Góc nhìn văn hóa

Những đóng góp của danh nhân Đào Tấn trong thời kỳ làm Tổng đốc An Tĩnh

Đào Tấn (1845-1907)

1. Đôi nét về tiểu sử và giai đoạn đầu làm quan

Đào Tấn (1845 - 1907), tên thật là Đào Đăng Tấn 陶登進, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (tức 3 tháng 4 năm 1845), tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Do tránh quốc húy nên bỏ chữ Đăng , nên gọi gọn Đào Tấn. Trong các tư liệu Hán Nôm để lại, phần lớn đều ghi là Đào Tiến/Tấn 陶進 (phổ biến, thường gọi là Đào Tấn).

        Ông thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng trong đầu thế kỷ XVII. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.

         Thuở nhỏ, ông thụ giáo với cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân (nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện); không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ ấy.

        Năm 22 tuổi, ông đỗ thứ 8 bậc Cử nhân, khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, dù văn tài xuất chúng, ông không vượt được kỳ thi Hội tiếp theo đó.

           Sách “Khoa cử Việt Nam - Cử nhân triều Nguyễn” viết: “Đào Đăng Tấn (đổi là Đào Tấn), người xã Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Phước, đỗ Cử nhân trường Bình Định khoa Đinh Mão năm Tự Đức 20 (1867), làm quan tới chức Tổng đốc Nghệ - Tĩnh” (1).

        Mãi đến bốn năm sau, năm Tự Đức thứ 24 (1871), khi đã 26 tuổi, vua Tự Đức (2) cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế, được sơ bổ Điển tịch (3) công việc coi giữ sổ sách cùng điển bạ, sung vào Hiệu thư ở Nội các (4) (tương đương với chức quan Chánh lục phẩm).

          Năm 1874, ông 29 tuổi, đư­ợc bổ nhiệm Tri phủ (5) Quảng Trạch sau thăng chức lên Phủ doãn Thừa Thiên (6). Làm quan suốt 3 triều, từ Tự Đức đến Thành Thái (1871 - 1904), ông kinh qua các chức vụ Tham biệnTổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam - Quảng Ngãi), Thượng thư (7) Bộ HìnhThượng thư Bộ BinhThượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ (8), tước Vinh Quang tử (9). Năm 1904, khi đó ông 59 tuổi, vì chống đối với đại thần Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn.

           Theo lời truyền lại trong gia đình và quê hương của cụ Đào Tấn thì ông là thầy dạy vua Thành Thái từ nhỏ và theo sát vua đến lúc bị Nguyễn Thân bức hại cách chức đuổi về quê (10). Tinh thần yêu nước chống Pháp của vua Thành Thái có lẽ cũng được ảnh hưởng từ chính người thầy của mình (?). Năm 1907, khi vua Thành Thái bị Pháp ép thoái vị rồi bắt quản thúc, ông buồn rầu phát bệnh và mất vài tuần sau đó, hưởng thọ 62 tuổi.

           Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và Nhân dân yêu quý. Ông qua đời ngày 23 tháng 8 năm 1907. Hiện có ngôi mộ và đền thờ ông ở Bình Định. Tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trên khắp cả nước, ông được đặt tên trên nhiều đường phố.

Sách “Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam” ghi về Đào Tấn, mục “Mộng Mai” ghi: Tên hiệu của Đào Tấn 陶進 (? - ?) tức Đào Đăng Tiến (陶登), ông còn có tên hiệu là Tô Giang 蘇江 và biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng 小玲夆梅僧, tự là Chỉ Thúc, người xã Phúc Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Đào Tấn thi đỗ Cử nhân năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867) đời vua Nguyễn Dực Tông. Ông giữ các chức quan như: Tổng đốc Nghệ - Tĩnh, Thượng thư, nhưng sau bị cách chức. Tác phẩm:

- Diễn võ đình 演武亭

- Cổ thành古城

- Hoàng Phi Hổ quá quan 黃飛虎過關

- Trầm Hương các 沉香閣

- Khuê các anh hùng 閨閣英雄

- Tứ quốc lai vương 四国來王(11) v.v…

Ở trên có đề cập đến chức quan Tổng Đốc Nghệ - Tĩnh. Đúng ra là Tổng đốc An Tĩnh mới chính xác!. Bởi đây là tên gọi đương thời, sau này mới tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh.

