Góc nhìn văn hóa

Nước mắt đàn ông ở Trung Quốc thời Tống (960-1279) - Kỳ cuối

Tranh vẽ Chu Hy - nhân vật nổi tiếng với những giọt lệ đức hạnh

 

VI. Nước mắt đạo đức

Trong hai phần trước, tôi đã thảo luận về sự hữu hiệu của nước mắt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những nam nhân tinh hoa thực hành quyền lực. Rõ ràng, những chức năng này đều có hàm ý mạnh mẽ về mặt đạo đức. Thể hiện lòng trung thành của kẻ bề tôi và bảo vệ quê hương về bản chất đều là những mục tiêu đạo đức, và nước mắt, do vậy, trở thành một cách biểu đạt thực tế cho phẩm hạnh đạo đức. Không có nhà triết học nào ở thời Tống đưa ra một nhận định mang tính hệ thống về việc khóc, nhưng những diễn ngôn Nho giáo và Tân Nho giáo kỳ thực lại hỗ trợ hữu ích cho nhận định rằng hành động khóc mang những ý nghĩa tích cực xét theo tâm lý học đạo đức.

Mối liên hệ giữa khóc và đạo đức là một khía cạnh quan trọng nữa của ý nghĩa mang tính chất phân định giới tính ở những giọt nước mắt của nam nhân. Bá quyền của kẻ sĩ bao gồm quyền lực về mặt chính trị và uy thế tối cao về mặt đạo đức, và những thứ được phân loại học thời hiện đại khu biệt thành triết lý chính trị và luân lý đều được gắn trong diễn ngôn chặt chẽ của Nho giáo. Đó là tầng lớp tinh hoa về văn hóa khẳng định sự thống trị một phần là nhờ việc quy định những giá trị đạo đức với sự phối hợp mật thiết với thực hành chính trị của họ.

Một số học giả đã lưu ý rằng sức mạnh đạo đức là một chỉ dấu quan trọng của loại nam tính văn. Bret Hinsch chỉ ra lòng hiếu thảo của bậc làm con là “lý tưởng cao nhất về nam nhân”, như một đặc điểm chung cho phẩm tính đàn ông Trung Quốc trước thời kỳ hiện đại[1]. Tập trung vào nam nhân thời Tống, Martin Huang và Ronald Egan nhất trí rằng sự gắn bó sâu sắc với những lý tưởng đạo đức trở thành tiêu chuẩn để xác định một người đàn ông và bàn thảo về phẩm tính nam nhân của anh ta[2]. Beverly Bossler đặc biệt chỉ ra rằng một phẩm hạnh đạo đức - sự trung thành - giữ ý nghĩa đặc biệt đối với một nam tử hán thời Tống khao khát nam tính hoàn hảo. Sau cuộc khủng hoảng lãnh thổ, càng có nhiều người nhấn mạnh đến sự ngay thẳng về đạo đức - nhất là sự trung chính - hơn là vốn văn hóa như thể đó là thước đo chủ yếu cho phẩm tính nam nhân. Đấng nam tử lý tưởng là người không bị lay chuyển trước những lạc thú tình dục (sự trung chính ở cấp độ cá nhân) và trung thành với chính quyền nhà Tống đang gặp bất ổn (sự trung chính với nhà nước)[3].

Như vậy, nếu nước mắt phản ánh sức mạnh đạo đức của một người đàn ông, thì chắc chắn nó khiến anh ta trông nam tính hơn - một xác nhận kỳ thực được chứng minh bởi nhiều bằng chứng trong triết học. Trước hết, tình (cảm xúc) là khái niệm then chốt trong triết học đạo đức của Nho giáo, nó đặt nền tảng cho việc khóc - một hành xử cảm tính - xứng đáng có vị thế về mặt đạo đức. Trong chương trình tu dưỡng bản thân của Nho gia, tình là yếu tố quan trọng, thường xuất hiện cùng tính (tính cách) trong một cặp nhị nguyên. Trong cuộc đời mình, anh ta khao khát nhận ra sự hoàn hảo về đạo đức mà tạo hóa phú cho ở trong tính, và trong lúc ấy, anh ta vẫn không thể tránh khỏi việc phản ứng với kích thích bên ngoài thông qua những cảm xúc. Tình đóng vai trò như thế nào vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, và những nhà tư tưởng từ thuở xa xưa cho đến thời Tống đã thể hiện nhiều luồng ý kiến. Quan niệm phổ biến nhìn nhận tình là thứ quấy rầy sự tĩnh tại của tính và do đó, làm sao nhãng sự tu dưỡng đạo đức[4]. Với lối phê bình này, tình đối lập với tính mang sắc thái đạo đức với một sự tách bạch rạch ròi và bị chuyển đến mức đáng nghi ngại.

