Góc nhìn văn hóa

Mẹ Việt Nam ơi…

Tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” ở núi Cấm (TP.Tam Kỳ) lấy nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: Báo Quảng Nam

Với dân tộc Việt từ ngàn xưa, hình ảnh của người mẹ trong gia đình luôn giữ một vai trò quan trong và thiêng liêng. Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiện hữu trong nhiều công trình, di tích lịch sử văn hóa đã có từ thuở Lạc Long Quân - Âu Cơ và ngày nay Nhân dân vẫn bảo vệ và giữ gìn những giá trị nhân văn này đã nói lên điều đó.

Trong chiến tranh giữ nước, hình ảnh của người mẹ càng trở nên quan trọng hơn bởi họ cùng một lúc phải đảm đương nhiều thiên chức. Lặng lẽ, bình dị, tảo tần ở quê nhà chốn hậu phương để nuôi dấu, đùm bọc, cưu mang, chở che bộ đội và sẵn sàng hy sinh những người con đứt ruột đẻ ra để cống hiến cho Tổ quốc, vì Tổ quốc. Đó là những người mẹ anh hùng sinh ra những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng - Mẹ Việt Nam Anh hùng.

1. Những con số biết nói làm tim ta nhói đau.

Trong những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta sau năm 1945, Quảng Nam “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” là địa phương đứng đầu cả nước với 11.659 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên tổng số gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước.

Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong 2 cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp (1946-1954), chống đế quốc Mỹ (1954-1975). Mẹ sống ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sỹ. Người con gái cả của mẹ là mẹ Lê Thị Thi Trị cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và 2 con gái là liệt sỹ.

Quảng Trị - vùng đất chịu nhiều đau thương nhất với nhiều địa danh mới nhắc tên là người ta sẽ nghĩ ngay đến sự bi thương và anh dũng bởi sự dày đặc các chứng tích lịch sử như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn, Cửa Việt, Cửa Tùng, Đảo Cồn Cỏ, Địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, Do Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Làng Vây, Thành Cổ…Trong số các mẹ Việt Nam anh hùng của miền đất này có gia đình mẹ Lê Thị Hẹ, là một trong những gia đình cách mạng đặc biệt, có nhiều đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả gia đình mẹ Lê Thị Hẹ có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 17 liệt sỹ. Trong số 17 liệt sỹ có 11 liệt sỹ là con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của mẹ Hẹ. Mẹ còn có 1 con gái và con dâu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 6 liệt sỹ gọi mẹ là cô ruột.

Trong gần 140 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước, có 10 mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng thời cũng là Anh hùng LLVTND: Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, Quảng Nam), mẹ Nguyễn Thị Rành (sinh năm 1900, TP Hồ Chí Minh), mẹ Phạm Thị Ngư ( sinh năm 1912, Bình Thuận), mẹ Võ Thị Nhã (sinh 1921, Quảng Ngãi), mẹ Đỗ Thị Phúc (sinh năm 1906, Nam Định), mẹ Bùi Thị Thêm (sinh năm 1924, Kiên Giang), mẹ Huỳnh Thị Tân (sinh năm 1906, Sóc Trăng), mẹ Đoàn Thị Nghiệp (sinh năm 1925, Tiền Giang), mẹ Mai Thị Út (sinh năm 1913, Tiền Giang) và mẹ Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1941, TP Hồ Chí Minh)

Có 3 chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ Bùi Thị Hải (sinh năm 1908), mẹ Bùi Thị Tư ( sinh năm 1916) và mẹ Bùi Thị Nhỏ (sinh năm 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Chiến tranh vệ quốc trường kỳ và ác liệt, đã có nhiều thế hệ người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh ngoan cường. Rất nhiều người vợ, người mẹ đã nén vào lòng những niềm riêng, gạt lệ đưa tiễn chồng, con, cháu ra chiến trường mà không hẹn ngày trở về.

Nỗi đau còn lại là mòn mỏi những người mẹ, người vợ.