2. Đào Tấn giai đoạn làm Tổng đốc An Tĩnh

Đào Tấn chính thức làm Tổng đốc An Tĩnh năm Thành Thái thứ 2 (1890). Công việc thường xuyên của ông cũng như các quan đầu tỉnh khác như Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị,… phải xử lý là các loại thuế khóa, kiểm tra, kê cứu các loại tiền kẽm, thóc để chở về Kinh đô Huế hàng vạn đồng tiền kém và công việc sắp xếp, chuyển vận hàng vạn phương thóc, tiền vận chuyển loại vỏ cây đay, cây gai…(12).

Vào thập kỷ 90 của thế kỷ 19, nhiều huyện của tỉnh Nghệ An mất mùa, đói kém và giặc dã xảy ra thường xuyên, đòi hỏi người đứng đầu tỉnh phải nắm bắt kịp thời và có phương án giải quyết. Căn cứ vào tờ bẩm của quan huyện Quỳnh Lưu, Đào Tấn với vai trò là Tổng đốc đã bàn với Công sứ, báo cáo với Viện Cơ mật để tiến hành phát chẩn: “Tư trình. Nay căn cứ tờ bẩm của huyện viên huyện Quỳnh Lưu 琼瑠縣, đem bẩm tình hình dân hạt đói kém. Thiểm tỉnh đã bàn cùng quý công sứ điện trình lập tức tạp lấy tiền gạo cùng đến hạt đó chẩn cấp trợ giúp gấp. Hiện tình, các công việc hiện đã làm, đã tư trình quý Viện xem xét rồi. Nay Quý Công sứ đem trả 500 đồng và 1.000 hộc thóc quy ra tiền là 1.000 đồng mà trước đây đã lấy tại kho. Thiểm tỉnh đã sức cho kho cất giữ. Trừ sẽ tự cho bộ Hộ biết ra, xin tư trình quan đại thần Viện Cơ mật soi xét” (13).

Cũng trong thời gian này, một số vụ quấy nhiễu của bọn giặc cỏ của một số địa phương nổi lên, tiêu biểu như cuộc quấy nhiễu của Ngụy Thắng ở Hà Tĩnh (tràn sang cả địa bàn huyện Thanh Chương - Nghệ An), khiến Đào Tấn cùng với Phó Công sứ Đa Mạt phải đem lính tập hợp cùng với các toán quân của tỉnh Hà Tĩnh phải quy quét hơn một tháng mới dẹp được. Châu bản của bộ Hộ đề ngày mồng 10 tháng trước (Tháng 2- Tg), nhận được tờ tư của Đốc thần Nghệ An Đào Tấn, trình bày: “Ngày tháng 3 nay, bọn Nguỵ Thắng ở tỉnh Hà Tĩnh tràn qua vùng núi huyện Thanh Chương. Quý Công sứ đã bàn bạc, ủy thác cho Phó Công sứ Đa Mạt đem lính tập hợp đồng với các toán quân của quý tỉnh ở Hà Tĩnh chia nhau đi truy quét đã hơn 1 tháng” (14).  

Trong năm 1892, mấy lần Tổng đốc An Tĩnh đã phải nhiều lần gửi tờ Tư đến các cơ quan đến báo cáo tình hình về thuế má, giá gạo, việc xay xát gạo để nộp về Kinh…

