Người xứ Nghệ

Nhạc sĩ Lê Hàm, tắm mình trong dòng Ví, Giặm

Người xứ Nghệ không mấy ai là không biết đến những khúc ca đi cùng năm tháng như “Vinh thành phố bình minh”, “Mẹ làng Sen”, “Gái sông La”… của một nhạc sĩ đã giành trọn đời mình với những làn điệu dân ca Ví, Giặm từ công việc sưu tầm, nghiên cứu đến sáng tác. Những sáng tác của ông mang điệu hồn người Nghệ bởi ông đã gửi trọn tấm lòng mình vào những câu ví, điệu hò - ông là nhạc sĩ Lê Hàm, người nhạc sĩ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022.

Tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Lê Hàm từ năm 2014, lúc ấy ông còn khỏe và minh mẫn, giọng nói luôn hào sảng và vui vẻ. Là đồng hương Diễn Châu nên ông vẫn thường hỏi thăm tôi về quê hương bởi Diễn Hồng quê ông và Diễn Vạn quê tôi chỉ cách nhau một cánh đồng. Ông kể tôi nghe những năm tháng tuổi thơ với niềm đam mê văn nghệ, thời kỳ hoạt động văn nghệ trong những năm chống Pháp, rồi chống Mỹ nhiều gian khổ mà vui. Nhạc sĩ Lê Hàm đã sống trọn vẹn với niềm đam mê Ví, Giặm từ những ngày thơ bé đến khi trở thành một nhạc sĩ thành danh ở xứ Nghệ.

Nhạc sĩ Lê Hàm và con trai tại Lễ trao tặng Giải thưởng

Nhạc sĩ Lê Hàm còn có bút danh La Kỳ An, Lam Hà, ông sinh năm 1934. Ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); nguyên là Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh (tức Đoàn Ca Múa Nhạc Hà Tĩnh); ông là thành viên sáng lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh năm 1969; là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam duy nhất của Hà Tĩnh cho mãi tới năm 1976; nguyên Giám đốc Nhà văn hóa Lao động Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Thanh - Nghệ - Tĩnh…

Nói về sự gắn bó máu thịt của mình với dân ca Ví, Giặm, nhạc sĩ Lê Hàm cho biết, có thể xuất phát từ nhiều cơ duyên nhưng có lẽ trước hết là từ niềm đam mê, từ tình yêu với dân ca Ví, Giặm từ những ngày thơ bé và đặc biệt là những năm tháng tuổi trẻ, những năm mà ông xác định đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Lê Hàm đã tự chế cho mình một cây sáo bằng ống đu đủ, suốt ngày mang theo mình và say sưa với những “giai điệu” của nó. Lê Hàm không mấy khi vắng mặt ở những chương trình văn nghệ của xóm, của xã những dịp hội làng. Ông chia sẻ: “ký ức tuổi thơ tôi đắm chìm trong những ngày hội làng với âm thanh của những làn điệu chèo, tuồng, Ví, Giặm rộn rã”. Khi đã trở thành một cán bộ văn hóa, ông nhớ những đêm đi thuyền, nghe người chèo đò hát ví trên sông La mà say mê giai điệu của những làn điệu dân ca Ví, Giặm rồi Ví, Giặm ngấm vào ông từ lúc nào không biết. Một cơ duyên khác là ông được học với nhạc sĩ Liên Xô Be-la-rut-xep - người thầy dạy nhạc của ông thời là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Be-la-rut-xep từng nói: “Các nhạc sĩ luôn luôn phải học tập trong âm nhạc dân gian, mỗi người nên thuộc ít nhất 5 đến 10 bài dân ca” và ông lấy câu nói ấy làm phương châm sáng tác của mình.

Đam mê là vậy, nhưng thời ông, ở quê không ai có khái niệm gì về học âm nhạc hay trở thành nhạc sĩ. Phải đến khi vào thiếu sinh quân, khoảng năm 1949, Lê Hàm mới được học âm nhạc một cách bài bản. Vào quân đội, Lê Hàm được điều về công tác tại Đoàn Văn công Sư đoàn 320. Tại đây, ông đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để sau ngày hòa bình lập lại (1954) ông thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi ra trường, Lê Hàm được điều vào giới tuyến Vĩnh Linh làm công tác văn hóa - văn nghệ phục vụ bộ đội ở bờ Bắc sông Bến Hải. Ông bắt đầu công việc sưu tầm Ví, Giặm từ năm 1955, bản ký xướng âm đầu tiên ông ghi lại được là bài hát sắc bùa do một nghệ nhân ở Đức Thọ hát.

Suốt cuộc đời mình nhạc sĩ Lê Hàm luôn gắn bó với dân ca Ví, Giặm, xem dân ca Ví, Giặm quê hương là hơi thở trong mỗi tác phẩm. Ông không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để sưu tầm, gìn giữ những tài sản quý giá của cha ông để lại.

Năm 1964, ông chuyển sang Ty Văn hóa Hà Tĩnh, sau một thời gian công tác, ông được đề bạt làm Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh. Đây cũng là thời kỳ mà Lê Hàm say sưa với công việc sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Ông bươn chải khắp nơi trên mảnh đất Hà Tĩnh như: Kỳ Anh, Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Nghi Xuân… để sưu tầm những làn điệu dân ca Ví, Giặm cổ mà chưa mấy ai biết đến.

