núi tròn có hình như cái tàn/lọng/ô/ dù) như người ta vẫn hay viết sau này vv…
Vì minh văn khắc quá ngắn ngủi, súc tích (chỉ có 25 chữ), nên thiết nghĩ, rất cần làm rõ từng vấn đề được đề cập. Trong bài viết nhỏ này, tôi cố gắng kết hợp một số nguồn sử liệu khác nhau như minh văn trên trống, thư tịch cổ, bi kí – Nguồn sử liệu tuy khá rời rạc song mong muốn qua những nguồn sử liệu này, may ra có thể giúp cho chúng ta một trong những “định hướng” trong việc xác minh nguồn gốc, địa điểm của chiếc trống đó (?). Trước tiên cần xác định các vấn đề như:
- Tô Thái phó là ai?
- Năm 1171, Tô Hiến Thành đã được phong chức Thái phó chưa hay là phải đến năm 1175 mới được phong?. Vậy, sự thật Tô Hiến Thành được phong Thái phó năm nào?.
- (Giả thiết), chiếc trống đồng này được phát hiện ban đầu ở đâu và trước đó, Tô Hiến Thành đã cung tiến (cúng dàng) vào ngôi miếu thờ thần ở khu vực dưới chân núi Tản Viên nhưng cụ thể hơn có thể (dự đoán) xác định được nó ở khu vực nào?.
- Việc phát hiện chiếc trống này cùng với các nguồn sử liệu khác đã góp phần cung cấp thêm những hiểu biết gì về nhân vật lịch sử nổi tiếng Thái phó Tô Hiến Thành?.
Sau đây, chúng tôi sẽ lần lượt cung cấp thêm một số sử liệu gốc, đặt những thông tin trên minh văn trống đồng bên cạnh các nguồn sử liệu khác, ngõ hầu giúp người đọc có thể hình dung thêm về những vấn đề trên;
1. Thái phó họ Tô triều Lý
Khảo cứu trong các bộ sử cũ như: Việt sử lược (VSL), Đại Việt sử kí toàn thư(ĐVSKTT), thời Lý nửa cuối thế kỷ XII, người giữ chức Thái Phó ngoài Tô Hiến Thành còn có Ngô Lý Tín (năm 1182 được phong chức Thượng tướng quân, 1183 đánh Ai Lao và đến năm 1190 thì chết, lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái phó [1]. Không biết Ngô Lý Tín được phong Thái phó năm nào chỉ biết rằng năm 1190, ĐVSKTT viết: Thái phó Ngô Lý Tín chết , lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái phó[2]. Vậy trong khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ XII, triều đình nhà Lý có các Thái phó: Tô Hiến Thành (được đề cập đến vào các năm 1159, 1175), tiếp đến là Ngô Lý Tín (Phong Thượng tướng 1182), (Năm phong chức Thái phó (chưa rõ ?) và Đàm Dĩ Mông được phong chức Thái phó năm 1190.
Qua trích dẫn ở trên, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XII, trong chính sử chỉ đề cập đến 3 người giữ chức Thái phó là: Tô Hiến Thành, Ngô Lý Tín và Đàm Dĩ Mông. Vậy, chúng ta có thể nghĩ ngay rằng, dòng chữ ghi “Tô Thái Phó”蘇太傅 trên dòng minh văn mặt trống đồng mà Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á hiện đang nghiên cứu, đã được TS. Nguyễn Việt công bố trong bài báo trên, không ai khác là Tô Hiến Thành (1102 (?) – 1179).
