Đất và người xứ Nghệ

Những hoạt động của đồng chí Hà Huy Tập thời kỳ dạy học ở Vinh

                                   

Tổng Bí thư  Hà Huy Tập ( 24-4-1906 -24-4-2023)

Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 tại thôn Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Thân phụ của Hà Huy Tập là cụ Hà Huy Tương, một nhà Nho thông minh, yêu nước và khảng khái, bất hợp tác với lũ cướp nước và bọn bán nước. Sau khi thi đỗ cử nhân Nho học, vì bất bình với chính sách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, cụ Hà Huy Tương không ra làm quan mà trở về quê mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh để giúp ích cho đời. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lộc, một người phụ nữ đoan trang, yêu nước, hết lòng phụng sự chồng con, luôn chăm lo công việc của họ tộc, sống nghĩa tình với bà con làng xóm. Tấm gương của cha mẹ và truyền thống yêu nước, hiếu học của gia đình, dòng họ và quê hương đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, lẽ sống, lý tưởng và con đường cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập.      

Từ thuở học trò, Hà Huy Tập đã nổi tiếng thông minh, nhạy cảm, sâu sắc và biết vận dụng cuộc sống một cách linh hoạt. Năm 1919, khi đang học tại Trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập đã biết tiết kiệm những đồng tiền học bổng để mua sách báo đọc, phục vụ cho việc học tập. Hà Huy Tập đã kín đáo tìm mua và đọc những loại sách báo tiến bộ bị nhà trường cấm, đặc biệt là văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu, kêu gọi thanh niên và mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh. Hà Huy Tập là người nhạy cảm với diễn biến thời cuộc, anh luôn quan sát xã hội. Anh tìm mua các tờ báo tiếng Pháp có bài viết của Nguyễn Ái Quốc in ấn ở Pháp và những người Việt Nam yêu nước hoạt động trên đất Pháp được bí mật chuyển về nước. Ngay những ngày còn học trên ghế nhà trường, Hà Huy Tập đã tìm hiểu và tiếp xúc với một số bạn bè đồng hương quê ở Nghệ Tĩnh cùng chí hướng để trao đổi và đàm đạo.

Năm 1923, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng loại giỏi, Hà Huy Tập vào tỉnh Khánh Hòa, xin làm giáo viên trường Tiểu học tại thị xã Nha Trang. Để có thêm sách báo nghiên cứu, Hà Huy Tập đã đăng ký làm nhân viên thư viện ở thị xã Nha Trang. Ngoài giờ dạy học, thầy Hà Huy Tập đã vận động lớp thanh niên trí thức có tinh thần yêu nước tiến bộ, mở lớp học chữ Quốc ngữ buổi tối cho công nhân và con em của họ. Thông qua các lớp học chữ, thầy Hà Huy Tập đã khéo léo đưa các bài thơ văn yêu nước của cụ Phan Bội Châu để tuyên truyền tinh thần yêu nước và truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc.

Mặc dù dạy học ở xa quê, nhưng Hà Huy Tập luôn liên hệ với những thanh niên trí thức yêu nước tiến bộ của quê hương như: Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai đang học ở Trường Bưởi Hà Nội, các thầy Trần Phú, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch đang dạy học ở Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh Nghệ An, Nguyễn Sỹ Sách đang dạy học tại Trường tiểu học Pháp Việt thị xã Hà Tĩnh, Nguyễn Thiếp đang dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Trương Thúy (quê huyện Nghi Lộc) đang dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Nam Định (1). Bằng đường dây hoạt động bí mật, thầy giáo Hà Huy Tập đã trao đổi các tin tức và cập nhật các tờ báo cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết từ nước ngoài được các thủy thủ ngụy trang khéo léo chuyển về nước để tuyên truyền. Những tờ báo cách mạng được thầy Hà Huy Tập đọc, tóm tắt nội dung chính, sau đó cùng đàm đạo, phân tích với nhóm bạn đọc và phổ biến cho lớp học. Đầu năm 1925, sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ra nhóm “Cộng sản Đoàn” và thành lập Hội Thanh niên cách mạng đồng chí rồi xuất bản tờ Báo Thanh niên ở Quảng Châu Trung Quốc thì hiệu quả hoạt động tuyên truyền của thầy Hà Huy Tập càng cao, uy tín của thầy lan tỏa không chỉ trong tầng lớp học trò và giáo viên trong trường mà còn rộng rãi ra cả quần chúng nhân dân lao động. Năm 1926, mật thám Pháp đã để ý lập hồ sơ theo dõi mọi hoạt động tuyên truyền yêu nước của Hà Huy Tập. Bị công sứ Nha Trang gọi lên khiển trách. Hà Huy Tập đã khảng khái, kiên quyết bác lại mọi lời buộc tội, dọa nạt, mua chuộc của tên công sứ và đốc học Nha Trang. Thầy Hà Huy Tập đã thẳng thừng từ chối tất cả những quyền lợi đặc ân về vật chất, địa vị, tiền đồ mà chúng đưa ra hòng lôi kéo thầy nhận lời phục vụ cho bộ máy cai trị của “nước mẹ đại Pháp” ở Việt Nam. Vì không chịu tuân lệnh chúng nên Hà Huy Tập đã bị trục xuất khỏi tỉnh Khánh Hòa.

