Đất và người xứ Nghệ

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Thanh - “chắt chiu một đời nghề”

 

Đường vô xứ Nghệ. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Một buổi chiều cuối xuân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Thanh đã tiếp chúng tôi tại căn nhà đơn sơ trong con hẻm nhỏ ở đường Trần Phú (thành phố Vinh, Nghệ An). Chúng tôi lắng nghe ông tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và niềm đam mê nhiếp ảnh của mình.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Thanh. Ảnh: Hoàng Nguyên

Nói về sự nghiệp của mình, ông chỉ tóm lược lại bằng vài câu đơn giản: “Tôi sinh năm 1946, tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Là một người lính từng chiến đấu tại chiến trường Lào, năm 1968, sau khi phục viên, tôi chuyển ngành về làm ở Công ty Mĩ thuật, Nhiếp ảnh Nghệ An; rồi chuyển về công tác tại Sở Văn hóa, Thông tin Nghệ An; sau chuyển xuống Trung tâm Thông tin Triển lãm tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu”.

Con đường đến với nhiếp ảnh của ông cũng có thể coi là cơ duyên. Ông kể rằng: “Lúc mới ở chiến trường về, người chỉ nặng hơn bốn chục cân, da xanh xao vì sốt rét, tôi đeo chiếc balo lép kẹp đến học việc tại Công ty Mĩ thuật, Nhiếp ảnh Nghệ An”. Nhiếp ảnh với ông lúc đó vẫn là con số không, nhưng với bản lĩnh, quyết tâm của một người lính, ông đã mày mò, chịu khó học hỏi và tốt nghiệp khóa học nhiếp ảnh với chứng chỉ xuất sắc. Lúc đó, ông may mắn được những người thầy, các lớp đàn anh tận tình chỉ bảo, bày dạy nên đã học được những kinh nghiệm vô cùng quý giá trong nghề nhiếp ảnh. Người thầy mà ông hết mực quý trọng đó chính là nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Đồng. Cho đến bây giờ ông vẫn nhớ mãi hình ảnh cụ Văn Đồng kiểm tra, nhận xét, góp ý tỉ mỉ từng tấm phim đen trắng do ông rửa. Cụ rất tài năng, khảng khái và chân tình; là con người đáng kính trọng, đáng quý của nhiếp ảnh Nghệ An.

Lão ngư. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Năm 1983, ông được điều về Ty Văn hóa làm phóng viên và chịu trách nhiệm làm ảnh tư liệu cho ngành và tỉnh. Một thời, nhiều người thường gọi đùa ông là “phóng viên cung đình”. Bởi biết bao sự kiện quan trọng, từ những kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh cho tới những chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới Nghệ An, ông đều được tham dự. Ông cũng từng theo các đoàn lãnh đạo tỉnh đi khắp cả nước, sang Lào để ghi lại những sự kiện quan trọng. Ông nhớ lại: “Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Nghệ An, sau khi chụp ảnh cho đoàn xong, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫy tay lại gần, ân cần hỏi thăm và được chụp ảnh chung với Đại tướng”.

Cảng Cửa Lò bị bom Mỹ bắn phá. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Ông cẩn thận mở cho chúng tôi xem 2 chiếc rương khá to đã được xử lý chống ẩm. Đây là toàn bộ phim tư liệu mà ông đã dày công lưu giữ suốt mấy chục năm qua, ghi lại cuộc sống lao động và chiến đấu của Nhân dân Nghệ An từ thời kỳ chống Mỹ cứu nước đến công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước sau này. Kho phim tư liệu như dòng chảy lịch sự, nhân chứng một thời của tỉnh Nghệ An. Quả thật, ít có nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có thể lưu trữ và bảo quản kho phim tư liệu quý giá một cách khoa học trong quãng thời gian dài như vậy.

