Góc nhìn văn hóa

Nông thôn… suy tư

Nông thôn hiện nay thật sự đang rất đáng suy tư. Những ai quan tâm đến phát triển nông thôn đều suy tư và càng cần phải suy tư hơn nữa để tránh những thành tích chói lọi làm hạn chế tầm nhìn. Bởi dù ở thời điểm nào, nông thôn vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Chúng ta đã nói nhiều về một “nông thôn truyền thống” với cây đa, bến nước, mái đình. Nhưng thật sự hiện nay, nông thôn truyền thống nay chỉ là ký ức mà thôi. Mỗi lần ngồi với những người lớn tuổi, đều nghe các cụ kể về “làng tôi”, “làng ta”, về “quê hương” xưa kia một cách đầy tự hào, cho dù có khi hiện tại họ vẫn đang sống ngay chính chỗ họ đã được sinh ra ấy thôi. Nghĩa là họ đang nhớ lại một làng quê trong ký ức của họ. Và nhiều người xem đó là nông thôn truyền thống. Cấu trúc của nông thôn truyền thống không chỉ là cây đa - bến nước - mái đình, vốn phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, mà đa dạng hơn nhiều. Như làng tôi ở trung du Nghệ An, không có cây đa nhưng quanh làng đầy rẫy những bụi tre, những dãy tre. Tre bao quanh làng, giống như một bức tường tự nhiên bảo vệ làng. Lũ lụt có tràn vào làng thì cũng phải qua được lũy tre kiên cố. Tre cũng che nắng cho người dân những lúc ra khỏi nhà. Quanh làng tôi có nhiều ao hồ, nước trong veo, không chỉ là nguồn chứa nước mà còn cung cấp rất nhiều lợi ích khác cho con người. Nhưng rồi sau ba thập kỷ, những thứ đó biến mất một cách triệt để. Các làng xung quanh cũng tương tự vậy. Nhưng nhìn rộng ra, mỗi vùng quê, mỗi làng có một cấu trúc riêng, đặc biệt là cấu trúc văn hóa. Hơn nửa thế kỷ qua, hầu hết mọi làng quê đã thay đổi, cảnh quan tự nhiên lẫn cấu trúc văn hóa của làng đều thay đổi nhanh chóng. Làng quê truyền thống, có lẽ chỉ còn trong ký ức của những con người cụ thể mà thôi.

Nông thôn có gì ngoài bê tông? Hơn một thập kỷ xây dựng nông thôn mới, gần như mọi làng quê đều thay đổi theo một hướng chung: đó là bê tông hóa. Những con đường làng thường trở nên lầy lội sau mỗi trận mưa đã hoàn toàn đi vào dĩ vãng. Hiện nay, nông thôn được bao phủ bởi một hệ thống đường bê tông kiên cố. Với nhiều cách làm khác nhau, từ Nhà nước và Nhân dân cùng làm, doanh nghiệp và địa phương cùng làm, hay làng xóm cùng chung tay làm đường bê tông… mà chỉ trong vòng một thập kỷ ngắn ngủi, nông thôn thật sự được bê tông hóa. Làng nào cũng có đường bê tông, ngõ bê tông, cổng bê tông. Từ miền xuôi đến miền ngược, hàng triệu cây số đường bê tông được dựng nên. Đây là chỉ tiêu, là tiêu chí của nông thôn mới, cũng là sự biểu hiện của hiện đại hóa. Bê tông làm cho việc đi lại thuận tiện hơn, con người đỡ vất vả hơn mỗi khi mưa về, lũ đến. Nhưng bê tông nhiều cũng làm cho nông thôn nóng hơn, nhiệt độ không ngừng tăng lên và các kỷ lục độ nóng cũng xuất hiện và thay đổi liên tục.

 

Bê tông hóa đường và bờ rào làm cho làng quê thô kệch, mất dần đi vẻ đẹp mềm mại.