Đảm nhận chức Tổng đốc An Tĩnh khoảng 5 năm (từ 1890 đến 1894), Đào Tấn được chuyển sang làm Thượng thư Bộ Công. Cụ thể, trong Châu bản triều Nguyễn đề ngày 10/3 năm Thành Thái 6 (1894) của Bộ Hộ cho biết, lúc này ông không còn đảm đương chức Tổng đốc An Tĩnh nữa mà là chức “Nguyên Thự Đốc thần Nghệ An Đào Tấn” cùng với Bố Chánh sứ thần Trần Khánh Tiến, Nguyên Hộ phủ thần tỉnh Hà Tĩnh là Nguyễn Doãn Tựu… xem xét sổ sách, giấy tờ, quyết toán (15) …Trong một bản tâu của Phủ Phụ Chính, đề ngày 3/2 năm Thành Thái 6 (1894), cho biết lúc này Đào Tấn giữ chức “Thự Thượng Thư”. Chức Thự Thượng thư được hiểu tương đương như chức “Quyền Thượng Thư”, trước khi chính thức lên đảm nhiệm chức Thượng thư (16). Căn cứ vào Châu bản triều Nguyễn, cho biết, ít nhất, ông giữ chức này từ ngày 3/2 năm Thành Thái 6 (1894) đến ngày 21/6/Thành Thái 6 (1894), mới chính thức nhận hàm Công bộ Thượng thư; Chúng thần ở Phủ Phụ Chính tâu: “Nay công việc nhiều mà viên Thự Thượng thư bộ Công là Đào Tấn thự hàm khá lâu, làm việc ổn thỏa, xin đợi chuẩn cho được thực thụ hàm Thượng thư Bộ Công, xin trình bày đợi chỉ. Nếu được phép, xin do bộ Lại làm phiếu soạn lời dụ cho thi hành. Phụng Châu điểm” (17);

Tuy nhiên, trong thời gian giao thời giữa lúc nhậm chức Tổng đốc An Tĩnh và Thượng thư Bộ Công, Đào Tấn kiêm chức hay ông bị gián đoạn (?). Bởi tháng 4 năm, 1893 trong một châu bản đề cập đến ông với chức “nguyên Tổng đốc An Tĩnh”: Căn cứ vào châu bản đề ngày 21/4/Thành Thái 6 (1894), Tập 19, tờ số 179, cho biết:  Bộ Hộ tâu:  “Ngày 26 tháng 8 năm ngoái, nhận được tư văn của Nguyên Thự đốc thần An Tĩnh Đào Tấn dâng bản án trình việc xét xử dân hạt ấy lậu đinh, nói rằng (…)” (18).

Đến mồng 1 tháng 7 năm Thành Thái 6 (1894), trong một Châu bản cho biết, Đào Tấn được chuyển đổi sang làm Thượng thư bộ Bộ Công, chức Tổng đốc An Tĩnh do ông đảm nhiệm trước đây được Thượng thư bộ Công Hồ Lệ đảm nhiệm thay: “Chúng thần Đoàn Văn Hội phụng thượng dụ: Thự Thượng thư bộ Công Hồ Lệ đã chuẩn chỉ đổi làm thự Tổng đốc tỉnh An Tĩnh. Vì vậy, nguyên Thự Tổng đốc tỉnh An Tĩnh Đào Tấn truyền cho đổi làm Thượng thư bộ đó” (19).

Đảm nhiệm chức Tổng đốc An Tĩnh được khoảng 4 năm (từ 7/1893 - 11/1898) (tương đương với một nhiệm kỳ ngày nay), triều đình thấy Tổng đốc An Tĩnh là Hồ Lệ đảm nhiệm không hiệu quả bằng việc bố trí Đào Tấn nên nhân việc Hồ Lệ “xin về để phụng dưỡng cha mẹ già”, Viện Cơ Mật đã đề nghị điều chuyển Đào Tấn trở lại làm Tổng đốc An Tĩnh với lý do Đào Tấn đảm nhiệm chức Tổng đốc An Tĩnh rất tốt.

 “Viện Cơ Mật tâu: Tổng đốc An Tĩnh đã dâng tập tâu xin về quê chăm sóc cha mẹ già. Viện thần xét thấy hiện nay, việc sửa đổi quy định thuế ruộng, thuế đinh ở các tỉnh rất gấp vội, ắt cần người am hiểu mẫn cán hơn người công việc mới có thể nhanh chóng ổn thỏa. Hiệp biện lãnh Tổng đốc Nam Ngãi là Đào Tấn trước đây làm quan ở Nghệ An giải quyết công việc nhanh nhẹn, tháo vát, xin để Đào Tấn giữ nguyên hàm Hiệp biện đại học sĩ lãnh Tổng đốc An Tĩnh, về lệ bổng vẫn xét cấp như cũ. Còn tập tâu của Lê Trinh, xin cung nghĩ phụng chỉ: sẽ có chỉ riêng” (20).