Trên thế giới này, có lẽ chẳng có quốc gia nào có danh xưng “Mẹ Việt Nam Anh hùng” và cũng chẳng có dân tộc nào mà việc chăm lo, phụng dưỡng những người mẹ anh hùng đã là một chính sách của Nhà nước bằng các Pháp lệnh, Nghị định.

Có lẽ, trong nhiều nỗi đau của những người mẹ Việt Nam Anh hùng thì mẹ Thứ là một người phụ nữ gần như đã vượt mọi giới hạn, trên mọi sự chịu đựng tột cùng của nỗi đau. Tháng 11 năm 2024, khi tôi đến thăm viếng phần mộ của mẹ ở Nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn và thăm nhà của mẹ ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, thắp hương cho 9 người con của mẹ, chuyện trò với tôi, anh Lê Tự Hiệp (sinh năm 1971), cháu nội của mẹ Thứ đã kể, khi mẹ còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hoặc tới ngày Tết cổ truyền, dịp 30/4, 27/7, 22/12 hàng năm, mẹ thường chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với mẹ. Mẹ lại nức nở và thiếp đi trong cơn mê. Mẹ như thấy các con về …

Tác giả viếng mộ mẹ Thứ

Là một giáo viên Sử, cứ mỗi khi đến các tiết dạy sử trùng với thời gian ngày lễ của đất nước, tôi vẫn thường phân tích cho học trò của mình những tri thức và nhận thức lịch sử từ tấm ảnh nổi tiếng của Đại tá - Nhà báo Trần Hồng. Rất nhiều em đã khóc.

Tấm ảnh “Mẹ Thứ ngồi bên mâm cơm” do Trần Hồng chụp năm 2001 tại Điện Bàn với hình ảnh mẹ Thứ ngồi bên mâm cơm với 9 cái bát, 9 đôi đũa, 9 que hương cắm trên 1 bát hương. Khi nói chuyện với Trần Hồng, mẹ Thứ đã nói: “Tôi vẫn đợi nó về. Chín thằng, chắc chắn có 1 thằng về với tôi. Chắc chắn thế”.

Mẹ Thứ ngồi bên mâm cơm đợi con về. Ảnh: Trần Hồng

Năm 1998, khi một đoàn khách nước ngoài đến thăm mẹ Thứ, một nhà báo từng là cựu chiến binh Hàn Quốc đã hỏi mẹ: “Thưa bà, với quan niệm của người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận ?”

Mẹ Thứ đã điềm tĩnh trả lời: “Ở nước tôi, cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”.

Mẹ Thứ là một trong gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Điện Bàn của Quảng Nam quê hương mẹ cũng là một trong những địa phương có nhiều liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất cả nước. Mẹ Thứ cũng như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam khác, cả trọn đời tảo tần, lam lũ, chắt chiu, nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu. Nhưng khi đất nước có chiến tranh và Tổ quốc cần, mẹ từ một phụ nữ  bình thường đã trở thành phi thường khi đã hiến dâng những người con ruột thịt cho Tổ quốc.

Mẹ Thứ là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng dũng cảm và đức hy sinh và hơn tất cả là tình yêu quê hương, đất nước vô ngần của người mẹ Việt Nam.

Đại tá - Nhạc sỹ Doãn Nho đã viết về 9 người con, 9 bát hương của mẹ Thứ thành bài hát “Người mẹ Quảng Nam”:

“Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê

Chín con ra đi, không một đứa trở về

Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ

Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn

Mẹ yêu thương, mẹ của con

Cả nước tự hào, ôi người mẹ Quảng Nam…”

 Thử hỏi trên thế giới này, có những người mẹ nào mang nhiều mất mát, khổ đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như những bà mẹ Việt Nam. Có nỗi xót xa nào quặn lòng hơn khi nhìn những bóng mẹ già liêu xiêu, chân yếu, mắt mờ, tóc bạc trong chiều hoàng hôn mòn mỏi ngóng đợi con về. Có nơi nào mà có nhiều hình ảnh, bóng dáng người mẹ ngồi khắc khoải, tần ngần bên bậu cửa đã trở thành huyền thoại như ở dải đất hình chữ S này.