Trong khi một số nhà tư tưởng đời Tống nhất trí với đánh giá tiêu cực về tình, những người khác lại bác bỏ lối hồ nghi ấy bằng cách nhấn mạnh những đóng góp khả dĩ của nó đối với sự tu dưỡng đạo đức. Trước tiên, việc này được tiến hành thông qua cách giảm nhẹ sự tách bạch nghiêm ngặt giữa tình và tính/phẩm chất đạo đức. Tô Thức, một trong những người rơi nước mắt đã được bàn đến, cho rằng sự sắp đặt dài lâu của tạo hóa với cảm xúc của con người đã tạo nên nền tảng cho quy định về đạo đức[5]. Chu Hy, nhân vật tiêu biểu nhất của Tân Nho giáo và là người sống cùng thời với nhiều tác giả viết bút ký đã được trích dẫn trong bài viết này, đã trình bày quan điểm một cách mạnh mẽ nhằm hóa giải sự phân định ranh giới giữa tính và tình. Với Chu Hy, tính và tình đều là các thành tố trong một quá trình liên tục, vì tính không thể tránh khỏi việc biểu hiện thông qua tình. Chu Hy thậm chí còn cấp “ưu thế về mặt luân lý” cho tình bởi vì cảm xúc cung cấp những manh mối xác thực cần thiết cho sự tu dưỡng bản thân[6]. Ông cũng đánh giá mức độ thúc đẩy hành động của tình và đưa ra một nhận định táo bạo, đó là tình là nhân tố thúc đẩy duy nhất trong đời sống đạo đức[7].

Chu Hy không đơn độc trong việc nhìn nhận tình như một biểu hiện của tính, mà đây là một vấn đề đã có từ lâu trong một tranh biện thời cổ. Mạnh Tử 孟子 (372-289 TCN) đã lấy ví dụ về cái được gọi là Tứ đoan 四端 (Bốn mầm mống), ấy là Trắc ẩn 惻隐 (Biết thương hại), Tu ố 羞惡 (Biết thẹn ghét), Từ nhượng 辭讓 (Biết khiêm nhường), Thị phi 是非 (Biết đúng sai) (Mạnh Tử 2A:6). Mạnh Tử xem “các mầm mống” là tình và là những biểu hiện mới chớm nở của tính - cái đòi hỏi sự phát triển thêm nữa. Kẻ sĩ đời Tống đã biến thuyết Tứ đoan trở thành lý thuyết trọng tâm của Tân Nho giáo, tái diễn giải “các mầm mống” như những hé lộ nhất thời của tính, thường bị che khuất nhưng cần phục hồi lại[8]. Ở mỗi mô hình, tình về bản chất đều là đạo đức; quan trọng hơn, đạo đức phụ thuộc vào những cảm xúc ấy vì đó là biểu hiện ra bên ngoài, và đôi khi, vì đó là cách biểu đạt khả dĩ và tốt nhất. Mặc dù luận điểm này tập trung vào bốn tình cảm như là những tập hợp con đặc biệt của tình, nhưng nó không tránh khỏi việc phải đối diện với quan niệm tiêu cực đã đặt tình đối nghịch với tính. Bởi vì nếu một số cảm xúc phục vụ cho việc thể hiện bản chất đạo đức, thế những cảm xúc khác thì sao?[9]

Như với hành động khóc, kỳ thực, Chu Hy đã đưa ra một ví dụ về việc khóc như một cách biểu đạt bản chất đạo đức trong một bối cảnh cụ thể là tang lễ. Kể từ thuở xa xưa, khóc trong lễ tang đã nhằm mục đích “tỏ bày hết nỗi đau thương” (tận ai盡哀)[10]. Trong số những nhà tư tưởng đời Tống có viết về nghi thức trong lễ tang, Chu Hy là người tích cực phát triển vấn đề này. Chu Hy khẳng định “gào khóc, nhỏ lệ, tỏ bày hết nỗi đau thương” (khốc khấp tận ai哭泣盡哀) là yếu tố đầu tiên và trên hết trong nghi thức của tang lễ, cái “làm cho ngay ngắn” (chính ) “rường mối lớn” (đại cương 大綱) của quy định về mặt đạo đức[11]. Nghĩa là, khóc cho phép nỗi đau thương được thể hiện triệt để, đó là tiền đề để hiện thực hóa quy định về mặt đạo đức. Phát biểu này đã đặt hành động khóc và nỗi đau thương trong mối liên hệ trực tiếp, không có trung gian với những nền tảng cơ bản của đạo đức và do vậy, khiến nước mắt trở thành một biểu hiện của bản chất đạo đức.

Vì thế, với những nhà tư tưởng ủng hộ mối liên hệ tích cực giữa cảm xúc và sự tu dưỡng đạo đức, hành động khóc sẽ có ý nghĩa đặc biệt như một ví dụ cụ thể và mẫu mực. Nước mắt, kỳ thực, có thể chứng tỏ phẩm hạnh đạo đức - vấn đề mà những nhà tư tưởng như Chu Hy không chỉ lý thuyết hóa mà còn thực hành. Trong số rất nhiều thứ khiến Chu Hy được biết đến, ông nổi tiếng với vô số nước mắt đức hạnh. Chẳng hạn, Chu Hy khóc khi Lục Tượng Sơn (1139-1192), đối thủ lớn về mặt tư tưởng của ông, qua đời - một dấu hiệu cho thấy Chu Hy cầu thị và có tư tưởng cởi mở, cả hai đều là những đức tính đáng khen trong bản chất đạo đức[12].