Như vậy, Đào Tấn 2 lần lãnh chức Tổng đốc An Tĩnh cả thảy khoảng 8 năm trong đó lần thứ nhất từ (1890 - 1893); lần thứ 2 (1897 - 1901). Trong thời gian này, ông làm được nhiều việc như: Xây dựng Nha huyện Yên Thành và Nha huyện Nam Đàn (tháng 2/1899): “Ngày mồng 6, tháng trước, nhận được Tư của quý viện trong đó nói rằng, hội bàn trích cấp huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành 1.800 đồng để xây dựng Nha huyện. Thiểm tỉnh đã sức nhận làm. Vậy xin phúc trình quan đại thần viện Cơ mật xem xét” (21); cứu đói, đắp đê cho dân huyện Hưng Nguyên: “Ngày 27 tháng trước, căn cứ Phủ viên phủ Hưng Nguyên nói rằng, 3 tổng: La Vân, Vân Trình và Hải Đô có nhiều dân các xã bị đói ăn, bệnh tật. Xét hỏi thì nói rằng, bọn chúng vụ hè bị bỏ không cấy, khoai đậu cũng không được thu hoạch, không có nghề nghiệp sinh sống, chỉ có nằm chờ chết. Viên đó xét thấy tình cảnh thật khốn khổ, xin trích một số tiền công để cho vay. Thiểm tỉnh đã tư cho quan Công sứ tạm trích 200 đồng trong số tiền đắp đê bối ở huyện Nghi Lộc để trợ cấp. Nay nhận được trả lời đồng ý và đã sức cho phủ viên đó đến nhận số tiền đó đem về cho vay rồi. Chờ đến vụ hè bớt khó khăn sẽ sức nạp trả (22).

Với vai trò là người đứng đầu tỉnh, Đào Tấn cũng là người đứng mũi chịu sào, chăm lo đời sống của người dân trong tỉnh, đắp đê cho dân huyện Nghi Lộc “Thiểm tỉnh đã tư cho quan Công sứ tạm trích 200 đồng trong số tiền đắp đê bối ở huyện Nghi Lộc để trợ cấp” (23).

Có thể nói rằng, Đào Tấn từ khi được vua Tự Đức cho vào Kinh đô Huế làm việc (1867) cho đến khi tạ thế (1907), làm việc trải qua mấy đời vua, suốt 40 năm, ông là một vị quan có tài, đã có những đóng góp nổi bật, trên nhiều phương diện. Trong bài viết nhỏ này, cho thấy, Đào Tấn đã có nhiều đóng góp đối với nhân dân An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh). Qua các nguồn sử liệu cho thấy, Tổng đốc Đào Tấn để lại nhiều dấu ấn cụ thể đối với các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành… Với trách nhiệm là quan Tổng đốc - đứng đầu tỉnh, ông đã tổ chức thu thuế; cứu đói phát chẩn cho dân khi dân mất mùa, đói kém, dịch bệnh; tổ chức đắp đê, phòng lụt; tiễu trừ thổ phỉ; xây dựng nhiều huyện đường trong tỉnh… Ông đã được triều đình tín nhiệm, người dân tin yêu. Có lẽ, vì thế mà ông đã đảm nhiệm 2 lần giữ chức Tổng đốc với thời gian gần chục năm trời. Có lẽ cũng vì có duyên sâu đậm với mảnh đất An - Tĩnh hiếu học và giàu truyền thống yêu nước nên sau này, vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ông được nhiều bậc nhân sĩ, trí thức của quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh tìm đến giao lưu, học hỏi… Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này./.