Chiến tranh kết thúc, đất nước được hòa bình. Không có niềm vui nào bằng ngày được trở về với gia đình, quê hương nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau sau ngày chiến thắng, đất nước trọn niềm vui thì những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở về.

Chiến tranh đang dần lùi xa. Kinh tế xã hội đang thay đổi từng ngày trên nhiều vùng quê đã từng bị dày xéo, vùi dập trong đạn bom. Những vết thương của cuộc chiến đang dần được hàn gắn và nhiều hố bom đã dần bị san lấp. Nhiều cây xanh đã được trồng lên, trưởng thành, đơm hoa, kết trái.

Vết thương đã lành những chỗ cắn vẫn còn đau. Vết thương chiến tranh đã dần lành theo năm tháng nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang.

Cả nước hiện nay có 1,2 triệu liệt sỹ và gần 200.000 liệt sỹ vẫn chưa thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sỹ vẫn chưa xác định được danh tính. Hàng triệu thương binh, bênh binh vẫn mang trên mình đầy thương tích, bệnh tật và rất nhiều thương bệnh binh nặng vẫn phải chọn nơi tá túc cuối đời trong các trung tâm điều dưỡng thương binh trên toàn quốc. Trong hàng triệu bà mẹ đã hiến dâng con mình vì nền độc lập dân tộc, giải phóng non sông, thống nhất đất nước, có gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó còn gần  3.000 mẹ còn sống, đang được các cơ quan, tổ chức, gia đình phụng dưỡng.

 Những nỗi đau, hệ lụy thời hậu chiến và những trăn trở, day dứt trong thời bình luôn cần sự chung lòng, chung tay, chung sức để những người mẹ anh hùng vơi bớt buồn đau.

2. Xin cảm ơn người, những tượng đài bất tử của Tổ quốc thân yêu.

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, mẹ là điểm tựa vững chắc, là niềm tin vững bền, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho chồi non, lộc biếc lớn lên thành những con người có ích cho đất nước.

Trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật, nhiều thập kỷ qua các nghệ sỹ, nghệ nhân đã dành trọn tình cảm kính trọng và yêu thượng với các mẹ Việt Nam anh hùng.

Thơ, ca, nhạc, họa luôn dành về chủ đề mẹ Việt Nam anh hùng.

Về âm nhạc, có nhiều nhạc sỹ tài danh đã tích lũy, dồn nén nhiều cảm xúc để sáng tác nên những bài hát đầy xúc động về mẹ như: “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý, “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, “Hãy yên lòng mẹ ơi” của Lữ Nhất Vũ, “Về thăm mẹ” của Trần Trung, “Người mẹ Quảng Nam” của Doãn Nho, “Người mẹ của tôi” của Xuân Hồng”, “Hát về người mẹ của tôi” của An Thuyên, “Giai điệu Tổ quốc” của Trần Tiến…

Sáng tác ca khúc về Mẹ Việt Nam Anh hùng thường được nhiều khán thính giả đón nhận, phổ biến, lan tỏa. Với tôi, ca khúc “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” của Thiếu tướng, cố nhạc sỹ An Thuyên là một trong những ca khúc hay nhất. Những ca từ, giai điệu của bài hát về cuộc đời, cống hiến và hy sinh của mẹ Việt Nam anh hùng thật cảm động và lay động lòng người: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao. Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”

Về hội họa, có rất nhiều họa sỹ đã dồn nén sự tinh tế của đôi mắt, sự đa cảm của trái tim, tâm hồn và những đôi tay tài hoa để các hình thức, thể loại tranh từ tranh sơm mài, sơn dầu, tranh trên giấy gió đến cả tranh trên cát, phù điêu trên những bức tường đá... tất cả những khuôn mặt của những người bà, người mẹ, người vợ đã mất cha, mất chồng, mất con trong chiến tranh đều là những hình ảnh toát lên mỗi người mỗi nỗi đau, mất mát.

