Góc nhìn văn hóa

Những sáng kiến chấn hưng văn hóa đọc

 

“Không có sách không có tri thức” (V. Lênin)

 Thực trạng văn hóa đọc hiện nay

So với các cường quốc đọc sách (giấy) như Ixrael, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc... chưa kể các nước lân cận trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc thì sự đọc sách của người Việt Nam đang tụt hậu, tụt dốc thê thảm. Có thể coi là sự xấu hổ quốc thể. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay mỗi người dân Việt Nam đọc trung bình 01 (làm tròn số) sách/1 năm. Nhìn ra khu vực (Đông Nam Á, châu Á) và thế giới, thực trạng đó đang rung tiếng chuông báo động đỏ (như nạn cháy rừng hay bão lụt vậy). Internet, mạng xã hội, ngành công nghiệp giải trí và vô vàn trò chơi hấp dẫn khác đang “cướp đoạt” khách hàng của văn hóa đọc. Thế giới ảo dường như đang ở thế thượng phong. Giới nghiên cứu xã hội học đang cảnh báo về nguy cơ “tuyệt chủng của báo giấy trước sức tấn công vũ bão của các loại hình báo (điện tử, hình, tiếng).

 Một người cắm cúi đọc sách (giấy) trong một không gian - thời gian cụ thể nào đó bây giờ đã trở nên hình ảnh hiếm hoi, thay vào đó là sự ngự trị của cách đọc trên điện thoại thông minh (smartphone) hay máy tính bảng (ipad). Có lẽ vì thế mà độ tinh nhanh của đôi mắt của lớp trẻ (nhất là học sinh THCS và THPT) trở nên kém đi rất nhiều so với các thế hệ trước. Ngành kính (mắt) trở nên phát đạt có lẽ từ nguyên do sâu xa này (chưa tính đến tác động của môi trường ô niễm bụi). Phải chăng là một chuyện “không muốn viết” như văn tài Nam Cao đã hạ bút.

Tủ sách gia đình - nhìn từ truyền thống

Ở các đô thị lớn hiện nay, ý tưởng về một “Tủ sách gia đình”, thực sự không phải là một sáng kiến mà là một động thái chấn hưng văn hóa đọc. Từ trong quá khứ, với truyền thống văn hiến - văn hóa - văn chương, những dòng họ nổi tiếng đã hiện thực hóa một cách căn cơ “Tủ sách gia đình” (họ Nguyễn Trường Lưu, Hà Tĩnh, là một ví dụ). Theo Cổng thông tin Thanhuytphcm (3/7/2022), kế hoạch lập tủ sách gia đình đang được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, bởi vì “Tủ sách có thể là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình”, vì Tủ sách gia đình là “một biểu tượng mang tính văn hóa của gia đình”. Tủ sách gia đình, trong quan niệm hiện đại, không chỉ có sách về văn học nghệ thuật mà có thể mở rộng sang các lĩnh vực văn hóa - lịch sử - tôn giáo... Trong chiến lược quốc gia về “Gia đình văn hóa”, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nên đặc biệt quan tâm đến Tủ sách gia đình. Tuy nhiên, với vùng sâu vùng xa thì ý tưởng về Tủ sách gia đình là không khả thi. Nên chăng là Thư viện cộng đồng (hay công cộng)?! Vì thế, người cán bộ văn hóa cơ sở sát dân nhất và mỗi công dân lại phải có sáng kiến phù hợp với thực tiễn.

 Nhưng ai sẽ “chủ trì” Tủ sách gia đình? Tất nhiên phải là bậc phụ huynh - bố mẹ. Lấy kinh nghiệm của người Do Thái ở quốc gia Israel để học hỏi. Trong mỗi gia đình Do Thái ở đất nước này đều có một Tủ sách gia đình, được truyền từ đời này qua đời khác (xem thế biết sách là bảo vật). Tủ sách gia đình thường được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn thấy từ khi còn nằm nôi. Phụ huynh thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho trẻ em chú ý, hay nói quyến rũ cũng đúng. Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, các bà mẹ Do Thái đã gieo cho con cái tiềm thức về sự “ngọt ngào” của sách bằng cách nhỏ vài giọt mật lên những trang sách và cho trẻ liếm. Cha mẹ người Do Thái luôn dành thời gian làm tình nguyện viên đọc sách cho trẻ. Mỗi tối trước khi trẻ ngủ, bố mẹ đều đặn đọc vài ba truyện về danh nhân, khoa học thường thức hay cổ tích. Hình ảnh này gợi sự đối nghịch với người Việt Nam hiện nay, thường ban đêm bố mẹ, con cái mỗi người một hướng “ôm” một smartphone, “chui sâu leo cao” vào thế giới ảo. Một sự “chia rẽ” và tổn thương vô tình. Nếu kéo dài sẽ hệ lụy bởi trẻ nhỏ hay lấy người lớn làm gương.