N.Q.H

Chú thích:

(1) Nguyễn Thúy Nga (chủ biên), 2019, Khoa cử Việt Nam, Cử nhân triều Nguyễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 1, tr 355; Nghệ - Tĩnh bao gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (hiện nay);

(2) Tự Đức (1848-1883), vị vua thứ 4 triều Nguyễn. Dưới thời Tự Đức, Đào Tấn chưa được trọng dụng nhiều và cũng không được các nguồn sử liệu như Châu bản triều Nguyễn cũng như các nguồn sử liệu khác đề cập;

(3) Điển tịch: Theo Từ điển chức quan Việt Nam: “Điển tịch: Năm Minh Mạng thứ 8(1827) đặt chức Điển tịch trong Quốc Tử Giám, trật Tòng cửu phẩm. Giữ sách vở sổ sách cùng Điển bạ; Thời Tuỳ đặt Điển tịch trật Tòng Thất phẩm, giữ việc kih sử giáo tập, bút mực. Thời Đường cho trật. Chánh thất phẩm. Đầu thời Minh cũng đặt chức này” (Đỗ Văn Ninh (2019): Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr 209;

(4) Hiệu thư: Theo Từ điển chức quan Việt Nam: “1; Năm Trinh Nguyên thứ 8 đời Đường (792) bãi chức Tập Hiền viện hiệu lý, lập 4 người Hiệu thư, trật Chánh cửu phẩm hạ, giữ chức hiệu lý thư tịch. Năm Nguyên Hoà thứ 2 (807), bãi Hiệu thư, lập Hiệu lý; 2; Thời Lê Thánh Tông sửa định qua chế (1431), trong Đông Các đặt chức Hiệu thư, trật Chánh lục phẩm, vinh phong Mậu lâm lang ngang hàng với Hàn lâm viện thị thư. Bia tiến sĩ Khoa Quý Mùi (1463), Đào Cử giữ chức Hiển cung đại phu, Hàn lâm việ thi giảng, Đông các Hiệu thư là người soạn bia. Năm Ất Mùi (1475) có chép Đỗ Nhuận làm Đông Các hiệu thư” Đỗ Văn Ninh, 2019, tài liệu đã dẫn trang 309;

(5) Tri phủ: Tri phủ là gọi tắt của cụm từ: “Tri phủ sự”. Phủ là đơn vị có từ thời Trần, trải qua các thời, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn, các triều đại đều cử người đứng ra trông coi…. “Triều Nguyễn, thời Gia Long có Tri phủ Hoài Đức đặt Tuyên phủ sứ trật Tòng tứ phẩm (năm 1806). Năm 1807 đổi làm Tri phủ. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đặt Tri phủ các phủ ở thành Gia Định. Năm 1823, đặt Tri phủ, Tri huyện mỗi hạt 1 viên. Tri phủ trật Tòng ngũ phẩm. Có nơi đặt Đồng tri phủ trật Chánh lục phẩm (đã có lúc gọi là Phủ Đồng tri). Thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, năm Ất Mão (1615) bắt đầu đặt quy chế chức vụ phủ, huyện. Tri phủ giữ việc từ tụng” (Đỗ Văn Ninh (2019): Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr 209);

(6) Phủ doãn: Thời Nguyễn tại Phủ Thừa Thiên đặt một Phủ Doãn trật Chánh Tam phẩm. Dưới có Phủ thừa trật Chánh tứ phẩm. Phủ doãn Thừa Thiên đặt năm Minh Mạng thứ 4 cai quản phủ Thừa Thiên và Kinh sư, về mặt hành chính. Phủ thừa là chức phó. Có 2 cơ qua trực thuộc là Tả thừa và Hữu thừa do Thông phán và Kinh lịch phụ trách” (Đỗ Văn Ninh (2019): Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr 507, 508);

(7) Thượng thư: Ở nước ta, chức Thượng thư được đặt từ thời Lý... thời Lê sơ đặt 2 bộ: Bộ Lễ và Bộ Lại, thời Lê Nghi Dân mới đặt đủ Lục bộ. Từ thời Thánh Tông chọn 6 bộ, ban cho ấn bộ, cho trật Tòng nhị phẩm…Thời Nguyễn thăng trật Chánh nhị phẩm. Nếu quan bộ khác làm việc thì gọi là “Biện lý” (Đỗ Văn Ninh (2019): Từ điển Chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr 719, 720;