Hè năm 2024, trong một lần ra Hà Nội, tôi đã dành nhiều thời gian ghé thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Một không gian mà tôi đã phải dừng lại rất lâu, xem từng hình ảnh, lặng lẽ đọc từng dòng chữ chú thích về 1 bộ tác phẩm tranh vẽ đồ sộ về Mẹ Việt Nam Anh hùng của nữ họa sỹ Đặng Ái Việt, quê ở Tiền Giang.

Tôi vô cùng khâm phục một người phụ nữ nhỏ bé đất Nam bộ, đã 76 tuổi mà vẫn dành trọn tuổi già để miệt mài, tảo tần đi trên chiếc xe máy Chaly đã cũ thực hiện những cuộc hành trình suốt chiều dài của đât nước, từ Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, từ Tây Nguyên lên Tây Bắc, từ duyên hải Nam Trung Bộ xuyên đồng bằng Bắc Bộ với độ dài hàng chục ngàn km đo được trên chiếc đồng hồ của xe máy. Bất kể thời tiết xấu hay đẹp, khí hậu nóng hay rét, địa hình là đồng bằng hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Một họa sỹ đã dành trọn tuổi già để đi, để tìm kiếm, gặp gỡ và vẽ ký họa chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Một hành trình vĩ đại của một nữ họa sỹ tài năng và tâm huyết, một ý chí phi thường, một tình yêu thương, kính trọng vô ngần mà bà đã dành cho Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chụp ảnh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ai cũng có thể làm được với một chiếc máy điện thoại trong thời 4.0. Nhưng việc vẽ ký họa một tấm ảnh cho giống, cho có hồn, điều nhiều người không thể làm được. Phải có tài, có tâm và có một trái tim biết rung động và yêu thương.

Bà đã rất xứng đáng, xứng tầm, xứng công để Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Khi hỏi lý do, động lực nào giúp bà làm được điều kỳ diệu như vậy, họa sỹ Đặng Ái Việt chỉ khiêm tốn trả lời: “ Không ai phân công tôi vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng. Trái tim tôi phân công. Tôi sẽ vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng khi trái tim tôi còn đập trong lồng ngực. Tôi đi vẽ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là tôi đang trả món nợ ân tình”.

Về kiến trúc, công trình nổi bật nhất, ấn tượng nhất và xúc động nhất là Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, được lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010) - Biểu tượng vĩnh hằng của Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đây là một công trình văn hóa cấp quốc gia có quy mô lớn nhất cả nước bằng đá hoa cương với 8 trụ huyền thoại biểu trưng cho 8 chủ đề : “Huyền thoại mẹ Bắc Bộ”, “Huyền thoại về lời ru của Mẹ”, “Huyền thoại về mẹ Trung Bộ”, “Huyền thoại về suối nguồn”, “Huyền thoại những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn”, “Huyền thoại mẹ Tây nguyên”, “Huyền thoại mẹ Nam Bộ”…

Mẹ đã vì Tổ quốc, vì cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để kìm nén đau thương, lần lượt tiễn từng người con ra mặt trận và lần lượt đón nhận sự hy sinh trong chiến tranh của 9 người con trai. Mỗi đứa con, mỗi nỗi đau, mỗi mất mát của mẹ là những nốt bi hùng cho bản hùng ca chiến thắng lẫy lừng của quê hương, đất nước. Mẹ Thứ là hiện thân của người Mẹ Việt Nam Anh hùng của một dân tộc anh hùng. Tên mẹ đã được ghi tạc vào sử sách không chỉ trên quê hương Quảng Nam đau thương và anh hùng mà cả dân tộc Việt Nam, cả hồn thiêng sông núi Việt Nam. Cuộc đời và hình ảnh đầy bi thương những rất đỗi anh hùng của mẹ đã được phác họa, được tạc vào tượng đài bất tử Mẹ Việt Nam Anh hùng ngay trên quê hương của mẹ.

Những tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân tài năng về Mẹ Việt Nam Anh hùng đều chân thực, sinh động và cảm động. Những tác phẩm ra đời từ trái tim.