Trước hết cần giới thiệu sơ qua về một vài đóng góp của Thái phó Tô Hiến Thành đối với Vương triều Lý như thế nào; Xin dẫn ra đây một số đoạn sử quan trọng viết về ông:
Công lao và tài đức của Tô Hiến Thành
Tô Hiến Thành, người làng Hạ Mỗ, (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ông là một vị đại thần nhà Lý, phụng thờ hai đời vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Tô Hiến Thành là người văn, võ song toàn. Quá trình làm quan của ông có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu ông đảm nhiệm công việc giữ yên bờ cõi, bảo vệ sự tồn tại của triều đình trước một số cuộc nổi dậy. Sau khi về già, ông được giao công việc phò tá Hoàng Thái tử khi còn thơ trẻ … Trước khi vua Lý Anh Tông mất, Tô Hiến Thành đã được chính thức kiêm chức bên cạnh chức Thái phó còn thêm Bình chương quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Hoàng thái tử học ở Đông cung. Cũng trong năm 1175, Tô Hiến Thành còn có công theo lời di chiếu của vua Lý Anh Tông, ông phò tá lập Lý Cao Tông (Long Cán) lên ngôi, sách ĐVSKTT chép: “Mùa xuân tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu xin lập Long Xưởng, vua nói: “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được?”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập Thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ, Thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh Tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lại lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao?. Thần không dám vâng chiếu. Việc bèn thôi”[3] …
Tô Hiến Thành mất vào ngày nào, thực không rõ. Chỉ biết rằng, ông mất vào khoảng tháng 6 năm Kỷ Hợi, 1179; Sách ĐVSKTT viết: “Kỷ Hợi [Trinh Phù] năm thứ 4 [1179], Mùa hạ tháng 6 (không rõ ngày), hai mặt trời cùng mọc. Thái uý Tô Hiến Thành chết. Vua bớt ăn 3 ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày”[4]. Tô Hiến Thành là người nổi tiếng cương trực, vô tư, hết lòng phò giúp vì sự thịnh trị của quốc gia, của Vương triều Lý. Chính sử còn ghi lời nói trong việc tuyển chọn người nối nghiệp của triều đình khi ông đang trên giường bệnh những ngày cuối đời: “Trước đây khi nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, Thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái Hậu nói: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”. Hiến Thành trả lời: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thi Phi Tán Đường còn ai nữa?”. Thân hậu khen là trung nhưng cũng không dùng lời ấy”[5]. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên cũng đã rất mực đề cao nhân cách của Tô Hiến Thành, có lời ca ngợi phẩm bình về tính cương trực, vô tư của Tô Hiến Thành”[6].
Tô Hiến Thành không chỉ có công giữ yên bờ cõi, bảo vệ biên cương dân tộc, quốc gia mà ông còn là một vị quan vô tư, trung trực, hết lòng phò giúp vương triều Lý và để lại bài học sâu sắc trong công việc tuyển chọn người kế tiếp, gánh vác sự nghiệp của giang sơn, đất nước.
2. Tô Hiến Thành được phong Thái Phó năm nào?.
Về hành trạng của Tô Hiến Thành, sách ĐVSKTT viết: Năm Kỷ mão […]. [Đại Định] năm thứ 20 (1159), Mùa hạ, tháng 5, Ngưu Hống và Ai Lao làm phản. Sai Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc châu báu rất nhiều. Phong Hiến Thành làm Thái uý[7].
- Năm Ất Mùi [Thiên Cảm Chí Bảo] năm thứ 2 [1175], (Tống thuần Hy năm thứ 2), mùa xuân tháng giêng, sách lập Long Trát làm Hoàng Thái Tử, ở Đông Cung. Phong Tô Hiến Thành làm hập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Đông cung”[8].
Qua Đại Việt sử kí toàn thư cho biết, năm 1159, Tô Hiến Thành được phong Thái úy và đến năm 1175 được phong chức Thái phó.
Ta hãy chú ý dòng “cước chú” bên dưới dòng của năm phong Thái uý Tô Hiến Thành (năm 1175), trong sách ĐVSKTT như sau: “Năm Đại Định thứ 20 (1159), Tô Hiến Thành đã được phong làm Thái uý, lúc này lại là đại thần, nhận di chiếu của Anh Tông làm Phụ chính cho Cao Tông, ở đây lại ghi phong lại chức vụ cũ, Cương mục ngờ rằng Toàn thư có thể chép nhầm” (CMCB5, tờ 18a)[9].