(8) “Hàm phong cho các quan Thượng thư Thực thụ. Cấp phong sau Đại học sĩ, dùng để gia phong cho các quan trật Tòng nhất phẩm Văn ban, Cáo thụ Vinh lộc đại phu (theo quan chế nhà Nguyễn); 2. Năm Càn Long thứ tư (1739), nhà Thanh mới có chức Hiệp biện Đại học sĩ. Trật Tòng nhất phẩm. Thường phong cho các quan Thượng thư, Tổng đốc. Sau khi phong vẫn ở chức, phải đợi khi Đại học sĩ khuyết mới được bổ” (Đỗ Văn Ninh (2019): Từ điển Chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr 305,306);

(9) Tước Tử: “Từ quan danh phát triển thành tước danh. Tử vốn nghĩa là Vương Tử. Tư liệu Kim văn thời Tây Chu, đa số chữ “Tử” thuộc về xưng hô cho con trai quý tộc. Từ Nguỵ Tấn về sau là một cấp phong tước, vị trí dưới Vương, Công, Hầu, Bá. Lê triều quan chế sửa định năm Hồng Đức thứ 2 (1471) quy định tước Tử phong cho các con của thân công chúa, con trưởng của tước Hầu, Bá. Lấy mỹ tự làm hiệu ví như Diên Xương Tử. Công thần phong tước Tử ngang với Tòng Nhất phẩm”” (Đỗ Văn Ninh (2019): Từ điển Chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr 795);

(10) Theo lời truyền trong gia đình cho biết, câu chuyện này là do cụ Đào Kim Yến (con gái của Đào Tấn, mất năm 1958 tại Sài Gòn) kể lại; Chúng tôi cũng được ông Đặng Lai (72 tuổi, chắt ngoại của cụ Đào Tấn), kể lại câu truyện mà trong gia đình vẫn thường truyền lại câu chuyện trên.

(11) Trịnh Khắc Mạnh (2002), Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH, tr 268, 269, 434;

 (12) Châu bản triều Nguyễn, ngày 7 tháng 5 năm Thành Thái 4 (1892), tập 4, tờ 15;

(13) Châu bản triều Nguyễn, ngày 21 tháng 03 năm Thành Thái 11 (1890), Tập 95, tờ 214;

(14) Châu bản triều Nguyễn, ngày 9 tháng 6 năm Thành thái 4(1892), tập số 4, tờ số 133;

(15) Châu bản triều Nguyễn, ngày 10/3 năm Thành Thái 6 (1894), tập 8, tờ số 131;

(16) Châu bản triều Nguyễn, ngày 3/2 năm Thành Thái 6 (1894), tập 21 tờ số 158;

(17) Châu bản triều Nguyễn, ngày 21 tháng 6 năm Thành Thái 6 (1894), Tập 88, tờ số 148;

(18) Châu bản triều Nguyễn, ngày 21, tháng 4 năm Thành Thái 6 (1894), tập 19, tờ số 179;

(19) Châu bản triều Nguyễn, ngày 19/11/ Thành Thái 10 (1898); tập 45, tờ 144.

(20) Châu bản triều Nguyễn, ngày 19/11/ Thành Thái 10 (1898), tập 45, tờ 144;

(21) Châu bản triều Nguyễn, ngày 03/02/ Thành Thái 11 (1899), tập 95, tờ 96;

(22) Châu bản triều Nguyễn, ngày 04 tháng 3 năm Thành Thái thứ 11 (1899); tập 95, tờ 161;

(23) Châu bản triều Nguyễn, ngày 04 tháng 3 năm Thành Thái thứ 11 (1899); Tập 95, tờ 161;

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528659

Hôm nay

240

Hôm qua

2275

Tuần này

2932

Tháng này

215355

Tháng qua

0

Tất cả

114528659