Nông thôn có gì ngoài mái tôn? Cái ký ức về nông thôn truyền thống, về sự nghèo đói với những ngôi nhà tranh lụp xụp cũng dần phai nhạt. Nông thôn hiện nay, nhà cửa khang trang. Nhà ngói đang dần ít hơn, nhà cao tầng xuất hiện liên tục. Nhưng cái tăng nhiều nhất có lẽ là mái tôn. Cái thời lợp tranh đã vào dĩ vãng. Cái thời “mái ngói vàng tươi” cũng đang dần thu hẹp lại. Mái lợp phơ-rô cũng chỉ xuất hiện trong một giai đoạn ngắn mà thôi. Thay vào đó là mái tôn. Nhà nhà đều có mái tôn. Từ nhà cấp 4 hay nhà cao tầng thì cũng có mái tôn. Rồi sân cũng lợp mái tôn. Rồi các không gian khác, bao gồm cả các công trình phụ hay cổng nhà cũng được mái tôn che kín. Ở nông thôn, mỗi hộ gia đình ít nhất cũng có hơn trăm mét vuông mái tôn. Nếu lên trên cao nhìn xuống, cả làng như một lò hấp nhiệt nhỏ mà mái tôn là thứ đón ánh nắng chói chang từ trên trời rọi xuống. Và nghĩ rộng hơn, cả khu vực nông thôn hiện nay như một siêu lò hấp thụ nhiệt. Cây cối ngày càng ít hơn. Các ao hồ chứa nước cũng ngày càng ít hơn. Mái tôn thì tăng lên theo cấp số nhân. Vậy nên, nhiệt độ tăng, nóng hơn cũng là điều dễ hiểu.

Nông thôn có sạch hơn? Đường làng được bê tông hóa. Nhà cửa, sân, cổng được lớp mái tôn. Cảnh quan nông thôn nhìn sạch sẽ hơn, hiện đại hơn đấy. Nhưng thực sự nông thôn có sạch hơn trước đây hay không? Những hình ảnh như các vũng bùn lầy sau mưa, rồi phân gia súc chăn thả rong, rồi mùi hôi thối từ các chuồng chăn nuôi hay các công trình vệ sinh của các hộ gia đình… hiện nay gần như không còn. Nhưng nông thôn thì không sạch hơn ngày trước. Ngày trước, dù coi là bẩn, thì người ta lúc khát vẫn có thể lấy nước sông hay nước ao hồ để uống, nông dân đi làm đồng dùng nón để chắt nước từ ruộng lên uống mà không hề gì. Bây giờ, lại không ai dám uống trực tiếp do hàng triệu tấn hóa chất bảo vệ thực vật đã được đổ vào môi trường đất, nước để đổi lại hàng khối lương thực. Những lùm cây, bụi cỏ, những cánh đồng, đồi núi hay bờ sông, ngày trước trẻ con vẫn nằm lăn nằm lóc, vẫn chơi đùa nghịch ngợm, nay người ta lại không dám như vậy. Rõ ràng các chất bẩn đang từ sự hiển hiện mà ai cũng thấy được chuyển sang sự hiện diện mờ ảo hơn, kín hơn, không thấy được nhưng ai cũng biết và sợ. Những bãi rác thải khổng lồ đang hình thành ở các vùng nông thôn, và chủ yếu là những rác thải khó phân hủy. Những điều đó chứng tỏ rằng: nông thôn hiện nay không sạch!