Vậy dòng cước chú trên đã đồng nhất chức Thái uý với Thái phó là một.
Vậy sự thực như thế nào?.
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã viết về mục Tam Công, Tam Thiếu như sau:
“Tam công, Tam cô bắt đầu có từ đầu nhà Lý để làm danh hiệu gia thêm cho đại thần, chưa phải là những chức làm việc. Về sau giao cho chính sự, có lúc kiêm làm chức Tể tướng (như đời Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành làm Thái phó, đời Lý Cao Tông, Đỗ An Di làm Thái sư, đều kiêm chức Đồng chương sự). Đời Trần cũng theo như thế”[10] …
Như vậy, nếu hiểu theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì năm 1159 có thể Tô Hiến Thành được phong chức Thái phó (Sử ghi là chức Thái uý – Chúng tôi nhấn mạnh) nhưng không phải chức để làm việc (mà nó là một hư hàm/danh dự), phải đến năm 1175 ông mới chính thức được phong chức này đồng thời kiêm chức Bình chương quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Hoàng Thái tử học ở Đông cung).
Nếu như thế thì dòng niên đại trên mặt trống ghi năm “Tân mão” 1171, gắn với chức Thái phó của Tô Hiến Thành thì cũng có thể vẫn không có gì là mâu thuẫn.
H.2. Mặt trống đồng nhìn từ chính diện (mặt trống) Ảnh: Nguyễn Việt |
3. Lý do năm Tân mão (1171), Tô Hiến Thành dâng trống đồng cổ
Trong sử cũ, không có một thông tin gì viết về việc Tô Hiến Thành dâng trống đồng lên bất kỳ một ngôi đền nào. Đọc trong chính sử, chỉ có thể biết được mấy thông tin sau: Năm 1171, sách ĐVSKTT viết: “Tân Mão [Chính Long Bảo ứng] năm thứ 9 (1171), (Tống Càn Đạo năm thứ 7), mùa xuân tháng 2, điện Vĩnh Nguyên vô cớ tự rung động; Năm Giáp Ngọ (1174), sách ĐVSKTT cũng viết: Mùa xuân tháng giêng, động đất”[11].
Hiện nay, chưa thể khẳng định sự kiện Tô Hiến Thành cúng dàng trống đồng vào miếu thờ này nhân sự kiện gì ?. Theo phỏng đoán là do sự kiện năm 1171 diễn ra động đất, nhiều đền miếu bị hư hại nên đã tiến hành trùng tu, xây dựng. Sau khi trùng tu xong thì tiến hành dâng trống đồng (?). Theo chúng tôi, có lẽ, đây cũng là một giả thuyết đáng lưu ý mà TS. Nguyễn Việt đã đặt ra.
Như mọi người đã biết, vào thời Lý và thời Trần, tại Kinh thành Thăng Long cũng từng tồn tại một đền Đồng Cổ, hằng năm vào đầu xuân, các văn, võ bá quan thường phải đến đây để làm lễ và thề với nội dung: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, ai trái lời này, trời tru đất diệt”. Nếu có sự kiện Tô Hiến Thành dâng trống cúng dàng thật thì có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh sự kiện này; Chẳng hạn như trong cuộc đời, ông có quan hệ như thế nào đối với Phật giáo ?. Hoặc Tô Hiến Thành có nhân duyên gì trong mối quan hệ với các di tích hay các vị Thiền sư, Pháp sư đương thời…vv. Đây cũng là một giả thuyết để chúng ta có thể đi xa hơn nhằm góp phần xác định được nguồn gốc và vị trí cúng dàng của chiếc trống đó.
H.3. Trích đoạn dòng minh văn khắc trên mặt trống (Ảnh: Nguyễn Việt) |
|