Bị sa thải ở Nha Trang, nhưng nhờ được nhiều bạn bè có thế lực giúp đỡ, Hà Huy Tập đã xin được về dạy tại Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh (còn gọi là Trường Cao Xuân Dục). Đối với Hà Huy Tập thì đó là một điều may mắn, vì Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh và Trường Quốc học Vinh lúc bấy giờ là địa chỉ đỏ, nơi tập trung những thanh niên trí thức yêu nước căm thù giặc, là lò ươm mầm những hạt giống cách mạng ở Nghệ - Tĩnh. Bởi vậy, việc thầy Hà Huy Tập về dạy ở Vinh khác nào chúng đã “thả hổ về rừng”. Về sự việc này, trong  hồ sơ mật theo dõi những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập do Sở mật thám Trung kỳ lập, ngày 17-12-1926 đã ghi như sau: “…Trợ giáo Hà Huy Tập ngày càng làm người ta lưu ý vì lòng hăng hái tuyên truyền chống Pháp……người ta đã bổ nhiệm anh ta ở Khánh Hòa, nhưng do một sự trùng hợp tai hại, người ta đã chuyển cách đây không lâu Hà Huy Tập về Vinh… Vậy tôi khẩn thiết xin các ông xếp Hà Huy Tập vào phong trào giáo học đầu tiên sẽ xảy ra và chuyển anh ta đi càng xa càng tốt ” (2).

Hà Huy Tập về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, khi phong trào cách mạng ở Nghệ An đang phát triển mạnh mẽ, từ tự phát lên tự giác, dưới sự lãnh đạo của hai tổ chức cách mạng là Hội Phục Việt và Hội Thanh niên. Thầy giáo Hà Huy Tập được bổ sung vào Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh cùng các thầy giáo Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Trần Phú cùng đội ngũ học trò thông minh và yêu nước như Nguyễn Đình Hoành (tức Siêu Hải), Nguyễn Đình Biền (tức Nguyễn Duy Trinh) Nguyễn Viết Lục, Hoàng trọng Trì, Nguyễn Mười Uyển, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Thị Vĩnh (tức Nguyễn Thị Minh Khai) Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Nhạ, Nguyễn Thị Nhuận v.v… Về dạy học ở Vinh, Hà Huy Tập càng có điều kiện liên kết với anh em và bạn bè xa, gần, cùng hội cùng thuyền, cùng chí hướng như Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Đình Kiên, Lê Huân và Tôn Quang Phiệt. Vào thời gian này, đồng chí Lê Duy Điếm sau khóa đào tạo lớp chính trị đặc biệt ở Quảng Châu Trung Quốc, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về Nghệ - Tĩnh để tuyên truyền, tuyển chọn và dẫn đường, đưa một số thanh niên Nghệ Tĩnh sang tham dự lớp huấn luyện chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Trước khi thầy giáo Trần Phú và Nguyễn Ngọc Ba (Trường Cao Xuân Dục) cùng một số thanh niên Nghệ - Tĩnh được tổ chức cử đi dự lớp huấn luyện chính trị do Lê Duy Điếm dẫn đường sang Quảng Châu Trung Quốc, mọi công việc cách mạng của tổ chức Hội Phục Việt (lúc bấy giờ Hội đã đổi tên là Hội Hưng Nam) ở khu vực Vinh - Bến Thủy đều được bàn giao lại cho thầy giáo Hà Huy Tập đảm nhiệm. Trước khi thầy Hà Huy Tập về dạy ở Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh, Vinh Bến Thủy đã trở thành điểm nóng của phong trào cách mạng. Đó là phong trào đấu tranh của công nông và học sinh các trường đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu (1925), phản đối thực dân Pháp xử bắn anh Phan Văn Thân và Nguyễn Văn Đìu, mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), đấu tranh của học sinh các trường đòi tẩy chay Hồ Đắc Khải. Hà Huy Tập luôn giúp đỡ anh chị em công nhân trong các nhà máy như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Duệ, Lê Thị Vi Ninh, và nhiều công nhân khác. Hà Huy Tập tuyên truyền, giác ngộ và đưa họ vào hoạt động có tổ chức, xây dựng một đội ngũ nòng cốt, hăng hái tham gia mọi hoạt động của tổ chức đoàn thể (3). Ngoài công việc mở lớp học dạy chữ cho công nhân và thợ thuyền tại các xóm thợ Trường Thi, Bến Thủy, Bến Đền, khu vực Cổng Chốt, Hà Huy Tập còn giảng giải tác phẩm “Đường Kách mệnh” và các bài viết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đăng trên “Báo Thanh niên”, phương pháp làm cách mạng, vận động quần chúng đấu tranh. Những buổi học và trao đổi chính trị thời cuộc của Hà Huy Tập đã giúp cho những người công nhân tiêu biểu trong các nhà máy như Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu và nhiều công nhân khác thêm sáng mắt sáng lòng. Cũng như các thầy Trần Phú, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, để giúp cho học trò có các buổi học ngoại khóa, hiểu thêm về mảnh đất và con người, truyền thống đấu tranh của ông cha trên mảnh đất Lam - Hồng, thầy Hà Huy Tập thường tổ chức cho học trò đi tham quan các Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Những buổi học dã ngoại là cơ hội rất tốt để thầy tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng của ông cha trên quê hương Xứ Nghệ. Cảm phục tinh thần và tình yêu thương của thầy Hà Huy Tập đối với học trò, các em học sinh luôn khắc sâu những lời thầy dạy, không ngừng học tập và rèn luyện đạo đức để khi lớn lên sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Các bậc cha mẹ của học trò vì quý mến thầy, không chỉ làm theo lời khuyên của thầy mà còn tìm cách giúp đỡ  thầy cả tinh thần lẫn vật chất (4). Để đưa học sinh vào nền nếp, thầy Hà Huy Tập đã tổ chức cho học trò trường Cao Xuân Dục đồng loạt đội mũ ca lô đỏ trong giờ tập thể dục. Việc Hà Huy Tập viết báo tuyên truyền, in ấn truyền đơn cùng các hoạt động chính trị đã “gây rối loạn” trong nhà trường và xã hội.