Những bãi rác khổng lồ đang hình thành ở các vùng nông thôn

Nông thôn của người già và trẻ em? Nông thôn từng và có lẽ sẽ luôn là thành trì vững chắc bảo vệ đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cũng như cho tương lai mai sau. Hình ảnh nông thôn từng gắn với những con người lao động khỏe khoắn, căng tràn sự sống, căng tràn sức mạnh. Ở đó, những chàng lực điền hay những cô thôn nữ, dù to lớn hay mảnh mai, cũng luôn mang trong mình một sức mạnh cả thể chất lẫn tinh thần. Họ lao động chăm chỉ, ý chí vươn lên mạnh mẽ, và nhất là luôn đứng vững trước những thách thức của quê hương. Nhưng hiện nay, về nông thôn, chúng ta gặp những ai trong đó? Thật sự thì, chỉ có người già và trẻ em đang là chủ nhân của nông thôn. Những người già không-thể-rời-quê được nữa nên chấp nhận ở lại làm việc nhẹ, trông cháu và chấp nhận vui vẻ những ngày tháng cuối đời ở nơi chôn rau cắt rốn. Những đứa trẻ, chưa-thể-rời-quê còn phải ở lại để học tập, để chờ đến lượt mình trưởng thành và sẽ… rời quê nhà đi ra ngoài kiếm sống. Nghĩa là những con người trưởng thành, khỏe mạnh, đang trong độ tuổi lao động rất ít khi ở lại quê nhà. Đây là một hiện thực rất cần quan tâm. Nông nghiệp đang dần được hiện đại hóa, sức lao động con người đang dần được thay thế. Nên người ta lại càng rời quê đi làm ăn xa nhiều hơn, chủ yếu là ra các đô thị để mưu sinh. Trong làng, chỉ còn lại người già và trẻ em là một điều đang suy tư. Trước đây, khi làng có chuyện, từ thiên tai lũ lụt, hay cháy nhà thì lực lượng thanh niên luôn đi đầu trong việc bảo vệ, khắc phục. Còn bây giờ, lấy ai giữ làng?

Làng quê, nông thôn rồi sẽ đi về đâu? Có lẽ nó vẫn ở đó, chỉ là với hình hài, với tính chất và cả với những con người có khác đi mà thôi. Thật sự, tương lai nào cho nông thôn vẫn còn là một câu hỏi khó, một vấn đề mà hầu hết đều quan tâm nhưng không dễ gì giải quyết. Chúng ta đang xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới thông minh… Hàng loạt các thuật ngữ, các mĩ từ được đưa ra và độ phổ biến trên các kênh thông tin truyền thông ngày càng tăng lên. Nhưng thế nào đi chăng nữa nó vẫn không thể hiện hết được bản chất của một nông thôn vốn dĩ vô cùng phức tạp. Chúng ta không thể phủ nhận thành quả to lớn trong phát triển nông thôn, nông nghiệp và nông dân của Đảng, Nhà nước và người dân trong nhiều năm qua. Bởi nếu phủ nhận nó là có tội với các thế hệ cha anh đi trước. Nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo, đừng để bị những thành tích, nhưng con số đánh lừa. Sự phát triển vô cùng phức tạp, nhất là phát triển nông thôn bởi nó đa dạng và phức tạp. Mọi thành tựu cũng gắn với những nỗi lo âu. Đường sá được bê tông hóa, nhà cửa được mái tôn hóa thì sạch sẽ, khang trang hơn nhưng cũng làm cho nhiệt độ tăng lên, môi trường nóng lên và nhiều hệ lụy khác. Nông nghiệp phát triển, năng suất và sản lượng nông sản tăng lên nhanh chóng, nhưng môi trường nông thôn cũng bị ô nhiễm nặng nề hơn và nguy cơ bệnh tật cũng đe dọa sức khỏe và tính mạng con người nhiều hơn. Công việc ngày một đa dạng hơn, con người có nhiều cách để mưu sinh, không phải chấp nhận mỗi bán mặt cho đất bán lưng cho trời như trước kia nữa, nhưng cũng làm cho sức phòng vệ của nông thôn trở nên yếu ớt hơn khi mà chỉ còn lại người già và trẻ em là chủ yếu. Tất cả những vấn đề đó cần phải được suy tư. Suy tư về những cái bất cập, những hạn chế, những tiêu cực không phải là để phủ nhận thành tựu, mà là để tìm ra những con đường, những định hướng phát triển phù hợp và hiệu quả. Mà không chỉ suy tư, còn phải hành động để tìm và đi đúng hướng. Một nông thôn giàu đẹp và vững mạnh luôn là mong ước của mọi người và cũng là sức mạnh thật sự của đất nước. Nhưng bên cạnh giàu đẹp thì còn phải sạch và khỏe./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528674

Hôm nay

255

Hôm qua

2275

Tuần này

2947

Tháng này

215370

Tháng qua

0

Tất cả

114528674