Thư viện tư nhân mở hướng văn hóa đọc

“Thư viện Nguyễn Văn Hưởng - một địa chỉ văn hóa mới” (theo An ninh Thế giới cuối tháng, 3/2023). Có thể nói Thư viện tư nhân mang tên Nguyễn Văn Hưởng (Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) là một thư viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn nhất và chuyên nghiệp nhất hiện nay. Thư viện chính thức ra mắt phục vụ bạn đọc từ trung tuần tháng 7 năm 2019. Thư viện lưu giữ hơn 10.000 bản sách và tạp chí bằng tiếng Anh, hơn 7.000 tựa sách tiếng Việt về các lĩnh vực chính trị - lịch sử - văn hóa - kinh tế Việt Nam, hơn 1.600 bản số hóa báo chí và sách từng xuất bản tại Việt Nam trước đây, gần 300 tấm bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ, nhiều tài liệu giải mật của chính phủ Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam... Để xây dựng thư viện này chủ nhân của nó phải kỳ khu về kế hoạch, cũng “lao tâm khổ tứ”, và cũng cần nhiều nhân lực vật lực được huy động trong thời gian dài và điều hành khoa học.

Theo dientu@hanoimoi.com.vn (23/7/2022): Nghệ sỹ Lê Cát Trọng Lý chia sẻ về một dự án Thư viện tư nhân mà chị sẽ thực hiện, đã nhận được sự quan tâm của nhiều người yêu sách vì thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là mô hình của văn hóa đọc tương lai cần được ủng hộ, khuyến khích và nhân rộng. Dự án phòng đọc Little Li có các đầu sách triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử, thần học. Nghệ sĩ trẻ chia sẻ: “Nhà sách thì có nhiều nhưng có quá nhiều sách và người chưa có thói quen đọc sách sẽ phải ngụp lặn trong đó. Ở thư viện nhỏ này, sách đã được tuyển chọn. Ở đó, mọi người đã được giới thiệu sách theo thư mục. Ai cũng tin rằng đoc sách là tốt, nhưng không dễ để có văn hóa đọc và có cộng đồng bạn đọc cùng. Lý muốn tạo dựng cộng đồng nhỏ như thế”.

Thư viện cộng đồng - sự năng động của văn hóa đọc

Ông Nguyễn Văn Lạc đang phục vụ các cháu học sinh tại thư viện xóm 2, xã Bắc Thành.