Ngày 18-3-1927, được tổ chức Hội Hưng Nam giao nhiệm vụ, Hà Huy Tập đã lãnh đạo, vận động tuyên truyền, rải truyền đơn, viết báo kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, học sinh trong các trường, tổ chức mít tinh để truy điệu nhân ngày giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh với quy mô hàng ngàn người tham gia. Thực ra đây là một cuộc mít tinh diễu hành thị uy lực lượng của Nhân dân khu vực Vinh - Bến Thủy dưới sự lãnh đạo của tổ chức Hội Hưng Nam. Với cách tổ chức chặt chẽ, hàng ngàn người tham gia, cuộc biểu tình tại chùa Diệc để làm lễ cầu siêu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh đã có một tiếng vang lớn. Để có được thành công đó, thời gian trước, Hà Huy Tập và ban lãnh đạo Hội cùng các anh chị học sinh của hai trường Trường Quốc học Vinh và Cao Xuân Dục như Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Siêu Hải, Nguyễn Duy Trinh và nhiều người tích cực khác đã có nhiều buổi họp kín tại chùa Diệc để bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận. Tổ chị em phụ nữ do Nguyễn Thị Vĩnh phụ trách lo việc xin vải, may hàng ngàn băng tang đem phát cho mọi người đeo trong buổi lễ truy điệu. Công việc tuyên truyền, in ấn truyền đơn báo chí do Nguyễn Tiềm, Siêu Hải và Chu Văn Biên đảm nhiệm. Công việc nặng nề nhất là chuẩn bị nội dung bài diễn thuyết và trực tiếp thực hiện là thầy Hà Huy Tập. Để theo dõi mọi hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập và tổ chức Hội Hưng Nam, thực dân Pháp đã cho bọn mật thám cải trang làm dân thường đi dự lễ truy điệu, theo dõi và ghi danh sách những người lãnh đạo. Ngoài các thầy Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch thì hàng chục học sinh của hai trường như Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Mười Uyển, Nguyễn Thị Vĩnh, Siêu Hải, Nguyễn Trương Thúy, Nguyễn Trương Khoát v.v… đều bị đuổi học. Sau vụ lãnh đạo, diễn thuyết tuyên truyền trước hàng ngàn nhân dân tại chùa Diệc, hồ sơ mật thám Pháp theo dõi mọi hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập càng dày thêm. Trong bản hồ sơ của mật thám số 189/C, ngày 3-11-1926 của Công sứ Vinh gửi Chánh Sở học chính miền về nội dung hoạt động của Hà Huy Tập đã ghi như sau: “Để ông có một ý niệm về các hành vi của viên trợ giáo này, tôi xin nêu một ví dụ:.Anh ta cho học trò đội mũ ca lô đỏ trong giờ tập thể dục, như thể là để làm tiền thân cho các đội học sinh Cộng sản. Thật vô cùng đáng tiếc rằng Nhà nước buộc phải dung thứ trong ngành giáo dục chính những kẻ như anh này chỉ có mỗi mục đích là chuẩn bị đấu tranh chống chính phủ và giải pháp tốt nhất sẽ là thải hồi anh ta khi đang còn kịp ” (5).