3. Đất nước này mãi ghi ơn, Nhân dân này mãi ghi nhớ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Ngày 08/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (1910-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Ngày 20/10/1966, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Ở Thủ đô Hà Nội có rất nhiều bảo tàng các loại, nhưng nếu ai đi qua phố Lý Thường Kiệt sẽ thấy ngay 1 bảo tàng rất đặc biệt mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Vào thăm bảo tàng đặc biệt chỉ dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, mọi người sẽ thấu hiểu về vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử, văn hóa nước nhà. Đặc biệt, trong không gian ở tầng 3 của bảo tàng dành riêng cho trưng bày chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng với nhiều tư liệu, thước phim vdeo trong các cuộc chiến tranh, những hình ảnh dũng cảm, can trường, bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã xây dựng và khánh thành “Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ”, nay là “Bảo tàng phụ nữ Nam bộ” tọa lạc trên con đường mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Năm 2024 là cũng tròn 30 năm (1994-2024), ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu nhà nước “Mẹ Việt Nam Anh hùng” và đến ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước và đây cũng chính là đợt phong tặng danh hiệu cao quý này lớn nhất trong lịch sử.

Trong chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước với những người có công với nước thì “Mẹ Việt Nam anh hùng” là đối tượng đặc biệt trong chính sách ưu đãi người có công. Việc tri ân, chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Quan tâm, chia sẻ và phụng dưỡng các bà mẹ anh hùng đã trở thành một truyền thống, đạo lý của người Việt.

Đến thời điểm này, sau 30 năm thực hiện Pháp lệnh, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam vẫn là tỉnh có số lượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng lớn nhất cả nước với 15.261 mẹ, tiếp đến là Bến Tre với 6.905 mẹ, Quảng Ngãi là 6.802 mẹ, Hà Nội là 6.723 mẹ và đến nay chỉ còn gần 3.000 mẹ còn sống.

Đó là kỷ lục của những nỗi đau mà dân tộc Việt Nam không muốn có và tôi càng không muốn thống kê, bởi số lượng Bà mẹ Việt Nam càng nhiều thì xét về một góc độ nào đó, mất mát càng nhiều, nỗi đau càng lớn.

 

Bên cạnh các chế độ, chính sách của Nhà nước 30 năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động và thương binh xã hội phối hợp với các cơ quan hữu quan là trong 6 tháng cuối năm 2024 với lĩnh vực người có công là hình thành Ngân hàng gen ADN “liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân” để đồng bộ với các cơ sở dữ liệu dân cư, để phục vụ công tác lưu trữ và tìm kiếm lâu dài.

Thực hiện được giải pháp đầy ý nghĩa và nhân văn này sẽ là sự động viên, an ủi cho những thân nhân liệt sỹ, đặc biệt là những người mẹ, người vợ, người con trong gia đình liệt sỹ mỗi khi ra thăm viếng các liệt sỹ ở các nghĩa trang liệt sỹ.

Ngày 22/12 là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - ngày của sự tôn vinh những người lính từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ.

Ngày 22/12 cũng là Ngày hội quốc phòng toàn dân - ngày hội của truyền thống đoàn kết quân với dân một ý chí trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc gia lãnh thổ. Không có những người mẹ anh hùng thì không có những người lính anh hùng làm nên một dân tộc anh hùng.

Tôn vinh những người lính - nòng cốt, chủ lực của chiến tranh nhân dân thần thánh và vinh danh những người mẹ anh hùng, là hậu phương, là chỗ dựa, là niềm tin của những người lính nơi chiến trường. Bởi, với dân tộc Việt Nam - Mẹ là quê hương, mẹ là Tổ quốc.

Xin các Mẹ Việt Nam Anh hùng hãy lành đi những vết đau nếu các con mãi mãi không về. Mẹ Suốt ở Quảng Bình, mẹ Thứ ở Quảng Nam…đã được tạọ dựng thành những tượng đài bất tử và những người mẹ anh hùng đã tạc vào Tổ quốc dáng đứng Việt Nam.

Tổ quốc nãy mãi ghi ơn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521436

Hôm nay

2210

Hôm qua

2303

Tuần này

2210

Tháng này

219375

Tháng qua

121009

Tất cả

114521436