Chủ tịch nước Trường Chinh tặng hoa cho Đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh năm 1985. Ảnh Hồ Xuân Thanh

Lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Có thể nói, đối với ông, nhiếp ảnh là niềm đam mê lớn nhất và cũng là điều khiến ông thực sự tự hào. Ông đi rất nhiều, từ vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi cho tới các vùng biển hoặc những miền trung du của Nghệ An để ghi lại những hình ảnh đời sống văn hóa, lao động sản xuất của Nhân dân và những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Ông chia sẻ: “Nghề nhiếp ảnh nghe có vẻ phong lưu nhưng có ở trong cuộc mới biết thật lắm gian truân, vất vả. Có hôm đi theo đoàn công tác về cơ sở, chỉ vì mải mê đi chụp một bức ảnh mới mà tôi đã bỏ cả cơm. Khi mọi người đã an giấc tôi mới trở về. Có những lúc, giữa ngày hè nóng bỏng, tôi đã trèo lên cả mái tôn của một ngôi nhà cao tầng để chụp được một bức ảnh nghệ thuật ưng ý hay vào tận trại giam để chụp ảnh phạm nhân với nhiều góc độ và bố cục khác nhau”.

Ngày trước, phim đắt đỏ, máy ảnh và ống kính chưa tốt nên ông phải suy nghĩ, trăn trở, chụp thật cẩn thận, tỉ mỉ và gửi gắm cảm xúc của mình vào đó để có tác phẩm tốt nhất. Ngày nay, máy móc rất hiện đại nhưng theo ông, nhiều người lại chưa đặt hết tâm tư, tình cảm, cách nhìn, sự yêu mến của bản thân vào lao động nghề nghiệp.

Hồ Xuân Thanh là vậy. Với đời, ông là một người lính gần 60 năm tuổi Đảng, luôn nghiêm túc, chỉn chu, mẫu mực. Với nghề, ông là một người nghệ sĩ lặng lẽ, cần mẫn, say sưa sáng tạo trên từng tấm phim, chẳng mấy quan tâm tới danh hiệu, chức tước mà thiên hạ vẫn thường đua tranh để có được.

Niềm say mê nghệ thuật là động lực thôi thúc ông trong hoạt động nhiếp ảnh, đặc biệt ông đã tìm cho mình một lối đi riêng trong sự sáng tạo nên đã gặt hái được nhiều thành công. Nhiều tác phẩm của ông được giải thưởng cao trong các cuộc triển lãm và liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung như: “Lão ngư”, “Chạm đích”, “Giọt nắng, giọt sương”, “Non nước Hồng Lam”,… Ngoài ra, ông còn nhiều lần đạt Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, giải ảnh miền Trung, giải ảnh báo chí Nghệ An…

Ông cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất ở Nghệ An đã xuất bản được 5 tập sách ảnh của riêng mình là: “Nghệ An trên đường đổi mới”, “Đất nước con người xứ Nghệ”, “Tháng 5 trên quê hương Bác”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Quỳnh Lưu quê hương tôi”. Đây là kết quả “chắt chiu” của một đời nghề.

Nhận xét về nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Thanh, nhà báo Phan Văn Thắng (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An) đã từng viết: “Hồ Xuân Thanh cần cù như con ong mật. Tôi dám chắc rằng trong giới nhiếp ảnh Nghệ An, Hồ Xuân Thanh là người đi nhiều nhất. Và vì vậy, anh đã phát hiện nhiều đề tài, nhiều giá trị thẩm mỹ ẩn chứa trong muôn màu cuộc sống. Sự thăng hoa cảm xúc thẩm mỹ của Hồ Xuân Thanh đã đưa cái đẹp của cuộc đời, của tạo hóa trở thành những tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn. Hình như Hồ Xuân Thanh không mấy cố tình sáng tác nhưng trong mỗi chuyến công vụ, anh đã bị giật khỏi công việc ghi chép để sống với khuôn hình có cảm xúc, với nghệ thuật… Và vì vậy anh đã có những tác phẩm có thể làm cho mọi người có thể nhận ra và có cảm xúc về cái Đẹp, hướng họ đến những tình cảm chân thành và những cảm hứng sáng tạo…”

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114519165

Hôm nay

2206

Hôm qua

2274

Tuần này

2206

Tháng này

217104

Tháng qua

121009

Tất cả

114519165