Ông Nguyễn Văn Lạc là một cán bộ trong ngành Văn hóa Nghệ An lâu năm, từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Thành. Ngay sau khi nghỉ hưu (năm 2012), ông đã vận động khắp nơi để cho ra đời tủ sách tại Nhà văn hóa xóm 2, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Từ tủ sách với vài trăm bản sách ban đầu, nay đã phát triển thành Thư viện xóm 2, xã Bắc Thành với hơn 4.000 bản sách cố định và thêm nguồn sách luân chuyển từ Thư viện huyện Yên Thành cùng Thư viện tỉnh Nghệ An. Tại đây, sách được xếp theo chuẩn nghiệp vụ của Thư viện và những quyển sổ theo dõi mượn trả rất khoa học. Trung bình mỗi ngày có trên 30 cháu học sinh đến với thư viện, mùa hè thì đông hơn. Không chỉ có các em học sinh mà các cụ cao tuổi và nhiều phụ huynh cũng đã đến đây mượn sách về sức khỏe, kĩ thuật nông nghiệp, tâm lí lứa tuổi, cách nuôi dạy con… về đọc. Đã hơn 70 tuổi nhưng ông Lạc vẫn tâm huyết với vai trò “thủ thư” thư viện cộng đồng xóm 2, vẫn bền bỉ xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ở miền quê lúa Yên Thành, Nghệ An giàu truyền thống hiếu học và hiếu đọc.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) vốn là giảng viên khoa Lịch sử. Ông đam mê sách vở, văn chương từ hồi còn học sinh phổ thông. Nhưng quê ông nghèo, toàn những “gió Lào cát trắng”. Nay có điều kiện, ông thương học trò quê mình, nên cũng đã gắng gỏi giúp địa phương xây dựng tủ sách cộng đồng. Kết quả thật mỹ mãn, tại quê nhà (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), ông đã xây dựng một thư viện cộng đồng quy mô mang tên “Thư viện sách Nguyễn Quang Liệu”, gần 4.500 cuốn thuộc các thể loại, lĩnh vực, cùng số tiền mặt 50 triệu đồng mua sắm trang thiết bị tối thiểu. Tủ sách này do Hội Khuyến học xã quản lý. Phát huy tinh thần vì sự nghiệp trồng người, PGS-TS Nguyễn Quang Liệu tiếp tục kế hoạch xây dựng tủ sách cộng đồng ở xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh với gần 1.000 cuốn sách nhiều chủng loại, lĩnh vực. Điều đáng nói là ở cả hai thư viện - tủ sách cộng đồng này có đến 1/3 sách văn học (theo baohatinh.com.vn). Là đồng hương thân thiết của PGS-TS Nguyễn Quang Liệu, tôi đã ủng hộ 300 cuốn sách văn học (chủ yếu là sách truyện Việt Nam). Vì những hoạt động tích cực trên lĩnh vực giáo dục - văn hóa, PGS-TS Nguyễn Quang Liệu đã được Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”.

Báo Thời báo Văn học nghệ thuật (Cơ quan của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) gần đây cũng đã thực hiện chương trình xây dựng “Thư viện cộng đồng”. Địa chỉ đến của chương trình là các trường học (THCS và THPT) vùng sâu, vùng xa. Kế hoạch gần nhất của chương trình này là xây dựng “Tủ sách cộng đồng” giúp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhân rộng văn hóa đọc bởi ở đó có nhiều chiến sỹ trẻ khao khát tiếp xúc với văn chương dân tộc. Bản thân tôi cũng đã góp vào các chương trình văn hóa này 100 cuốn (chủ yếu là sách truyện Việt Nam).

Mấy sự kiện trên là do tôi trực quan sinh động, góp sức tự giác. Nó nảy nở trong tôi những ý nghĩ nhỏ, muốn chia sẻ với nhiều người. Chúng ta thường thích chỉ trích nhưng ít chịu hiến kế và đóng góp vào sự tiến bộ chung. Nay hãy cùng nhau làm những việc “nhỏ” như thế, sẽ cảm nhận được cái bình thường là nền tảng của cái phi thường. Để thấm thía chân lý giản dị về văn hóa là “cách chung sống cùng nhau”.

 “Tiết học hạnh phúc” nâng tầm văn hóa đọc

“Tiết học hạnh phúc” nằm trong tổng thể chương trình xây dựng “Lớp học hạnh phúc”, “ Trường học hạnh phúc” (rộng ra là “Quốc gia hạnh phúc”). Để cho “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” ngành giáo dục, nhà trường và thầy, cô giáo phải phát huy nhiều sáng kiến. “Tiết học hạnh phúc” là một sáng kiến của ngành giáo dục Thủ đô. Hiện nay đã trở thành chủ trương chung, mỗi tuần nhà trường dành hẳn 01 tiết học chính khóa cho học sinh đọc sách dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo bộ môn. Có thể nói, nếu “Tiết học hạnh phúc” được hiện thực hóa bền vững thì căn đế của giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng bền vững. Chúng ta mất quá nhiều thời gian tranh biện về “triết lý giáo dục”, nhưng cái hạt nhân “khai phóng” của nó thì lại lơ là. Đơn vị cơ bản của sự dạy và học chính là “Tiết học hạnh phúc”. Cũng như cuộc đời mỗi người dẫu lắm bể dâu thì cũng không hiếm những khoảnh khắc rực sáng, ở đó con người được thăng hoa, hạnh phúc, trở nên thông minh hơn./.

(Bài đăng trên VHTTNA số 09/2023)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528676

Hôm nay

257

Hôm qua

2275

Tuần này

2949

Tháng này

215372

Tháng qua

0

Tất cả

114528676