Đất và người xứ Nghệ

“Mười hai khúc Vịnh”

 

Đôi bờ sông Vinh qua không ảnh (1920-1929)

Là đoạn cuối kênh Nhà Lê chảy trên đất Nghệ An, được bắt đầu từ Cầu Đước xuống Bến Thủy, “Sông Vinh” là tên gọi chính thức, được ghi trên bản đồ từ thời thuộc Pháp đến nay. Trong hai bản đồ Vinh - Bến Thủy năm 1925 và 1936, chú thích bằng tiếng Pháp, nhưng tên sông được ghi bằng tiếng Việt là “Sông Vinh”.

Thế nhưng, trên thực tế từ xưa đến nay, rất nhiều cư dân Vinh không gọi con sông theo tên này. Đã thế, nhiều người còn quả quyết “không có sông Vinh”, hoặc “không biết sông Vinh ở đâu”, thậm chí đôi người còn cho rằng “sông Vinh” chính là con kênh từ Kênh Bắc, chảy qua phường Hưng Bình, qua cầu Nại, qua cầu Thông, chảy dọc theo đường Nguyễn Sơn ra phía Vinh Tân (!).

Trong lịch sử, con sông này có tên chữ là Vĩnh Giang, dân gian thì gọi là sông Vịnh, hoặc kênh Vịnh. Sông Vịnh, chợ Vịnh rồi đô thị Vịnh đã dần biến mất dấu “nặng” (hoặc “ngã”) trên các bản đồ và văn bản chính thức dưới thời thuộc Pháp, để trở thành “Vinh”. Ngoài cái tên rất…ít được gọi hàng ngày đó ra, sông Vinh thường được biết đến qua các tên khác: Kênh Vịnh (giống như kênh Gai, kênh Đích…là những khúc khác nhau của kênh Nhà Lê, đoạn qua Nghệ An), sông Cồn Mộc, sông Mộc, sông Mỏ Hạc (đoạn qua đền Hoàng Mười), sông Cửa Tiền (đoạn qua Cửa Tiền), sông Cầu Đen, sông Đào, sông Mới…

Trong lịch sử, ngoài sứ mệnh thủy lợi, sông Vinh là tuyến giao thông thủy quan trọng, nối Bến Thủy với Vinh, nối Vinh với các địa phương khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh qua sông Lam và các con sông khác. Năm 1900, người Pháp mô tả: “Bến Thủy nằm cách Vinh 6km và nối với nhau bằng đường quan hoặc hệ thống kênh. Những ngôi làng lớn nằm hai bên dòng sông và con kênh. Ở giữa những rừng cây to là rất nhiều ngôi đền. Ngư dân, trên các con bè bằng tre nứa thô sơ, đánh bắt cá trên dọc dòng sông. Cá tôm giá rất rẻ[1].

Là đoạn cuối của Kênh Nhà Lê chảy trên đất Nghệ An, sông Vinh cũng được đào dưới thời vua Lê Đại Hành. Nếu đại công trình Kênh Nhà Lê được khởi công năm 983, thì đoạn kênh qua Vinh này được đào năm 1003. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1003, đích thân Vua Lê Đại Hành đã vào đây để chỉ đạo việc đào kênh.

Mặc dù là kênh đào, nhưng có thể nhận thấy kênh cũng nương theo những dòng chảy tự nhiên có sẵn, vì nó hết sức quanh co. Dân gian có câu “Chín khúc Hội Nai, mười hai khúc Vịnh”. “Chín khúc Hội Nai” là chỉ sông Ngàn Sâu (Hương Khê, Hà Tĩnh). Còn “Mười hai khúc Vịnh” là để nói sông Vinh. Trên bản đồ Vinh - Bến Thủy năm 1925, cho thấy đến khi đó sông Vinh vẫn quanh co, ngoằn ngoèo đúng mười hai khúc. Trong đó, có đoạn quanh qua chợ Vinh, tạo nên khung cảnh trên bến dưới thuyền rất hữu tình và náo nhiệt. Gần Chợ Vinh có đền Tam Tòa, nằm kề bên bờ sông là một ngôi đền rất đẹp và linh thiêng. Sách “Lịch sử Phường Vinh Tân”[2] ghi: “Vinh Tân trước đây vốn là vùng đất có nhiều đền, chùa, miếu, mạo. Dưới thời thuộc Pháp, ở xóm Hàng Bún (nay thuộc địa bàn khối Cộng Hòa) có đền Tam Tòa. Đền Tam Tòa nằm trên con đường đi vào chợ Vinh, để vào chợ người ta phải đi theo con đường men trước cửa đền, có bóng đa um tùm, bóng dừa mát rượi. Bước vào cổng đền uy nghiêm thấy ba tòa thượng, trung, hạ điện rực rỡ bởi những hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng. Trước mặt tiền hạ điện có hai con voi to đứng chầu. Hàng tháng, ngày sóc, ngày vọng dân kéo đến đi lễ rất đông”.

Cố Giáo sư Nguyễn Xiển, người sáng lập ngành khí tượng thủy văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, một người con của đất Vinh Tân cũng viết trong hồi ký: “Xóm của tôi có một cái tên rất đẹp là Thanh Thủy, có lẽ vì con sông đào chảy qua tiếp với kênh Nhà Lê ra Thanh Hóa. Tôi thường nhớ đến làng quê qua một s di tích văn hóa lịch sử. Về phía nam gần nhà tôi có đền Tam Tòa xây trên một gò đất cao nhất thành phố. Đền này thờ một vị tướng nhà Trần đánh giặc bị thương về đến đó ngã ngựa. Vườn sau đền có cây đa lớn, trước đền có bia hạ mã”[3].