Kết luận

Những giọt lệ của nam nhân thời Tống quả thực đầy sức nặng. Nước mắt chảy lai láng khắp các không gian công cộng và giống như một hoạt động có ý nghĩa chiến lược đối với thành công của bản thân họ và sự thịnh trị của đế chế. Nước mắt của họ hiện diện một cách nổi bật ở những thời khắc quan trọng của đời Tống và cùng nhau phác họa nên một lịch sử bình giải những nguyên tắc chính trị - xã hội bằng việc khóc. Sợi chỉ cốt lõi xuyên suốt lịch sử này chính là vai trò của hành vi khóc trong việc củng cố địa vị của kẻ sĩ với tư cách những người nắm quyền thống trị. Nước mắt tạo điều kiện thuận lợi cho những thương thảo quyền lực giữa trí thức và hoàng đế, đảm bảo vị thế đặc biệt của kẻ sĩ như là người thừa hành của chính quyền trung ương. Khóc mang đến sự gắn kết cho toàn bộ cấu trúc quyền lực, ở đó, nam nhân tinh hoa là người có địa vị cao hơn tất cả những Kẻ Khác, là người bảo vệ nền văn minh và là cầu nối giữa những vấn đề của con người và các thế lực trong vũ trụ. Để chứng minh rõ hơn sự thống trị này về mặt triết học, kẻ sĩ đã khiến nước mắt trở thành một cách tuyên bố cho sự vượt trội về mặt đạo đức, một loại ưu tú về phẩm hạnh dựa trên hệ thống chính trị - xã hội mang tính chất nam quyền. Không hẳn là sự hé lộ cho tình trạng dễ bị tổn thương, nam nhân thời Tống đã rơi nước mắt như thể đó là cách thực hành quyền lực và khẳng định sức mạnh căn bản.

Mai Thu Huyền dịch

(Nguồn: Ya Zuo, “Male Tears in Song China (960-1279)”, Journal of Chinese Studies, No. 73 (July 2021), pp.33-79)



[1] Hinsch, Masculinities in Chinese History, tr.7.

[2] Xem Martin Huang, Negotiating Masculinities in Late Imperial China, tr.13-86; và Ronald Egan, The Problem of Beauty: Aesthetic Thought and Pursuits in Northern Song Dynasty China (Cambridge, MA: Trung tâm Châu Á của Đại học Harvard, 2006), tr.369-376, nhất là tr.374.

[3] Bossler, Courtesans, Concubines, and the Cult of Female Fidelity, tr.421-425.

[4] Phần giới thiệu mang tính triết học về tình trên đây là sự diễn giải lại những luận điểm của Stephen Angle và Justin Tiwald. Xem Angle và Tiwald, Neo-Confucianism: A Philosophical Introduction (Cambridge, UK: Polity, 2017), tr.90-93. Về những bình giá của các học giả về tình, xem Curie Virág, “Emotions and Human Agency in the Thought of Zhu Xi”, Journal of Song-Yuan Studies 37 (2007), tr.64-75.

[5] Angle và Tiwald, Neo-Confucianism, tr.94.

[6] Về tất cả các luận điểm trên đây về Chu Hy, xem Curie Virág, “Emotions and Human Agency in the Thought of Zhu Xi”, nhất là tr.75-85, trích dẫn nằm ở tr.83.

[7] Angle và Tiwald, Neo-Confucianism, tr.102.

[8] Về mô hình “phát triển” của Mạnh Tử và mô hình “phục hồi” của trí thức đời Tống (mà Chu Hy là đại diện), xem Philip J. Ivanhoe, Confucian Moral Self Cultivation (Indianapolis, IN: Hackett Publishing, 2000), tr.18 và 46.

[9] Đây là một vấn đề triết học có từ lâu đời và liên quan đến trí thức Trung Quốc và các Tân Nho gia ở Đông Á nói chung, và nó lên đến đỉnh điểm trong cuộc tranh luận 4-7 nổi tiếng ở Triều Tiên vào thời Joseon. Để có một tóm lược trong thời gian gần đây về cuộc tranh luận này, xem Philip J. Ivanhoe, Three Streams: Confucian Reflections on Learning and the Moral Heart-Mind in China, Korea, and Japan (Oxford: Đại học Oxford ấn hành, 2016), tr.78-89.

[10] Tận ai thường xuất hiện trong những hướng dẫn về việc khóc trong các kinh điển. Xem một trong số các ví dụ ở Lễ ký chính nghĩa, Quyển 56, tr.428.

[11] Chu Hy, Chu Tử ngữ loại 朱子語類 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986), Quyển 55, tr.1310.

[12] Như trên, Quyển 124, tr.2979.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528675

Hôm nay

256

Hôm qua

2275

Tuần này

2948

Tháng này

215371

Tháng qua

0

Tất cả

114528675