Trải qua thực tiễn, bằng những ghi chép tỉ mỉ, những phân tích khoa học thấu đáo, nhạc sĩ Lê Hàm đã sàng lọc, phân loại các làn điệu: Ví, Giặm, hò, Ca trù, Sắc bùa, ru con… Từ đó ông khẳng định được những làn điệu nào của dân ca Nghệ Tĩnh, làn điệu không phải của Nghệ Tĩnh nhưng người Nghệ Tĩnh hát theo cách của mình như chèo Kiều, ru con… Ông đã sưu tầm được hàng trăm làn điệu dân ca Ví, Giặm cổ, trong đó có nhiều điệu hò rất lạ như: Hò xeo gỗ, Hò khoan đi đường, Hò kéo lưới, Hò lơ… Ông còn sưu tầm được nhiều làn điệu ví, trong đó có các làn điệu như: Ví huê tình, Ví lóc cau lau mía, Ví phường nôốc, Ví đò đưa nước ngược… Ông nêu ra đặc trưng của Giặm, một bài hát Giặm có nhiều khổ, một khổ hát Giặm gồm 3 đoạn: đoạn 1 gồm 1 câu, chữ cuối vần trắc; đoạn 2: chữ cuối vần bằng và vần với  nhau; đoạn cuối gồm 1 câu, chữ cuối vần trắc, có thể có 1 câu láy lại, có thể không…

Trong những năm chiến tranh, Lê Hàm vẫn miệt mài với công việc sưu tầm lặng lẽ của mình. Có lần, khi qua Cầu Na, huyện Thạch Hà, ông bị bom Mỹ ném, những dụng cụ nghề nghiệp hết sức quý giá như máy ghi âm, băng, bút, sách vở bị văng ra tung tóe, ông phải nhờ các anh chị thanh niên xung phong tìm kiếm giúp.

 Năm 1970, nhạc sĩ Lê Hàm đã tập hợp được trên 30 bài hò, Ví, Giặm và xuất bản tuyển tập “Dân ca xứ Nghệ”. Cuốn sách là nguồn tư liệu quý cho những người quan tâm đến dân ca Nghệ Tĩnh. Những nghiên cứu về âm nhạc của ông sau này được tập hợp trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian Xứ Nghệ” (NXB Nghệ An, 2000) cùng với các tác giả Hoàng Thọ, Thanh Lưu, do ông chủ biên và viết phần I (Âm nhạc dân gian của người Việt ở xứ Nghệ). Cuốn sách được trao giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Hàm cho biết, hồi đang công tác ở Hà Tĩnh, hằng năm, tỉnh thường họp mặt các nghệ nhân một lần vừa để tổng kết công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác vừa động viên anh em nên công việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác diễn ra rất thuận lợi, đạt kết quả cao.

Sau năm 1975, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập, nhạc sĩ Lê Hàm là Trưởng đoàn Đoàn Ca Múa Nghệ Tĩnh. Trong thời gian này, ông vẫn đau đáu và đam mê với công tác sưu tầm dân ca Ví, Giặm. Với ông, công việc sưu tầm như người đãi cát tìm vàng, những gì ông tìm được là những hạt vàng lấp lánh dưới những vỉa tầng văn hóa. Lê Hàm tìm về quê hương để ghi lại những điệu hò cưa gỗ của ông Hòe ở làng Đông Tháp (Diễn Hồng) rồi đi thuyền ra biển Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) ghi lại điệu hò ruốc tôm canh…

Trong nghiên cứu, nhạc sĩ Lê Hàm là một trong số những nhạc sĩ đầu tiên nêu lên vấn đề “Thể nghiệm thanh nhạc trong sân khấu kịch hát Nghệ An” chủ yếu vận dụng thanh nhạc trong hát dân ca Ví, Giặm.

Có thể nói, suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Lê Hàm đã gắn bó với dân ca Ví, Giặm, ông xem dân ca Ví, Giặm là hơi thở trong mỗi tác phẩm của mình. Lê Hàm đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để sưu tầm, gìn giữ những tài sản quý giá của cha ông. 

Không thể kể hết những giải thưởng của nhạc sĩ Lê Hàm, có thể nhắc đến sự kiện khẳng định vị trí của ông trong giới âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung là năm 2022 ông vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với bộ 3 tác phẩm: “Người mẹ Làng Sen”, “Gái sông La”, “Việt Nam trong trái tim ta”. Đây cũng là năm ông xuất bản tập sách “Nhạc sĩ Lê Hàm ca khúc tuyển chọn” tập hợp tất cả những sáng tác và bài viết của ông về âm nhạc nói chung, về dân ca Ví, Giặm nói riêng.

Đắm mình trong dòng sữa dân ca Ví, Giặm, chính Ví, Giặm đã nuôi dưỡng Lê Hàm từ một cậu bé với niềm đam mê âm nhạc trở thành một nhạc sĩ tên tuổi của âm nhạc xứ Nghệ và cả nước. Cũng chính Lê Hàm đã góp phần làm cho Ví, Giặm tỏa sáng hơn, trở nên gần gũi hơn với những công trình nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác của mình. Kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không thể không nhắc đến ông, người nhạc sĩ có công lao to lớn góp phần đưa âm nhạc xứ Nghệ đến với bạn bè trong và ngoài nước./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 15 - Tháng 11/2024)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114531884

Hôm nay

2222

Hôm qua

2245

Tuần này

22053

Tháng này

218580

Tháng qua

0

Tất cả

114531884