 

              Đền Tam Tòa, ảnh của Dieulefils , năm 1915

Đặc biệt, đoạn sông Vinh vòng qua đền Hoàng Mười gấp khúc như cái mỏ hạc, nên khúc này được gọi là sông Mỏ Hạc, đền Hoàng Mười do vậy cũng còn có tên là “Mỏ hạc linh từ”.

                              Cửa Tiền (1920- 1929)

Dưới triều Nguyễn, đã có một đợt nạo vét quy mô lớn đối với kênh nhà Lê nói chung và sông Vinh nói riêng. Tuy nhiên, sông Vinh chỉ thực sự biến đổi lớn dưới thời thuộc Pháp, khi chính quyền thực hiện đại dự án thủy nông Bắc Nghệ An (Vinh Nord) và Nam Nghệ An (Vinh Sud). Dự án này khởi công năm 1931, khánh thành năm 1937. Trong đó Vinh Sud có ba tác động lớn đối với sông Vinh. Thứ nhất, kênh đào từ Nam Đàn được nối với sông Vinh chỗ cầu Đước, tạo thành ngã ba sông ở đây. Thứ hai, đoạn sông từ điểm cầu Tân Phượng hiện nay vốn ngoằn ngoèo, vòng qua đền Hoàng Mười, thì nay được nắn thẳng xuống Bến Thủy. Thứ ba là xây dựng bara Bến Thủy. Ngày 2/6/1937, sau buổi sáng dự lễ Khánh thành Hệ thống thủy nông ở bara Đô Lương, buổi chiều Toàn quyền Đông Dương Brevie và vua Bảo Đại đã đến bara Bến Thủy, để kiểm tra công trình này và tặng thưởng cho những người có công[4].

Chúng ta có thể thấy sự biến đổi của sông Vinh qua dự án thủy nông Vinh Sud, khi so sánh bản đồ 1936 với bản đồ 1925. Theo đó, thì khúc quanh Mỏ Hạc vẫn còn, nhưng lại xuất hiện đoạn kênh nối thẳng từ chỗ cầu Tân Phượng ngày nay xuống Bến Thủy. Như vậy đến lúc này thì sông Vinh không còn là “12 khúc Vịnh” nữa, mà chỉ còn bốn năm khúc nữa thôi, trong đó đáng kể nhất là khúc quanh qua chợ Vinh. Tại khúc này, đền Tam Tòa vẫn nằm bên bờ sông, dọc con đường vào chợ Vinh.

Bara Bến Thủy (1937)

Từ sau năm 1954 đến nay, biến đổi lớn nhất của sông Vinh là đoạn quanh co qua chợ Vinh dần bị lấp. Những năm 1960, sau khi có chủ trương hợp tự về đền Võ Miếu (Hồng Sơn), đền Tam Tòa được Xí nghiệp Mộc Thống Nhất sử dụng. Khúc sông Vinh qua đây vẫn được dùng để kéo gỗ vào nơi sản xuất. Sau đó, đoạn sông Vinh qua chợ Vinh cũng được nắn thẳng. Khúc quanh qua chợ và đền Tam Tòa bị lấp dần, biến thành khu dân cư vào những năm đầu 2000. Cho đến nay thì chợ Vinh không còn nằm kề sông Vinh nữa, đền Tam Tòa cũng không còn. Đoạn sông qua đền Tam Tòa được lưu lại bằng cái tên đường “Bến Đền”.

“Mười hai khúc Vịnh” giờ chỉ còn vài, ba khúc nữa thôi.

Cho đến nay bắc qua sông Vinh có 9 cây cầu. Tính từ Bến Thủy lên, lần lượt là: Cầu Trung Đô ra đường tránh Vinh, Bara Bến Thủy, cầu Đen, cầu Tân Phượng, cầu Tùng Binh (đường Cao Xuân Huy), cầu Cửa Tiền 1, cầu Cửa Tiền 2, cầu Vĩnh Mỹ (Đường sắt) và cầu Đước.

Những năm gần đây, sông Vinh bị ô nhiễm khá nặng nề. Để bảo vệ và phát huy giá trị của sông Vinh, một thắng cảnh, một di tích lịch sử quan trọng của thành phố, dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do WB tài trợ vốn, có hợp phần 3 ưu tiên cải tạo nâng cấp sông Vinh. Việc đầu tư này sẽ cải thiện đáng kể điều kiện môi trường cho sông Vinh và cho phép hai bên bờ sông trở thành không gian công cộng xanh cho người dân thành phố và khách du lịch.

Hy vọng dòng Vinh sẽ trở lại là dòng sông phong thủy của Vinh, là thắng cảnh mới của Vinh.

 



[1] Sách Annuaire général de l'IndoChine française ["puis" de l'Indochine] 1900

[2] Lịch sử Phường Vinh Tân, NXB Nghệ An 2018, trang 17

[3] GS Nguyễn Xiển cuộc đời & Sự nghiệp, NXB Hội Nhà văn, 2007, trang 11

[4] L’Avenir du Tonkin, 7 juin 1937

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447117

Hôm nay

2151

Hôm qua

2299

Tuần này

2755

Tháng này

213376

Tháng qua

120141

Tất cả

114447117