Đất và người xứ Nghệ

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà tôi biết

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xuất thân trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông tuy là công nhân nhưng lại rất thành thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào đất Bắc. Ông được sinh ra tại TP.Vinh vào năm 1925, sau khi cha ông vào làm thợ máy ở Nhà máy Xe lửa Trường Thi, Nghệ An.

Từ bé, Nguyễn Văn Tý đã được gia đình cho học ở Trường Quốc học Vinh - là một trường rất có tiếng thời đó. Ông được một giáo viên người Pháp dạy hát những bài đang thịnh hành lúc bấy giờ. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó, ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii. Ông kể, đêm nào ông cũng ngồi ở cửa nhà thầy Mạnh Hinh, vì quá yêu âm nhạc, sáng sớm thầy tỉnh giấc đã thấy ông ngồi đó bèn mời vào nhà, cho tham gia ban nhạc, rồi đi hát trong các phòng trà ở TP.Vinh kiếm sống.

Nhạc sĩ cho biết, vào trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lúc còn khỏe mạnh, ông sớm tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông kể, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương - Nghệ An. Nguyễn Văn Tý đến với cách mạng từ rất sớm. Tác phẩm đầu tay của ông là bài “Ai xây chiến lũy” được viết 1949, với những lời mộc mạc, chân tình như người lính, “Ai xây chiến lũy, ai vạch biên thùy/Sang chi bến nớ, không ở bên ni/Người người đã bước chân đi…”. Bài hát thay lời, nói rõ ranh giới giữa địch và ta, giữa lý tưởng cao đẹp hướng về Tổ quốc của người thanh niên chiến đấu chống lại những trì trệ, hưởng thụ, xa hoa, để tìm về một chí hướng mới.

Nhiều lần chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng, nghe ông hát lại những bài xưa cũ, mà vẫn không thấy cũ. Ông là nhạc sĩ của những người lính, trưởng thành từ trong 2 cuộc kháng chiến, với những bài ca về đời lính và anh bộ đội Cụ Hồ: “Ai xây chiến luỹ”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Mẹ yêu con”… Từ khi vợ ông mất, ông bị nhiều chứng bệnh khá nan giải, đi lại khó khăn và cuộc sống riêng cũng rất vất vả, song mỗi khi chúng tôi đến thăm, ông vẫn lạc quan nói về chuyện nghề, chuyện đời. Ông vẫn hằng khẳng định, âm nhạc cũng như con người, phải đẹp từ lý tưởng bên trong đến ngoại hình bên ngoài của sự việc, con người.

  Tác phẩm đầu tay của ông được viết năm 1949 mang tên Ai xây chiến lũy. Tuy nhiên, nhạc phẩm được nhiều người biết đến nhất của ông là ca khúc Dư âm và các ca khúc như Vượt trùng dương, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Cô nuôi dạy trẻ, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa... Đó là những giai điệu thiết tha về tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa, về tình cảm mẹ cha đối với con cái, về những vùng đất, con người Việt Nam.

     Nhạc sĩ sinh ra và trưởng thành từ vùng đất Ví, Giặm xứ Nghệ nhưng từ trong sâu thẳm của lòng ông, những làn điệu hát xoan đất Bắc lại thấm đẫm vào máu thịt. Vì thế, ông rất thành công với các ca khúc thấm đượm chất dân ca cả ba miền. Và những ca khúc của ông bao giờ cũng để lại một ấn tượng đẹp giữa tân nhạc và dân ca. Có lần, chúng tôi đưa một bạn nhà báo người Bến Tre đến thăm ông, nhạc sĩ cười vui: Nhờ có cô gái chèo ghe hái dừa Bến Tre mà tôi ra được bài “Dáng đứng Bến Tre”. Ông kể, lần đó, Tỉnh ủy Bến Tre mời các nhạc sĩ về thực tế tỉnh Bến Tre nhiều tuần, rồi 4-5 tháng mà không ra nổi một bài nào xứng đáng với Bến Tre anh hùng. Một bữa đang ngồi nhậu vui với anh em văn hóa tỉnh dưới gốc dừa ở huyện Ba Tri, đột xuất, ông thấy một cô gái vào tuổi khoảng 17-18 từ chiếc ghe nhỏ, đu mình trèo thoăn thoắt lấy dừa, làn tóc buông ra óng mượt mà… Đích thân tứ nhạc mà ông tuôn ra - Hình tượng người con gái Bến Tre xõa làn tóc đẹp bên bóng dừa man mác giữa rừng dừa, từ trong tranh đấu của một dáng đứng Bến Tre, mà thành ra một Bến Tre trong lòng cả dân tộc - và ý nhạc cho bài “Dáng đứng Bến Tre” ra đời, là như thế. 

  Hay như bài Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - được xem như là “tỉnh ca” của Hà Tĩnh, con em Hà Tĩnh làm việc trong Nam hay ngoài Bắc, nghe bài hát này, ai cũng nhớ, cũng thương quê… Mỗi năm, khi Bí thư Tỉnh ủy hay Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vào TP. Hồ Chí Minh công tác, bao giờ cũng đến thăm, tặng quà cho Nhạc sĩ và cũng không quên mời nhạc sĩ đến dự họp mặt đầu năm của Hội Đồng hương Nghệ - Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng giao cho Hội Đồng hương Nghệ - Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối thăm, chăm sóc nhạc sĩ khi tuổi già đơn thân (hai con gái nhạc sĩ không cùng sống chung với cha mẹ từ khi đi đã lập gia đình).  

  Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc, trong đợt đầu tiên cho những đóng góp của ông văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: "Mẹ yêu con", "Vượt trùng dương", "Bài ca năm tấn", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre"..

  Nói về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, các anh trong Hội Đồng hương Nghệ - Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh đều ghi nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa đã cho ra đời nhiều khúc ca nhớ mãi từ xứ Nghệ mà ông đã lớn lên, được học hành theo âm nhạc từ thuở học trò. Miền quê xứ Nghệ vẫn đau đáu trong ông bao điều mà như ông nói khi còn sống: “Cứ ngẫm về những khúc dân ca xứ Nghệ, bao đời tôi vẫn còn như duyên nợ, và còn chưa viết được nhiều về 2 miền quê đó”. Mong rằng từ nơi vĩnh hằng, ông vẫn luôn cùng sát cánh bên đất nước và con người xứ Nghệ, như ông vẫn nhớ tới những miền quê đã nuôi ông khôn lớn, trưởng thành./.                                                

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444942

Hôm nay

2281

Hôm qua

2270

Tuần này

2551

Tháng này

220116

Tháng qua

112676

Tất cả

114444942