Các thầy giáo Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng và Hà Huy Tập đã bị Đốc học Vinh gọi lên khiển trách, hết đe dọa đến mua chuộc dụ dỗ. Không lay chuyển được tinh thần và ý chí gang thép của các thầy giáo Trường Cao Xuân Dục, thực dân Pháp đã lệnh Đốc học Vinh đuổi các thầy Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng và Trần Mộng Bạch ra khỏi thành phố Vinh để tách khỏi địa chỉ đỏ. Thầy Hà Huy Tập bị Đốc học Vinh ký lệnh chuyển rời xa thành phố Vinh, phải lên dạy ở Kẻ Bọn, vùng miền núi rừng thiêng nước độc của phủ Quỳ Châu Nghệ An, sát biên giới Việt Lào.

Biết rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, thầy Hà Huy Tập đã kiên quyết đấu tranh để chống lệnh đuổi ba thầy giáo không được dạy học ở thành phố Vinh. Tổ chức Hội Hưng Nam đã lãnh đạo Nhân dân và học sinh các trường đấu tranh, yêu cầu thực dân Pháp phải bỏ lệnh đã ban hành đối với ba thầy giáo Trường Cao Xuân Dục. Cuối tháng 3-1927, để bảo vệ đồng chí Hà Huy Tập thoát khỏi bọn mật thám rình mò theo dõi và có thể còn bị ám sát thủ tiêu, tổ chức Hội Hưng Nam đã cử Hà Huy Tập và Nguyễn Đình Kiên vào hoạt động ở Nam Kỳ, cùng đồng chí Phan Đăng Lưu xây dựng, tổ chức và thành lập Kỳ bộ Hội Hưng Nam ở Sài Gòn - Chợ Lớn…

Mặc dù thầy giáo Hà Huy Tập dạy học và hoạt động ở thành phố Vinh không lâu, nhưng những việc làm của thầy đã có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhân cách của học trò và Nhân dân thành phố Vinh nói riêng, Nghệ - Tĩnh nói chung. Tinh thần yêu nước và khí tiết của đồng chí Hà Huy Tập như ngọn lửa thiêng, mãi mãi thắp sáng trên quê hương Xô viết, quê hương Bác Hồ.

Chú thích:

 1. Họ là những thanh niên trí thức quê Nghệ - Tĩnh đã từng học và dạy học tại Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh và Trường Quốc học Vinh, là những người đi gieo mầm cách mạng từ ngày đầu dựng Đảng.

2. Trích hồ sơ mật thám Pháp theo dõi Hà Huy Tập số 193 của Công sứ Vinh do L.Marty gửi Khâm sứ Trung Kỳ. (hiện lưu trử tại Bộ Công an)

3. Anh chị em trong các nhà máy ở Vinh Bến Thủy được đồng chí Hà Huy Tập dìu dắt đã trở thành những người cộng sản lớp tiền bối, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đấu tranh trong những năm 1930-1931.

4. Trong quá trình nghiên cứu về thời kỳ đồng chí Hà Huy Tập dạy học và hoạt động cách mạng ở Vinh Bến Thủy, chúng tôi đã sưu tầm được khá nhiều hiện vật của đồng chí Hà Huy Tập sử dụng và một số kỷ vật mà các bậc phụ huynh kính tặng thầy để tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy đối với thế hệ trẻ trên quê hương Nghệ - Tĩnh. Hiện nay các kỷ vật của đồng chí Hà Huy Tập đang trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng XVNT ở thành phố Vinh.

 5. Hồ sơ Mật thám Pháp theo dõi đồng chí Hà Huy Tập lưu tại kho tư liệu cơ quan Bảo tàng XVNT                                                        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443472

Hôm nay

230

Hôm qua

2333

Tuần này

21285

Tháng này

218646

Tháng qua

112676

Tất cả

114443472